Eximbank “ngụp lặn” trong nợ xấu tại VAMC
Theo BCTC quý I/2019 của Eximbank, ngân hàng này còn 5.462 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 2.129 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính qúy I/2019 với lợi nhuận trước thuế sụt giảm 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 350 tỷ đồng dù được hoàn nhập gần 7 tỷ đồng chi phí dự phòng.
Sự sụt giảm lợi nhuận này chủ yếu đến từ chênh lệch ở khoản mục thu nhập góp vốn mua cổ phần. Cụ thể, trong quý I/2018, ngân hàng có khoản thu đột biến hơn 500 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Sacombank, trong khi quý I năm nay thu nhập từ góp vốn mua cổ phần chỉ đạt 1,5 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của Eximbank đạt 150.715 tỷ đồng, giảm 1,3% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,9% xuống mức 99.944 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 2,8% đạt 122.019 tỷ đồng.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng kém khả quan hơn, có lãi đạt 23 tỷ, giảm 60% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động khác giảm 19%, chỉ đạt 38 tỷ đồng.
Trong khi đó, thu nhập lãi thuần tăng 24,3% đạt 829 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ có lãi 79 tỷ, tương đương với mức cùng kỳ. Hoạt động mua bán chứng khoán có lãi 46 tỷ, trong khi cùng kỳ bị lỗ 24 tỷ.
Chi phí hoạt động tăng nhẹ 6,1% lên mức 674 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Eximbank đạt 343 tỷ, giảm 51,8%.
Kết thúc quý I, nợ xấu của Eximbank ghi nhận 1.895 tỷ đồng, giảm 25 tỷ so với đầu năm. Tuy nhiên, do tổng dư nợ cho vay sụt giảm nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng vẫn tăng từ mức 1,85% lên 1,88%.
Ngoài ra, Eximbank cũng còn 5.462 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 2.129 tỷ đồng.
Năm 2019, ngân hàng dự kiến tổng tài sản 18,6% đạt hơn 181 nghìn tỷ đồng; huy động vốn tăng 21% và dư nợ cấp tín dụng tăng 11%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%.
Video đang HOT
Ngân hàng đặt 2 mục tiêu về lợi nhuận, trong đó lợi nhuận trước khi phải trích lập bổ sung dự phòng trái phiếu VAMC là 2.000 tỷ đồng còn lợi nhuận trước thuế là 1.077 tỷ.
Trước đó trong năm 2018 ngân hàng đã phải điều chỉnh giảm gần một nửa lợi nhuận như trong báo cáo tài chính 2018 chưa kiểm toán, từ mức 1.737 tỷ về 827 tỷ do phải trích lập dự phòng rủi ro bổ sung.
Từng là một ngân hàng nằm trong top đầu nhóm thương mại cổ phần tư nhân nhưng nhiều năm gần đây tình hình kinh doanh của Eximbank lại có xu hướng thụt lùi. Theo giới quan sát, sự trì trệ này của ngân hàng một phần đến từ sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn và nội bộ HĐQT.
Trong một diễn biến mới đây, Eximbank đã không thể tổ chức đại hội cổ đông theo kế hoạch do chỉ có hơn 57% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự, không đủ túc số theo quy định.
Như Thương Gia đã đưa tin, từ tháng 2/2019 vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank cũng như các nhóm cổ đông lớn không có sự đồng thuận lại tiếp tục nhận được sự quan tâm của thị trường tài chính.
Cụ thể, chiếc ghế nóng chủ tịch HĐQT của ngân hàng bị đổi chủ nhưng sau đó lại bất thành do tòa án có phán quyết dừng khẩn cấp tạm thời đối với việc thay đổi chủ tịch sau khi ông chủ tịch cũ là Lê Minh Quốc có đơn kiện. Ông Quốc cho rằng việc thay đổi chủ tịch HĐQT và việc HĐQT thành lập Uỷ ban độc lập là sai quy định.
Sau đó, được biết các thành viên trong Hội đồng quản trị của ngân hàng này đã có vài lần yêu cầu ông Lê Minh Quốc triệu tập cuộc họp về các vấn đề liên quan đến nội bộ Hội đồng quản trị, nhưng ông Quốc không triệu tập theo quy định.
Nhóm cổ đông lớn nhất của ngân hàng là SMBC của Nhật đã có công văn kiến nghị ông Quốc về việc “Uỷ ban độc lập thuộc HĐQT đã nhận định được một số vấn đề tồn tại và đưa ra các kiến nghị khắc phục nhằm gia tăng hiệu quả quản trị tại Eximbank. Các vấn đề đã được nhận định và kiến nghị khắc phục cần thông tin tới tất cả các cổ đông để cổ đông đóng góp và ý kiến”, và SMBC cũng yêu cầu HĐQT đưa vào chương trình nghị sự của đại hội cổ đông để tất cả các cổ đông bỏ phiếu tín nhiệm hoặc không tín nhiệm với các thành viên HĐQT. Tuy nhiên ông Quốc đã từ chối các yêu cầu này.
Ngay sau đó, phía Ban kiểm soát của Eximbank đã có báo cáo lên cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước. Văn bản nêu rõ, việc ông Quốc tự ý trả lời 9 thành viên Hội đồng quản trị và toàn bộ Ban kiểm soát về việc không đưa nội dung mà SMBC đề nghị đưa vào chương trình nghị sự đại hội, mà không lấy ý kiến các thành viên HĐQT là sai quy định.
Theo thuonggiaonline.vn
Kiểm toán lưu ý Eximbank khoản nợ xấu hơn 700 tỷ đồng
Nợ xấu hơn 700 tỷ đồng của 7 khách hàng cầm cố cổ phiếu Sacombank được kiểm toán lưu ý trong báo cáo tài chính hợp nhất của Eximbank.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2018. Đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH KPMG đã đưa ra nhấn mạnh về khoản 746 tỷ đồng nợ xấu phát sinh đối với khoản cho vay 7 khách hàng dùng gần 75 triệu cổ phiếu STB của Sacombank làm tài sản đảm bảo.
Kiểm toán nhấn mạnh nợ xấu của 7 khách hàng cầm cố cổ phiếu STB tại Eximbank. (Ảnh: Eximbank)
Theo đó, tại thời điểm lập báo cáo tài chính kiểm toán, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) của Eximbank ở mức hơn 848 tỷ đồng. Trong đó, 746 tỷ đồng dư nợ gốc của các khoản cho vay 7 khách hàng, với tài sản đảm bảo là cổ phiếu một ngân hàng khác và dự phòng tương ứng gần 22 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này được cơ cấu lại và giữ nguyên theo nhóm nợ được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 1/12/2016 cho đến khi cơ quan này phê duyệt đề án sáp nhập ngân hàng khác đó.
Ngày 22/5/2017, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt đề án nêu trên. Tuy nhiên đến nay, Eximbank vẫn chưa nhận được hướng dẫn nào khác của Ngân hàng Nhà nước về việc phân loại và trích lập dự phòng đối với khoản cho vay này.
Trước đó, năm 2016, Eximbank đã khởi kiện 7 khách hàng này để thu hồi nợ. Đến ngày lập báo cáo tài chính kiểm toán 2018, các vụ kiện liên quan đến 3 trong số 7 khách hàng với dư nợ gốc là 312 tỷ đồng đã có bản án sơ thẩm.
Cụ thể, 3 khách hàng này phải thanh toán cả lãi và gốc cho EIB số tiền 437,94 tỷ đồng ngay khi bản án có hiệu lực. Trong trường hợp không thể thanh toán khi đến hạn thì Eximbank có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản để thu hồi nợ.
Các khách hàng này hiện đã kháng cáo phán quyết của tòa sơ thẩm về cách tính lãi. Đối với 4 khách hàng còn lại với dư nợ 434 tỷ đồng, Eximbank đang chờ thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Theo kiểm toán, tại ngày 31/12/2018, nếu trích lập dự phòng các khoản cho vay trên theo Thông tư 02 và Thông tư 09 thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho năm 2018 sẽ tăng lên 97,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm hơn 78 tỷ đồng.
Vấn đề nhân sự gần đây trở thành điểm nóng của Eximbank. Theo đó, ngày 22/3/2019, Hội đồng quản trị ngân hàng này đã quyết định bãi nhiệm chức danh chủ tịch hội đồng quản trị đối với ông Lê Minh Quốc và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú lên thay thế.
Ngay sau đó, ông Quốc đã có đơn yêu cầu và được Toà án quyết định "áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời", buộc dừng quyết định bầu bà Tú làm chủ tịch.
Tối 27/3, Eximbank ra thông báo khẳng định việc Hội đồng quản trị ngân hàng tổ chức phiên họp ngày 22/3 để bầu bà Tú giữ chức danh chủ tịch Eximbank là tuân thủ quy định của pháp luật và điều lệ Eximbank.
Gần nhất, Eximbank khẳng định việc Tòa án nhân dân TP.HCM thụ lý vụ án tranh chấp thành viên công ty là không phù hợp và yêu cầu hủy bỏ toàn bộ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vụ việc hiện vẫn chưa có hồi kết.
Theo VTC
Gánh nặng từ chi phí dự phòng rủi ro của các ngân hàng 40% lợi nhuận thuần của các ngân hàng thương mại dùng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong Quý IV/2018, tương đương khoảng 62.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là mức bình quân bởi thực tế, ở một số ngân hàng còn lớn hơn nhiều. Chi phí cho khoản dự phòng của Ngân hàng BIDV còn chiếm tới...