“Gã khùng” lập công ty nuôi tôm khi túi chỉ có…20.000 đồng
Đó là chuyện thật như đùa của “ bác sĩ tôm” Lê Anh Xuân (ảnh nhỏ) – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh. Cách đây 15 năm, với niềm đam mê tôm cháy bỏng, anh đã quyết định thành lập công ty, “mặc kệ” trong túi lúc đó chỉ còn… 20.000 đồng.
Tôi gặp người đàn ông từng được mệnh danh là “gã khùng” có tình yêu bất diệt với con tôm tại Hà Nội khi anh vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 53 “Nhà khoa học của nông dân” năm 2018.
Gặp tôi, thạc sĩ Lê Anh Xuân say sưa kể về tình yêu với con tôm và hành trình 15 năm “đặt cược” tất cả vào chúng cho đến thời điểm hiện tại khi đã trở thành một tỷ phú tôm ở Bạc Liêu.
Cái “nghiệp” nuôi tôm
Từ cuối năm 2015 đến nay, anh Xuân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nghiên cứu và nuôi thành công nhiều vụ tôm thẻ theo quy trình Biofloc hai giai đoạn. Ảnh: H.L
Anh gọi việc mình đến với con tôm là cái “nghiệp”. Nghiệp nuôi tôm đến với anh Xuân từ khoảng 15 năm trước, khi anh lập công ty giữa muôn trùng khó khăn vào năm 2004. Thời điểm đó, tất cả không gian làm việc của công ty chỉ gói gọn trong một căn phòng trọ chật hẹp. Đặc biệt là, trong túi “tỷ phú tôm” lúc ấy chỉ có vỏn vẹn… 20.000 đồng.
“Khởi đầu của tôi cũng giống như nhiều thanh niên quyết chí khởi nghiệp bằng nông nghiệp, thậm chí còn “bi đát” hơn. Lấy căn nhà trọ nhỏ bé với giá thuê 300.000 đồng/tháng làm văn phòng. Cả công ty chỉ có 1 người là… tôi. Tôi vừa là nhân viên vừa là… giám đốc. “Lúc ấy, ai cũng nói tôi khùng vì dám đặt cược vào con tôm ở thời điểm người nuôi tôm Bạc Liêu lâm vào cảnh thua lỗ triền miên” – anh Xuân kể lại.
Qua 15 năm (2004 – 2019), với ý chí và quyết tâm, từ gian phòng trọ chật hẹp năm nào, Công ty Trúc Anh đã thực sự vươn ra biển lớn với hơn 300 đại lý và 10.000 hộ nuôi tôm tin dùng sản phẩm của công ty. Cho đến bây giờ, khi đã trên đỉnh thành công, anh Xuân vẫn không thể quên những ngày gian khó.
Đến từ quê biển Quảng Xương (Thanh Hóa), tốt nghiệp đại học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản tại Nha Trang (Khánh Hòa), anh Xuân vào làm việc cho một công ty công nghệ và được đơn vị giao phụ trách địa bàn Bạc Liêu, với vai trò là một kênh phân phối các chế phẩm vi sinh. Hàng tuần, anh kết hợp ngành thủy sản địa phương mở hội thảo về chủ đề nuôi tôm sạch cho nông dân.
Sau hơn 3 năm gắn bó, anh quyết định chọn Bạc Liêu làm quê hương thứ hai để khởi nghiệp. “Có đúng 20.000 đồng trong túi nhưng khi ấy, máu liều khiến tôi có động lực treo biển “Công ty Trúc Anh” trước cổng phòng trọ ở đường Trần Huỳnh, TP.Bạc Liêu, rồi đến ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch (TP.Bạc Liêu) thuê 7.600m2 đất để nuôi tôm công nghiệp” – tỷ phú tôm Xuân Anh bồi hồi nhớ lại.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, lứa tôm đầu tiên với 180.000 con giống, sau 3 tháng 27 ngày, anh Xuân thu được 4,6 tấn, tôm đạt kích cỡ bình quân 25 con/kg. Nhờ bán giá cao, vụ tôm này chàng kỹ sư trẻ thu lãi gần 400 triệu đồng, đủ trả toàn bộ tiền thuê đất theo hợp đồng 5 năm. Nối tiếp thành công, ở vụ thứ 2 anh tiếp tục thả 200.000 con giống và trúng đậm như vụ đầu, bỏ túi lãi thêm nửa tỷ đồng.
Video đang HOT
“Bác sĩ tôm”
“Bác sĩ tôm” Lê Xuân Anh.
Thấy anh Xuân nuôi tôm trúng đậm, nhiều nông dân trong vùng đến học hỏi kinh nghiệm. Anh không ngần ngại chia sẻ những bí quyết, trong đó có phương pháp nuôi tôm sạch bằng các chế phẩm vi sinh do chính anh sản xuất kết hợp với việc xử lý nước, môi trường, đáy ao theo định kỳ. Từ đó, “gã khùng” này còn được người dân trong vùng yêu mến đặt biệt danh “bác sĩ tôm”. Bởi, hễ có hộ gia đình nào gặp vấn đề về tôm chỉ cần “alo” bác sĩ Xuân đều có thể xử lý giúp nhanh – gọn – lẹ.
Điển hình như hộ ông Huỳnh Quang Hưng (ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) với diện tích thả nuôi 5.500m2 (3 ao). Liên tiếp 2 năm (2010, 2011), ông Hưng gặp thất bại, đến năm 2012 ông tiếp tục thả nuôi một vụ tôm sú, sau 8 tháng tôm được thu hoạch, đạt kích cỡ 20 con/kg nhưng do tôm mất giá nên ông nợ tiền thuốc đại lý, nợ ngân hàng, phải vay nóng lãi suất cao bên ngoài.
“Nắm bắt được tình hình thực tế, tôi đã cho kỹ sư xuống trực tiếp hướng dẫn quy trình nuôi, đầu tư vốn, con giống và thuốc. Kết quả, sau vụ tôm thẻ 87 ngày thả nuôi, ông Hưng thu về 3,6 tấn, với giá bán 195.000 đồng/kg, ông thu 780 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 350 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông Hưng đã vươn lên làm giàu, trở thành một tấm gương sáng trong sản xuất” – thạc sĩ Xuân kể.
“Nhà khoa học của nông dân”
Trong những năm qua, bản thân “bác sĩ tôm” Lê Anh Xuân không ngừng nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới, đề ra nhiều sáng kiến, sáng tạo trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Với những nỗ lực của bản thân, “bác sĩ tôm” đã đưa Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh trở thành doanh nghiệp có tiến bộ khoa học đầu tiên và duy nhất được Bộ NNPTNT công nhận. Đặc biệt, những tiến bộ khoa học này đã lan tỏa vào cuộc sống giúp người nuôi tôm ở 28 tỉnh, thành trên cả nước thu được nhiều thắng lợi.
Hiện tại, mô hình nuôi tôm của Công ty Trúc Anh đang thực hiện theo quy trình nuôi tôm bảo đảm theo GAP/CoC, xuất ra thị trường các chế phẩm vi sinh đạt chất lượng, tiêu chuẩn quy định. Các chế phẩm sinh học hướng vào việc bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm tôm sạch… Mọi sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng đều được đăng kí tiêu chuẩn chất lượng, hàng hóa theo quy định của Bộ NNPTNT.
Tiếng lành đồn xa, từ đầu năm 2016 đến nay có rất nhiều nông dân, công ty, tập đoàn ở các tỉnh, thành trong cả nước đã gửi con em cũng như cán bộ đến công ty nhận chuyển giao kỹ thuật. Hiện tại, công ty đang chuyển giao quy trình cho Tập đoàn Việt Úc bằng cách đào tạo nhân viên tại công ty và cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống hướng dẫn tại khu nuôi.
“Gã khùng” năm nào hiện đang vừa là Tổng Giám đốc vừa là Bí thư Chi bộ cơ sở Đảng Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh. Đặc biệt, từ khi chỉ có 1 lao động, đến nay, công ty đã thu hút hơn 70 lao động tay nghề cao; trụ sở, cơ sở vật chất ngày được khang trang hơn.
Theo Danviet
Thêm ấm lòng đồng bào vùng biên trong dịp Tết cổ truyền
Trong buổi đến thăm hỏi, tặng quà và chúc tết tại huyện Bình Liêu, Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm mong công tác Hội và phong trào nông dân địa phương phát triển, chăm lo đời sống cho bà con nông dân.
Bà Bùi Thị Thơm bày tỏ các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương có những chương trình, mô hình phát triển kinh tế, phát huy lợi thế, tiềm năng thế mạnh của địa phương, giúp bà con nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập.
Ngày 26.1, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam dẫn đầu đã đến thăm, chúc tết và tặng quà cho Huyện ủy Bình Liêu, các hộ nghèo xã Lục Hồn và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh).
Bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam trò chuyện cùng Phó Chủ tịch HĐND huyện Bình Liêu.
Tới thăm huyện Bình Liêu, Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam đã chúc tết và trao quà cho 55 hộ nghèo, đối tượng chính sách tại xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu). Mỗi phần quà Tết gồm 500.000 đồng tiền mặt cùng một lốc lịch treo tường và bánh kẹo.
Bà Bùi Thị Thơm quan tâm, thăm hỏi sức khỏe, tình hình đời sống, sản xuất của bà con nông dân xã Lục Hồn.
Tại buổi thăm và tặng quà, chúc tết tại xã Lục Hồn, bà Bùi Thị Thơm cho biết: Qua nắm bắt, chúng tôi được biết trong năm 2018, do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Nhưng dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương vẫn gặt hái được những kết quả, kinh tế có những bước chuyển biến tiến bộ, cơ cấu cây trồng chuyển dịch, giảm diện tích những loại cây kém hiệu quả sang trồng các giống cây có giá trị kinh tế cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống của bà con được nâng lên, các giá trị văn hóa của các dân tộc được bảo tồn và phát huy và xã cũng hoàn thành chương trình 135.
Bà con nông dân xã Lục Hồn phấn khởi khi được nhận quà của đoàn công tác.
Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, tình hình đời sống, sản xuất cũng như công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán của bà con. Đồng thời, bà Bùi Thị Thơm cũng động viên bà con nông dân tiếp tục khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển địa phương.
Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm thể hiện mong mỏi bà con tích cực tham gia phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cùng với địa phương giữ vững biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng với đó, cán bộ, nhân dân chung tay xóa bỏ các hủ tục, tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Ngoài đến thăm và chúc tết các hộ nông dân nghèo, đoàn công tác cũng đến thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.
Bà Bùi Thị Thơm được Đại tá Nguyễn Thanh Hải - Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Ninh cùng lãnh đạo đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô dẫn đi thăm cửa khẩu Hoành Mô.
Tại đây, Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam đã nghe lãnh đạo đồn biên phòng báo cáo tình hình và gửi lời chúc mừng kết quả công tác trong những năm qua của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô nói riêng và bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Bà Bùi Thị Thơm cũng thể hiện mong mỏi, trong thời gian tới, lực lượng bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô bên cạnh công việc đảm bảo an ninh biên giới Quốc gia, cũng sẽ tiếp tục chăm lo phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương, chung tay cũng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, trong đó có Hội Nông dân để giúp bà con nông dân xóa đói giảm nghèo.
Theo Danviet
Hội NDVN-Bộ LĐTB&XH: Hợp tác vì chất lượng nhân lực nông thôn Chiều 24.1, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2019 - 2023. Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng và Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ Trưởng Bộ...