Formosa gây ô nhiễm: Khởi tố vụ án hay không, cơ quan tư pháp sẽ xem xét
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Formosa gây ô nhiễm môi trường thì có khởi tố vụ án hình sự không, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, việc khởi tố hay không thì cơ quan tố tụng, tư pháp sẽ xem xét, Chính phủ không can thiệp. Tất cả mọi quyết định phải được xem xét trên cơ sở luật pháp và lợi ích.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn (giữa) trả lời báo chí tại cuộc họp báo. Ảnh: Như Ý.
Thận trọng, chặt chẽ
Xin cho biết quá trình xác định nguyên nhân hải sản chết tại các tỉnh miền Trung được thực hiện như thế nào? Sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước vào quá trình xác định nguyên nhân ra sao?
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Việc xác định nguyên nhân cần chứng cứ khoa học chặt chẽ, bài bản, đảm bảo chứng cứ khoa học đầy đủ, xác định thủ pham là ai, đấu tranh thế nào. Thứ nhất phải xác định nguyên nhân, cơ chế gì khiến hải sản chết hàng loạt. Thứ hai là xác định nguồn gây ô nhiễm từ đâu. Các nhà khoa học trong và ngoài nước ở các lĩnh vực hải dương học, vũ trụ học… tiến hành nhiều công việc từ lấy mẫu cá, mẫu nước, sinh vật…, đồng thời thực hiện nhiều hoạt động từ việc xác định sự việc từ vệ tinh… Khi có kết quả, chúng tôi tổ chức hội đồng khoa học của nhà nước đánh giá, lấy ý kiến phản biện độc lập của các nhà khoa học quốc tế. Qua đó cho thấy, quá trình di chuyển của các độc tố là theo dòng hải lưu từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên – Huế. Đây là một ổ độc hấp thu kim loại trực tiếp, bản thân nó có nhu cầu ôxy, đi đến đâu lấy ôxy và gây độc tố làm cá chết.
Tuy nhiên để tìm nguồn gây độc, chúng tôi đã rà soát hàng trăm cơ sở có nguồn thải, tập trung vào Formosa, Điện Vũng Áng và Khu công nghiệp Hà Tĩnh. Đoàn kiểm tra về luyện thép, công nghệ môi trường… kiểm tra, và phát hiện sai sót, lỗi trong sản xuất, quản lý vận hành thử nghiệm lỏng lẻo, từ đó có đầy đủ bằng chứng thuyết phục để nhà đầu tư phải thừa nhận. Chúng tôi đã cẩn trọng bài bản, chính xác, thuyết phục như chỉ đạo của Thủ tướng.
Ngày 23/4, Bộ NN&PTNT khẳng định cá chết do độc tố cực mạnh từ môi trường. Ngày 27/4, Bộ TN&MT cho rằng nguyên nhân có thể từ con người và thuỷ triều đỏ. Ngày 4/5, Bộ KH&CN nói đã đủ cơ sở để xác định nguyên nhân cá chết. Vậy tại sao cho đến nay, gần 3 tháng sau khi sự cố xảy ra mới có thông tin chính thức?
Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh: Ngay khi sự việc xảy ra Thủ tướng đã phân công các bộ ngành liên quan khẩn trương tìm ra nguyên nhân. Các nhà khoa học đã vào cuộc với nỗ lực và cố gắng cao nhất. Quá trình tiếp cận bằng nhiều phương pháp khoa học khác nhau, trong đó có các nhà khoa học nước ngoài. Có khó khăn là chúng ta phải tìm kiếm những dấu vết ngay tại thực địa, dưới đáy biển và cả hồi tố. Nhiều chuyên gia đến từ Nhật, Pháp, Đức, Mỹ… đã bổ sung dữ liệu cùng nhà khoa học Việt Nam đối chứng phân tích chỉ tiêu, từ đó có những chứng cứ được các nhà khoa học quốc tế thừa nhận.
Quá trình công bố nguyên nhân cá chết đến nay xác định là chậm so với bức xúc của dư luận?
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: Việc công bố hôm nay thể hiện chủ trương công khai của Đảng và Nhà nước. Ngay từ đầu những người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo yêu cầu điều tra nhanh chóng xác định nguyên nhân, thủ phạm, đánh giá hậu quả gây ra, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng… Công bố nguyên nhân là để giải quyết kịp thời hiệu quả, công bố thủ phạm là để khắc phục hậu quả. Điều tra nguyên nhân và thủ phạm là hai việc khác nhau.
Việc công bố ai là thủ phạm cần điều tra để xác định chứng cứ, có sự tham gia của cơ quan bảo vệ pháp luật, các ngành, địa phương. Kết quả điều tra là khách quan, hoàn toàn loại trừ các nguyên nhân làm chậm quá trình điều tra. Các cơ quan đã làm việc nỗ lực hết mình. Thời gian qua có sự bức xúc vì chậm công bố nguyên nhân, đây là điều bình thường vì ảnh hưởng đến đời sống người dân nhưng cũng xuất hiện sự phản ứng thái quá làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến quá trình điều tra.
Một số thế lực lợi dụng sự việc này để kích động, gây bất an trong nhân dân. Chúng tôi tôn trọng sự bức xúc của người dân nhưng không chấp nhận lợi dụng bức xúc để chống đối Đảng, Nhà nước.
Cân nhắc việc khởi tố
Với vụ việc này Cơ quan công an có khởi tố vụ án hình sự hay không?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Trước hết, có biện pháp khắc phục đời sống người dân ven biển như hỗ trợ lãi suất, việc làm, mua hải sản của ngư dân đánh bắt; công bố sớm vùng hải sản an toàn, cảnh báo vùng hải sản không an toàn để người dân tránh dùng sản phẩm không an toàn. Việc đấu tranh tìm ra thủ phạm là thái độ cương quyết của Đảng, Chính phủ Việt Nam; xử nghiêm không loại trừ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Nhưng, Việt Nam đang xây dựng môi trường đầu tư, tạo lập hình ảnh trong thời kỳ hội nhập, được các nhà đầu tư đánh giá cao về ổn định chính trị, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thành công là thể hiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Formosa đã nhận lỗi trước người dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết về bồi thường, hỗ trợ.
“Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”, Chính phủ có thái độ rõ ràng, đó là xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm pháp luật nhưng cũng có chính sách độ lượng. Nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì Chính phủ đảm bảo cho hoạt động hiệu quả. Việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì cần cân nhắc. Người dân Việt Nam vốn khoan hồng, độ lượng.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn: Việc khởi tố hay không thì cơ quan tố tụng tư pháp sẽ xem xét, Chính phủ không can thiệp. Tất cả mọi quyết định phải được xem xét trên cơ sở luật pháp và lợi ích.
Không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư
Việc Bộ TN&MT cấp phép xả thải cho Formosa như thế nào? Trách nhiệm của Bộ TN&MT ra sao?
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà: Nguồn nước thải của Formosa gồm: nước thải công nghiệp, nước thải từ sinh hoạt, sinh hoá… Thực tế, đây là giai đoạn vận hành thử nghiệm nên chưa có cơ quan nhà nước vào giám sát. Đây là lỗ hổng trong giai đoạn thử nghiệm vận hành. Hệ thống giám sát tự động cũng chưa có cơ quan nào vào đánh giá, trong đó có những độc tố nặng. Pháp luật có lỗ hổng trong quá trình giám sát thử nghiệm.
Quá trình nhà máy Formosa vận hành, tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra việc xả thải đối với dự án này như thế nào? Trách nhiệm của địa phương ra sao sau khi phát hiện sự cố?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh: Dự án của Formosa rất lớn, nhiều việc vượt ra ngoài Hà Tĩnh. Mặc dù vậy tỉnh đã phối hợp với các bộ ngành Trung ương trong việc kiểm tra giám sát. Tỉnh đã giao việc giám sát cho các sở ngành liên quan. Sự cố xảy ra, Hà Tĩnh đã chỉ đạo các nhà khoa học sớm tìm ra nguyên nhân và công bố rộng rãi. Quá trình vừa qua do khả năng có hạn, việc kiểm tra giám sát chưa làm được thường xuyên và còn nhiều bất cập. Chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc và xử lý những sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Mức đền bù 500 triệu dựa trên cơ sở nào? Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà: Đây là mức đưa ra dựa trên mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, môi trường. Còn những tổn thương lớn hơn đến tâm lý, cùng với đó chúng tôi đã yêu cầu Formosa chuyển đổi công nghệ, không bao giờ xảy ra sự cố tương tự. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành phục hồi môi trường đã bị ô nhiễm.
Theo Văn Kiên – Luân Dũng (Tiền Phong)
500 triệu USD đền bù của Formosa sẽ sử dụng như thế nào
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, Formosa Hà Tĩnh cam kết chi trả ngay số tiền bồi thường 500 triệu USD.
Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân sự cố cá chết tại 4 tỉnh miền Trung diễn ra chiều 30/6, trả lời VnExpress, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, số tiền 500 triệu USD bồi thường mà Formosa Hà Tĩnh cam kết chi trả cho Việt Nam sẽ được dành ưu tiên cho người dân. Đặc biệt là ngư dân các tỉnh miền trung bị thiệt hại do cá chết.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: "Formosa cam kết sẽ chuyển ngay toàn bộ số tiền 500 triệu USD cho phía Việt Nam".
Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã cam kết và hứa sẽ chi trả ngay số tiền bồi thường 500 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam. Công việc tiếp theo, Chính phủ sẽ giao cho các bộ, ngành và các địa phương xây dựng phương án về bồi thường thiệt hại như: hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, xử lý môi trường bền vững ...
"Công việc dài hơi hơn, Chính phủ sẽ rà soát, xem xét lại các thủ tục cấp phép, quy chuẩn về môi trường... đặc biệt là điều kiện cấp phép báo cáo đánh giá tác động môi trường (DMT) đối với các dự án đầu tư", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Để sự cố môi trường không tái diễn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành rà soát tiêu chuẩn bảo vệ môi trường áp dụng cho các doanh nghiệp. "Trách nhiệm cán bộ công chức trực tiếp liên quan đến vụ việc, dù ở cấp nào đều chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy mức độ liên quan", Bộ trưởng Tuấn khẳng định.
Hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện vào ngày 6/4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Khoảng 70 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chết dạt bờ, chủ yếu là loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt.
Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, với chứng cứ khoa học khách quan, chính xác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng các bộ, ngành, và 4 địa phương nhiều lần làm việc với Tập đoàn Formosa Đài Loan, công ty mẹ của Formosa Hà Tĩnh và khẳng định cá chết là do chất thải độc từ nhà máy Formasa Hà Tĩnh.
Ngày 28/6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường trên, công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam đồng thời cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, xử lý môi trường biển với số tiền 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ đồng
Formosa cũng cam kết khắc phục các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường; không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua.
Đây là sự cố môi trường lớn nhất xảy ra ở Việt Nam. Số tiền 500 triệu USD cũng là khoản bồi thường chưa từng có.
Trước đó, Chính phủ cũng đã có một loạt biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân các tỉnh nhằm giảm thiểu khó khăn do thảm họa cá chết gây ra.
Nguyễn Hoài
Theo VNE
Vụ cá chết: Formosa là thủ phạm, cam kết bồi thường 500 triệu USD Đó là những thông tin đáng chú ý được đưa ra tại cuộc họp báo chiều nay 30-6 công bố kết luận về sự cố môi trường xảy ra ở bốn tỉnh miền Trung trong tháng 4-2016 vừa qua. Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết: Tháng 4-2016 tại bốn tỉnh ven biển Việt Nam gồm...