Festival quốc tế nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long
Triển lãm Festival quốc tế nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 13.3 tại thành phố Cần Thơ, với lần đầu tiên một Festival về nông nghiệp tập trung cụ thể vào khoa học công nghệ.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Duy Khương/TTXVN
Đây là nội dung được thông tin tại buổi công bố Triển lãm, do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 15/2 tại TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, trước đây nhiều sự kiện về nông nghiệp được các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long tổ chức, nhưng một sự kiện tập trung vào khoa học công nghệ là một nét mới.
Ngoài sự phối hợp của các bộ, ngành còn có sự phối hợp tổ chức của 13 tỉnh, thành trong khu vực, sẽ hướng đến cách làm, hướng đi cụ thể nhằm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả.
Theo Ban tổ chức, hiện nay đã có 4 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia là Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hàn Quốc; đồng thời đang liên hệ, kết nối với các quốc gia khác.
Trong 5 ngày diễn ra, triển lãm có nhiều nội dung quan trọng: Triển lãm những công nghệ, sản phẩm với quy mô từ 300 – 500 gian hàng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và liên quan nông nghiệp; Chương trình “Kết nối cung cầu”; Trao huy chương vàng “Khoa học nông nghiệp sáng tạo”.
Video đang HOT
Một điểm nhấn của Triển lãm là Hội thảo về “Ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng trong sản xuất nông nghiệp”, nhằm tăng cường liên kết hợp tác và đặt hàng các công nghệ, sản phẩm, giải quyết những vấn đề quan trọng trong đầu tư phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh…
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ) chia sẻ, khoa học công nghệ đã được ứng dụng rất nhiều vào nông nghiệp trong vùng, nhất là các sản phẩm chủ lực mang thương hiệu trong lĩnh vực lúa gạo, trái cây với các sản phẩm từ nghiên cứu công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, cơ khí… Các sản phẩm từ hướng đi này cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
Những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên để đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả như mong muốn vẫn là bài toán khó. Bà Phan Thị Mỹ Yến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng phát triển Thương hiệu Việt cho rằng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp vẫn là nỗi lo lớn vì đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới cạnh tranh.
Do đó, sự kiện lần này muốn kêu gọi các nhà khoa học, nhà đầu tư hợp tác phát triển khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp để đủ sức cạnh tranh với sản phẩm các nước; từ đó hướng bà con nông dân đầu tư đúng hướng.
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, nơi nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn trái chính của cả nước; nơi triển khai nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và chế biến. Hiện vùng đóng góp hơn 40% tổng giá trị về sản xuất nông nghiệp của cả nước. Đây cũng là nơi khởi xướng nhiều mô hình sản xuất mới, có hiệu quả và được nhân rộng ra cả nước.
Theo Vũ Tiến Lực (TTXVN)
Huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tại Hội nghị về huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2016 - 2020.
Ảnh minh họa
Trong những năm qua, nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành, trong đó có những công trình rất lớn như: Cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Đầm Cùng, cầu Mỹ Lợi... đã xóa bỏ thế ngăn sông cách trở không chỉ của từng địa phương mà còn của cả Vùng ĐBSCL; cùng với đó là hoàn thành xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đã thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh trong Vùng với cả nước và thế giới...
Tuy nhiên, đến nay hệ thống kết cầu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics vẫn còn kém phát triển, vấn đề liên kết vùng chưa được chú trọng đầu tư, các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế, là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng.
Với 4 phương thức vận tải chủ yếu đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, hàng không đã và đang đảm nhận vai trò tích cực cho sự phát triển chung của Vùng; nhưng việc đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa thỏa đáng, chưa quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa được coi là thế mạnh của Vùng, dẫn đến tình trạng thị phần đảm nhận của đường thủy nội địa có xu hướng giảm.
Do vậy, việc xây dựng kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics Vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020 nhằm cụ thể hóa các Chiến lược, Quy hoạch và lựa chọn được các dự án trọng điểm có tính kết nối vùng, liên vùng là rất cần thiết nhằm giảm thiểu tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí trong bối cảnh vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp.
Phát triển 4 phương thức vận tải chủ yếu
Đối với kế hoạch phát triển đường bộ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu hoàn thiện 6 tuyến trên trục dọc qua Vùng ĐBSCL (tuyến N1, N2, Quốc lộ 1, Quốc lộ 60, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, hành lang ven biển phía Nam), tập trung nâng cấp hoàn thiện Quốc lộ 60 qua các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh. Sớm hoàn thiện cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 để thúc đẩy phát triển các tỉnh duyên hải của Vùng là các tỉnh khó khăn nhất hiện nay. Hoàn thành việc đầu tư nâng cấp 9 tuyến trên các trục ngang gồm các Quốc lộ: 30, 53, 54, 57, 61, 62, 63, 80, 91 theo quy hoạch, đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 2 làn xe và xây dựng tuyến tránh thành phố Long Xuyên (An Giang). Đối với tuyến N1 (trùng với tuyến hành lang biên giới có vai trò đảm bảo an ninh quốc phòng) đầu tư với quy mô 2 làn xe. Ưu tiên đầu tư các tuyến kết nối đến các cửa khẩu quốc tế với Campuchia như Quốc lộ 91C, Quốc lộ 30.
Đảm bảo 100% đường đến trung tâm xã, cụm xã; tỷ lệ cứng hóa mặt đường đạt 100%; xóa bỏ cầu khỉ; tiếp tục đầu tư một số công trình quan trọng, cấp bách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Về phát triển đường thủy nội địa, Phó Thủ tướng yêu cầu phát huy hiệu quả của dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL (WB5), tổ chức quản lý, khai thác đảm bảo duy trì thường xuyên đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn giao thông. Tiếp tục nâng cấp các tuyến vận tải đường thủy hiện có để đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đẩy mạnh vận tải đa phương thức, trong đó tập trung khai thác triệt để thế mạnh vận tải thủy. Rà soát và từng bước xử lý các cầu có tĩnh không thấp ảnh hưởng đến hoạt động vận tải thủy nội địa trên các tuyến sông, kênh chính trong Vùng.
Về đường biển, Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thành dự án luồng cho tầu trọng tải lớn vào sông Hậu; nâng cấp cụm cảng Cái Cui thành cảng tổng hợp quốc gia, xây dựng cảng chuyên dùng nhập than cho nhà máy nhiệt điện khu vực phía Đông và phía Tây của Vùng; tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cảng và luồng tàu một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải của Vùng và phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đã được phê duyệt.
Đối với hàng không, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải rà soát và thực hiện việc đầu tư nâng cấp để nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ vận chuyển hành khách, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hành khách, hàng hóa tại Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, Cảng hàng không Rạch Giá, Cảng hàng không Cà Mau, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Về dịch vụ logistics, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc phát triển các đầu mối vận tải phục vụ dịch vụ logistisc phù hợp với quy hoạch phát triển đã được phê duyệt, tăng cường kết nối các phương thức vận tải. Chú trọng nâng cao năng lực vận tải trên các trục vận tải, đặc biệt là tuyến vận tải thủy trên sông Tiền, sông Hậu trong giao thương với Campuchia.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án và tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của ngành Giao thông vận tải nói chung và các địa phương Vùng ĐBSCL nói riêng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy hoạch phát triển cảng biển, dịch vụ logistics trong lĩnh vực Giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương trong Vùng xem xét, cân đối vốn cho các dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn và phương án huy động các nguồn vốn khác để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương trong Vùng phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, rà soát, sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên và tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để có lộ trình thực hiện phù hợp với quy định và yêu cầu thực tế.
Minh Hiển
Theo_Báo Chính Phủ
Việt Nam: Sớm công bố kịch bản nước biển dâng đến cấp xã Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành và địa phương sớm hoàn thiện cập nhật, công bố kịch bản BĐKH, nước biển dâng đến cấp xã trên cả nước Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Chiều 27/4, Văn phòng Chính phủ cho biết, triển khai các dự án ứng phó...