F0 Hà Nội “bùng nổ”, nhiều nơi “vỡ trận” xử lý rác thải y tế
Việc F0 Hà Nội “bùng nổ” và phần lớn người mắc Covid-19 được điều trị tại nhà đã khiến công tác phân loại, thu gom, tập kết, xử lý rác thải y tế lây nhiễm có nguy cơ “vỡ trận”.
Trước đó, khi để F0 cách ly, quản lý, điều trị tại nhà, UBND TP Hà Nội đã ban hành Phương án 01 để phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế lây nhiễm phát sinh nhằm đáp ứng “yêu cầu về bảo vệ môi trường, tránh lây lan dịch bệnh trong quá trình thu gom, vận chuyển”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh F0 “bùng nổ” và tỷ lệ người mắc được điều trị tại nhà chiếm đa số thì nhiều nơi đã xảy ra tình trạng rác thải y tế được thu gom, xử lý chung với rác thải sinh hoạt.
Trong bối cảnh F0 “bùng nổ”, ở nhiều nơi, rác thải y tế được thu gom, xử lý chung với rác thải sinh hoạt (Ảnh: Thành Trung).
“Vỡ trận” hay buông xuôi?
Theo ghi nhận của PV Dân trí, thực trạng nêu trên đã xảy ra từ lâu tại chung cư Ecohome 2, thuộc địa bàn phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) – nơi đã ghi nhận hàng trăm ca F0, F1.
Cụ thể, khoảng 14h chiều hàng ngày, nhân viên mặc quần áo bảo hộ y tế sẽ đi thu gom riêng rác thải y tế ở các căn hộ có F0, F1 (được dán thông báo ở cửa nhà) từ tầng 15 trở xuống. Dù khâu thu gom đã được tách bạch nhưng đến khi tập kết, rác thải y tế của khu chung cư lại được để chung với rác thải sinh hoạt dưới sảnh tầng 1. Khoảng 16h chiều cùng ngày, xe cuốn ép rác của Công ty cổ phần Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội (Công ty môi trường Hà Nội) sẽ có mặt thu gom lẫn lộn cả 2 loại rác đem đi xử lý.
Khi được hỏi vì sao lại thu gom, vận chuyển lẫn lộn rác thải y tế với rác thải sinh hoạt, đại diện Ban Quản lý chung cư Ecohome 2 cho biết, công nhân môi trường của khu chung cư chỉ biết làm theo quy trình mà bên công ty xử lý rác thải đưa ra.
“Khi tiếp nhận, họ xử lý rác thải thế nào là công đoạn của bên đó, không thuộc công đoạn của Ban quản lý” – vị này nói và khẳng định đã từng thắc mắc, phản ánh việc rác thải y tế bị thu gom, xử lý chung với rác thải sinh hoạt với bên Công ty môi trường Hà Nội nhưng đợi mãi chưa nhận được phản hồi.
Nguy hiểm lắm nhưng vì công việc nên…
“Chúng tôi thường xuyên phải tiếp xúc với các loại rác của các căn hộ có F. Khi rác tập kết xuống dưới đây thì không thấy được phun khử khuẩn, nguy hiểm lắm! Chủ căn hộ nào chủ động khử khuẩn thì tốt, không thì chúng tôi cũng phải chịu thôi. Giờ F0, F1 cũng gần 300 căn hộ ở đây rồi, khác gì hơn một tòa chung cư có F. Nhưng vì công việc nên cũng cố gắng tránh lây nhiễm hết sức có thể…” – người lao công chia sẻ.
Trong khi đó, trả lời về vấn đề này, đại diện Công ty môi trường Hà Nội cho biết, đơn vị đã thông báo cho các bên rằng, nếu tòa nhà nào có rác thải y tế liên quan bệnh dịch thì phải để riêng ra. Đồng thời, Ban quản lý các tòa nhà phải tự làm việc với công ty đủ điều kiện xử lý rác thải y tế lây nhiễm.
“Lỗi này không phải do phía công ty môi trường mà do bên Ecohome 2 đã không tập kết riêng từng loại rác thải. Công ty chỉ biết đi thu gom, làm sao biết được ở khu tập kết có chứa cả rác thải y tế. Suốt thời gian vừa qua, tôi không biết việc này xảy ra” – đại diện công ty môi trường cho hay.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Đông Ngạc thẳng thắn thừa nhận có việc thu gom, xử lý chung rác thải y tế và rác thải sinh hoạt là do F0 nhiều nên “thu gom không xuể” (Ảnh: Thành Trung).
Đáng chú ý, khi được PV đề cập đến thực trạng này, đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Đông Ngạc thẳng thắn thừa nhận có việc thu gom, xử lý chung rác thải y tế và rác thải sinh hoạt. “Do F0 nhiều quá nên thu gom không xuể” – vị này phân bua.
Một lãnh đạo UBND phường Đông Ngạc cho hay, phường có cắt cử người đi thu gom rác thải y tế của các gia đình có F0 nhưng với số lượng các ca mắc lớn như hiện nay thì không thể gồng mình làm triệt để việc này.
Video đang HOT
“Việc thực hiện cụ thể thế nào phụ thuộc vào nhiều bên liên quan, trong đó có cả ý thức của người dân. F0 nhiều quá, không thu gom kịp nên chắc chắn xảy ra việc này” – vị lãnh đạo phường Đông Ngạc cho hay.
Xử lý rác thải y tế gặp khó khăn khi F0 “bùng nổ”?
Thực trạng thu gom, xử lý lẫn lộn rác thải y tế với rác thải sinh hoạt không chỉ xảy ra ở phường Đông Ngạc mà còn xảy ra tại nhiều tòa chung cư khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại các tòa nhà D5 – D8 – D9 ở Khu đô thị Đặng Xá, thuộc tổ dân phố số 7, xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội), việc thu gom rác thải y tế, rác thải sinh hoạt hàng ngày trong bối cảnh ghi nhận hàng trăm ca F0 được phó thác cho duy nhất một người đàn ông.
Rác thải y tế của các gia đình có F0 ở Khu đô thị Đặng Xá được để lẫn lộn với rác thải sinh hoạt (Ảnh: Thành Trung).
Theo anh Hoàng Văn Chuyên (tên nhân vật đã thay đổi), thực trạng nêu trên đã xảy ra từ lâu. “Chung cư không đủ nhân lực đi thu gom vì dân số quá đông. Có hôm rác thải y tế để ngoài hành lang mà mãi không có người thu dọn. Trong khi đó, hàng ngày, người đi thu gom rác thải không hề được trang bị bảo hộ và dù tòa nhà có F0 hay không có F0 thì rác thải chỉ xử lý theo quy trình bình thường. Điều này khiến nguy cơ lây nhiễm bệnh tật cho cư dân rất cao” – anh Chuyên e ngại.
Sau khi tiếp nhận thông tin do PV Dân trí chuyển tải, bà Nguyễn Thị Nam – Chủ tịch UBND xã Đặng Xá đã lập tức liên hệ Xí Nghiệp Quản lý vận hành Khu đô thị Đặng Xá để xác minh vấn đề này. Sau đó, bà Nam thừa nhận có thực trạng rác thải y tế các tòa chung cư trong Khu đô thị Đặng Xá không được xử lý đúng quy trình.
“Trước đó, việc thu gom xử lý rác thải y tế tại các gia đình có F0 được xử lý rất đúng quy trình. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, dịch bùng phát và gần như tòa nhà nào cũng có cư dân là F0 nên xảy ra việc này. Xã đã lập tức yêu cầu xí nghiệp liên hệ công ty đủ tư các pháp nhân để ký hợp đồng xử lý, thu gom rác thải y tế đối với các hộ có F0, F1 trên địa bàn” – bà Nam khẳng định.
Liên quan đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế lây nhiễm phát sinh khi F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, một đại diện quận Tây Hồ (Hà Nội) thừa nhận, quận cũng đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này.
“Giờ hết nhân lực rồi và có quá nhiều việc được phân bổ xuống cơ sở. Anh em căng mình, cố gắng chia tách phân loại rác nhưng không dám khẳng định việc này được làm triệt để. Đó là sự thật” – đại diện quận Tây Hồ cho hay.
Nhiều địa phương chia sẻ đang gặp khó khăn trong việc phân loại, xử lý rác thải y tế trong bối cảnh F0 “bùng nổ” (Ảnh: Thành Trung).
Trong khi đó, một cán bộ phường trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, công đoạn gặp khó khăn nhất trong việc xử lý rác thải y tế là vận chuyển rác từ các hộ gia đình có F0, F1 đến điểm tập kết.
“Lúc đầu, khi số F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà còn ít thì phường cơ bản đáp ứng được việc thu gom, xử lý rác thải y tế theo quy trình. Đến khi số lượng F nhiều, nằm rải rác thì không còn nhân lực đi thu gom, vận chuyển nữa. Nghiễm nhiên các loại rác thải bị gộp chung rồi xử lý theo quy trình rác thải sinh hoạt. Địa phương chỉ biết khuyến cáo các hộ gia đình buộc kín rác thải y tế để không rơi vãi ra ngoài. Chưa tính việc có người là F0 nhưng không khai báo nên không thể xác định được rác do gia đình đó thải ra thuộc loại nào” – vị cán bộ này phân tích.
Giải pháp nào để xử lý triệt để rác thải y tế khi F0 “bùng nổ”?
Để tháo gỡ khó khăn về phân loại rác thải khi F0 “bùng nổ” như hiện nay, ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ( Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết Bộ này đã họp bàn với Bộ Y tế để tìm hướng xử lý.
Trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm việc phân loại rác, thu gom rác thải y tế lây nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và đặc biệt là không để lẫn với rác thải sinh hoạt. Tiếp đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị thu gom rác để xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh từ các F0 đang cách ly tại nhà.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã họp bàn với Bộ Y tế để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về phân loại rác thải khi F0 “bùng nổ” (Ảnh: Thành Trung).
Theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường, cần xây dựng hai phương án khi thu gom rác thải tại các hộ gia đình sống ở chung cư, khu đô thị và phương án thu gom tại các hộ gia đình cách ly tại nhà riêng lẻ trong các ngõ xóm, khu dân cư. Đồng thời, phải xây dựng lộ trình thu gom, vận chuyển hợp lý, bố trí các thùng chứa và phương tiện vận chuyển rác riêng biệt, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu và dự tính phương án dự phòng để xử lý chất thải y tế phát sinh trong trường hợp nhiều địa phương quá tải.
Hơn nữa, Luật Bảo vệ môi trường 2020 vừa có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022 quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế phù hợp với điều kiện của địa phương. Vì vậy, các địa phương cũng cần ưu tiên xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương, đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới nơi xử lý.
Được biết, hiện nay trên toàn quốc có hơn 80 cơ sở xử lý chất thải có chức năng xử lý chất thải y tế lây nhiễm bên cạnh hệ thống các cơ sở xử lý chất thải theo mô hình cụm cơ sở y tế.
Rác thải y tế ở các 'điểm nóng' COVID-19 - Bài 1: Nguy cơ từ chất lây nhiễm
Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam từ ngày 27/4 đến nay với tốc độ tăng chóng mặt số ca mắc mỗi ngày, những ngày gần đây số mắc mới khoảng 8.000-9.000 ca/ngày, thậm chí có ngày lên tới hơn 13.000 ca.
Đặc biệt tại các điểm nóng, số bệnh nhân mới trên 4.000 ca/ngày, không chỉ gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn dân, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, mà còn tạo ra những mối lo ngại lớn về môi trường - đó là rác thải y tế và rác thải sinh hoạt phát sinh do dịch bệnh và chứa mầm bệnh.
Các nhân viên Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) thu gom rác thải y tế ở các khu điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Huyền Trang/TTXVN
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã sớm có các quyết định hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành một số văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước để tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch COVID-19. Phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết về vấn đề này.
Từ ngày 27/4 đến nay, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, tình trạng chất thải do dịch phát sinh mạnh. Lượng rác thải độc hại này tăng lên theo số lượng bệnh nhân COVID-19, tập trung tại các bệnh viện điều trị những người nhiễm SARS-CoV-2, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, các khu dân cư bị phong tỏa do có các ca F0...
Rác thải phát sinh lớn
Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù chưa có thống kê về số rác thải phát sinh do dịch COVID-19 trên cả nước, song với số lượng bệnh nhân tăng lên nhanh chóng, từ ngày 27/4 đến ngày 1/9, Việt Nam đã có hơn 460.000 ca nhiễm mới, trong khi tổng số ca từ đầu dịch năm 2020 đến nay là hơn 465.000 ca. Trong đó, 3 tỉnh, thành phố đang là điểm nóng ghi nhận số ca mắc cao là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh ngày 1/9 cho biết, số ca bệnh đã ghi nhận hơn 220.000 ca. Số ca F1 đang cách ly tập trung là 2.851 trường hợp, cách ly tại nhà là 19.217 người. Tâm dịch Bình Dương cũng vượt mốc 110.000 nghìn ca mắc, Đồng Nai ghi nhận hơn 24.000 ca mắc chỉ trong thời gian ngắn.
Do vậy, chất thải nói chung, chất thải y tế lây nhiễm nói riêng tăng lên, nhất là tại các bệnh viện, bệnh viện dã chiến do tăng trang phục, khẩu trang, găng tay cùng với nhiều trang thiết bị, bơm kim tiêm, dây chuyền dịch, thuốc men.
Nhiều khu cách ly tập trung hàng nghìn người được cung cấp khẩu trang, quần áo bảo hộ cũng như thực phẩm chế biến sẵn, góp phần tạo nên lượng rác lớn thải ra môi trường. Cơ quan y tế cũng sử dụng một lượng lớn các hóa chất khử trùng, chủ yếu là Chloramin B, cũng rất độc hại cho môi trường.
Do thường xuyên tiếp xúc với nguồn rác thải có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh, lực lượng đảm bảo vệ sinh môi trường cũng được trang bị quần áo, thiết bị bảo hộ lao động, sử dụng các loại thuốc khử khuẩn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cũng làm tăng thêm lượng rác thải.
Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP Hồ Chí Minh, lượng rác thải liên quan đến COVID-19 trung bình là 78 tấn/ngày, thu gom từ 280 khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến, với 95 phương tiện thu gom, vận chuyển và 417 công nhân hoạt động liên tục mỗi ngày.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 21 cơ sở điều trị (bao gồm 5 bệnh viện dã chiến), 143 cơ sở cách ly y tế tập trung và 1.601 điểm/khu vực phong tỏa. Thống kê từ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương, hiện tổng khối lượng chất thải phát sinh trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 40-70 tấn/ngày. Trong đó, chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phát sinh từ các cơ sở điều trị, khu cách ly y tế tập trung là 18-20 tấn/ngày; chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 (được phân loại từ các hộ gia đình nhiễm F0, F1) của các khu phong tỏa là 20 tấn/ngày.
Với 85 khu cách ly, 423 vùng cách ly tập trung, phong tỏa và 9 bệnh viện dã chiến, theo các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, chất thải phát sinh từ hoạt động của các bệnh viện dã chiến chủ yếu là chất thải lây nhiễm với khối lượng khoảng 5,4 tấn/ngày.
UBND các huyện và các thành phố Long Khánh, Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, chất thải phát sinh tại các khu cách ly, vùng cách ly tập trung, khu vực phong tỏa, bình quân là hơn 77,6 tấn/ngày, trong đó chất thải lây nhiễm trên 29,4 tấn/ngày, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 48,2 tấn/ngày.
Tại Đà Nẵng, ngoài lượng rác thải sinh hoạt phát sinh là trên 600 tấn, thành phố phải xử lý lượng rác thải nguy cơ chứa SARS-CoV-2 hơn 3 tấn/ngày, chưa kể lượng rác thải, nước thải tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn.
Hướng dẫn kịp thời bảo vệ môi trường
Để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường... Bộ Tài nguyên và Môi trường đã liên tục, kịp thời có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện một số biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền thông tin, ngay khi dịch COVID-19 xảy ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và quản lý rác thải y tế lây nhiễm tại các cơ sở y tế. Bộ cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, đề nghị, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là rác thải y tế lây nhiễm từ các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải y tế, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khử khuẩn nước thải sau xử lý tại các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường. Bộ đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế và khu vực cách ly tập trung bố trí các điểm thu gom, lưu giữ khẩu trang y tế theo đúng quy định; hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế thăm, khám, trước khi ra về phải thải bỏ vào các thiết bị lưu chứa chất thải y tế và xử lý theo đúng quy định để ngăn ngừa nguy cơ phát tán mầm bệnh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương trong việc quản lý chất thải y tế. Cụ thể, Bộ đã phối hợp với UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, hướng dẫn việc thu gom chất thải phát sinh tại 60 "điểm nóng" có dịch, 61 cơ sở cách ly y tế, 2 bệnh viện dã chiến để xử lý tại các cơ sở xử lý chất thải, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và công tác phòng, chống dịch.
Đồng thời, Bộ phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Ban Chỉ đạo Quốc gia ban hành 5 hướng dẫn về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại gia đình; khu chung cư; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng; tại lễ tang; xử lý thi hài người tử vong do dịch COVID-19. Trong đó, nhấn mạnh việc các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là rác thải y tế lây nhiễm từ các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung. Các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải y tế, đặc biệt là đối với khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng thải bỏ.
Mới đây nhất, tháng 7/2021, trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước, để đảm bảo xử lý kịp thời chất thải phát sinh do dịch COVID-19, nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và vệ sinh môi trường, đặc biệt tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra Văn bản số 4119/BTNMT-TCMT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện một số biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà và các khu cách ly khác) tại địa phương thực hiện công tác thu gom, lưu giữ và chuyển giao chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 theo đúng quy định tại Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 5/8/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 về "Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19".
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp ở địa phương để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý chất thải y tế, chất thải sinh hoạt phát sinh do dịch COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động, hộ gia đình, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khu chung cư, tại lễ tang theo nội dung hướng dẫn tại các Quyết định liên quan của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, Bộ Y tế.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tại địa phương chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã được cấp phép xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế (bao gồm cả các cơ sở đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận kế hoạch vận hành thử nghiệm) để tăng cường xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19; chủ động liên hệ với các địa phương khác có cơ sở xử lý chất thải y tế để hỗ trợ trong trường hợp các cơ sở xử lý chất thải tại địa phương không đảm bảo đủ năng lực xử lý hoặc không đủ năng hạ tầng xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19.
Các địa phương khẩn trương xây dựng, điều chỉnh phương án xử lý chất thải y tế và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế tại địa phương cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, danh sách 77 cơ sở thuộc diện xử lý chất thải nguy hại và có chức năng xử lý chất thải y tế được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong tháng 5, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục bổ sung 3 cơ sở (2 ở Đồng Nai và 1 ở Nam Định) có chức năng xử lý chất thải y tế tại một số địa phương, nâng tổng số lên 80 cơ sở trên toàn quốc.
Không khí tại nhiều điểm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ô nhiễm Ngày 8/1, các ứng dụng quan trắc chỉ số chất lượng không khí ghi nhận không khí ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điểm ô nhiễm. Tòa tháp Keangnam trên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) bị mưa phùn và sương phủ kín, không thể nhìn thấy nóc. Ảnh tư liệu: Thành...











Tiêu điểm
Tin đang nóng
Tin mới nhất

Điều tra vụ cháy hơn 300 cây cà phê ở Kon Tum

Người phụ nữ tử vong dưới gầm cầu vượt ở Bình Dương

Xe đầu kéo va chạm xe máy làm 1 người phụ nữ tử vong tại ngã ba đường tránh Biên Hòa

Hai người may mắn thoát nạn sau va chạm khiến ô tô 7 chỗ biến dạng

Tài xế mắc kẹt trong cabin còn xe bị kẹp giữa 2 ô tô tại Thường Tín, Hà Nội

Vụ cô gái ở Hà Nội bị đánh hội đồng có mâu thuẫn từ chuyện yêu đương

Vụ bé gái 5 tháng tuổi tử vong ở Hà Nội: Người phụ nữ trông trẻ khai gì?

Bắt công nhân đóng bảo hiểm bằng cà phê: Giám đốc công ty nói gì?

Làm rõ vụ đánh hội đồng nữ sinh ở Hà Nội

Triệu tập tài xế ủn lê xe máy dưới gầm suốt đoạn đường dài ở Hà Nội

Tài xế ô tô CX5 ủn lê xe máy dưới gầm suốt đoạn đường dài ở Hà Nội

Quảng Nam: Động đất 3,5 độ gây rung lắc mạnh ở Nam Trà My
Có thể bạn quan tâm

(Review) 'Nhà gia tiên': Thông điệp vừa vặn về tình thân gia đình
Phim việt
20:05:33 21/02/2025
Nga vượt biên tấn công dồn dập, cắt đứt đường tiếp viện của Ukraine
Thế giới
20:04:00 21/02/2025
Dàn sao tiếng tăm của 'Ma cà rồng Nosferatu': Quy tụ từ ác nhân siêu anh hùng tới chú hề Pennywise
Phim âu mỹ
20:01:55 21/02/2025
Vợ cũ sao Vbiz gây phẫn nộ vì nghi móc mỉa Hoa hậu Khánh Vân, Vũ Cát Tường và vợ "ngồi không cũng dính đạn"
Sao việt
19:47:17 21/02/2025
Cô dâu bỏ trốn cùng bạn trai ngay trong ngày cưới
Lạ vui
19:25:34 21/02/2025
Hoa hậu Thùy Tiên mở đầu cho hành trình nhân ái mới của "Vì bạn xứng đáng"
Tv show
19:24:43 21/02/2025
Bị đuổi khỏi nhà chồng chỉ vì... một miếng thịt kho tàu!
Góc tâm tình
18:12:13 21/02/2025
Mbappe bỏ xa Haaland trong cuộc chiến trở thành số 9 xuất sắc nhất thế giới
Sao thể thao
17:21:20 21/02/2025