FDI – gam màu sáng kinh tế đầu năm
Mặc dù thu hút FDI của Việt Nam trong quý I/2020 giảm khá sâu so với cùng kỳ 2019, nhưng theo các chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn bao trùm vì dịch bệnh, kết quả này vẫn đáng khích lệ và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam đầu năm 2020.
Hoạt động sản xuất tại Samsung Việt Nam. Ảnh: ST.
Sụt giảm 21% vì Covid-19
Những con số vừa được Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT công bố cho thấy, thu hút FDI đầu năm 2020 giảm sút khá mạnh. Tính đến cuối tháng 3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,55 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, về vốn điều chỉnh, có 236 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 1,07 tỷ USD, chỉ bằng 82% so với cùng kỳ năm 2019.
Nếu như trong nhiều năm trở lại đây, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có mức tăng mạnh theo từng quý, từng năm, thậm chí có thời điểm tăng tới gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước thì trong quý I/2020, tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là gần 2 tỷ USD. Con số này chỉ bằng 34,4% giá trị vốn góp so với cùng kỳ năm 2019, giảm tới hơn 65%. Chưa kể, vốn FDI giải ngân cũng giảm 6,6% so với năm ngoái. “Đây là lần giảm đầu tiên của giải ngân vốn FDI trong giai đoạn 2016-2020″, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Nguyên nhân dẫn tới sự giảm sút của vốn FDI vừa qua trước hết là do sự tác động của đại dịch Covid-19 lên toàn bộ nền kinh tế thế giới. Sự nguy hiểm và dễ lây lan của dịch bệnh đã khiến nhiều DN nước ngoài quyết định tạm hoãn các hoạt động khảo sát đầu tư hoặc tạm hoãn triển khai các dự án.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động giao thương, đi lại bị hạn chế, vì thế gần như không có đoàn DN FDI nào triển khai khảo sát, tìm hiểu tại các địa phương. “Dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến việc khảo sát đầu tư, chuẩn bị xây dựng nhà máy. Từ đầu năm đến nay, đặc biệt là sau tết Nguyên đán đến nay rất ít đoàn DN đến Việt Nam để khảo sát đầu tư, nếu không muốn nói là không có”, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết. Theo ông Toàn, đại dịch Covid-19 làm đứt gãy hệ thống trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất toàn cầu, và chỉ cần một khâu trong tiến trình đầu tư bị đứt gãy sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống, làm cho sản xuất bị trì trệ và đó cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến thu hút FDI.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, dịch Covid-19 làm cho tài chính, tiền tệ và hoạt động đầu tư bị xáo trộn lớn. Thị trường chứng khoán náo loạn, giá vàng tăng đột biến… do đó việc đầu tư cũng trở nên nguy hiểm. Đây là lí do các nhà đầu tư trì hoãn và hoạt động đầu tư giảm sút ở mức cao nhất, tại nhiều quốc gia, không chỉ ở Việt Nam.
Video đang HOT
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết, sau tết Nguyên đán, ông có dịp gặp gỡ với lãnh đạo Samsung Việt Nam tại Thái Nguyên, Bắc Ninh. Ngay từ thời điểm đó, đại diện DN này cho biết dịch Covid-19 khiến họ lo ngại bởi dự trữ nguyên liệu để sản xuất của họ đến giữa tháng 3 là hết. “Thời điểm đó, dịch đang bùng phát tại Vũ Hán ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của nhiều DN, việc lo đủ nguyên liệu để duy trì sản xuất đã khó, do đó việc mở rộng sản xuất của các DN càng khó hơn. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến nguồn vốn tăng thêm của các dự án FDI trong quý này giảm so với 2019″, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Kiểm soát tốt Covid -19 – điểm cộng hút FDI thời gian tới
Theo các chuyên gia, với sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu trong quý I thì kết quả thu hút FDI vừa qua là khá tích cực.
Tại một số địa phương trọng điểm trong thu hút FDI như Vĩnh Phúc, thông tin từ Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19 tuy có làm ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư nước ngoài, song nhờ tích cực hỗ trợ các DN triển khai dự án, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tìm kiếm các nhà đầu tư mới, 2 tháng đầu năm 2020, Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, tỉnh đã thu hút được 2 dự án FDI mới và 4 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 21,4 triệu USD.
Đưa ra dự báo cho cả năm 2020, các chuyên gia có những nhận định tương đối tích cực. PGS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu dịch được khống chế vào cuối tháng 4/2020 thì tăng trưởng GDP vẫn kỳ vọng trên 6% và thu hút FDI dự đoán ở mức 38 tỷ USD, tương đương 2019. Chuyên gia này nhấn mạnh, tăng trưởng GDP và thu hút FDI còn phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch của các quốc gia là bạn hàng – đối tác truyền thống của Việt Nam, bởi nếu các quốc gia đó còn bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới đầu ra – xuất khẩu của Việt Nam.
Còn theo ông Nguyễn Văn Toàn, ngay trong khó khăn, chúng ta sẽ tìm ra những tín hiệu lạc quan. Hậu Covid-19, giống như có một “lực nén”, thu hút FDI có thể sẽ bật tăng sau một thời gian chìm vào khoảng lặng. Nguồn vốn sẵn sàng, các dự án sẽ được triển khai nhanh chóng. Việt Nam đang là một trong những nước được đánh giá kiểm soát dịch Covid-19 tốt nhất, đây sẽ là điểm cộng trong thu hút đầu tư FDI thời gian tới. Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục đà chống dịch tốt như hiện nay thì sự tin tưởng của các quốc gia, của các DN FDI sẽ cao hơn.
“Dự báo FDI vào Việt Nam năm 2020 sẽ giảm khoảng 10-20% so với 2019, do dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng mạnh trong nửa đầu năm. Nửa cuối năm 2020 sẽ là thời gian để nền kinh tế của các nước được phục hồi, theo đó, FDI 2020 có thể giảm đi so với 2019. Bài học cho chúng ta sau khi Covid-19 qua đi là Chính phủ phải tận dụng cơ hội này để đỡ phụ thuộc vào Trung Quốc, phải tìm nguồn cung ứng khác theo hướng hoặc tự cung ứng hoặc thu hút FDI đầu tư vào nguồn nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung ứng nguyên liệu cho sản xuất”, ông Toàn nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, với Chỉ thị 11/CT-TTg về các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các DN FDI cũng sẽ dần được tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, qua đó tạo cơ hội để Việt Nam thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn FDI khi dịch bệnh qua đi. Bên cạnh đó, xu thế dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế của Mỹ trong thương chiến Mỹ – Trung, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ giữa năm 2020… sẽ tiếp tục là lực đẩy cho nguồn vốn FDI vào Việt Nam thời gian tới.
Trong số ít ỏi dự án FDI, nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu (thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu) của nhà đầu tư đến từ Singapore với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG có giá trị 4 tỷ USD, chính là dự án FDI lớn nhất của Việt Nam trong quý này và là nhân tố chính làm cho tổng vốn đăng ký cấp mới của vốn FDI trong quý I đạt 5,5 tỷ USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Hoài Anh
Đường đua F1 khó kích giá đất
Trái với kỳ vọng của giới đầu tư, doanh nghiệp bất động sản, sau 1 năm kể từ khi đường đua Công thức 1 khởi công, thị trường bất động sản nơi đây vẫn "dậm chân tại chỗ".
Một năm trước, tháng 3/2019, lễ khởi công xây dựng đường đua F1 được UBND Thành phố Hà Nội và Công ty Việt Nam Grand Prix tổ chức tại quận Nam Từ Liêm. Đường đua và hàng loạt các công trình chức năng khác được hình thành trên tổng diện tích 88 ha.
Khu đất nằm trong khuôn viên của khu Liên hiệp thể thao Mỹ Đình và một phần trên đường giao thông công cộng, chạy qua các phố: Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ... thuộc địa bàn 4 phường quận Nam Từ Liêm là Phú Đô, Mễ Trì, Mỹ Đình 1 và Mỹ Đình 2.
Đến cuối tháng 2/2019, đường đua F1 Hà Nội đã hoàn tất thi công toàn bộ 5,607km và các hạng mục cố định đi kèm. Với lộ trình nằm trên các con phố, sau Monaco, Singapore và Azerbaijan, chặng F1 tại Việt Nam là chặng đua ngoài phố thứ 4. Dự kiến, đường đua này sẽ diễn ra vào mùa hè năm 2020. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, giải đua này đã tạm hoãn.
Trên thực tế, trong suốt một năm qua, đường đua F1 trở thành một "key" bán hàng của môi giới bất động sản khu vực này, từ chung cư tới bất động sản liền thổ. Môi giới "vin" vào công trình này để chào khách mua hàng với hàng loạt lời quảng cáo hấp dẫn, đặc biệt là sự hứa hẹn sản phẩm bất động sản sẽ tăng giá mạnh khi đường đua được hoàn thành. Nhiều cò đất, đầu nậu đua nhau chào hàng với thông báo đất đã nhảy vài giá kể từ khi có sự hiện diện của đường đua F1.
Thế nhưng, theo khảo sát của PV, trong 1 năm qua, những dự án chung cư mới ra hàng ở khu vực này như Florence, The Matrix One, The Zei... mức tăng giá chỉ là tăng theo tiến độ dự án, dao động từ 2-5% mỗi đợt mở bán. Những dự án chung cư cũ đã hình thành trước đó nhiều năm thì giá bán vẫn "dậm chân tại chỗ", không hề tăng và thậm chí không dễ thanh khoản do nguồn cung khu vực quá dồi dào.
Khảo sát của PV cũng cho thấy, từ khi có thông tin đến khi đường đua F1 được thi công và hoàn thành, bất động sản nơi đây không ghi nhận giao dịch thực có hiện tượng nhảy múa về giá như thông tin mà cò đất, giới đầu cơ đưa ra. Sự biến động giá đáng chú ý thuộc về phân khúc đất thổ cư. Tuy nhiên mức biến động không quá lớn. Nguyên nhân là đất tại đây đã thiết lập mặt bằng giá cao từ nhiều năm nay.
Đơn cử, đất mặt tiền kinh doanh, buôn bán tại những con phố có vị trí đắc địa như Đình Thôn, Thiên Hiền (Mỹ Đình 1) có giá chào bán từ 120-140 triệu đồng/m2, đất mặt đường Lê Quang Đạo, Phú Đô, giá rao bán dao động từ 100-120 triệu đồng/m2, phố Trần Bình, Lê Đức Thọ, Nguyễn Hoàng (Mỹ Đình 2) giá chào bán từ 100-330 triệu đồng/m2, đất mặt phố Miếu Đầm (Mễ Trì), đối diện khách sạn Marriot được chào bán từ 150-240 triệu đồng/m2.
Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội thừa nhận, một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường căn hộ, đất nền có những tín hiệu tích cực là do sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng tại Hà Nội. Hàng loạt công trình, dự án về giao thộng, hạ tầng, tiện ích vui chơi, giải trí... liên tiếp được đầu tư bằng các nguồn vốn ngân sách hoặc xã hội hóa.
Đặc biệt, theo bà Hằng, không phải phân khúc chung cư hay đất nền, đường đua F1 sẽ tác động tích cực đến thị trường khách sạn Hà Nội trong khoảng thời gian tổ chức sự kiện. Đây sẽ là phân khúc hưởng lợi đầu tiên bởi công trình này là một điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch.
Trên thế giới, Singapore - quốc gia Châu Á duy nhất thành công giành được quyền đăng cai giải đua F1 trong suốt 12 năm liên tiếp. F1 đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của thế giới với Singapore - một điểm đến du lịch sôi động, thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, cũng như đem lại nguồn lợi khổng lồ cho quốc gia này.
Thực tế Singapore đã dùng giải đua xe F1 để thúc đẩy phân khúc du lịch suốt từ năm 2008 tới nay: Ước tính mỗi năm có 350.000 người đến Singapore để xem đua xe F1, đóng góp cho quốc đảo khoản lợi nhuận chừng 150 triệu USD mỗi năm.
Về lâu dài, theo bà Hằng đường đua F1 chỉ mang tính chất thu hút khách du lịch tại sự kiện đó, còn trên thực thế, tình hình hoạt động của thị trường bất động sản khu vực vẫn phụ thuộc vào những yếu tố mang tính chất căn bản như phát triển kinh tế, thu hút FDI hay sự phát triển, hoàn thiện của hệ thống hạ tầng giao thông và xã hội.
"Không thể vì sự xuất hiện của một công trình thể thao mà có thể khiến giá đất khu vực nhảy múa trong thời gian ngắn" - bà Hằng khẳng định.
Hải Nguyên
Coronavirus có thể mang lại cơ hội thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam? Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Việt Nam với 2.875 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 16,3 tỷ USD, chiếm 4,4% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Dịch coronavirus ở quốc gia này khó tránh khỏi tác động đến đầu tư vào Việt Nam. TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm tác...