Festival lúa gạo lần 3: Cơ hội định vị giá trị hạt gạo Việt Nam
Sự kiện Festival lúa gạo lần 3 được tổ chức tại tỉnh Long An cùng với việc lần đầu tiên công bố logo thương hiệu gạo Việt Nam không chỉ là sự kiện lớn đối với tỉnh này mà của cả nước.
Chương trình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT và UBND tỉnh Long An phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 18 – 24.12 tại TP.Tân An, tỉnh Long An.
Đã sẵn sàng công bố thương hiệu
Ông Nguyễn Anh Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vùng I cho biết đề án xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam được khởi động từ năm 2015. Đến nay, tất cả đã sẵn sàng cho việc công bố logo thương hiệu gạo Việt ngay trong lễ khai mạc festival lúa gạo lần 3.
Theo ông Dũng, mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt; nâng cao sự nhận biết của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, phân phối cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với sản phẩm gạo Việt. Trong đó, tập trung thực hiện các dự án trọng điểm như xây dựng, quản lý thương hiệu gạo quốc gia đối với một số sản phẩm gạo chủ lực của ĐBSCL; dự án bảo hộ thương hiệu gạo Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu trên thị trường quốc tế; dự án xúc tiến thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp và sản phẩm mang thương hiệu gạo Việt Nam…
Festival lúa gạo lần 3 và lễ công bố logo thương hiệu gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm hạt gạo Việt Nam. ảnh: Nguyên Vỹ
Để thực hiện đề án, Bộ NNPTNT và các cơ quan liên quan đã tiến hành tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng, logo thương hiệu gạo Việt từ tháng 4.2017. Trong tổng số 199 hồ sơ dự thi, kể cả tác phẩm từ nước ngoài gửi tham gia, ở vòng chung khảo chọn được 5 tác phẩm để trao 1 giải nhất và 4 giải khuyến khích.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về gạo, gồm 3 tiêu chuẩn cho: Gạo trắng, gạo trắng thơm và nếp trắng. Để được mang logo thương hiệu gạo Việt Nam, tất cả các sản phẩm gạo Việt phải đáp ứng được các tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn này.
Ngày 9.8.2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu gạo Việt cho Bộ NNPTNT và chứng nhận này có giá trị trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp đơn. Hiện đang tiếp tục bổ sung hồ sơ để chứng nhận quốc tế. “Tất cả sẽ được công bố đầy đủ tại kỳ khai mạc Festival lúa gạo lần 3. Việc công bố song song ngay tại Festival sẽ có ý nghĩa cộng hưởng tốt hơn làm độc lập” – ông Dũng chia sẻ.
Sự kiện lớn của tỉnh Long An
Bà Đoàn Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, trước nay có khoảng 150 quốc gia dùng gạo Việt Nam nhưng không hề biết thương hiệu của chúng ta ra sao. Logo thương hiệu gạo sẽ giúp nhiều người cảm thấy yên tâm hơn khi sản phẩm mình làm ra có 1 cái tên chính danh, không cảm thấy cô đơn trên thị trường thế giới, từ đó yên tâm nghiên cứu và sản xuất.
Với tư cách đơn vị đăng cai tổ chức, bà Khanh cho rằng Festival lúa gạo Việt Nam lần 3 Long An và lễ công bố logo Thương hiệu gạo Việt Nam là sự kiện ý nghĩa về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Long An nói riêng cũng như khu vực ĐBSCL và cả nước.
ĐBSCL được biết đến là vùng trọng điểm nông nghiệp thì Long An có vị trí chiến lược quan trọng về sản xuất lúa gạo của vùng, là nơi kết nối giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng với ĐBSCL. Bà Khanh tin tưởng Festival sẽ là nhịp cầu kết nối các hoạt động giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực của tỉnh Long An – ĐBSCL đến với vùng miền trên phạm vi cả nước và bạn bè quốc tế.
“Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, xây dựng và phát triển tỉnh Long An – ĐBSCL xứng đáng với tiềm năng, vị thế là vựa lúa lớn nhất cả nước” – bà Đoàn Thị Phương Khanh nói.
Theo ông Phạm Minh Hùng – Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Festival lần thứ 3 cũng là dịp để ghi nhận và tôn vinh những tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân với những đóng góp quý báu vào thành tựu phát triển kinh tế vùng ĐBSCL nói riêng, cả Việt Nam nói chung.
Theo Danviet
Long An: 22 cử nhân đại học đầu tiên về làm ở các HTX nông nghiệp
Nhằm củng cố bộ máy và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp HTX ứng dụng công nghệ cao và tham gia đề án thí điểm mô hình HTX kiểu mới, UBND tỉnh Long An vừa có quyết định điều hàng chục cán bộ trẻ có trình độ đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) về làm việc.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ hỗ trợ ít nhất 1 lao động/HTX cho 12 HTX điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 10 HTX tham gia kế hoạch thực hiện thí điểm nhằm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới của tỉnh. Nguồn kinh phí được lấy từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phân bổ hàng năm cho tỉnh.
Như vậy, trước mắt sẽ có 22 cán bộ trẻ trình độ ĐH-CĐ sẽ được điều về làm việc tại các HTX.
Sơ chế rau tại HTX Nông nghiệp Phước Thịnh (Cần Giuộc, Long An). Ảnh: T.Đ
Toàn tỉnh Long An hiện có 150 HTX nông nghiệp, với tổng vốn góp điều lệ hơn 154.220 triệu đồng. Tổng số thành viên là 3.304 thành viên. Trong đó, có 15 HTX/150 HTX ngừng hoạt động hoặc đang tiến hành giải thể. Đầu năm 2018 các huyện tiến hành rà soát và đã giải thể 5 HTX.
Thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có 65 HTX nằm trong vùng của Chương trình (33 HTX lúa, 16 HTX rau, 14 HTX thanh long, 02 HTX bò thịt), trong đó có 16 HTX điểm (13 HTX vùng Đề án và 3 ngoài vùng).
Ông Lê Văn Giấy - Chủ tịch HĐQT HTX Rau Mười Hai (Cần Đước) cho biết, hiện HTX có 25 thành viên. Trình độ các thành viên chỉ mới cấp 2, cấp 3. "Ngay cả trình độ thành viên ban kiểm soát cũng chỉ cấp 3. Vì vậy, việc điều hành, quản lý hoạt động của HTX chưa được trơn tru, gây khó khăn cho sản xuất và kinh doanh", ông Giấy chia sẻ.
Ông Lê Văn Giấy-Chủ tịch HĐQT HTX Rau Mười Hai, thu hoạch rau tại HTX.
Đánh giá của UBND tỉnh Long An cho thấy, hiện trình độ tổ chức và năng lực quản lý trong hệ thống HTX còn yếu kém, quy mô nhỏ, chưa hoạt động đa ngành dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Đội ngũ cán bộ quản lý hầu hết hoạt động thiếu kinh nghiệm thực tế, thiếu thông tin dự báo thị trường. Đa số các HTX chưa tự chủ xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh.
Hiện, đối với các HTX nông nghiệp trong vùng Đề án công nghệ cao mới chỉ có gần 2% trong tổng số thành viên HĐQT là người có trình độ sau đại học; đại học chiếm 8,38%; cao đẳng chiếm 7,33%...
Bên cạnh đó, vốn điều lệ và mức đóng góp vốn của xã viên HTX nông nghiệp còn rất thấp. Tuy nhiên, trên thực tế đa số HTX không vận động được thành viên góp vốn nên HTX hoạt động cầm chừng và không đủ vốn đối ứng để thực hiện các chương trình hỗ trợ của nhà nước.
Về doanh thu và lợi nhuận, số HTX hoạt động có lợi nhuận còn rất thấp, chiếm 35,5% (năm 2016) và 24,4% (năm 2017). Số HTX nông nghiệp còn lại hòa vốn, hoạt động cầm chừng không có doanh thu.
Theo Danviet
Lần đầu tiên công bố logo thương hiệu gạo Việt Festival Lúa gạo lần 3 tổ chức tại tỉnh Long An hứa hẹn sẽ mang đến không gian hoành tráng với nhiều điểm mới, nội dung phong phú cùng nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tạo hiệu ứng tốt hơn để nâng tầm hạt gạo Việt. Đây là tinh thần chung được Ban tổ chức (BTC) chia sẻ tại buổi họp báo giới...