G7 kết thúc, những vấn đề nào được thống nhất?
Pháp đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn về nhiều vấn đề sau 3 ngày họp căng thẳng tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Biarritz.
Nguồn ảnh: scmp.com
Nhiều báo quốc tế đưa tin nhận định, G7 tại Pháp lần này là thành công của nước chủ nhà, đặc biệt đối với cá nhân Tổng thống Pháp Macron. Song cũng có ý kiến cho rằng Tuyên bố dài 1 trang được đưa ra sau hội nghị không đưa ra được giải pháp cụ thể cho những vấn đề quốc tế nóng hiện nay, đồng thời thể hiện sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên trong khối.
Theo nhận định của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “Một hội nghị G7 tuyệt vời” sau khi thông báo về một thỏa thuận thương mại lớn với Nhật Bản. Thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm tại Hội nghị G7 hôm 26/8 đó là nhà lãnh đạo Mỹ và Iran đều bày tỏ sẵn sàng cho một cuộc gặp. Đây là Hội nghị Thượng đỉnh G7 thứ 3 có sự tham dự của Tổng thống Trump và theo một số ý kiến cho rằng đây là hội nghị suôn sẻ nhất.
Đánh giá về kết quả Hội nghị G7 lần này, tờ Fox News của Mỹ đưa ra 3 “cái được” lớn nhất. Trước tiên là vấn đề Iran. Đây là vấn đề lo ngại lớn cho Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, làm lu mờ cả việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Với các đột phá vào ngày cuối cùng, nếu không có gì trở ngại, lãnh đạo Mỹ và Iran có thể có thể gặp nhau trong vài tuần nữa.
Vấn đề thứ hai của G7 đó là cuộc tranh luận về việc Nga có nên quay lại G7 hay không. Mặc dù không đạt được sự đồng thuận, nhưng theo Fox News, G7 là nơi các bất đồng có thể được tranh luận, nhưng các nước đã cố gắng kiểm soát để tránh biến thành thảm họa. Vấn đề thứ 3 đó là các nước đã có chung quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong căng thẳng thương mại.
Nguồn ảnh: The Moscow Times
Trong vấn đề hạt nhân Iran, Tổng thống Macron cho biết các bên đã nhất trí về hai vấn đề quan trọng là Iran không được sở hữu vũ khí hạt nhân và tình hình hiện nay không bao giờ được phép đe dọa đến ổn định khu vực. Mặc dù vẫn chưa có chi tiết cụ thể nào được thống nhất và mọi thứ vẫn có nguy cơ đổ vỡ, song các cuộc thảo luận kỹ thuật đã bắt đầu với một số tiến bộ nhất định. Ông Macron cũng bày tỏ tin tưởng rằng nếu Tổng thống Iran Hassan Rouhani đồng ý gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, chắc chắn hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận, đồng thời hy vọng cuộc gặp này sẽ diễn ra trong vài tuần tới.
Ngoài ra, ông Macron cũng xác nhận đã được thỏa thuận với Tổng thống Mỹ về thỏa thuận đánh thuế các hãng công nghệ lớn, đồng thời cho biết Pháp sẽ tự xóa bỏ thuế kỹ thuật số này một khi luật quốc tế được áp dụng. Ngoài ra, Tổng thống Macron cho biết các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí thay đổi các quy định của WTO.
Về phần mình, Tổng thống Trump khẳng định người đồng cấp Macron đã làm tốt nhiệm vụ tại Hội nghị G7, đánh giá đây là một hội nghị thành công, với sự thống nhất lớn.
Thượng đỉnh G7 năm 2019 tổ chức ở thành phố Biarritz, một thành phố nghỉ mát ven biển nổi tiếng ở miền Tây Nam, thuộc xứ Basque của Pháp, cách biên giới với Tây Ban Nha chỉ vài chục km. Đây là một thành phố nhỏ, chỉ có khoảng gần 25.000 dân nhưng có hạ tầng tốt vì là thành phố du lịch.
Có một điểm chung từ nhiều năm nay, đó là Thượng đỉnh G7 thường được nước chủ nhà G7 tổ chức ở các thành phố nhỏ, tương đối kín đáo và thường là điểm nổi tiếng về du lịch, văn hoá. Lý do quan trọng đầu tiên đó là vấn đề an ninh. Việc tổ chức ở các địa điểm nhỏ sẽ giảm bớt gánh nặng an ninh, giúp các nhà tổ chức dễ dàng phong tỏa một khu vực rộng lớn mà không ảnh hưởng quá nhiều đến cư dân, cũng như có thể dễ dàng cách ly các nhóm biểu tình chống đối.
Tại các hội nghị thượng đỉnh G7, các cuộc gặp song phương bên lề giữa lãnh đạo các nước G7 và các tổ chức quốc tế luôn mang lại nhiều thông tin quan trọng hơn.
Nguồn Tổng hợp
Video đang HOT
Theo nhipcaudautu
'Cách tôi đàm phán' - chiến thuật của TT Trump làm thế giới quay cuồng
Chỉ trong vài ngày tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục thay đổi thái độ và các quyết định từ thương chiến đến Iran làm cả thế giới quay cuồng.
Tổng thống Donald Trump ngày 23/5 chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc là "kẻ thù" của nước Mỹ, sau khi thông báo sẽ bổ sung 5% lên các mức thuế áp dụng cho gần 550 tỷ USD hàng Trung Quốc. Chỉ 4 ngày sau, vào ngày họp cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G7 tại Pháp, ông lại ca ngợi ông Tập là "nhà lãnh đạo tuyệt vời" và "một con người xuất sắc".
Cũng mới cuối tuần qua, nhà lãnh đạo 73 tuổi lên mạng và ra lệnh cho các công ty Mỹ bắt đầu dời nhà máy khỏi Trung Quốc. Gần 3 ngày sau, ông lại bất ngờ tự tin về khả năng đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh. Ông lật ngược tuyên bố của mình, nói các công ty Mỹ có thể ở lại Trung Quốc và "tiếp tục công việc tuyệt vời" như từ trước đến nay.
Tổng thống Trump nói ông đến Biarritz không phải để tranh cãi với những nhà lãnh đạo G7. Dường như ông quyết định tranh cãi với chính bản thân mình, hết lần này tới lần khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra nhiều phát ngôn mâu thuẫn tại hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: AFP.
"Đó là cách tôi đàm phán"
Từng ngày, từng giờ, cách Tổng thống Trump giải quyết cuộc chiến thương mại với Trung Quốc - hết tiến lại lùi - khiến cả thế giới quay cuồng theo ông. Khi ông Trump kết lại chuỗi hoạt động ngoại giao của mình ở thượng đỉnh G7, phần còn lại của thế giới cũng hiểu rằng không còn lựa chọn nào khác ngoài học cách thích nghi với cá tính kỳ lạ của nhà lãnh đạo 73 tuổi.
Ngày 26/8, nhà lãnh đạo Mỹ lại buộc miệng mô tả đệ nhất phu nhân Melania Trump tham gia vào nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên: "Đệ nhất phu nhân đã quen biết ông Kim Jong Un. Tôi nghĩ phu nhân cũng đồng tình với tôi và nhận thấy ông ấy có một đất nước với tiềm năng khổng lồ".
Thực tế là đệ nhất phu nhân Mỹ chưa từng gặp ông Kim Jong Un. Việc bà Melania "quen biết" nhà lãnh đạo Triều Tiên do vậy lại càng khó tin. Chỉ vài tiếng sau phát biểu của tổng thống, Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham buộc phải giải thích lại phát ngôn của ông Trump.
"Dù đệ nhất phu nhân chưa từng gặp ông ấy (lãnh đạo Triều Tiên), tổng thống cảm thấy phu nhân cũng hiểu được ông ấy", bà Grisham đính chính.
Tổng thống Trump có lẽ thích đặt các đối tác đàm phán, đối thủ, giới quan sát và cả những đồng minh của mình vào tình thế bấp bênh.
"Xin lỗi nhé", ông Trump trả lời các phóng viên ở Biarritz mà không có vẻ gì hối tiếc. "Đó là cách tôi đàm phán. Nó vận hành rất hiệu quả đối với tôi trong nhiều năm qua và nó còn tốt hơn nữa cho đất nước".
Cách đàm phán của Tổng thống Trump là đưa ra những "thông tin thực tế" nhưng nhiều khi lại không đúng với thực tế, những tuyên bố có lẽ chưa từng được phát biểu và những sự kiện có thể chưa bao giờ diễn ra.
Có lúc, ông còn phủ nhận chính những lời mình từng nói.
Tổng thống Trump trả lời báo chí và đăng tải phát ngôn trên mạng xã hội liên tục trong thời gian ở Pháp dự hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: New York Times.
"Tôi luôn nghĩ lại về mọi việc"
Đó là chia sẻ của Tổng thống Trump với báo giới khi được hỏi liệu ông có cảm thấy hối tiếc vì thương chiến Mỹ - Trung leo thang với mức độ như hiện nay. Chỉ vài tiếng sau, đội ngũ Nhà Trắng phải chật vật "chữa cháy" cho tuyên bố của nhà lãnh đạo. Họ nói ông Trump chỉ hối tiếc vì không leo thang quyết liệt hơn.
Đến sáng 26/8, Tổng thống Trump lại xoay 180 độ, gác lại những thông điệp gay gắt rồi 4 lần ca ngợi ông Tập là "nhà lãnh đạo tuyệt vời". Ông dự đoán Bắc Kinh chân thành mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại với Washington vì không muốn mất chuỗi cung ứng, 3 triệu việc làm và khiến hệ thống thương mại quốc gia sụp đổ.
Để biện minh cho sự lạc quan, ông Trump đề cập đến 2 cuộc điện đàm mà phía Mỹ vừa nhận được từ giới chức Trung Quốc đề nghị nối lại đàm phán chính thức. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ không biết gì về các cuộc gọi, còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói hai bên liên lạc thông qua trung gian.
Chỉ vài tiếng sau, khi bị truyền thông chất vấn, Tổng thống Trump khuếch đại thêm tuyên bố của mình. Ông nói giữa Bắc Kinh và Washington không chỉ có 2 cuộc điện đàm mà đã có "rất nhiều cuộc gọi".
Giữa thương chiến, các nhà đầu tư đang phải đánh cược hàng tỷ USD dựa trên các phát ngôn của ông Trump. Những tuyên bố lạc quan của ông Trump tràn ngập mạng xã hội và truyền thông, ngay trước khi các sàn giao dịch trên khắp thế giới mở cửa trở lại vào đầu tuần. Sóng gió được xoa dịu phần nào nhờ vào sự thay đổi đột ngột của tổng thống Mỹ.
Tổng thống Trump gửi đi nhiều thông điệp mâu thuẫn về triển vọng đàm phán thương mại với Trung Quốc. Ảnh: New York Times.
Chính trị không giống bất động sản
Nhiều chuyên gia về chính sách vốn ủng hộ Tổng thống Trump cũng phải cảnh báo cách tiếp cận thiếu mạch lạc là đáng lo ngại và có thể phản tác dụng.
"Kiểu giấu bài và buộc đối thủ phải đoán mò cũng có thể hiệu quả. Nhưng trong trường hợp của Tổng thống Trump, ông đã áp dụng quá cực đoan những chiến thuật này", Michael Doran, chuyên viên cấp cao tại Viện Hudson, nhận định.
"Bạn sẽ không bao giờ biết khi nào thì nên tin tưởng ông ấy", Doran cảnh báo.
Theo Doran và nhiều chuyên gia, chiến thuật này có thể được nhìn thấy trong sự nghiệp kinh doanh bất động sản của ông Trump. Những cuộc đàm phán có thể gồm toàn đòn gió hoặc dọa suông.
"Khi bạn đơn độc đàm phán các thỏa thuận bất động sản, điều quan trọng cuối cùng là hợp đồng, cụ thể là chữ ký trên thỏa thuận. Tuy nhiên, trong chính trị và ngoại giao, có nhiều thứ cũng rất quan trọng nhưng không bao giờ được thể hiện thành một thỏa thuận chính thức", Doran cảnh báo.
Một trong số những yếu tố đó là uy tín. Ở khía cạnh này, các phát ngôn của ông Trump đang phản tác dụng. Vẫn giữ chiến thuật như lúc làm kinh doanh, ông thường "nói thay" những nhà lãnh đạo khác theo cách có lợi nhất cho bản mình.
"Câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất hôm nay từ các nhà lãnh đạo thế giới, vốn nhận thấy nước Mỹ đang vận hành quá tốt và hùng mạnh hơn bao giờ hết, vô tình là: 'Thưa Tổng thống, vì sao truyền thông Mỹ lại ghét đất nước của ông như vậy? Vì sao học muốn đất nước thất bại?'", ông Trump viết trên Twitter ngày 25/8.
Không ai biết được ông Trump và các nhà lãnh đạo nói riêng những gì với nhau, nhưng thực tế là không một nhà lãnh đạo nào công khai đưa ra những phát ngôn như vậy. Tổng thống Trump cũng khẳng định một số lãnh đạo G7 bí mật tán thành ý tưởng đưa Nga trở lại nhóm, dù mọi bình luận công khai hoàn toàn trái ngược.
Tổng thống Trump vẫn thể hiện phong cách đàm phán khó lường tại hội nghị thượng đỉnh G7 lần này. Ảnh: New York Times.
Đội ngũ của ông Trump loay hoay chữa cháy
Trong những tuần qua, nhà lãnh đạo thay đổi lập trường chóng mặt trong hàng loạt vấn đề, đến mức giới quan sát không biết đâu mới là hướng đi thật.
Ông đổi ý về kế hoạch cắt giảm thuế và mở rộng kiểm tra lý lịch cho người mua súng. Ông phủ nhận chuyến thăm Đan Mạch nhằm mua lại Greenland. Khi Thủ tướng Mette Frederiksen nói vùng tự trị này không phải để bán, tổng thống Mỹ công kích nhà lãnh đạo Bắc Âu và hủy chuyến công du, nói không còn lý do gì để ông phải đến Đan Mạch.
Ngay cả những người ủng hộ Tổng thống Trump cũng không biết phản ứng như thế nào cho đúng ý ông.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 25/8 có chuyến thăm bất ngờ đến Biarritz, theo lời mời gặp riêng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề hội nghị thượng đỉnh G7. Giới chức Mỹ không xác nhận có được phía Pháp báo trước hay không. Tổng thống Trump bất ngờ từ chối bình luận.
Cho rằng lãnh đạo nước Mỹ bị "phục kích" và không được hỏi ý kiến, hàng loạt nhân vật thân cận với ông đã công kích Tổng thống Macron. Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói nhà lãnh đạo Pháp không tôn trọng Mỹ và cố tình thao túng chương trình nghị sự. Thượng nghị sĩ John Cornyn cáo buộc Tổng thống Macron ngả về phe Iran.
Tổng thống Trump trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau khi các lãnh đạo chụp ảnh chung. Ảnh: New York Times.
Tổng thống Trump đợi một ngày sau mới lên tiếng. Ông nói chuyến thăm của Ngoại trưởng Zarif đã được Tổng thống Macron báo trước và ông đã chúc cuộc gặp thành công.
Thậm chí, nhà lãnh đạo 73 tuổi còn tuyên bố sẵn sàng gặp người đồng cấp Hassan Rouhani của Iran trong vài tuần tới nếu ông Macron có thể dàn xếp trung gian và thời điểm thích hợp.
Những phát ngôn mâu thuẫn của ông Trump có lẽ một phần vì ông ít đề phòng và cởi mở với truyền thông nhiều hơn những người tiền nhiệm. Dù thường xuyên chỉ trích truyền thông là "tin giả" hay "kẻ thù" của nước Mỹ, ông nói chuyện với báo giới gần như liên tục, tạo nhiều cơ hội xảy ra những phát ngôn nằm ngoài kịch bản.
Riêng trong ngày 26/8, Tổng thống Trump có đến 4 buổi trả lời không có kịch bản với các phóng viên. Dường như, ngay cả chính ông cũng cảm thấy mình đang phát biểu quá nhiều.
"Tôi không hiểu vì sao tôi phải có thêm một buổi họp báo", một phóng viên tình cờ nghe thấy Tổng thống Trump nói với Mick Mulvaney, Quyền chánh văn phòng Nhà Trắng, trước cuộc gặp cuối cùng trong ngày 26/8 với báo giới.
"Ông nói một lúc thì họ mệt thôi", Mulvaney trả lời.
Theo Thanh Danh/Zing
Trung Quốc phản đối tuyên bố chung của G-7 về Hong Kong Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng với tuyên bố chung G-7 đưa ra về Hong Kong sau hội nghị thượng đỉnh tại Pháp. "Chúng tôi không hài lòng và kiên quyết phản đối tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 về các vấn đề Hong Kong", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc...