G20 không tìm được giải pháp giảm rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Những cách thức cụ thể giải quyết các rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa được đưa ra trong cuộc họp Bộ trưởng Tài chính G20.
Các Bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hôm qua kết thúc 2 ngày nhóm họp tại thủ đô Washington, Mỹ mà không đưa ra được những cách thức cụ thể góp phần giải quyết các rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó bao gồm bất đồng thương mại Mỹ-Trung.
Những lo ngại rằng nền kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại một phần do suy giảm trong lĩnh vực thương mại và đầu tư liên quan tới tranh chấp thương mại Mỹ-Trung. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) mới đây cảnh báo, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay được dự đoán có thể giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 do tác động từ cọ xát thương mại giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới này.
Bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm G20 không tìm được giải pháp giảm rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu. (Ảnh: Kyodo)
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso, người chủ trì cuộc họp G20, vừa cho biết các nước G20 sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể nhằm hướng tới đạt mục tiêu “tăng trưởng kinh tế toàn cầu một cách cân bằng”.
Video đang HOT
Các nhà lãnh đạo tài chính G20 cũng lần đầu tiên thảo luận về đồng tiền ảo Libra mà Facebook hồi tháng 6 vừa qua đã công bố hy vọng sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2020. Hiện đang dấy lên lo ngại rằng đồng tiền ảo này sẽ có tác động đáng kể tới hệ thống tài chính nếu nó được phát hành và sử dụng rộng rãi trong thanh toán và các mục đích xử lý tài chính khác.
Chính vì vậy, các đại biểu tham dự hội nghị của G20 vừa nhất trí rằng, Libra không nên được phát hành rộng rãi trước khi các quy định phù hợp được đưa ra nhằm tránh xảy ra tình trạng đồng tiền ảo này bị bọn tội phạm lợi dụng cho các hành vi rửa tiền hay vi phạm thông tin cá nhân./.
Phương Anh/VOV1 (Biên dịch)
Theo NHK
Đồng tiền số Libra của Facebook không được hoan nghênh ở châu Âu
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire thông báo các nền kinh tế lớn ở châu Âu sẽ ngăn chặn đồng tiền số Libra mà Facebook đang "thai nghén" do những mối đe dọa mà đồng tiền này đặt ra đối với chủ quyền quốc gia.
Phát biểu với báo giới ngày 18/10 bên lề các hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, Mỹ, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire thông báo các nền kinh tế lớn ở châu Âu sẽ ngăn chặn đồng tiền số Libra mà Facebook đang "thai nghén" do những mối đe dọa mà đồng tiền này đặt ra đối với chủ quyền quốc gia.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tại cuộc họp báo ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Le Maire khẳng định thêm Pháp, Đức và Italy sẽ có các hành động trong những tuần tới để cho thấy rõ rằng Libra không được hoan nghênh ở châu Âu. Ông nói các nước này sẽ không cho phép một công ty tư nhân có quyền lực và sức mạnh tiền tệ như một quốc gia có chủ quyền.
Cùng quan điểm với ông Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết ông rất quan ngại về dự án tiền điện tử Libra. Ông ủng hộ việc không cho phép sự ra đời của một đồng tiền như vậy trên toàn cầu, dù thừa nhận về sự cần thiết của các cải cách ngân hàng để có thể thực hiện các thanh toán qua biên giới một cách đơn giản, với chi phí thấp và nhanh chóng.
Sự phản đối quyết liệt của Pháp, Italy và Đức đang gây thêm trở ngại cho nỗ lực lực của Facebook trong việc mở rộng hoạt động sang lĩnh vực tài chính số.
Trong khi đó, Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) trong cùng ngày cũng lên tiếng cảnh báo về những rủi ro nghiêm trọng như rửa tiền, gian lận và các hoạt động tài chính phi pháp khác tiềm ẩn từ đồng Libra, và kêu gọi có các biện pháp trước khi đồng tiền này được phát hành.
Còn Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 17/10 đã tuyên bố bất kể đồng tiền số nào như đồng Libra cũng sẽ cần một khung pháp lý vững chắc trước khi được đưa vào lưu thông.
Tuy nhiên, các quan chức châu Âu nói họ muốn ngăn chặn hoàn toàn đồng Libra.
Mạng xã hội Facebook, với 2,7 tỷ người dùng, đã gây những tranh cãi vào tháng Sáu khi thông báo kế hoạch phát hành đồng Libra vào năm tới, trong nỗ lực tạo ra một hệ thống thanh toán mới trên toàn cầu.
Facebook tin rằng đồng Libra sẽ giúp mọi người, đặc biệt là những người ở các nước đang phát triển không tiếp cận được với ngân hàng truyền thông nhưng có điện thoại di động, có thể chuyển tiền ra nước ngoài với chi phí thấp.
Lê Minh
(Theo AFP, Kyodo)
Sự phát triển của tiền điện tử như Libra gây khó khăn trong chống rửa tiền quốc tế Việc các loại tiền điện tử tương tự như Libra của Facebook được sử dụng rộng rãi sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực phát hiện, ngăn chặn các mô hình rửa tiền và đấu tranh chống tài trợ cho khủng bố. Ảnh minh họa từ Internet Tin từ TTXVN cho biết, Lực lượng đặc nhiệm Tài chính quốc tế (FATF) ngày 18.10...