“Gã khùng” vớt rác đại dương
Hai năm trở lại đây, hình ảnh chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ công suất hơn 1.000CV của ngư dân trẻ Trần Văn Cường mỗi lần quay về bờ, với một khoang tàu chứa đầy rác thải vớt được từ đại dương đã không còn xa lạ với người dân Thuận An, huyện Phú Vang (tỉnh TT-Huế) .
Biệt danh “Cường rác” hay “gã khùng” nhặt rác đại dương cũng ra đời từ đó.
“Gã khùng” Trần Văn Cường với đống “chiến lợi phẩm” gom nhặt được sau một chuyến đi biển Ảnh: H.Thương
Mới đây, cuối năm 2019, tại Hà Nội, “gã khùng” Trần Văn Cường (sinh năm 1991, Bí thư chi đoàn tổ dân phố Tân Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) còn được trao Giải thưởng Lương Định Của, một giải thưởng nhằm vinh danh những thanh niên nông thôn tiêu biểu có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực.
Đau đáu biển sẽ “chết” vì… rác
Ngoài những đóng góp cho cộng đồng, xã hội, cũng như các hoạt động Đoàn, Hội tại địa phương, ngư dân trẻ Trần Văn Cường được biết tới là người có hành động bảo vệ môi trường biển “không giống ai”.
Cường kể, anh theo người lớn lên tàu cá ra khơi xa đánh bắt hải sản từ 15 năm nay. Những lần ra khơi, anh tận mắt chứng kiến bà con ngư dân, khách du lịch cứ vô tư xả rác thải nhựa, chai lọ, vỏ lon xuống lòng đại dương. “Nếu ai cũng thiếu ý thức, cứ vô tư xả rác thải nhựa xuống biển như vậy, đến lúc nào đó lòng đại dương chỉ còn rác và rác. Nếu rác này không được vớt, dọn thì nguy cơ biển ô nhiễm sẽ rất cao, tôm cá sẽ không còn sống được nữa. Lúc đó, ngư dân lại là người chịu thiệt, thất thu trước tiên. Từ suy nghĩ đó, cứ mỗi lần ra khơi làm nghề, hễ thấy vỏ lon bia, chai nhựa hay bao bì nylon trôi nổi là em lại vớt lên khoang tàu, đưa vào bờ xử lý”, Cường chia sẻ.
Ban đầu nhiều người thấy anh làm như vậy tưởng anh bị “khùng”. Họ trêu chọc, thậm chí thấy anh xuất hiện là họ vứt rác xuống biển. Nhưng anh vẫn lẳng lặng vớt rác, bỏ ngoài tai những tiếng cười châm chọc. Dụng cụ “chuyên dụng” vớt rác trên đại dương của “gã khùng” Trần Văn Cường cũng khá đơn giản. Đó là những vây lưới, rổ cá bị hư hỏng được tận dụng lại thành những cần vợt, đồ chứa đựng rác. Cường ưu tiên bố trí một khoang riêng trên chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ của mình để chứa rác.
Video đang HOT
Cường cho biết, mỗi năm anh theo tàu cá gia đình đi biển hơn 6 tháng. Bình quân mỗi tháng có từ 4 đến 5 chuyến biển, đi dài ngày nhất là những đợt ra ngư trường Hoàng Sa, kéo dài đến nửa tháng. Tất cả những chuyến đi biển trở về, trên tàu cá của Cường đều có “chiến lợi phẩm” là rác thải nhựa, vỏ lon, chai lọ. Sau khi đưa lên bờ, anh phân loại để xử lý hoặc gom bán phế liệu đồng nát. Mỗi đợt như vậy, Cường thu được khoảng 300.000 đồng.
Nhặt rác để gây quỹ hiếu học
Điều đáng nói, số tiền bán vỏ lon, rác thải nhựa vớt về từ biển, Cường chuyển cho chi đoàn để gây quỹ giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn. “Số tiền thu được từ nhặt rác trên biển không nhiều nhưng lại là niềm vui đối với em, vừa có nguồn để gây quỹ cho chi đoàn, vừa làm cho biển sạch hơn. Ban đầu, thấy em làm việc “bao đồng” thế này, không ít người xì xàm, bàn tán, trêu chọc. Họ bảo rằng hơi đâu mà lo mấy chuyện đó, kiếm thêm mấy đồng mần chi. Nhưng ai chê cười cứ mặc kệ. Em thấy nó bổ ích thì làm thôi. Giá như tàu cá nào đi biển cũng nhặt rác, hoặc nhặt ở trong bờ cũng được, lúc đó biển sẽ sạch sẽ biết chừng nào”, Cường nói.
Cường mong muốn nhân rộng mô hình vớt rác trên biển ra nhiều tàu cá khác trong toàn tỉnh TT-Huế và các tỉnh bạn. “Mong muốn là vậy nhưng em thấy tiếng nói của mình chưa đủ trọng lượng để tác động đến nhiều người. Em mong trên mỗi tàu cá phải có ít nhất một thùng rác bằng inox để đựng các bao bì ni lông, tránh vứt thẳng xuống biển ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Đó cũng là cách để làm sạch môi trường biển và ven bờ biển mà không cần nhiều đợt ra quân làm vệ sinh bãi biển hằng tuần như hiện nay”, Cường chia sẻ.
“Gã khùng” Trần Văn Cường còn cho biết, ở một số tỉnh ven biển, ngư dân đã tổ chức theo hội nhóm để tuyên truyền, vận động, yêu cầu cam kết không vứt rác xuống biển mà phải gom nhặt chúng đưa vào bờ. Cường cho rằng, nếu các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể ở TT-Huế cùng đồng lòng vào cuộc thì mô hình vớt rác trên biển như anh đang làm sẽ được nhân rộng.
Theo anh Lê Hoành Thành, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Thuận An, mô hình vớt, thu gom rác thải nhựa trên biển của Trần Văn Cường là rất đáng biểu dương, nhân rộng. Bước đầu nhiều ngư dân đã thay đổi nhận thức, ý thức hơn trong việc xả rác ra đại dương. “Thời gian tới, Đoàn cơ sở sẽ tổ chức thu gom, tận dụng các lưới cũ do các tàu cá hỗ trợ, sau đó mang đi cải tạo thành các túi đựng rác để phân phát cho thuyền viên khi ra khơi, nhằm nhân rộng mô hình vớt rác trên biển đầy ý nghĩa này”, anh Thành cho biết.
NGỌC VĂN
Theo TPO
TT-Huế: Giáp Tết ghẹ ven bờ nhiều, đánh bắt kiếm tiền triệu/ngày
Những ngày giáp tết, nhiều ngư dân bãi ngang ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế thu tiền triệu mỗi ngày từ đánh bắt ghẹ gần bờ.
Hơn tháng nay, thuyền của ngư dân Trần Thanh Tuấn ở xã Hải Dương (TX. Hương Trà) liên tục trúng đậm những mẻ lưới ghẹ, mỗi ngày thu về trên dưới một triệu đồng. Đây là lần đầu tiên trong vòng 10 năm nay, thuyền ông Tuấn cũng như nhiều ngư dân trúng đậm vụ ghẹ giáp tết.
Thành quả chỉ sau vài giờ đánh bắt ghẹ.
"Ngày mô cũng thu được hơn một triệu đồng, trừ chi phí lãi gần một triệu. Tính cả tháng nay, thuyền của tui thu được hơn 25 triệu đồng. Thuyền viên được trả công 7-8 triệu đồng, còn lại chủ thuyền được hưởng 17-18 triệu đồng. Nguồn thu tương đối lớn giúp các ngư dân trang trải cuộc sống, thêm phần sung túc trong những ngày Tết Cổ truyền sắp đến", ông Tuấn xởi lởi.
Ngư dân Nguyễn Trường cũng như nhiều ngư dân ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) cũng liên tục trúng vụ ghẹ trong nhiều ngày qua. "Ngày mô cũng đánh bắt hơn 10kg đến vài chục kg ghẹ, thu nhập 1-2 triệu đồng. Ghẹ thường cắn rách lưới, khá mất công vá, nhưng đổi lại thu nhập cao nên ngư dân vẫn rất vui", ông Trường phấn chấn.
Lái buôn thu mua ghẹ tại bến.
Công việc đánh bắt ghẹ của ngư dân bắt đầu từ 4-5 giờ sáng mỗi ngày và kết thúc sau vài giờ. Những ngày xuất hiện nhiều ghẹ có thể đánh bắt kéo dài đến trưa cùng ngày, thu nhập càng cao.
Khác với đánh bắt các loại cá thường cách bờ vài hải lý, đánh bắt ghẹ chỉ cách bờ chừng hơn một hải lý là lợi thế giảm chi phí xăng dầu. Lưới đánh bắt ghẹ chủ yếu thường tận dụng lưới bủa cá, tôm gần bờ nên không phải tốn thêm kinh phí đầu tư mua sắm lưới riêng.
Gỡ ghẹ tại bãi biển.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, không chỉ ngư dân Hải Dương, Thuận An mà nhiều ngư dân ở các xã bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh cũng thu tiền triệu mỗi ngày từ đánh bắt ghẹ gần bờ.
Ghẹ sau khi đánh bắt được các lái buôn thu mua tại chỗ, ghẹ bán với giá 80.000-120.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ ghẹ hiện nay rất mạnh, không chỉ tại địa phương mà cả ở địa bàn TP. Huế, chủ yếu tại các chợ, quán ăn, nhà hàng được nhiều người ưa chuộng.
Theo Triều-Thạnh (Báo Thừa Thiên Huế)
Thăm hỏi các gia đình mất người thân trong cơn lũ năm 1999 Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Phan Ngọc Thọ, cùng lãnh đạo địa phương này đã đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình có người thiệt mạng trong trận lũ lịch sử năm 1999 tại làng Rồng, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang vào ngày 3-11. Ông Phan Ngọc Thọ thăm hỏi một gia đình ở...