FTM báo lỗ quý thứ 3 liên tiếp
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2019, Fortex báo lỗ ròng ở mức trên 43 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi ròng 31,7 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex – FTM) đã công bố BCTC quý 3/2019 với mức lỗ tiếp tục hơn 12 tỷ đồng – ghi nhận quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp.
Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ chỉ đạt 360,3 tỷ đồng tăng 54% so với cùng kỳ trong khi giá vốn hàng bán lên tới 361,5 tỷ đồng – cao hơn doanh thu thuần đạt được nên lỗ gộp ghi nhận hơn 1,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gộp 25,3 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng mạnh cao gấp 6 lần đạt hơn 13 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 28% lên mức 17,8 tỷ đồng, mặc dù chi phí bán hàng giảm 12% và chi phí QLDN giảm 41% song sau khi giảm trừ, Fortex lỗ ròng 12,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lãi ròng 4,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng đã là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp này kinh doanh lỗ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần đạt 810,4 tỷ đồng giảm 2% so với cùng kỳ nhưng giá vốn lại tăng cao 10% nên lỗ ròng ở mức trên 43 tỷ đồng. Mục tiêu kinh doanh năm 2019 của Fortex là đạt 1.225 tỷ đồng doanh thu và có lãi 22,5 tỷ đồng.
Video đang HOT
Tổng nợ phải trả đến cuối quý 3 là hơn 1.194 tỷ đồng, chiếm tới 69% tổng tài sản, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 490,3 tỷ đồng, còn lại vay nợ thuê tài chính dài hạn 233,6 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến chi phí tài chính trong kỳ rất cao, đạt 17,8 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu FTM bất ngờ giảm sàn 31 phiên liên tiếp kể từ hồi giữa tháng 8, tuy nhiên trong lúc đó Fortex đã phát đi thông cáo rằng hoạt động kinh doanh vẫn bình thường với 3 ca sản xuất liên tục. Hiện cổ phiếu FTM đang giao dịch quanh mức 3.620 đồng/cổ phiếu.
Dự kiến ngày 29/10, Fortex sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2019. Được biết trong Đại hội lần này Công ty sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua: Miễn nhiệm chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoàng Giang theo đơn xin từ nhiệm đã gửi về công ty trong lúc cổ phiếu của công ty rối ren nhất và bầu bổ sung 3 Thành viên HĐQT mới là ông Lê Văn Thường, Đỗ Văn Sinh và bà Bích Vân.
Nam Hạ
Theo Nhịp Sống Việt
FTM sắp sửa tổ chức họp ĐHCĐ bất thường bàn chuyện tái cơ cấu công ty và ban lãnh đạo
Đại hội lần này nóng nhất sẽ là câu chuyện nhân sự của FTM. Công ty xin ý kiến cổ đông thông qua: Miễn nhiệm chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoàng Giang theo đơn xin từ nhiệm đã gửi về cty trong lúc...cổ phiếu của công ty rối ren nhất.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (mã chứng khoán FTM) vừa công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông bất thường tổ chức vào 29/10 tới đây. Danh sách cổ đông được chốt vào ngày 14/10/2019.
Theo tài liệu Đại hội cổ đông, FTM sẽ tiến hành họp đại hội cổ đông bất thường tại Thái Bình-nơi công ty đóng trụ sở. Đại hội lần này nóng nhất sẽ là câu chuyện nhân sự của FTM. Công ty xin ý kiến cổ đông thông qua: Miễn nhiệm chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoàng Giang theo đơn xin từ nhiệm đã gửi về cty trong lúc...cổ phiếu của công ty rối ren nhất. Và, bổ sung 3 TV. HĐQT mới là ông Lê Văn Thường, Đỗ Văn Sinh và bà Bích Vân.
FTM cũng xin ý kiến cổ đông áp dụng mô hình quản trị công ty một cấp, không có ban kiểm soát.
FTM cũng xin ý kiến cổ đông thông qua chủ trương tái cấu trúc công ty. FTM cho rằng trong thời gian qua, bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn đang diễn ra căng thẳng đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty nói riêng và ngành sợi Việt Nam nói chung vì thị trường Trung Quốc là thị trường chủ lực của ngành. Hoạt động sản xuất của công ty đang bị ảnh hưởng lớn. Để tiếp tục đạt được sự nhất trí cao trong công tác quản trị và điều hành giúp cho công ty phát triển ổn định hơn trong thời gian tới cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, Hội đồng quản trị công ty kính trình đại hội đồng cổ đông xem xét và thông qua chủ trương tái cơ cấu công ty và giao cho HĐQT thực hiện xây dựng phương án lên kế hoạch sắp xếp, tái cơ cấu công ty.
Theo dữ liệu của chúng tôi, cổ phiếu FTM sau khi giảm sàn 31 phiên liên tiếp đã khiến nhiều công ty chứng khoán nghi ngờ việc có nhóm cổ đông cấu kết với nhau, lợi dụng chính sách cho vay margin của các công ty chứng khoán và "đổ vỏ". Sự việc khiến các công ty chứng khoán đang tạm bị thiệt hại đáng kể nếu giá cổ phiếu không tăng.
Biến động giá cổ phiếu FTM 3 tháng qua
Sau 31 phiên giảm sàn, FTM đảo chiều tăng trở lại và đạt chuỗi 8 phiên tăng trần liên tiếp. Đến phiên tăng trần thứ 9, khi lệnh dư mua đang cả triệu cổ phiếu thì lệnh bán bất ngờ cung ứng mạnh khiến giá cổ phiếu sập sàn. Sau 6 phiên sàn thì FTM lại quay đầu tăng trần. Hiện, FTM đã tăng trần được 2 phiên liên tiếp.
Hải An
Theo Trí thức trẻ
Margin: "Con dao hai lưỡi" Không thể tin, tức giận, ngao ngán..., rồi đến "chấp nhận" là những cảm xúc mà người viết ghi nhận được khi tìm hiểu tại một số công ty chứng khoán bị thiệt hại trong vụ việc cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) bị bán giải chấp, giảm giá sàn liên tục trong...