Gã cháu bất nhân đền tội
Chỉ vì mâu thuẫn trong việc trồng rừng, Bùi Văn Lung đã thả chất kịch độc xyanua vào bể nước nhà cậu ruột của mình.
Cây keo chia cắt tình cậu cháu
Theo cáo trạng, bị cáo trong vụ án là Bùi Văn Lung (SN 1974), cháu rể gọi bị hại Bùi Văn Dàng (SN 1959) là cậu, cả hai đều ở xã Kim Truy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
Năm 1998, ông Dàng cho Lung trồng keo chung trên thửa đất lâm nghiệp của gia đình ông. Năm 2005, cả hai tiến hành thu hoạch keo. Lung được ông Dàng chia cho 250.000 đồng. Đến vụ keo thứ hai, Lung không trồng nữa và gia đình ông Dàng tiếp tục trồng rừng.
Sau khi vụ keo thứ hai được thu hoạch, tháng 5/2011, gia đình ông Dàng chuẩn bị trồng vụ keo thứ ba thì Lung lại đến xin được trồng chung. Thấy Lung làm ăn lập lờ, lúc trồng lúc không nên ông Dàng từ chối.
Phút đoàn tụ ngắn ngủi của Bùi Văn Lung với vợ hai.
Dù vậy, ngày 16/5, Lung vẫn cùng vợ hai (không hôn thú) là Bùi Thị Niên (SN 1974) đến trụ sở Hợp tác xã thôn Cốc Lẫm để mua cây keo giống. Sau đó, Lung để vợ cầm cây giống về nhà còn Lung đi vào quán uống rượu với bốn người bạn cùng thôn.
Tại đây, Lung thấy ông Dàng cùng vợ là bà Bùi Thị Ly cũng đi lấy keo giống ngang qua nên nói với ông Dàng: “Con mua cây rồi, ông bà không phải mua nữa”. Đáp lại, ông Dàng bảo: “Tao không cho chúng mày trồng nữa, chúng mày muốn làm gì thì làm”. Nghe vậy, Lung dọa: “Ông không cho trồng chung, ông mà trồng thì con nhổ vứt đi”. Không tranh cãi với Lung, ông Dàng bỏ đi mua cây giống còn Lung tiếp tục ngồi uống rượu.
10h, lúc rời quán, Lung không quên mua thêm một chai rượu nữa rồi rủ hai người bạn về nhà mình tiếp tục “hàn huyên”.
Sau chầu nhậu thứ hai, Lung ngủ đến 13h30 cùng ngày thì tỉnh giấc. Trong lúc nằm nghĩ vẩn vơ, Lung nhớ lại việc ông Dàng không cho trồng cây chung. Lung tìm cách đầu độc cả nhà ông Dàng cho hả giận.
Lung ra gốc cây trứng gà trong vườn nhà để đào túi ni lon chứa chất xyanua mà hắn lấy được khi còn đào vàng thuê ở miền Trung. Lung cho gói thuốc độc này vào túi quần, đi thẳng sang nhà ông Dàng.
Đến nơi, Lung thấy nhà ông Dàng mở cửa nhưng không có ai ở nhà. Đứa cháu độc ác lẳng lặng đi tới đến bể nước ăn, thả xyanua vào trong rồi về nhà…
Cả gia đình thoát chết ngoạn mục
May mắn cho gia đình ông Dàng là lúc đó, bà Bùi Thị Ly đang làm cỏ ở vườn cây cách bể nước chỉ chừng 20m. Nghe tiếng động lạ, bà Ly đã quay ra nhìn thì thấy Lung hì hụi làm gì đó bên bể nước. Chờ Lung bỏ đi, bà Ly chạy lại kiểm tra thì thấy trong bể có một túi ni lon chứa chất mầu trắng đang tan trong nước. Người phụ nữ này lập tức đi gọi chồng về vớt túi nilon lên rồi cùng nhau đi báo chính quyền địa phương.
Video đang HOT
Sau khi giám định và biết túi nilon đó chứa xyanua, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kim Bôi đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Bùi Văn Lung.
Theo kết luận của Viện Khoa học hình sự – Bộ công an cho thấy, lượng xyanua mà Lung thả vào bể nước nhà ông Dàng có khối lượng 3,95 gram. Hàm lượng xyanua trong bể nước nhà ông Dàng có thể làm chết bất cứ ai uống phải. Về lý thuyết, ngay cả khi đã được đun sôi thì thứ nước pha xyanua này khi vào cơ thể người vẫn có thể gây cháy bỏng niêm mạc ruột, loét dạ dày.
Hồ sơ vụ án còn thể hiện: Sau khi Lung thả xyanua vào bể nước nhà ông Giàng, một lượng nước nhất định trong bể đã bị thấm ra ngoài. Sau đó, 5 con gà nhà ông Dàng đã chết sau khi uống phải nước độc này,
Bị cáo từng là người tốt
Với cách thức phạm tội “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” như trên, Bùi Văn Lung bị VKSND tỉnh Hòa Bình truy tố về tội “Giết người” theo Điểm l, Khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Sáng qua – 8/9, tại trụ sở TAND tỉnh Hòa Bình, Bùi Văn Lung phải ra trước vành móng ngựa để chịu tội trước pháp luật.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi gây án, Lung là người chất phát, có sức khỏe và chăm chỉ lao động. Năm 2004, người vợ đầu của Lung bỏ đi biệt xứ, còn lại một mình Lung đã cố gắng làm lụng để nuôi hai con nhỏ ăn học.
Năm 2005, Lung đi đào vàng thuê để kiếm tiền mưu sinh. Trước khi đi, anh ta đã đón chị Bùi Thị Niên ở xã bên về ở cùng để chăm lo con cái, vườn tược, nhà cửa. Độ vài ba tháng, Lung lại mang tiền về cho vợ trang trải cuộc sống gia đình và chạy chữa thuốc men cho đứa con riêng của chị Niên bị khiếm thị từ nhỏ. Do đó, thông tin Lung nhẫn tâm đầu độc cả nhà ông Dàng khiến dư luận tại địa phương hết sức bất ngờ.
Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định: Hành vi phạm tội của Lung không dẫn đến hậu quả chết người là nằm ngoài ý muốn của bị cáo. Tuy vậy, HĐXX cũng xét đến việc Lung là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo, trước Tòa đã tỏ ra ăn năn hối cải và đã khắc phục một phần hậu quả. Từ những phân tích đánh giá nêu trên, HĐXX chỉ tuyên phạt Bùi Văn Lung 9 năm tù, buộc bị cáo phải bồi thường 6 triệu đồng cho gia đình bị hại.
Theo PLVN
Người cha bất nhân, cả nhà đau đớn
Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin một bé gái 13 tuổi ở thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bị bố đẻ hành hạ dã man như xâu tai, bẻ răng, xích chân tay... Phóng viên Chuyên đề ANTG đã về xã Đức Hòa để tìm hiểu sự việc.
Nguyễn Hữu Thuyên khai nhận hành vi phạm tội tại Công an huyện Sóc Sơn.
1. Gặp cháu Nguyễn Thị Thúy tại Công an huyện Sóc Sơn, chúng tôi không cầm được nước mắt xót xa khi trên người cháu đầy vết thương tích. 13 tuổi, ở cái tuổi dậy thì này, nhiều cô bé đã ra dáng thiếu nữ nhưng nhìn bé Thúy chỉ bằng đứa trẻ lên 10, người gầy gò, nước da đen sạm. Nếu không nhìn vào quần áo cháu đang mặc trên người thì rất dễ nhầm tưởng Thúy là con trai bởi mái tóc cắt ngắn, khuôn mặt xương xương, duy có đôi mắt sáng luôn đượm buồn và ánh lên cái nhìn sợ sệt, ngay cả khi cháu đang ngồi trong vòng tay mẹ.
Một cánh tay của cháu khuỳnh ra, khuỷu tay to bất thường. Khi cháu quay nghiêng, chúng tôi giật mình nhận ra một bên tai cháu đã bị đứt, tạo thành khoảng trống ở phần đeo hoa tai. Càng kinh hoàng hơn khi Thúy há miệng, hàm răng trước cửa trống hoác. 4 chiếc răng cửa, chỉ còn lại một chiếc ở hàm dưới nhưng cũng bị cụt đến một nửa. "Bố dùng chiếc kìm này bẻ răng cháu" - Thúy chỉ vào chiếc kìm sắt có chuôi đỏ, khi các điều tra viên đưa ra 2 chiếc kìm thu được ở nhà để bé Thúy nhận diện. Nghe Thúy nói, chúng tôi rùng mình, sởn gai ốc.
Một điều tra viên ngậm ngùi kể, buổi sáng, khi đưa cháu Thúy đi khám thương để phục vụ yêu cầu điều tra, các anh cho cháu đi ăn phở. Mặc dù rất đói nhưng cháu ăn khá rụt rè và bảo, từ bé đến giờ cháu chưa được ăn phở bao giờ. Nghe cháu nói mà thắt cả ruột. Được các chú công an cho gói bánh xốp, Thúy nhỏ nhẻ ăn một nửa, còn lại cho vào túi quần, bảo mang về phần em trai ở nhà. Một ngày ở Công an huyện Sóc Sơn cùng mẹ làm việc theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, có lẽ là ngày bình yên và sung sướng đối với Thúy khi em được các chú công an cho ăn cơm ngon, lại được ăn bánh và xem máy vi tính.
Thúy kể lại những ngày kinh hoàng em đã phải trải qua, trong nỗi sợ sệt còn hằn sâu trong đáy mắt. Và giọng em thì thầm nhỏ đến nỗi, chúng tôi phải căng tai ra mới có thể nghe được. Thúy không còn nhớ nổi mình đã phải oằn mình trước bao nhiêu trận đòn của bố.
Một lần, gọi mấy lần không thấy con trả lời, Thuyên gằn giọng: "Mày bị câm hay bị điếc đấy? Đã thế tao cho điếc luôn". Dứt câu, Thuyên lấy ra hai cái nút cao su, nhét luôn vào tai Thúy. Sau này, Thúy được một người chị họ gắp nút cao su ở một bên tai ra. Bên còn lại, cho tới tận ngày 15-6 vừa qua khi Công an huyện Sóc Sơn đưa Thúy đi khám sức khỏe, các bác sĩ mới lấy ra nốt. Có lẽ cũng chính vì thế mà thính giác của Thúy bị suy giảm nghiêm trọng. Chúng tôi cứ phải hỏi đi hỏi lại khá nhiều lần em mới nghe được câu hỏi.
"Cháu hốt" (hốt có nghĩa là sợ) dường như đã trở thành câu cửa miệng mỗi khi có người hỏi chuyện Thúy. Những trận đòn dã man, tàn bạo, không còn nhân tính của người cha độc ác đã biến một đứa trẻ như bé Thúy trở nên rụt rè, hoảng hốt và luôn tìm cách bỏ trốn. Thúy kể hôm 2/6 vừa qua, bố cháu nói gì đó, cháu nghe không rõ, tưởng là bố bảo đút lá xoan cho bò ăn. Cháu làm theo, bố thấy vậy quát: "Có nhanh nhặt lá xoan ra không. Nếu để bò đi ngoài thì ăn đòn". Bò bị đi ngoài thật, thế là cháu bị bố dùng gậy đánh. Bố còn bắt cháu ăn lòng cá bị thiu để bị phạt đi ngoài giống bò. Vì sợ nên cháu đã trốn đi tìm mẹ đang làm ở Hà Nội và một người phụ nữ tên là Lan, làm nghề in vỏ mứt ở Hà Tây (cũ) đã quen cháu trong một lần cháu xuống Hà Nội với mẹ.
Cô Lan đã nhiều lần đến gia đình Thúy, xin cháu để đưa vào chùa Bồ Đề, Long Biên nuôi dưỡng nhưng ông Thuyên đóng cổng, không cho vào. Vậy là nhân lúc được cởi xích, Thúy bỏ trốn. Khi Thúy đang lang thang ở xã Đông Xuân thì ông Thuyên tìm được, đưa lên xe máy và dùng chiếc xích sắt khóa tay Thúy vào yên xe. Bị mọi người phản đối, ông Thuyên mới cởi xích cho con gái và gọi người em trai đến đón Thúy về. Thúy ở nhà chú mấy hôm liền, cho đến khi mẹ Miến ở Gia Lâm về đón. Chuyện cháu Thúy bị hành hạ được người dân thông tin đến cơ quan báo chí. Và từ đây, bộ mặt người cha tàn bạo một lần nữa bị bóc trần.
Bị bố đẻ hành hạ trong nhiều năm, lúc nào cháu Thúy cũng trong trạng thái lo sợ.
2. Kẻ làm cha độc ác ấy là Nguyễn Hữu Thuyên (SN 1971). Trước khi lấy chị Nguyễn Thị Miến, Thuyên đã có một đời vợ nhưng chưa có con.
Năm 1991, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Sóc Sơn tuyên phạt Thuyên 6 năm 6 tháng tù về tội "Cướp tài sản". Khi Thuyên vào tù, người vợ đã bỏ đi. Năm 1998, sau khi ra tù, Thuyên kết hôn với chị Nguyễn Thị Miến và sinh được 2 con: cháu Nguyễn Thị Thúy (SN 1999), cháu Nguyễn Hữu Thành (SN 2002).
Ở xã Đức Hòa, chuyện Thuyên hành hạ cháu Thúy trong nhiều năm và bị đưa ra xét xử, ai cũng biết. Cho dù đó là chuyện cũ nhưng vẫn cần nhắc lại để mọi người hiểu thêm về bản chất của kẻ làm cha mất nhân tính này. Xin trích dẫn nguyên văn tội trạng của Thuyên trong kết luận điều tra của Công an huyện Sóc Sơn: "Ngày 20/3/2006, khi ngủ trên giường do cháu Thúy đi vệ sinh ra quần, Thuyên không cho cháu ngủ trên giường, bắt ngủ dưới đất và trải cho mảnh bao tải dứa ở góc nhà, không cho đắp chăn bông, không có màn trong lúc trời rét. Thuyên bắt cháu Thúy ngủ dưới đất khoảng 7 ngày, chị Miến xin mãi Thuyên mới cho cháu Thúy lên giường ngủ.
Trong tháng 4/2006, viện cớ cháu Thúy nghịch, Thuyên dùng kim khâu xâu lỗ tai cho cháu Thúy, rồi lấy chỉ buộc, sau đó bị nhiễm trùng nhưng Thuyên không cho vợ mua thuốc bôi mà còn dùng kéo cắt trọc đầu cháu Thúy. Trong khi cắt tóc, cháu Thúy không cho cắt, Thuyên dùng tay cầm sợi chỉ xâu tai giật làm đứt lỗ xâu tai của cháu Thúy. 10h ngày 8/6/2006, qua phản ánh của nhân dân, Công an xã Đức Hòa đến nhà Thuyên phát hiện cháu Thúy bị buộc chạc vào cánh tay và treo lên cành nhãn trong vườn nhà, đứng cạnh đống phân trâu. Thuyên thừa nhận hành vi hành hạ cháu Thúy cách đó 10 ngày, khi bị phát hiện là ngày thứ 11".
Với những hành vi trên, TAND huyện Sóc Sơn đã xét xử Nguyễn Hữu Thuyên về tội "Hành hạ người khác" và tuyên phạt 12 tháng tù, cho hưởng án treo.
Sau khi bị xét xử, Thuyên đỡ đánh đập cháu Thúy hơn trước, nhưng với bản chất độc ác, Thuyên tái diễn hành vi hành hạ con gái dã man. Nhà Thuyên luôn khóa cổng nên không mấy khi hàng xóm vào được. Cháu Thúy cũng bị nhốt trong nhà, không được sang nhà hàng xóm chơi. Tiếp xúc với Nguyễn Hữu Thuyên khi Công an huyện Sóc Sơn mời lên làm việc, những câu trả lời thản nhiên của người đàn ông này khiến chúng tôi sởn gai ốc:
- Tại sao anh xâu tai cháu Thúy rồi để nhiễm trùng?
- Nó nghịch quá, phải để nó đau thì mới đỡ nghịch.
- Anh nghĩ gì khi dùng kìm bẻ răng con gái?
- Nó còn nhỏ, bẻ răng đi vẫn mọc được răng khác. Hóa ra con bé thay răng rồi nên không mọc được nữa.
- Sao anh lại xích cháu Thúy?
- Sểnh ra là nó bỏ đi. Nếu không xích nó thì mất trắng con à. Với lại tôi chỉ xích cháu vào giường những lúc đi vắng thôi...
Theo ông Trần Văn Hưng, Trưởng Công an xã Đức Hòa, khi xảy ra việc Thuyên hành hạ cháu Thúy, trong dư luận nhân dân cho rằng Thuyên nghi ngờ cháu Thúy không phải là con mình. Anh Hưng có lần hỏi trực tiếp, Thuyên bảo đó là thiên hạ bịa đặt chứ anh ta có nói gì đâu.
Những ngày qua, sau khi dư luận nhân dân xôn xao về thông tin cháu Thúy bị cha bạo hành đến mức phải bỏ trốn, Nguyễn Hữu Thuyên có biểu hiện không bình thường, lấy thuốc diệt ốc uống để tự tử nhưng đã được vợ kịp thời ngăn được. Tại Cơ quan Công an, hỏi tại sao tự tử, Nguyễn Hữu Thuyên trả lời do chán chường bệnh tật (bệnh viêm gan virus), không muốn làm khổ vợ con nên tìm đến cái chết.
Tuy nhiên, khi được hỏi có ân hận về việc hành hạ cháu Thúy không, Thuyên vẫn trơ tráo cho rằng những việc mình làm chỉ với mục đích dạy con, vì cháu Thúy quá nghịch, lại có tính ăn cắp vặt, nhiều lần trong xã có người đến mách Thúy lấy trộm tiền nên anh ta phải áp dụng các hình phạt như vậy cho chừa.
3. Chị Nguyễn Thị Miến (SN 1974, vợ của Nguyễn Hữu Thuyên) chỉ biết chan chứa hai hàng nước mắt khi chúng tôi hỏi chuyện gia đình.
Chị Miến kể, thời gian đầu lấy nhau, Thuyên là người chăm chỉ làm ăn. Ngoài công việc đồng áng, chị Miến đi chợ buôn kẹo. Còn Thuyên đi làm thợ xây, phụ nề khắp Hà Nội, có thời gian làm sắt ở Đa Hội, Đông Anh. Khi cháu Thúy gần 2 tuổi thì sức khỏe của Thuyên giảm sút, bệnh lao phổi tái phát, mắt mờ. Không có sức khỏe để đi làm, Thuyên phải ở nhà trông con. Anh ta sinh tật rượu chè, cáu gắt vô cớ và đánh vợ con. Thuyên sắm 2 cái roi tre, cái to để đánh vợ, cái nhỏ để đánh con gái.
Bình thường, anh ta bắt vợ nằm sấp dưới đất, lấy roi tre ra quất. Nhiều lúc Thuyên thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với vợ. Tính Thuyên rất cục, càng có người can thì càng đánh nhiều hơn nên mặc dù nhà bố mẹ chồng ở bên cạnh, chị Miến cũng đành cắn răng chịu đựng, không dám kêu. Cuộc sống khó khăn, một mình cáng đáng cả gia đình buộc chị Miến chuyển sang nghề đồng nát. Ở Sóc Sơn khó kiếm tiền, chị phải đi sang Gia Lâm thuê nhà ở để hàng ngày đạp xe vào nội thành Hà Nội thu mua phế liệu, vài ngày đến lâu nhất là một tuần chị mới về nhà. Thuyên ở nhà nuôi con, túc tắc việc đồng áng.
Không biết ở nhà, Thuyên đánh đập bé Thúy từ bao giờ nhưng có lẽ vì quá sợ bố nên cháu không dám kêu ai. Khi Thúy khoảng 4-5 tuổi, mỗi lần mẹ đi làm xa về, cháu có mách việc ở nhà bị bố đánh. Chị Miến khuyên can chồng thì Thuyên vằn mắt quát: "Đã không ở nhà dạy con thì thôi, để cho tôi dạy". Những lần Thuyên hành hạ cháu Thúy, chị Miến do đi làm xa nên không chứng kiến, khi trở về nhà thì sự đã rồi.
Khi tôi hỏi vì sao thấy chồng hành hạ con dã man như vậy mà không nhờ mọi người can thiệp, chị Miến khóc bảo thương con lắm nhưng tất cả cũng chỉ vì mưu sinh. Nếu chị ở nhà trông con thì không biết lấy gì mà ăn, lại còn tiền thuốc thang chữa bệnh cho chồng mỗi tháng cũng hơn triệu bạc. Vậy là người đàn bà này lại nuốt nước mắt lên đường. Nhà ông bà nội ở liền kề nhưng ông bà đã chuyển vào Nam ở với các anh chị của Thuyên. Hai đứa con nếu không để cho Thuyên trông nom thì cũng không biết gửi ai.
"Em đau lắm chứ, là người vợ khi chồng ốm đau bệnh tật, em phải chăm sóc không thể bỏ được. Nhưng là người mẹ, vì phải kiếm tiền lo cuộc sống mà em không bảo vệ được con, bản thân nhận thức cũng có hạn, em không biết phải làm thế nào..." - nói rồi chị Miến lại nghẹn ngào thổn thức.
4. Ngày 16/6, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn cho biết Viện Kiểm sát nhân dân huyện đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Hữu Thuyên về hành vi "Hành hạ con" theo Điều 151 Bộ luật Hình sự. Ngay sau khi sự việc cháu Thúy bị bố hành hạ được báo chí phản ánh, Công an huyện Sóc Sơn đã khẩn trương vào cuộc điều tra, thu giữ những vật chứng liên quan như xích sắt, kìm, khóa... đã được Thuyên cất giấu.
Bước đầu xác định trong khoảng thời gian từ năm 2007-2008, Thuyên đã dùng kìm nhổ 3 chiếc răng cửa của cháu Thúy. Trong thời gian từ ngày 20/5 đến 2/6/2011, Thuyên dùng xích sắt xích cháu Thúy nhiều lần tại nhà. Công an huyện Sóc Sơn cũng đã trưng cầu giám định thương tích đối với cháu Nguyễn Thị Thúy để xác định thương tật cũ và mới, làm căn cứ để xử lý đối với Nguyễn Hữu Thuyên. "Hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Hữu Thuyên sẽ được xử lý nghiêm theo pháp luật" - Thượng tá Trần Quang Huy, Trưởng Công an huyện Sóc Sơn khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, các điều tra viên Công an huyện Sóc Sơn cho rằng, cái khó trong vụ việc này ở chỗ đây không phải là mối quan hệ xã hội mà là mối quan hệ trong gia đình. Thông cảm với hoàn cảnh vất vả của chị Nguyễn Thị Miến nhưng để sự việc cháu Thúy bị bạo hành kéo dài và tái diễn, có một phần lỗi của người làm mẹ khi đã không dũng cảm lên tiếng để bảo vệ chính mình và các con. Hành vi của Nguyễn Hữu Thuyên sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật, song điều quan trọng là làm thay đổi nhận thức của những người trong gia đình cháu Thúy và cả những người xung quanh phải làm gì khi phát hiện có bạo lực trong gia đình. Hãy cùng chung tay giúp đỡ gia đình bé Thúy, để em và người thân có một cuộc sống yêu thương, tốt đẹp hơn. Đó là trách nhiệm của tất cả mọi người.
Vụ mẹ kế đầu độc con chồng: Vì sao bị cáo thoát án tử hình? Thái là người tình của Chinh cùng những người khác đều được Chinh thuê đi bắt con chồng là anh Nguyễn Văn Nhường. Sau đó đầu độc, vứt xác anh Nhường bên đường dốc Dây Diều, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. "Với việc tổ chức đầu độc con chồng, lẽ ra cần phải có một bản án nghiêm trị để loại bỏ bị...