FiinGroup cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp
Việc có đánh giá độc lập về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành và chính công cụ phát hành sẽ giúp các nhà đầu tư có thêm thông tin để đánh giá cơ hội đầu tư và mức độ rủi ro.
Công ty Cổ phần FiinGroup (Fiin Group) công bố chính thức bắt đầu cung cấp Dịch vụ Xếp hạng Tín nhiệm FiinRating kể từ ngày 5/6/2020
Trước đó, FiinGroup đã được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ Xếp Hạng Tín nhiệm vào ngày 20/3/2020 trên cơ sở Nghị định 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014 của Chính phủ quy định về Dịch vụ Xếp hạng Tín nhiệm tại Việt Nam và Quyết định 507/QĐ-Ttg ngày 17/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển dịch vụ định mức tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng khá mạnh trong những năm gần đây. Quy mô thị trường vào cuối tháng 3 năm 2020 chiếm khoảng 10,28% GDP 2019 của Việt Nam với sự tham gia của không chỉ các nhà đầu tư tổ chức mà cả các nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước.
Nếu như trước kia doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu lệ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng hoặc huy động thông qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, thì giờ đây khai thông nguồn vốn trung và dài hạn cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt là xu hướng mới trong ngành tài chính.
Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng trung và dài hạn cho doanh nghiệp còn hạn chế và kênh phát hành qua thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng thuận lợi, thì kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp là sự lựa chọn của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành khác nhau.
Video đang HOT
Tuy nhiên, các yếu tố nền tảng để vận hành hiệu quả thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình hoàn thiện; trong đó có sự phát triển của thị trường giao dịch thứ cấp, chuẩn hóa về công bố thông tin, nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư và đặc biệt là việc thực hiện xếp hạng tín nghiệm độc lập về khả năng trả nợ của đơn vị phát hành cũng như về chính công cụ trái phiếu, nhất là với các trái phiếu được phát hành rộng rãi ra công chúng.
Khác với kênh đầu tư chứng khoán, đầu tư trái phiếu về bản chất là nhà đầu tư sẽ nhận được một khoản thu nhập lãi và gốc cố định, thường có thời gian kéo dài nhiều năm.
Do đó, việc có được đánh giá độc lập về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành và chính công cụ phát hành, ví dụ như trái phiếu sẽ giúp các nhà đầu tư có thêm thông tin để đánh giá cơ hội đầu tư, tương ứng với các mức độ rủi ro được chuẩn hóa theo một phương pháp luận chung, có tính tin cậy cao, cũng như qua đó hỗ trợ phát triển thị trường một cách lành mạnh và bền vững.
Việc xếp hạng cũng giúp cho chính các doanh nghiệp phát hành xác định mức chi phí vốn hợp lý so với điểm xếp hạng tín nhiệm của mình và tiếp cận được rộng rãi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho các quyết định huy động vốn của họ.
“Có được giấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm mới là bước khởi đầu của chúng tôi. Với lợi thế về kinh doanh và phân tích dữ liệu sẵn có trong hơn 12 năm qua và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về phương pháp luận, mô hình xếp hạng, dữ liệu chuẩn so sánh, nhân sự và sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế trong suốt hơn hai năm qua, chúng tôi tự tin chính thức tham gia cung cấp dịch vụ này cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chúng tôi cũng muốn qua đó sẽ góp phần phát triển hơn nữa thị trường vốn Việt Nam và tạo nền móng cho ngành xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam”, theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup./.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp
Việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã giúp doanh nghiệp tiếp cận kênh huy động vốn trên thị trường, bù đắp kênh vay tín dụng của ngân hàng. Đồng thời cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ là đa dạng hóa các nguồn vốn huy động trong xã hội, từng bước giảm sự phụ thuộc vào hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, để thị trường này phát triển hiệu quả, minh bạch, cơ quan quản lý vẫn còn nhiều việc phải làm.
Quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã vượt mục tiêu 7%GDP đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ảnh: ST
Có hiện tượng phát triển "nóng"
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những năm gần đây phát triển nhanh, giúp các doanh nghiệp huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng; hỗ trợ các ngân hàng thương mại (NHTM) và các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực huy động vốn dài hạn để đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn; giảm bớt áp lực huy động vốn cho hệ thống NHTM; định hướng được các khoản đầu tư trung, dài hạn thay vì gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn.
Nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, các chuyên gia và thành viên của thị trường trái phiếu, Nghị định số 163 đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao tính chủ động trong việc huy động vốn và tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu của doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hiện tượng các doanh nghiệp dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu với khối lượng lớn cho thấy dấu hiệu của sự phát triển "nóng". Bên cạnh đó, còn có hiện tượng một số nhà đầu tư cá nhân mua theo tâm lý đám đông, chỉ quan tâm đến lãi suất mà không quan tâm đến sự hoạt động an toàn của doanh nghiệp.
Kênh huy động vốn được các doanh nghiệp quan tâm lựa chọn
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng và phát triển nhanh. Nếu cuối năm 2017 đạt 6,29% GDP, cuối năm 2018 đạt 9,01% GDP thì cuối năm 2019 đã đạt 10,38% GDP (tương đương khoảng 640.000 tỷ đồng, gấp 6 lần năm 2011). Riêng trong năm 2019, các doanh nghiệp phát hành trên 315.000 tỷ đồng. Quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã vượt mục tiêu 7% GDP đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho thấy phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành kênh huy động vốn ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm lựa chọn. Trong 4 tháng đầu năm 2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển nhanh, đạt trên 58.000 tỷ đồng. Số lượng và loại hình doanh nghiệp tham gia thị trường đa dạng hơn so với năm trước, bao gồm khối sản xuất, dịch vụ và xây dựng, mặc dù khối lượng phát hành thấp hơn năm trước.
Đánh giá từ quá trình quản lý và giám sát, Bộ Tài chính đã chỉ ra một số tồn tại lớn. Đầu tiên, Bộ Tài chính nhận thấy có hiện tượng "lách luật" về phát hành ra công chúng thông qua việc phát hành riêng lẻ, sau đó phân phối rộng rãi trên thị trường thứ cấp. Sự gia tăng của nhà đầu tư cá nhân gồm cả nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, đồng thời lại thiếu khả năng phân tích, đánh giá là rủi ro cho các nhà đầu tư này. Trường hợp doanh nghiệp phát hành không thực hiện được các cam kết với nhà đầu tư thì phạm vi bị ảnh hưởng sẽ rất lớn, gây bất ổn cho thị trường tài chính và xã hội.
Bên cạnh đó, quy định hiện hành của pháp luật chứng khoán và pháp luật doanh nghiệp không hạn chế khối lượng huy động vốn của doanh nghiệp qua phát hành trái phiếu. Điều này dẫn đến hiện tượng nhiều doanh nghiệp phát hành khối lượng trái phiếu lớn hơn vốn chủ sở hữu. Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong năm 2019, có 28/217 doanh nghiệp phát hành có khối lượng phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu, trong đó, 11 doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt 50 lần vốn chủ sở hữu, 6 doanh nghiệp khối lượng phát hành vượt 100 lần vốn chủ sở hữu. Trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn có một số doanh nghiệp không công bố cụ thể mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Ở khía cạnh khác, có hiện tượng doanh nghiệp quy mô nhỏ phát hành khối lượng lớn trái phiếu có tài sản đảm bảo dưới dạng sản phẩm tài chính cơ cấu (sản phẩm chứng khoán hóa) theo quy định của Bộ luật Dân sự. Do hiện hành chưa có quy định về tín thác và chứng khoán hóa nên khi có rủi ro xảy ra thì khó xác định được quyền và nghĩa vụ của các bên dẫn đến rủi ro khi triển khai sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp dưới hình thức này.
Về lãi suất phát hành, quy định của pháp luật hiện hành không giới hạn về mức lãi suất huy động trái phiếu của doanh nghiệp. Lãi suất trái phiếu do doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư tự thỏa thuận. Do vậy, thời gian gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Việc phát hành trái phiếu với lãi suất cao có thể tác động tiêu cực đến mặt bằng lãi suất trên thị trường, gây rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư.
Cẩn trọng tham gia đầu tư
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết: Trong năm 2019, Bộ Tài chính đã có những khuyến cáo đối với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cuối tuần qua, Bộ Tài chính tiếp tục phát đi khuyến cáo, trong đó lưu ý nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp cần phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và trái phiếu phát hành riêng lẻ. Cần nắm rõ 5 yếu tố gồm: Trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành và phát hành với mục đích gì; trái phiếu có được đảm bảo hay không được đảm bảo bằng tài sản; các cam kết của doanh nghiệp đối với trái phiếu; kỳ hạn và phương thức trả lãi trái phiếu doanh nghiệp; tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Ở phía cơ quan quản lý, theo ông Dương, mục tiêu hướng đến không phải thắt chặt hay nới lỏng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quan trọng cần xây dựng một khung khổ pháp lý để đảm bảo khuyến khích các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường, đảm bảo sự minh bạch của thị trường, tuân thủ quy định pháp luật của thị trường, bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu.
"Để hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 và Luật Doanh nghiệp hiện đang sửa đổi, dự kiến có hiệu lực vào tháng 1/2021, Bộ Tài chính đã hoàn tất và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 163 nhằm tạo khung khổ pháp lý đồng bộ để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" - ông Dương cho biết.
Những điểm mới của hệ thống pháp lý từ 1/1/2021 đối với trái phiếu doanh nghiệp đó là trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng yêu cầu phải có định mức tín nhiệm, theo đó nhà đầu tư có thêm một căn cứ nữa để quyết định mua trái phiếu đối với trái phiếu phát hành ra công chúng. Đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ, Luật Chứng khoán cũng quy định và tại dự thảo Nghị định sửa Nghị định 163 cũng sửa nội dung này, theo đó trái phiếu này chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với các hệ thống văn bản trước đây.
"Hiện nay quy định: trái phiếu phát hành riêng lẻ được phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhưng sắp tới với tính chất rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp, sẽ yêu cầu phân tích rủi ro khi quyết định đầu tư. Chúng tôi sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán theo hướng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp giúp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" - đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao Ngày 15-5, Bộ Tài chính tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sau lần khuyến nghị vào tháng 10-2019. Theo Bộ Tài chính, 4 tháng đầu năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng khối lượng phát hành TPDN chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 (bằng 98%). Trong...