F0 tăng vọt, TPHCM làm gì để dập dịch trong 6 ngày còn lại?
Sau hơn một tuần áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, TPHCM bước sang nửa cuối của hành trình với hàng loạt thách thức chờ đợi. Nhiều chỉ số đáng lo ngại của dịch Covid-19 vẫn tăng cao, đô thị hơn 10 triệu dân cần những nỗ lực đáng kể để về đích với kịch bản khả quan nhất.
0h ngày 9/7, 12 chốt chặn tại khu vực cửa ngõ TPHCM đồng loạt được dựng lên, việc ra vào địa bàn được thắt chặt. Bên trong nội đô, rào chắn, điểm kiểm soát dịch cũng xuất hiện tại những khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện.
“Đừng đi qua đường này, đang dịch nên hai đầu đã rào lại, chỉ có cho người sinh sống bên trong vào thôi, các anh đi theo đường lớn phía trên kia kìa”, người đàn ông trung niên chặn lại khi thấy tôi định rẽ vào con hẻm nhỏ để đi thông từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh sang đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh).
Từ những ngày đầu tiên áp dụng Chỉ thị 16, sự cảnh giác trước dịch bệnh được nhận thấy ở từng con đường, từng khu phố của đô thị đông dân nhất cả nước. Sự cảnh giác ấy đến từ 2 khía cạnh, sự nguy hiểm của đợt bùng phát dịch Covid-19 và niềm mong mỏi vào ngày cuộc sống trở lại bình thường.
Nhiều hẻm tại TPHCM bị chặn lại để hạn chế việc lưu thông không cần thiết (Ảnh: Hải Long).
“Quãng thời gian vàng” đi qua một nửa cũng để lộ ra nhiều điểm bất cập của công tác phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh sức ép của Covid-19 lớn hơn bao giờ hết.
Giải cứu F0 nguy cấp
“Khoảng 8h tối qua, Chủ tịch Quận 7 gọi tôi đề nghị giúp đỡ. Thời điểm ấy có một ca F0 trong tình trạng nguy cấp nhưng không bệnh viện nào tiếp nhận. Sau đó, tôi gọi anh Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế mới giải quyết xong. Sự việc đó cho thấy quy trình thực hiện tiếp nhận F0 của chúng ta còn rất lúng túng, bất cập”, Chủ tịch UBND TPHCM nêu vấn đề tại buổi họp tối 15/7.
Thực trạng trên được người đứng đầu chính quyền thành phố nêu rõ tại buổi sơ kết một tuần thành phố giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Không chỉ trong việc tiếp nhận F0, những dấu hiệu của sự quá tải y tế còn được bộc lộ qua việc lúng túng, chậm trễ trong quy trình chuyển F0 từ nhà đến bệnh viện điều trị Covid-19.
Ngay cả khi cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu, việc đảm bảo nhân sự đủ để ứng phó với tình hình dịch Covid-19 cũng là bài toán khó với TPHCM. Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chia sẻ nhu cầu nhân lực cho khối điều trị của thành phố hiện tại rất lớn. Trung bình 1.000 giường bệnh, thành phố cần khoảng 200 nhân lực y tế.
Quy trình thực hiện tiếp nhận F0 của thành phố trong thời gian qua được nhận định có lúng túng, bất cập (Ảnh: Hải Long).
“Họ đã kiệt sức sau thời gian dài phục vụ nhiều bệnh nhân”, ông Nguyễn Văn Dũng (một F0 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 6, thành phố Thủ Đức) nói với phóng viên Dân trí . Ông kể lại với giọng biết ơn khi chứng kiến hình ảnh đội ngũ y bác sĩ đội nắng, đội mưa lo cho bệnh nhân từng bữa cơm, ngụm nước, nhu yếu phẩm cần thiết.
“Gia đình tôi có 5 người điều trị tại đây. Ngày đầu vào viện, tôi mệt mỏi và khó chịu khi phải chờ đợi, thiếu thốn đủ thứ. Tuy nhiên, những ngày sau đó, đứng từ trên lầu cao nhìn xuống, tôi nhận ra khung cảnh tất bật, làm việc không ngày đêm của từng người. Bệnh nhân quá đông, lực lượng y tế có hạn. Họ cũng kiệt sức sau thời gian dài phục vụ bệnh nhân rồi”, ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ, cảm thông.
Số ca bệnh vượt con số 2.000 mỗi ngày
Trong bối cảnh nguồn lực ngành y có phần hạn chế trước sự gia tăng bệnh nhân mắc Covid-19, phương án cách ly F1 tại nhà và rút ngắn thời gian điều trị F0 tại bệnh viện, được đặt ra với TPHCM từ những ngày đầu tháng 7. Thời điểm ấy, 2 phương án trên gặp phải nhiều lo ngại của người dân và các cấp chính quyền về độ an toàn và tính khả thi.
Tuy nhiên, sau khi được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chấp thuận, ngành y thành phố đã khẩn cấp hướng dẫn thí điểm cách ly, điều trị những trường hợp F0 và F1 tại nhà.
Theo đó, trường hợp F0 không triệu chứng sẽ được áp dụng phương án điều trị tại nhà nếu đáp ứng đủ một số điều kiện; những F0 đang điều trị sẽ cách ly, giám sát sức khỏe tại nhà nếu tải lượng vi rút thấp sau 10 ngày điều trị tại viện.
Video đang HOT
Lãnh đạo Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6 trò chuyện, hỏi thăm F0 đang điều trị (Ảnh: Hữu Khoa).
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết số bệnh nhân tăng nhanh tại nhiều nơi đang tạo áp lực rất lớn cho công tác thu dung, điều trị Covid-19. Thực tế cho thấy, các bệnh viện dã chiến, trung tâm y tế, bệnh viện điều trị Covid-19 đều đang phục vụ rất nhiều bệnh nhân.
“Việc cách ly F0 tại nhà sau 10 ngày được Bộ Y tế căn cứ trên cơ sở thực tiễn, khoa học. Khoảng 70-80% F0 không có triệu chứng thời gian qua. Tuy nhiên, việc thực hiện phải đảm bảo tiêu chí an toàn cho cộng đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.
Trước tình huống số ca bệnh vượt qua con số 2.000 mỗi ngày, TPHCM trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng phương án rút ngắn thời gian điều trị F0 tại bệnh viện.
Phương án mới được kỳ vọng sẽ mang lại những kết quả tích cực trong điều trị khi cơ sở vật chất và nhân lực tại bệnh viện sẽ được giảm sức ép, tâm lý người mắc Covid-19 sẽ thoải mái hơn khi được ở tại nhà. Tuy nhiên, phương án này cũng đòi hỏi sự tự giác, chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao hơn đối với các F0 để tránh tăng thêm việc không đáng có cho nhân viên y tế địa phương.
Tránh bên ngoài căng dây, trong tụ tập uống cà phê, đánh cầu lông
Trong 7 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, toàn địa bàn TPHCM ghi nhận 12.427 bệnh nhân mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Hầu hết trong số đó là những trường hợp được phát hiện bên trong khu cách ly, vùng phong tỏa.
Số liệu trên mang lại 2 dấu hiệu, cả tính tích cực và tiêu cực đan xen đối với tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM.
Trong 7 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, toàn địa bàn TPHCM ghi nhận 12.427 bệnh nhân mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố (Ảnh minh họa: Hải Long).
Về mặt tích cực, có thể nói những ca mắc mới đã nằm trong vùng được kiểm soát, không còn hoặc chỉ còn rất ít khả năng lây lan cho cộng động. Ở mặt còn lại, một câu hỏi được đặt ra cho chính quyền và lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát những khu vực cách ly, phong tỏa và có hay không sự lây nhiễm chéo tại khu vực này?
Tại những chuyến đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 những ngày gần đây tại các điểm nóng như quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhiều lần lưu ý chính quyền địa phương trong công tác giám sát người trong khu vực cách ly, phong tỏa. Ông Nguyễn Thành Phong quán triệt lực lượng chức năng cần tránh việc bên ngoài căng dây, bên trong tụ tập uống cà phê, đánh cầu lông…
“Chúng ta không loại trừ khả năng lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, phong tỏa. Qua số liệu thực tiễn, khoảng 3-8% ca mắc tại khu cách ly, phong tỏa do lây nhiễm chéo, những trường hợp còn lại do ủ bệnh từ trước”, Chủ tịch UBND TPHCM dẫn con số.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cũng nhận định công tác quản lý, giám sát trong khu cách ly, vùng phong tỏa của TPHCM còn nhiều điểm bất cập. Với đặc điểm lây lan nhanh qua quá trình tiếp xúc của biến chủng Delta, mọi sự giao tiếp giữa người với người đều làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.
Bác sĩ Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6 (phường An Khánh, TP Thủ Đức) thăm hỏi, trò chuyện với các F0 để lắng nghe chia sẻ, ghi nhận những thiếu sót, những vấn đề chưa kịp đáp ứng tới bệnh nhân (Ảnh: Hữu Khoa).
“Để tránh kéo dài thời gian giãn cách hay cách ly, từng người phải ý thức được việc hạn chế tiếp xúc với người khác. Ngay cả trong các khu đã phong tỏa hay cách ly, chính quyền cần tăng cường giám sát, kiểm tra việc tuân thủ của người dân để hạn chế tối đa lây nhiễm chéo, gia tăng ca bệnh”, bác sĩ chia sẻ.
Từ thực trạng của 7 ngày cách ly xã hội vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh, siết chặt lại việc quản lý, giám sát người bên trong khu cách ly hoặc vùng đã được phong tỏa. Trong 7 ngày tới, số bệnh nhân được phát hiện tại những khu vực này cần được kéo giảm, không được để xảy ra lây nhiễm chéo.
“Kịch bản” nào đang ở phía trước?
Lãnh đạo Thành ủy TPHCM từng đưa ra 3 tình huống diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn sau 15 ngày cách ly xã hội. Ở tình huống khả quan nhất, thành phố sẽ từng bước kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, khi đó, địa phương sẽ xem xét giảm mức độ các biện pháp đang áp dụng.
Trong tình huống tiếp theo, TPHCM kiểm soát được dịch bệnh nhưng số ca mắc mới vẫn gia tăng. Trong bối cảnh giả định đó, việc tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 16 tại một số địa bàn cần được cân nhắc áp dụng.
Tuy nhiên, ở tình huống xấu nhất, TPHCM chưa kiểm soát được dịch bệnh, số ca mắc Covid-19 mới vẫn gia tăng. Khi đó, những biện pháp mạnh mẽ hơn như phong tỏa sẽ được thành phố tính tới để khống chế tình hình và đề xuất Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 xem xét.
Lãnh đạo Thành ủy TPHCM chia sẻ, trong 3 tình huống đặt ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 mong muốn đạt được tình huống khả quan nhất. Tuy nhiên, tình huống xấu nhất cần được tính tới để có được sự chuẩn bị về tâm lý, giải pháp và các phương án ứng phó.
Ở tình huống xấu nhất, TPHCM chưa kiểm soát được dịch bệnh, số ca mắc Covid-19 mới vẫn gia tăng, những biện pháp mạnh mẽ hơn như phong tỏa sẽ được tính tới.
“Với tình hình diễn biến phức tạp, chúng ta cần lường trước khả năng có thể tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm một khoảng thời gian nữa. Cần chủ động, bình tĩnh để đạt được kết quả cao dù trong bất kỳ tình huống nào”, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ.
Trong những ngày còn lại của đợt cách ly xã hội, thành phố khẳng định sẽ tận dụng tối đa thời gian để kéo giảm, đẩy lùi dịch Covid-19. TPHCM đã có những thay đổi lớn trong các biện pháp và cả chỉ đạo, điều hành những ngày vừa qua trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, thành phố đã chuyển từ chiến thuật xét nghiệm rộng trong cộng đồng sang phương án tầm soát có trọng tâm, trọng điểm. Để khắc phục những hạn chế trong việc lấy mẫu, nhập liệu, điều phối xét nghiệm, từng quận, huyện phải thành lập tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm Covid-19 do một Phó Chủ tịch quận làm tổ trưởng.
Về công tác tiêm chủng, dự kiến, gần 1 triệu liều được tiêm cho người dân tại thành phố trong thời gian 2-3 tuần. Trong chiến dịch tiêm chủng trước đây, thành phố đã thực hiện tiêm thần tốc hơn 800.000 liều chỉ sau 7 ngày.
Sự thay đổi về mặt thời gian trên do đợt tiêm lần này, TPHCM sẽ đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu và đảm bảo công tác giãn cách trong suốt quá trình thực hiện.
Người dân TPHCM đang chờ đợi một kết quả chống dịch cụ thể nào đó để họ an tâm hơn (Ảnh minh họa: Hải Long).
Tại hội nghị sơ kết 7 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 toàn địa bàn, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhận định: Những ngày qua, số ca F0 và người tiếp xúc F1 của thành phố tiếp tục tăng theo năng lực và cường độ xét nghiệm. Trong đó, số bệnh nhân được phát hiện thông qua công tác sàng lọc ngoài cộng đồng thể hiện rõ việc dịch Covid-19 chưa được phát hiện kịp thời ở nhiều nơi.
“Chúng ta đã sử dụng 7 ngày đầu tiên của “quãng thời gian vàng”. Chúng ta khởi động nhanh, vượt chướng ngại vật và làm được một số việc. 7 ngày này trôi qua vừa nhanh, vừa chậm. Nhanh là có những việc làm hết một ngày, chậm là do sự chờ đợi của người dân trước một kết quả cụ thể nào đó để họ an tâm hơn”, người đứng đầu Đảng bộ thành phố chia sẻ.
TP.HCM lập thêm một bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng
Sáng 17-7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc trực tuyến với TP.HCM về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự hội nghị có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong - Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết TP đang điều trị 20.800 trường hợp dương tính, trong đó 306 ca đang thở máy, 8 trường hợp cần can thiệp ECMO.
Theo ông Phong, quan tâm lớn nhất của TP hiện nay là tập trung điều trị F0 nặng và ngăn chặn tử vong. TP đã làm việc với Sở Y tế chỉ đạo rà soát và hoàn thiện tiếp nhận F0 và chuyển bệnh nhân về bệnh viện điều trị COVID-19.
Theo ông Phong, do số F0 tăng nhanh gây áp lực cho ngành y tế, TP đã thiết lập bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng với 1.000 giường tại TP Thủ Đức. Hiện TP cũng đang có cơ sở điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới với 300 giường và Bệnh viện Chợ Rẫy với 300 giường.
Tuy nhiên, Sở Y tế cũng ý kiến với TP.HCM đề nghị Bộ Quốc phòng và báo cáo Chính phủ xin phép thiết lập thêm bệnh viện chữa trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại Bệnh viện 175. Đến sáng 17-7, Bộ Quốc phòng đã chấp thuận việc này.
Ông Phong cho biết hiện nay có tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly, người dân vẫn còn giao lưu với nhau. TP đã kiên quyết yêu cầu các địa phương giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời phải tăng cường năng lực của tổ COVID-19 cộng đồng để kiểm tra, giám sát tại khu vực này.
TP cũng đã tiếp nhận chi viện từ các tỉnh thành với 172 y, bác sĩ từ Hà Nam, Thái Bình...
Đến nay, TP đã lấy 1,9 triệu mẫu xét nghiệm PCR tại khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp, có 250.000 mẫu đang chờ kết quả. Test nhanh đã thực hiện khoảng 1,2 triệu test.
Về cung ứng hàng hóa, sức mua tại chợ truyền thống ngày 16-7 giảm 10%, do người dân ít ra ngoài, giá chợ cao hơn so với siêu thị. Mãi lực tại các siêu thị cũng giảm 5-10%, không còn tình trạng xếp hàng ùn ứ như các ngày trước.
Hiện nay Sở Công thương đang kết hợp các quận huyện tổ chức lại chợ với hình thức phân ô kẻ vạch.
Đến ngày 16-7, TP đã chi hỗ trợ cho 220.000/232.000 người với 330 tỉ đồng cho người lao động gặp khó khăn, lao động tự do. Các quận huyện cũng chủ động vận động nguồn lực xã hội với hơn 100 tỉ đồng để chăm lo kịp thời cho người dân.
Về đảm bảo an toàn trong sản xuất, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện quy định "3 tại chỗ" và "2 địa điểm 1 cung đường". Hiện nay TP chỉ còn 586/440.000 doanh nghiệp hoạt động với 70.000 công nhân. Riêng tại khu chế xuất, khu công nghiệp có 680 doanh nghiệp hoạt động với khoảng 85.000 công nhân.
Cách chức hoặc đề nghị cách chức người không thực hiện nghiêm chỉ đạo
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM - cho biết tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp. Số ca F1, F0 ngày càng tăng, không chỉ ở nơi phong tỏa mà còn ở ngoài cộng đồng, khu công nghiệp có đông công nhân.
Hệ thống y tế nhiều nơi đã quá tải, thiếu nhân lực, trang bị y tế. TP cũng đã nhận được sự ủng hộ tích cực của Bộ Y tế để tăng cường nguồn nhân lực, chuẩn bị bệnh viện dã chiến và trang thiết bị.
Ông Nên cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia có cơ chế mua và nhập nhanh nhất các trang thiết bị vì một số thiết bị trong nước không đủ cung ứng, nhất là khâu hồi sức cấp cứu.
Bí thư Thành ủy TP cũng yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP phân công cụ thể cho hệ thống chính trị, giao cho các cấp ủy tăng cường xuống các cơ sở để giám sát, cùng lực lượng thực hiện phòng, chống dịch.
Hiện tại, nhiều nơi còn xuất hiện người dân tụ tập bất chợt như người dân tụ lại phân phối thực phẩm. Việc chia sẻ, phân phối này sẽ tạo điều kiện cho việc lây lan dịch.
"Chúng ta rà soát, truy vết, xét nghiệm để tìm F0 nhưng những nơi khác lại lây nhiễm thì công tác chống dịch sẽ khó kết thúc như thời gian đề ra", ông Nên nói.
Việc này dù khó quản lý nhưng phải phân công nhân lực tự quản, giảm sát từng địa bàn để kịp thời ngăn chặn việc tụ tập, nhất là những nơi có nguy cơ cao.
Nếu nơi nào không thực hiện nghiêm thì xử lý nghiêm khắc. Thậm chí là cách chức, đề nghị cách chức người không chấp hành, thực hiện đúng quy định, chỉ đạo phòng, chống dịch.
Chủ tịch TPHCM: Chủ tịch Quận 7 gọi tôi đề nghị giúp đưa F0 vào bệnh viện Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết trong 7 ngày đầu tiên áp dụng Chỉ thị 16, thành phố đã thực hiện được nhiều công việc. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Tại hội nghị sơ kết 7 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 toàn địa bàn ngày 15/7, ông Nguyễn Văn...