F0 tử vong vẫn tăng, tất cả các bệnh viện tại TPHCM được chỉ đạo khẩn
Sở Y tế TPHCM yêu cầu tất cả các bệnh viện nghiêm túc thực hiện những chỉ đạo chống dịch mới, trong bối cảnh số ca tử vong vẫn tiếp tục gia tăng và sự xuất hiện biến chủng Omicron trên thế giới.
Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản khẩn về việc chỉ đạo tất cả các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị Covid-19 thích ứng với tình hình mới.
Theo đó, trước tình hình số ca mắc mới, số ca nhập viện và số ca tử vong vẫn tiếp tục gia tăng tại TPHCM, cùng với tình hình dịch bệnh tại các tỉnh thành khu vực phía Nam còn diễn biến phức tạp, tình hình xuất hiện biến chủng mới Omicron trên thế giới, Sở Y tế TPHCM yêu cầu tất cả các bệnh viện trên địa bàn thực hiện nghiêm túc nhiều nội dung chống dịch.
Thứ nhất, tái cấu trúc và chức năng bệnh viện để thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện tại.
Các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện nghiêm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, các bệnh viện cần rà soát, tái cấu trúc và chức năng bệnh viện cho phù hợp với yêu cầu thu dung, điều trị Covid-19 và các bệnh lý thông thường khác.
Cụ thể, củng cố và chuyển đổi khu cách ly thành đơn vị Covid-19 để sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc Covid-19. Đảm bảo mỗi đơn vị Covid-19 có số giường tối thiểu bằng 10% tổng số giường của cả bệnh viện (chưa bao gồm số giường của khoa/đơn vị Hồi sức Covid-19).
Bệnh nhân điều trị Covid-19 tại BV đa khoa khu vực Hóc Môn (Ảnh: BVCC).
Về bố trí giường hồi sức tích cực cho các trường hợp Covid-19 nặng tại các bệnh viện chuyên khoa nhi, nhiễm và bệnh viện đa khoa hạng 1: hình thành đơn vị Hồi sức Covid-19 trực thuộc khoa Hồi sức tích cực chống độc. Khuyến khích các bệnh viện thành lập khoa Hồi sức Covid-19.
Về tiếp nhận điều trị người bệnh: bố trí buồng bệnh riêng biệt tại các khoa lâm sàng, sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cần được điều trị tiếp các bệnh lý nền do các bệnh viện điều trị Covid-19 chuyển đến, sau khi đã có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính; duy trì buồng cách ly tạm tại các khoa lâm sàng dành cho các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19.
Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện tăng cường phối hợp và sẵn sàng tiếp nhận người bệnh “hậu Covid-19″ khi nhận được yêu cầu chuyển viện của các bệnh viện điều trị Covid-19.
Thứ hai, duy trì các bệnh viện chuyển đổi công năng và bệnh viện tách đôi chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19.
Các bệnh viện đã chuyển đổi công năng toàn bộ để điều trị Covid-19 được yêu cầu giữ nguyên là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Trưng Vương, An Bình, huyện Củ Chi. Các bệnh viện đã tách đôi tiếp tục duy trì là Bệnh viện Quân Dân y Miền Đông, Phạm Ngọc Thạch, Từ Dũ, Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng Thành phố.
Tổng quy mô giường bệnh của các bệnh viện chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 khoảng 4.300 giường. Sở Y tế TPHCM yêu cầu các bệnh viện kể trên cập nhật lại quy mô giường bệnh để trình UBND TP.
Video đang HOT
Bệnh viện Trưng Vương tiếp tục duy trì điều trị Covid-19 hoàn toàn (Ảnh: Hoàng Lê).
Thứ ba, duy trì các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đáp ứng điều trị Covid-19 trong tình hình mới.
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, 13 bệnh viện dã chiến được yêu cầu tiếp tục duy trì hoạt động, bao gồm: Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 số 3, số 5, số 6, số 8, số 10, số 12, số 13, số 14, số 16, 5C, Phước Lộc, Công an Thành phố, Dã chiến điều trị Covid-19 Củ Chi. Tổng quy mô giường bệnh của 13 bệnh viện này khoảng 22.000 giường.
Ngoài ra, mỗi địa bàn quận, huyện sẽ duy trì phát triển thêm bệnh viện dã chiến (tầng 2) hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (tầng 1). Hiện có 16 bệnh viện dã chiến quận, huyện, thành phố Thủ Đức với quy mô khoảng 8.000 giường, 65 cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 với quy mô khoảng 9.000 giường.
Sở Y tế đề nghị các bệnh viện dã chiến cập nhật lại quy mô giường bệnh, lưu ý hỗ trợ các quận không triển khai được bệnh viện dã chiến hoặc bệnh viện dã chiến không thể tồn tại lâu dài (như quận 1, quận 3…).
Thứ tư, phân cụm các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 và công tác điều phối chuyển người mắc Covid-19.
Để thuận lợi cho công tác hội chẩn, chuyển bệnh, chuyển giao kỹ thuật giữa các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 trong 3 tầng, Sở Y tế phân công tác cơ sở, bệnh viện thành 8 “cụm điều trị” theo Quyết định 6354/QĐ-SYT ngày 27/11/2021. Riêng đối với chuyên khoa sản, nhi, Sở Y tế sẽ có hướng dẫn và phân cụm để thực hiện cho công tác chuyển tuyến thuộc 2 chuyên khoa này.
Bên cạnh đó, Sở Y tế kích hoạt Tổ điều phối chuyển tuyến (do Thanh tra Sở và phòng Nghiệp vụ Y đảm trách) để điều phối chuyển bệnh giữa các bệnh viện trên phạm vi toàn Thành phố.
Sở Y tế đề nghị các bệnh viện dã chiến cập nhật lại quy mô giường bệnh (Ảnh: Hoàng Lê).
Thứ năm, rà soát công tác hậu cần và ưu tiên phân bổ nguồn nhân lực hợp lý tham gia công tác điều trị Covid-19.
Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện chủ động rà soát và củng cố công tác cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị đảm bảo luôn sẵn sàng cho công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Đề nghị lãnh đạo các bệnh viện phân bổ nguồn nhân lực hợp lý tham gia chống dịch. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo tuân thủ các quy định về công tác điều trị, lưu ý tuyệt đối không được đùn đẩy hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.
Yêu cầu lãnh đạo các phòng chức năng, Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện các vấn đề mới phát sinh trong công tác thu dung, điều trị tại các bệnh viện để hướng dẫn, củng cố, chấn chỉnh cũng như kịp thời nắm bắt khó khăn của bệnh viện và hỗ trợ kịp thời.
Người Bạc Liêu tiêm vaccine mới được ra khỏi nhà, Sóc Trăng thúc tiêm chủng
Mỗi ngày Sóc Trăng, Bạc Liêu có thêm hàng trăm ca mắc Covid-19, cho thấy dịch còn rất phức tạp. Bạc Liêu đang quyết liệt triển khai giải pháp để sớm đưa tỉnh về bình thường mới trong tháng 12.
Ghi nhận của PV Dân trí tại tỉnh Bạc Liêu, trong 24h qua (từ 6h ngày 21/11 đến 6h ngày 22/11), tỉnh có thêm 388 ca mắc Covid-19 (tăng 32 ca so với ngày trước), trong đó có 169 ca trong cộng đồng.
Số ca mắc mới nhiều nhất là TP Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, huyện Vĩnh Lợi... phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, khu phong tỏa, cách ly tập trung.
"Các ca mắc ghi nhận tại cộng đồng có khả năng lây lan do trước khi có kết quả dương tính, các trường hợp này đã tiếp xúc nhiều người", Ban chỉ đạo Covid-19 tỉnh Bạc Liêu nhận định.
Bạc Liêu đang đẩy mạnh việc xét nghiệm tầm soát Covid-19 trong cộng đồng (Ảnh: Huỳnh Hải).
Trước tình hình dịch Covid-19 còn số mắc cao, đặc biệt là ca mắc trong cộng đồng liên tục nhiều ngày, tỉnh Bạc Liêu đã phải thắt chặt nhiều hoạt động như việc đi lại, kinh doanh, mua bán... của các đơn vị, người dân. Trong đó, yêu cầu người dân đã tiêm vaccine mới được ra khỏi nhà.
Theo Ban chỉ đạo Covid-19 tỉnh Bạc Liêu, một trong những nguyên nhân dịch bùng phát là còn một bộ phận người dân, kể cả cán bộ, viên chức, lơ là, chủ quan với dịch bệnh. Do đó, các địa phương phải quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch.
Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã giao các sở, ngành, địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, tập trung vào các trường hợp: Người ra đường không đáp ứng đủ điều kiện, tụ tập trên 10 người, không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách.
Toàn tỉnh Bạc Liêu đang cấp độ 3 (nguy cơ cao/vùng cam), dự kiến tỉnh này sẽ thực hiện cấp độ 3 đến hết tháng 11, với quyết tâm trở về trạng thái bình thường mới trong tháng 12.
Phát Video
Ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, cho biết từ khi dòng người từ TPHCM và các tỉnh vùng dịch về, tỷ lệ F0 trên địa bàn tỉnh gia tăng theo thời gian. Tuy nhiên, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nên cơ bản dịch vẫn còn trong tầm kiểm soát. Do đó, có thời điểm cấp độ dịch của tỉnh đến cấp 4 (nguy cơ rất cao/vùng đỏ, duy nhất cả nước) và nay đã hạ xuống cấp 3.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, trang thiết bị, các điều kiện phục vụ phòng chống dịch của tỉnh còn thiếu nhiều. Vừa qua, tỉnh đã phải nhận thêm sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các tỉnh bạn, bước đầu giải quyết phần nào khó khăn trong công tác phòng chống dịch.
"Với việc điều trị F0, tỉnh có sự chuẩn bị hơn 7.500 giường bệnh, trong đó có 100 giường bệnh điều trị tầng 3. Hy vọng số bệnh nặng sẽ dừng lại, tử vong cũng giảm đi", ông Nam nói.
Trong 24h qua, tỉnh Bạc Liêu có thêm 4 ca tử vong, nâng tổng số ca đến thời điểm này là 93 ca.
"Chúng tôi kêu gọi người dân trên địa bàn tỉnh nếu phải đi lao động, làm việc thì hãy ra đường, còn nếu không cần thiết thì nên ở nhà để góp phần làm dừng, làm giảm sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng", Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu kêu gọi.
Lực lượng y tế TP Sóc Trăng phun khử khuẩn tại khu vực chợ trung tâm (Ảnh: XL).
Ngày 22/11, tỉnh Sóc Trăng có thêm 493 ca mắc Covid-19, trong đó có 183 trường hợp là F1 chuyển thành F0, 133 ca qua sàng lọc cộng đồng...
Tính đến nay Sóc Trăng đã có 12.882 ca mắc Covid-19; khỏi bệnh 8.616 ca; hiện đang điều trị 4.188 ca.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết chỉ trong 2 tuần gần đây, đã có gần 5.000 ca mắc Covid-19. Tuần vừa qua, 11 đơn vị cấp huyện của tỉnh đều xuất hiện ca bệnh mới ngoài cộng đồng.
Số ca mắc phát hiện chủ yếu qua sàng lọc ở những địa điểm tập trung đông người như cơ sở khám chữa bệnh, các công ty trong và ngoài khu công nghiệp, chợ... Đây là dấu hiệu dự báo khả năng dịch bùng phát trong thời gian tới là rất lớn.
Theo Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đã xác định cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 là trường kỳ, toàn dân, toàn diện. Trong đó, phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Các địa phương thành lập tổ lưu động để tiêm cho các đối tượng do khó khăn không thể đi đến điểm tiêm vaccine được.
Tỉnh cũng yêu cầu ngành y tế sàng lọc F0 để quyết định phương án điều trị phù hợp, hiệu quả; khẩn trương triển khai phương án trạm y tế lưu động, cách ly F1 tại nhà, điều trị F0 tại nhà; nghiên cứu thời gian điều trị F0, không để F0 nâng tầng, hạn chế tử vong.
Cấp độ dịch của TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) đang là nguy cơ cao/vùng cam (Ảnh: XL).
Tại TP Sóc Trăng, diễn biến dịch Covid-19 khá phức tạp khi trong vài ngày gần đây địa phương phát hiện mỗi ngày có hàng trăm ca mắc mới Covid-19, trong đó có hàng chục ca phát hiện qua sàng lọc trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Quận, Bí thư Thành ủy Sóc Trăng, cho biết mặc dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhưng số ca dương tính vẫn còn cao do công tác sàng lọc, truy vết chậm, thiếu sự phối hợp, trong đó Trung tâm y tế thành phố chưa chủ động trong việc tiếp nhận các trường hợp F0, F1; chưa quản lý tốt các khu cách ly tập trung.
"Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, chúng tôi giao toàn bộ việc truy vết F0, F1 cho lực lượng Công an thành phố; Trung tâm y tế tập trung nhân lực đảm nhiệm khâu tiếp nhận và xử lý các trường hợp F0; riêng các phường chịu trách nhiệm sàng lọc F0 theo từng nguy cơ trên địa bàn, đồng thời chủ động bố trí lực lượng chuyên chở những trường hợp F0 đến khu cách ly", ông Nguyễn Văn Quận cho biết thêm.
Đồng Tháp: Điều trị người mắc COVID-19 và cách ly F1 tại nhà Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn với số ca mắc liên tục tăng và tỷ lệ bao phủ vaccine ngày càng cao, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có công văn chấp nhận chủ trương điều trị người mắc COVID-19 và cách ly các trường hợp F1 tại nhà, nơi lưu trú khi đáp ứng đầy đủ...