G7 cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine
Lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 24/2 đã cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột tại nước này bước sang năm thứ ba.
Cờ của các nước G7 và Liên minh châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Elmau Castle, Đức, ngày 28/6/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến do Italy chủ trì, các nhà lãnh đạo G7 nêu rõ chính phủ và người dân Ukraine có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của G7. Ngoài ra, G7 cũng tuyên bố sẽ triển khai “những biện pháp mới nếu cần thiết”.
Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của G7 trong năm 2024 dưới vai trò Chủ tịch luân phiên của Italy. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tham dự sự kiện này. G7 gồm các nước Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Italy và Canada.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 24/2 đã có chuyến thăm không thông báo trước đến Ukraine. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, người đứng đầu ngành ngoại giao Đức cho hay nước này đang xem xét về cách thức bổ sung viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp hệ thống vũ khí tầm xa.
Trước đó, ngày 22/2, Quốc hội Đức đã thông qua gói viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine, bao gồm các hệ thống vũ khí tầm xa, song không bao gồm tên lửa hành trình Taurus.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergei Marchenko ngày 24/2 cho biết nước này đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách và vẫn phải trông cậy vào sự hỗ trợ tài chính từ Mỹ cùng các nước châu Âu.
Cuối tháng 11/2023, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký dự thảo luật ngân sách nhà nước Ukraine năm 2024 với mức thâm hụt hơn 43 tỷ USD.
Ngoại trưởng Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về tình hình an ninh tại Biển Đen
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 2/11 cho biết tại cuộc gặp song phương ở Berlin (Đức), Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã thảo luận về tình hình an ninh tại khu vực Biển Đen và vấn đề xuất khẩu ngũ cốc Ukraine ra thị trường toàn cầu.
Tàu chở hàng đầu tiên di chuyển qua hành lang vận tải mới trên Biển Đen, sau khi rời cảng Odesa, Ukraine ngày 16/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Kuleba cho biết thêm ông và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã trao đổi quan điểm về diễn biến hiện nay tại khu vực Trung Đông.
Hồi tháng 8 vừa qua, Ukraine đã thiết lập một "hành lang nhân đạo" dọc theo bờ biển phía Tây Biển Đen, gần Romania và Bulgaria, để mở đường cho các tàu chở hàng bị mắc kẹt tại các cảng của nước này sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Kể từ đó, Ukraine đã xuất khẩu được khoảng 700.000 tấn ngũ cốc thông qua hành lang mới nói trên. Tuy nhiên, tháng trước, Ukraine đã tạm ngừng sử dụng hành lang trên do quan ngại các mối đe dọa đối với an ninh.
Cuộc gặp trên diễn ra trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng các nước châu Âu, được tổ chức theo sáng kiến của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. Ngoại trưởng các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), các nước ứng cử viên EU, cụ thể là Ukraine và một ứng cử viên tiềm năng khác là Gruzia, được mời tham dự.
Theo Ngoại trưởng Kuleba, tại hội nghị này, Ukraine sẽ thảo luận về sự cân bằng giữa cải cách EU với tiến trình mở rộng liên minh, hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng và chính sách chủ động.
Lý do Ukraine từ chối đề xuất của Iraq làm trung gian đàm phán với Nga Iraq đã đề nghị làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga trong nỗ lực tìm cách chấm dứt xung đột ở châu Âu. Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine đã từ chối lời đề nghị này trong chuyến thăm hiếm hoi tới Baghdad. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gặp người đồng cấp Iraq Fuad Hussein...