Foxconn chuẩn bị trước cho sự chia rẽ Mỹ – Trung ‘không thể tránh khỏi’
Foxconn đang nỗ lực mở rộng sản xuất ra khỏi đại lục khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng xấu đi.
Logo Foxconn trên đỉnh tòa nhà của công ty ở Đài Bắc, Đài Loan
Theo Nikkei, Foxconn, nhà sản xuất linh kiện điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cho biết khoảng 30% công suất của công ty hiện nằm ngoài Trung Quốc, tăng so với mức 25% hồi tháng 6.2019. Con số này nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục đi lên trong thời gian tới khi sự tách rời chuỗi cung ứng Mỹ – Trung là điều “không thể tránh khỏi”.
“Việc hình thành hai chuỗi cung ứng trên thế giới là xu hướng tất yếu. Làm thế nào để phục vụ hai thị trường lớn là điều chúng tôi đã luôn lên kế hoạch”, Chủ tịch Foxconn Young Liu nói hôm 12.8 tại một hội nghị nhà đầu tư ở Đài Bắc.
Phát biểu của ông Liu được đưa ra ngay vào thời điểm mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ. Bắc Kinh mới đây trừng phạt 11 quan chức Mỹ nhằm đáp trả việc chính quyền Tổng thống Donald Trump trừng phạt trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam, cùng với 10 quan chức khác của Hồng Kông và đại lục. Tuần trước, ông Trump cũng đã ký lệnh cấm mọi giao dịch giữa Mỹ và chủ sở hữu của hai ứng dụng Trung Quốc là TikTok và WeChat, trích dẫn lý do gây nguy hại đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Foxconn là một trong những hãng công nghệ phản ứng sớm nhất trước căng thẳng Mỹ – Trung. Kể từ năm 2018, khi Washington mạnh tay áp thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc, Foxconn đã quyết định chuyển phần lớn máy chủ và hoạt động sản xuất ra khỏi đại lục.
Cũng trong hội nghị, ông Liu cho biết thêm, bên cạnh khoản đầu tư vào bang Wisconsin (Mỹ) cách đây hai năm, Foxconn còn tập trung tăng năng suất tại Mexico, Brazil, Đông Nam Á và Ấn Độ để chuẩn bị cho những diễn biến tiềm năng lớn hơn nữa giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhà sản xuất linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới cũng đã mở rộng năng lực sản xuất ở Việt Nam trong năm 2019.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn đáng kể kế hoạch đa dạng hóa sản xuất của Foxconn trong năm nay. “Có nhiều điều không chắc chắn và nhiều khách hàng điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất của họ”, ông Liu nói.
Trong khoảng hết tháng 9.2020, Foxconn dự đoán tình hình sản xuất và kinh doanh vẫn sẽ duy trì trạng thái yên lặng như hiện tại. “Nhìn chung, doanh thu trong quý này của chúng tôi sẽ tăng so với quý vừa qua, nhưng ước tính sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước”, ông Liu nói và cho rằng sự sụt giảm hằng năm là do khách hàng trì hoãn ra mắt sản phẩm mới, đặc biệt là iPhone của khách hàng lớn Apple.
Video đang HOT
Ông Trump có thể biến iPhone thành rác ở Trung Quốc
Với người dùng iPhone tại Trung Quốc và các vùng sử dụng WeChat, một chiếc iPhone không có WeChat sẽ chẳng khác gì "rác điện tử đắt tiền", Bloomberg dẫn lời một cư dân Hong Kong.
Cuối năm 2009, 2 năm kể từ khi thế hệ iPhone đầu tiên ra mắt, Apple bắt đầu tiến vào thị trường Trung Quốc. Những chiếc điện thoại mang logo Táo khuyết ngay lập tức trở thành sản phẩm bán chạy.
Tuy nhiên, công sức xây dựng thị trường của Apple sau hơn 10 năm có thể đổ bể nếu như lệnh cấm WeChat của Tổng thống Mỹ Donald Trump được giữ nguyên sau hơn 1 tháng nữa.
Không có WeChat, iPhone sẽ trở thành một loại "rác điện tử" đắt tiền tại Trung Quốc.
iPhone không Wechat sẽ là 'rác' ở Trung Quốc
Sắc lệnh nói trên được ông Trump ký vào ngày 6/8, nêu rõ việc cấm mọi cá nhân và tổ chức của Mỹ thực hiện giao dịch với WeChat của Tencent kể từ ngày 20/9. Tuy nhiên, định nghĩa của cụm từ "thực hiện giao dịch" sẽ chỉ được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra sau khi sắc lệnh chính thức có hiệu lực.
Dù chưa có quyết định cuối cùng, sắc lệnh của tổng thống Mỹ đã ngay lập tức khiến Tencent mất 66 tỷ USD giá trị vốn hóa chỉ trong 2 ngày, trước khi giá trị tăng trở lại vào 2 ngày gần đây.
Tencent không phải là công ty duy nhất chịu thiệt hại nếu WeChat bị cấm. Với người dùng iPhone tại Trung Quốc và các vùng sử dụng WeChat, một chiếc iPhone không có WeChat sẽ chẳng khác gì "rác điện tử đắt tiền", Bloomberg dẫn lời một cư dân Hong Kong.
Apple là công ty công nghệ nước ngoài hiếm hoi có lượng người dùng trung thành tại Trung Quốc.
Theo nhận định của các nhà phân tích, WeChat đã trở thành một phần quá quan trọng trong cuộc sống người dân Trung Quốc, đến nỗi họ sẵn sàng từ bỏ iPhone nếu như những chiếc điện thoại này không thể cài WeChat.
Trong một khảo sát trên mạng xã hội Weibo với hơn 1,2 triệu lượt tham gia, có tới 95% lượng người dùng cho biết họ sẽ bỏ iPhone nếu không có WeChat.
Nhà phân tích Ming-chi Kuo của TF International Securities trong một bài viết gần đây khẳng định doanh thu iPhone sẽ giảm 25-30%, trong khi doanh thu các sản phẩm khác của Apple như AirPods, iPad hay Apple Watch có thể giảm 15-25% nếu như WeChat bị xóa khỏi App Store.
"Lệnh cấm sẽ buộc rất nhiều người dùng Trung Quốc chuyển từ Apple sang các thương hiệu khác vì WeChat rất quan trọng với chúng tôi. Gia đình tôi ở Trung Quốc đều dùng WeChat, và mọi liên hệ đều thực hiện trên nền tảng này", Sky Ding, một nhân viên làm việc trong ngành tài chính tại Hong Kong chia sẻ với Bloomberg.
Trong buổi thông báo về tình hình kinh doanh quý ngày 12/8, Tencent trấn an các nhà đầu tư rằng họ tin lệnh cấm WeChat của Mỹ sẽ chỉ áp dụng ở Mỹ, và sẽ không ảnh hưởng tới phiên bản phần mềm này ở Trung Quốc, thường được gọi là Weixin. Tuy nhiên, Tencent cũng bổ sung rằng họ đang chờ xác nhận về sắc lệnh.
Thị trường 44 tỷ USD mà Apple xây dựng có thể bị thổi bay
iPhone tiếp cận thị trường Trung Quốc vào năm 2009, khi thế hệ iPhone 3GS ra đời. Mặc dù nhận sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thương hiệu nội địa, iPhone vẫn luôn giữ thị phần lớn tại Trung Quốc.
Theo dữ liệu của IDC và Bloomberg, Apple đã bán ra hơn 210 triệu chiếc iPhone tại Trung Quốc trong vòng 5 năm qua. Số liệu của Quest Mobile cũng cho thấy iPhone đạt 20% thị phần tại Trung Quốc vào tháng 6, chỉ kém Huawei với 26% thị phần.
Sự kiện ra mắt iPhone 3GS của Apple tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào năm 2009.
Thị phần Trung Quốc từng có lúc đạt tới 25% tổng doanh thu của Apple, cho thấy tầm quan trọng của thị trường này đối với Táo khuyết. Trong năm 2019, thị trường Trung Quốc đại lục chiếm khoảng 17% doanh thu của Apple, tương đương khoảng 43,7 tỷ USD.
Apple đang rất chờ đợi vào thế hệ iPhone 2020, với công nghệ 5G là điểm nhấn để thu hút người dùng Trung Quốc. Tuy nhiên, việc thiếu vắng WeChat có thể khiến cho 5G không còn ý nghĩa.
"Tôi lo rằng WeChat sẽ bị cấm trên iPhone. Điều đó sẽ khiến công việc của tôi bị ảnh hưởng, bởi 90% liên lạc với khách hàng và đồng nghiệp là trên WeChat", Vincent Han, người làm trong ngành tài chính tại Thượng Hải chia sẻ sau khi bỏ kế hoạch mua iPhone, và thay vào đó mua một chiếc smartphone của Samsung.
Apple đón nhận kết quả kinh doanh tốt trong quý vừa qua, với tổng doanh thu đạt 59,7 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Apple, doanh thu từ thị trường quốc tế đóng góp 60% tổng doanh thu quý của hãng.
Tuy nhiên, bóng mây đen từ vụ WeChat vẫn đang ám ảnh Apple. Chiến lược bán iPhone SE giá thấp để thu hút những người dùng iPhone lần đầu cũng sẽ thành công cốc nếu máy không cài được WeChat.
Trái với Apple, các hãng Trung Quốc như Huawei có thể thoải mái cung cấp WeChat trên điện thoại bán trong nước.
Trái với Apple, Huawei sẽ không chịu ảnh hưởng gì từ lệnh cấm này khi họ có thể cung cấp WeChat cho người dùng Trung Quốc trên kho ứng dụng của mình. Các công ty Trung Quốc khác cũng không phụ thuộc vào kho ứng dụng Google Play Store ở thị trường nội địa. Xiaomi, Oppo hay Vivo cũng đã có những smartphone 5G để thu hút người dùng trong nước.
"Apple đã tạo nên một loạt sản phẩm rất hấp dẫn và khiến tôi phụ thuộc vào thương hiệu của họ. Sẽ thật là một thảm họa nếu WeChat bị cấm", Bloomberg dẫn lời sinh viên Trung Quốc họ Ou, một trong hàng triệu người dùng trung thành của Táo khuyết tại Trung Quốc bị đặt trước lựa chọn khó khăn.
Nhà sản xuất iPhone lớn nhất thế giới: 'Trung Quốc hết thời làm công xưởng của thế giới' Lúc này, gần 1/3 năng lực sản xuất của Foxconn đã được di chuyển ra bên ngoài Trung Quốc. Một trong những nhà cung ứng quan trọng của Apple và nhiều công ty công nghệ khác đang lên kế hoạch chia sẻ chuỗi cung ứng giữa thị trường Trung Quốc và Mỹ. Nhà cung ứng này đồng thời khẳng định thời kì Trung...