F-35 có vượt qua lưới lửa phòng không của S-300?
Chiến đấu cơ đa năng F-35 được thiết kế để đối phó các mối đe dọa hiện nay giống như hệ thống phòng không S-300 do Nga chế tạo, một quan chức cấp cao của tập đoàn Lockheed Martin ngày 15/4 cho biết trong chuyến thăm tới Israel.
Máy bay đa nhiệm thế hệ thứ 5 F-35 của Lockheed Martin sẽ được chuyển giao cho Israel vào cuối năm tới. Đây là tuyên bố của ông Steve Over, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Quốc tế F-35 trước báo giới một ngày sau khi Nga tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống phòng thủ chống tên lửa S-300 cho Iran.
Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. (Ảnh: Lockheed Martin)
Theo ông Over, các nước như Nga và Trung Quốc “có khả năng bán những máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không tiên tiến và sẽ bán cho bất kỳ quốc gia nào có tiền để mua chúng”, nhưng F-35 cũng “có khả năng” đối phó với các mối đe dọa từ trên không và dưới mặt đất hiện nay, cũng như có khả năng giải quyết các lực lượng nổi dậy trên bộ.
Các nước sở hữu chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 đã không còn đầu tư để nâng cấp chúng vì có những hạn chế nhất định, và việc trang bị F-35 để lấp đầy khoảng trống này sẽ mất khoảng 15 năm. Cùng với chức năng tàng hình và hiệu suất cơ động hiện đại, F-35 còn có các cảm biến đa quang phổ cho phép lực lượng không quân Israel “nhận thức” được các tình huống chưa từng có tiền lệ. “Phi công của F-35 sẽ hiểu rõ về môi trường hoạt động của anh ta. Nó cung cấp khả năng trinh sát, giám sát và tình báo mà không một quốc gia nào có được”, F-35 bay nhanh hơn, xa hơn và có “góc tấn công lớn hơn” so với F-16, ông Over chia sẻ.
Tuy nhiên, trang mạng Daily Beast cho biết nhiều quan chức quốc phòng Mỹ từ Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến đều đồng ý rằng hệ thống tên lửa S-300 của Nga có khả năng bảo vệ hiệu quả toàn bộ các khu vực cấm bay đối với các máy bay thông thường như F-16 hay F/A-18 Hornet của Hải quân Mỹ. Hiện nay, chỉ có máy bay tàng hình B-2 Spirit, chiến đấu cơ đa năng F-35 và F-22 Raptor được cho là có thể hoạt động an toàn bên trong một khu vực được S-300 và những biến thể của nó bảo vệ. Nhưng theo nhiều nguồn tin từ Lầu Năm Góc và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, không có máy bay chiến đấu nào đang phục vụ có thể tồn tại ở bên trong những khu vực như vậy trong thời gian dài.
Một phi công nhiều kinh nghiệm của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ cho rằng nếu Nga cung cấp tên lửa S-300 cho Iran, về cơ bản nó sẽ thay đổi các kế hoạch chiến tranh của Mỹ. “Đó là một loại vũ khí có thể thay đổi hoàn toàn cuộc chơi đối với tất cả các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 [như F-15, F-16 và F/A-18]. S-300 thực sự là một loại vũ khí nguy hiểm mà bạn không muốn đến gần”, ông này nói.
Video đang HOT
Trong khi đó, một chỉ huy cấp cao của Không quân Mỹ lưu ý thương vụ S-300 giữa Moskva và Tehran cũng sẽ vô hiệu hóa bất kỳ hành động đơn phương nào của Israel nhằm chống lại Iran. S-300 có thể ngăn chặn hiệu quả các lực lượng không quân Israel tấn công Iran cho đến khi máy bay F-35 được chuyển giao cho Tel Aviv. Nhưng ngay cả khi Israel nhận được F-35, thì máy bay tàng hình có tầm hoạt động tương đối ngắn này cũng chỉ có thể mang theo được 2 quả bom nặng gần 1 tấn – vốn không có khả năng phá hủy hoàn toàn các mục tiêu được bảo vệ rất kiên cố của Iran. Muốn phá hủy hoàn toàn một số cơ sở của Iran có thể cần phải sử dụng loại bom khổng lồ nặng hơn 10 tấn GBU-57A/B Massive Ordnance Penetrator (MOP) mà chỉ có máy bay ném bom tàng hình B-2 mới chuyên chở được.
Hệ thống phòng không S-300 của Nga
Một thách thức khác là không ai biết chính xác số lượng và vị trí mà Iran sẽ triển khai S-300 vì nó là hệ thống phòng không di động. Nếu một số lượng lớn S-300 được triển tập trung tại một khu vực, các máy bay B-2 và F-22 Raptor sẽ càng khó thực hiện nhiệm vụ của chúng.
Đây không chỉ là vấn đề với Iran. Nếu Nga và Trung Quốc tiếp tục bán hệ thống phòng không tiên tiến cho các nước khác, đa số các máy bay chiến đấu của Mỹ hiện nay sẽ không thể chiến đấu ở nhiều nơi trên thế giới. “Chúng tôi rất quan tâm đến sự gia tăng về số lượng của các tên lửa đất đối không hiện nay ở Crimea, Kaliningrad, và Iran – nếu điều này là đúng sự thật. Chúng tôi đang bị hạn chế khả năng tiếp cận nhanh hơn so với những gì chúng tôi đánh giá”, một quan chức cấp cao khác của Không quân Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, vẫn có một số cách mà các máy bay phi tàng hình có thể chiến đấu trong các khu vực được bảo vệ bởi những hệ thống tên lửa mới trên, nhưng cũng rất nguy hiểm. Một cách sẽ được sử dụng là dùng các máy bay không người lái được phóng từ trên không mang theo thiết bị gây nhiễu, nhằm đánh lừa radar của S-300 bằng cách tạo ra một mục tiêu giả. Những máy bay không người lái này sẽ được kết hợp với tên lửa tầm xa tàng hình để loại bỏ các hệ thống phòng không do Nga sản xuất.
Nhưng S-300 là một hệ thống di động, nên chúng được thay đổi vị trí thường xuyên; do đó, các phi công Mỹ không bao giờ có thể xác định chắc chắn vị trí mà nó được triển khai. “Bạn có thể tiêu diệt nó bằng tên lửa hành trình, tất nhiên với một giả định rằng S-300 vẫn được triển khai ở một vị trí cố định sau khi chúng khai hỏa”, Mark Gunzinger, một nhà phân tích về sức mạnh không quân tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược ở Washington (Mỹ) nhận định.
Theo Công Thuận/Jerusalem Post/ Daily Beast/baotintuc.vn
Kế hoạch hai tập đoàn quốc phòng lớn nhất Mỹ ở Việt Nam
Theo cam kết của ông Marc Allen, Phó chủ tịch Tập đoàn Boeing, hãng sẽ tổ chức giới thiệu sản phẩm, tăng cường hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.
Trên đây là cam kết của ông Marc Allen trong buổi làm việc chiều 2/4 với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhân dịp sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Nhiệt liệt chào mừng ông Marc Allen, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.
Phát biểu trong buổi làm việc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, Bộ Quốc phòng Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tập đoàn Boeing giới thiệu các sản phẩm, tìm hiểu cơ hội hợp tác với các cơ quan liên quan của bộ có nhu cầu.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng khẳng định tiềm năng hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Tập đoàn Boeing là rất lớn.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tiếp ông Marc Allen.
Đáp lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ông Marc Allen đề nghị trong thời gian tới, Tập đoàn Boeing và Bộ Quốc phòng Việt Nam nên đẩy mạnh hợp tác trao đổi đoàn nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau; cũng như phối hợp tổ chức tốt các hội thảo giới thiệu sản phẩm, mở rộng cơ hội hợp tác, hướng đến hợp tác về đào tạo, chuyển giao công nghệ.
Được biết, đây không phải là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng của Mỹ đến Việt Nam kể từ khi Washington cho phép xuất khẩu vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Tập đoàn Lockheed Martin có chuyến đi quan trọng tới VN
Theo đó, hồi tháng 1/2015 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Lockheed Martin, ngài Patrick M. Dewar cũng đã có chuyến thăm quan trọng đến Việt Nam.
Tại buổi làm việc chiều 20/1, Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng Ngài Patrick M. Dewar và các thành viên đến thăm và làm việc tại Việt Nam, đồng thời đánh giá cao vai trò của Tập đoàn Lockheed Martin trong hợp tác với các công ty của Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực công nghệ thông tin và các dự án khác tại Việt Nam.
Ngài Patrick M. Dewar cảm ơn Thượng tướng Trương Quang Khánh đã dành thời gian tiếp đoàn. Trong thời gian tới, Tập đoàn Lockheed Martin mong muốn có cơ hội được hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam trên các lĩnh vực mà phía tập đoàn có thế mạnh.
Lockheed Martin là một hãng chế tạo máy bay, vũ khí, tên lửa, vệ tinh và các kỹ thuật tân tiến quốc phòng. Công ty được thành lập năm 1995 bởi sự sáp nhập của Lockheed với Martin Marietta.
Tập đoàn có trụ sở chính đặt tại Bethesda, Maryland. Lockheed Martin là công ty hợp đồng quốc phòng lớn nhất thế giới (theo doanh thu quốc phòng, đứng ngay trên Boeing).
Vào năm 2005, có đến 95% doanh thu của Lockheed Martin là từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, các cơ quan liên bang khác của Hoa Kỳ, và các khách hàng quân đội nước ngoài.
Loạt sản phẩm của tập đoàn này từ trước khi sáp nhập đến hiện nay bao gồm: Máy bay vận tải C-5, C-130 và C-141 cũng như F-2, F-16 (mua lại từ General Dynamics), F-117, F-22 và F-35 Lightning II đang trong quá trình hoàn thiện.
Theo Đất Việt
Hàn Quốc chi 7,8 tỷ USD chế tạo máy bay chiến đấu KF-X Hàn Quốc lựa chọn Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) và Lockheed Martin (Mỹ) là nhà thầu cho một gói thầu trị giá 7,8 tỷ USD để phát triển 120 máy bay chiến đấu KF- X ". Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, Hàn Quốc lựa chọn Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc...