Gà đông lạnh siêu rẻ: Lựa chọn số 1 của quán cơm bụi
Mua thịt gà đông lạnh với giá siêu rẻ 35.000 đồng/kg, chủ quán cơm chỉ cần rán xém, cho thêm mật ong, “biến hóa” chúng thành món gà ngon đặt trên suất cơm của thực khách.
Còn việc gà được giết mổ từ khi nào, chất lượng thực sự ra sao hầu như họ không cần biết.
Thịt gà siêu rẻ rán xém tẩm mật ong = gà ngon
Tờ mờ sáng, khi thành phố còn đang ngon giấc, chị T – chủ quán cơm trên đường Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) đã chạy xe ra chợ đầu mối Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mua nguyên liệu về làm cơm phục vụ khách. Quán cơm của chị gần khu lao động và khu bến xe nên lượng khách rất đông, giá mỗi suất cơm bình dân ở đây từ 20.000 – 25.000 đồng. Cơm văn phòng sang hơn, giá từ 35.000 – 40.000 đồng/xuất.
Trong một lần theo chân chị T đi lấy nguyên liệu về làm cơm, chúng tôi được dịp “tay sờ, mắt thấy” nguồn thịt gà đông lạnh, vốn là món ăn ngon miệng quen thuộc của quán hàng cơm này.
Khoảng 6h sáng, cùng với chị T, chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối Kim Ngưu – chuyên cung cấp rau, củ, quả, thịt, cá và đặc biệt là thịt gà cho nhiều quận trong thành phố, đồng thời cũng là nơi giao thương của nhiều chủ quán cơm trên địa bàn.
Sau khi đã lựa chọn xong rau, dưa, thịt, cá, chị T tiến đến cửa hàng thịt gà cạnh lối đi, đối diện với các hàng đang bày bán cá ươn phềnh dưới nền đất. Ban đầu, chúng tôi băn khoăn tại sao giữa mấy chục hàng bán gà trong chợ, chị T lại lựa chọn hàng gà này. Khi đến gần mới vỡ lẽ, đây là quầy hàng đông lạnh.
Những con gà đã chuyển màu tím ngắt được bày trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ hay vất sơ sài trên tấm ny-lông tạm bợ trên nền đất bẩn thỉu, xung quanh đầy rác thải và cạnh đó là rãnh nước bốc mùi hôi thối. Cùng với đó là rất nhiều tim lợn, tim bò lạnh được cất giữ trong thùng xốp. Khi chúng tôi hỏi mua đùi gà về chiên, bà chủ đổ từ túi ni-lông ra đủ các loại đùi to, đùi nhỏ với giá rất “mềm”: 35.000 đồng/kg. Các loại thịt gà khác cũng dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/kg. Tính ra một chiếc đùi gà giá khoảng 5.000 đồng, nhưng chỉ cần qua chế biến, khi chiếc đùi gà thơm ngon đặt lên đĩa cơm của khách, giá xuất ăn có thể đội lên 25.000 – 40.000 đồng.
Hàng đông lạnh được đặt trong những chiếc chậu đen kịt.
Trở lại hàng gà đông lạnh, lúc này chị T vừa thoăn thoắt chọn thịt từ những chiếc chậu thau nhựa cáu bẩn, vừa tán chuyện với người kế bên: Làm hàng thì lấy loại này cho rẻ, mua loại thịt kia tươi hơn nhưng đắt hơn vài giá….
Với những người bán hàng cơm, thịt gà đông lạnh gần như là lựa chọn số 1 bởi hai yếu tố kinh tế: Rẻ và để được lâu. Còn việc gà được giết mổ từ khi nào, chất lượng thực sự ra sao hầu như họ không cần biết. Chính vì vậy, so với các cửa hàng bán gà tươi khác, quán thịt gà đông lạnh này đông người mua hơn trông thấy. Trong khi, nếu là một người nội trợ đi mua nguyên liệu chuẩn vị bữa cơm gia đình chắc chắn sẽ tránh xa, bởi chỉ cần nhìn màu sắc của loại thịt gà này, ai cũng rùng mình chứ chưa nói tới việc mua ăn.
Bên cạnh chị T, chị Ng. – chủ quán chuyên gà rán, gà nướng…cũng đang nhanh tay chọn hàng. Chị Ng. có vẻ “kỹ tính” hơn khi loại hàng lựa chọn của chị chỉ toàn đùi gà. Theo chị Ng.: Giá đùi gà đông lạnh rẻ chỉ bằng một nửa so với giá hàng gà thường. Trung bình giá thịt gà thường bán ngoài thị trường là 70.000 đồng/kg, gà tươi công nghiệp 48.000 – 55.000 đồng/kg, thì gà đông lạnh chỉ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Thêm vào đó, đùi gà công nghiệp này lại to hơn gà ta, gà mía…
Video đang HOT
Băn khoăn về “bí quyết” biến gà rẻ tiền thành gà ngon, chị Ng. tiết lộ: “Chỉ cần rán xém sẽ không còn bở, đồng thời, tẩm thêm một chút mật ong thì đố ai biết được đó là gà đông lạnh…”.
Thịt gà đông lạnh: Đáng sợ hơn thịt gà ốm
Sau 12h đêm, khi chợ đêm Sinh viên ở Cầu Giấy, Hà Nội tan thì một chợ đầu mối mới lại bắt đầu nhóm họp, nhộn nhịp cho tới tận đầu giờ sáng. Đủ mọi loại thực phẩm, đồ ăn, thức uống được bày bán tại đây. Trong đó, phía cuối góc chợ có một mảnh đất nhỏ, xung quanh rậm rạp cây cối là “địa phận” chỉ dành riêng cho nhóm buôn bán gà.
Ở đó, khách hàng cần bất cứ loại gà nào đều được các chủ buôn đáp ứng “nhiệt tình”, cần bao nhiêu cũng có và giá “siêu rẻ” bất ngờ. Khi có khách hàng hỏi mua thịt gà ốm, anh H. – chủ buôn chuyên cung ứng gà trong nội thành Hà Nội – gật đầu đồng ý. Anh cho biết: Vì lượng hàng ít, có ngày chỉ gom được 20 con nên gà ốm, chết có bao nhiêu hết bấy nhiêu.
“Nếu muốn lấy với số lượng nhiều thì phải chờ thu gom, khoảng 3 – 5 ngày lấy 1 lần, được tầm 30 – 50 cân”. Anh H. “bật mí”: Có 2 hộ gia đình vẫn thường xuyên “đặt hàng” ở chỗ anh để làm nguyên liệu phục vụ cho quán cơm.
Băn khoăn về “bí quyết” biến gà rẻ tiền thành gà ngon, chị Ng. tiết lộ: “Chỉ cần rán xém sẽ không còn bở, đồng thời, tẩm thêm một chút mật ong thì chẳng ai biết được đó là gà đông lạnh…”.
Theo anh H., những con gà này thường bị chết trong quá trình di chuyển, chết do bị chẹt trên xe và khi thời tiết nóng quá hoặc lạnh quá, lượng gà chết sẽ tăng cao hơn. Theo anh H., tuy là gà chết nhưng dù sao vẫn là gà tươi…
Song cũng theo một số chủ buôn gà khác, họ không dám buôn gà ốm, gà chết bởi thịt gà sẽ đen, ăn bở bùng bục, hơn nữa “bán hàng đó nguy hiểm lắm, khách hàng ăn vào nhỡ làm sao thì chết oan”.
Mặc dù vậy, anh H. khẳng định: gà chết vẫn còn hơn gà đông lạnh. Anh H. lý giải: Gà đông lạnh để lâu sẽ kém chất lượng. Mặt khác “hạn sử dụng lúc nào cũng còn nhiều”, “chủ yếu là khi nào xuất kho, họ dán cái tem vào”, anh H nói.
Tìm hiểu tại một cơ sở buôn bán gà khác, chúng tôi được biết: Hạn sử dụng của loại gà đông lạnh thường là… 1 năm. Chị X. – đầu mối chuyên cung cấp đùi gà đông lạnh cho các cửa hàng cơm, các “đại lý” phân phối tại các chợ ở Hà Nội trấn an khách hàng: “Hàng của chị bao giờ cũng có hạn khoảng 1 năm nên không sợ hết hạn. Hàng về tới đâu bán hết đến đó… Thịt đông lạnh, em cứ để hàng tháng cũng chẳng sao”. Về nguồn gốc của loại gà này, ban đầu chị X. vòng vo “lấy hàng từ các công ty, có giấy tờ chứng nhận đàng hoàng” nhưng sau đó chị lại “nửa úp nửa mở”: “Hàng từ Mỹ về, qua bao nhiêu khâu rồi mới tay chị em mình…”.
Theo một số chủ buôn gà: Thịt đông lạnh – nguyên liệu sử dụng cho các
quán cơm, còn đáng sợ hơn thịt gà ốm hay hàng mới chết.
Trong buổi trò chuyện, tán gẫu với chúng tôi, không ít các chủ buôn rau, buôn cá tại chợ đầu mối ở Cầu Giấy “tố cáo”: Trong suy nghĩ của họ, thịt gà đông lạnh bán trôi nổi ở các chợ đầu mối phần lớn đều là… thịt gà thối. Một chủ buôn tại đây “bán tín bán nghi”: Nghe nói các chủ buôn gà lấy hàng từ các công ty đông lạnh mà ở đó gà được chất đống trong container và bảo quản trong vòng vài tháng, thậm chí vài năm…
Ông Chử Đức Toàn (Giám đốc Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam) cho biết: Trung bình cứ 2 – 3 tháng, ban quản lý chợ lại phát hiện và lập biên bản, ngưng hợp đồng bán hàng đối với 01 cơ sở kinh doanh tại chợ. Việc kiểm tra nguồn thịt do Chi cục thú y phụ trách. Người quản lý chợ sẽ chặn giữ những nguồn hàng kém chất lượng về mặt cảm quan. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên việc kiểm soát đôi lúc cũng gặp khó khăn.
Trong khi người tiêu dùng vẫn vô tư hàng ngày, hàng giờ vào quán cơm và gọi món với thịt gà hấp dẫn thì nguồn gốc của nguyên liệu giá rẻ bất ngờ này dường như vẫn còn là một dấu chấm hỏi.
Theo VTC
Kinh hoàng chợ 'nguyên liệu' hàng cơm, bún chả
Các chủ hàng cơm, bún chả... thường tìm đến các chợ đầu mối để mua thịt về làm hàng. Nếu khéo làm, mỗi bát bún chả có thể lãi gấp 3 lần. Còn loại thịt mà họ mua về thì...
Thịt rẻ hơn 20 nghìn đồng/kg so với thị trường
Chúng tôi đến chợ đầu mối phía nam thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội từ sáng sớm. Công việc mua bán thực phẩm đang diễn ra sôi nổi. Ngoài cái không khí tanh nồng của cá, tôm là những quầy hàng thịt lợn với đủ các loại thịt sườn được chủ lái gom về từ đêm.
Những phản thịt màu nhờ nhờ được bày bán la liệt tại khu D của chợ, không giống như thịt lợn tại nhiều nơi nhìn tươi và ngon hơn. Theo "kinh nghiệm" của một vài người bán hàng trấn an khách mua: thịt nhờ nhờ là do chưa cắt hết tiết, thịt gặp nước khi vận chuyển.
Trong vai một người đi mua thịt về làm bún chả, chúng tôi được nhiều người bán chào hàng rất mặn mà. Người thì quảng cáo thịt tươi vừa mổ, người giới thiệu lợn siêu nạc, giá siêu mềm. Theo khảo sát, giá thịt giao động từ 30 đến 45 nghìn đồng/kg (rẻ hơn giá thị trường khoảng 20 nghìn đồng/kg).
Món hàng chúng tôi hỏi mua là những đống thịt với đủ các loại đầu, cổ, ba chỉ, được lọc nhanh vất đầy chậu. Người bán hàng vừa lọc thịt từ đống bùng nhùng vừa rao giá 15 nghìn đồng/kg, nếu muốn nạc hơn có thể mua thêm vài lạng thịt nạc pha thêm.
Mua đến đâu, cạo lông thịt đến đấy
Một xô nước rửa cả con lợn ngót tạ
Theo một thói quen định sẵn khách hàng chỉ cần chỉ tay vào chỗ thịt mình muốn mua thì người bán hàng sẽ mang ra xay, phục vụ hết mình. Theo chị Nga, một người bán thịt cho biết, chị chở lợn từ Văn Giang, Hưng Yên sang đây từ 3h tối. Chị chỉ kịp chọc tiết lợn móc lòng phèo và chở đi. Lông lá còn chưa kịp làm.
Giá thịt mềm là vì bán buôn cho các chủ quán cơm, quán bún chả... Mặt khác lợn hơi chị mua vào cũng rất rẻ (dưới 20 nghìn/kg, trong khi đó giá trên thị trường là 26 đến 28 nghìn đồng/kg tùy từng con lợn). Phong cách bán hàng của chợ này rất khác. Khách mua đến đâu cạo lông đến đó.
Những nồi nước sôi được đặt lên những chiếc bếp ga du lịch mỗi khi khách mua hàng thì miếng thịt sẽ được nhúng vào nồi nước để cạo lông. Cạo xong được mang đi xay. Việc rửa thịt ở đây trở nên xa xỉ vì một xô nước nhỏ phải rửa cho cả con lợn nghót tạ. Và dĩ nhiên, khi thịt đã được rửa nước, xay rồi, thì khách chỉ cần mang về làm bún chả, chứ ai lại... rửa lại thịt làm gì?
Bác Na, bán bún chả trên phố Tam Trinh đang mải mê chọn hàng. Bác cho biết mỗi sáng bác lấy khoảng 10 kg thịt xay giá 25 nghìn loại này khá ngon. Trong khi chờ thịt xay bác tranh thủ thái 7kg thịt ba chỉ vừa mua ngay tại đống lông lá được bày sẵn. Bác cho biết nếu mua thịt tại các chợ khác thì vừa đắt, vừa không có nhiều hàng cho chọn. Mỗi bát bún chả nếu làm khéo thì lãi gấp 3 lần.
Đu đủ trộn bùn đất
Đeo găng cáu két vì bẩn để nạo đu đủ
Tại khu vực quả quả, những đống đu đủ xanh được khuân về từ nhiều nơi đang chờ người đến mua. Các chủ hàng còn làm sẵn nộm đu đủ, cà rốt và bán với giá 7 nghìn đồng/kg.
Những "công nhân" tay thoăn thoắt gọt đu đủ và đưa lên bàn nạo. Đôi tay được đeo những chiếc găng tay đen xì như lâu ngày không giặt. Những thùng xốp cáu đen chứa đồ nạo sẵn để ngay giữa đống rác. Mỗi khi đu đủ, cà rốt rơi xuống dưới nền đều được người bán hàng tận dụng nhặt vào thùng để bán.
Cà rốt được đổ từ bao lớn ra đất. Sau khi cà rốt được cắt đầu, cắt đuôi là đưa lên nạo không cần gọt vỏ. Một chị đang chọn ca rốt nhờ nạo cho biết khi cà rốt đã được rửa sạch từ khi đóng bao nên không còn vết đất cát.
Quan sát một hồi lâu chúng tôi thấy đu đủ gọt xong không qua rửa nước sẽ được ném vào thùng chứa và người bên cạnh sẽ tranh thủ nạo cật lực. Chị bán hàng cho biết mỗi ngày chị nạo bán khoảng 2 tạ đu đủ xanh cung cấp cho các quán bún chả, bún nem... nhiều khi còn cháy hàng ,khách mua nhiều không kịp nạo.
Khi trao đổi về việc vệ sinh thực phẩm, chị cho biết, đu đủ nạo xong rất mềm nên người mua cứ thế là dùng. Chị che chắn việc không rửa: "Tay đã đeo gang, đu đủ gọt xong là ném ngay vào thùng, tất cả các khâu đều khép kín không chạm đất rồi còn gì".
Theo Bee
Ruốc 'siêu bẩn' ra lò bên ao rác thối, dồn về Hà Nội Chứng kiến những mẻ ruốc được sản xuất ngay cạnh bờ ao bồng bềnh rác thải, ruồi muỗi vo ve, công nhân vô tư "tay không" bốc ruốc... chắc hẳn nhiều người sẽ phải rùng mình. Thôn Phú Thị (Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên) vốn nổi tiếng với nghề làm ruốc thịt từ rất lâu. Theo người dân trong làng, ngày xưa,...