EVN và Siemens đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Siemens Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lịch sử hợp tác lâu dài và thành công của hai tập đoàn.
Tiến sỹ Phạm Thái Lai, Tổng Giám đốc của Siemens Việt Nam cho biết: “Siemens muốn tái khẳng định cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với EVN trong việc cung cấp điện cho gần 90 triệu người dân trên cả nước và triển khai thành công quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, vốn được xem là trọng tâm cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực với nhu cầu về điện ngày càng tăng. Tuy nhiên, tại thời điểm này, ngành năng lượng vẫn còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể đáp ứng nhu cầu điện của toàn quốc gia cũng như giải quyết tình trạng thiếu điện. Siemens đã cùng EVN giúp giải quyết vấn đề thiếu điện thông qua sự tham gia thành công một loạt các dự án sản xuất và truyền tải điện quan trọng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Siemens đã cung cấp sản phẩm và thiết bị cho hàng trăm trạm điện và hơn hai mươi tuabin phát điện với tổng công suất trên 3,350MW tại Việt Nam.
Theo biên bản ghi nhớ, EVN và Siemens cam kết thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thông qua việc trao đổi thông tin chuyên sâu, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo kỹ thuật, cũng như hỗ trợ tìm nguồn tài chính cho các dự án điện tương lai. Thời hạn của Biên bản ghi nhớ là 5 năm và có thể sẽ được gia hạn phụ thuộc vào thoả thuận giữa các bên.
Theo ANTD
Tỉnh sẽ có trách nhiệm với DN và NLĐ
Báo Lao Động các số ra gần đây đã phản ánh về việc chồng lấn quy hoạch mỏ vùng nguyên liệu đá phục vụ sản xuất của hai nhà máy ximăng ở Hoa Lư, Ninh Bình với quy hoạch danh thắng Tràng An trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Cty ximăng HD và DH đứng trước nguy cơ đóng cửa NM vì mất vùng nguyên liệu. Ảnh: TL
Xung quanh vấn đề này, PV Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Văn Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình. Ông Bùi Văn Thắng bày tỏ quan điểm, tỉnh luôn quan tâm đến lợi ích của DN cũng như quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, tỉnh cũng đang tìm cách giải quyết hài hoà giữa lợi ích của DN và bảo tồn di sản.
Thưa ông, trước việc Cty TNHH Duyên Hà (Cty DH) và Cty CP ximăng Hệ Dưỡng (Cty HD) cho rằng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất của hai nhà máy đang bị chồng lấn với quy hoạch quần thể thắng cảnh Tràng An trình UNESCO công nhận là di sản thế giới, UBND tỉnh Ninh Bình đã giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Khi nghe tin có phương án khoanh vùng đã quy hoạch đá vôi làm ximăng vào vùng đệm quần thể danh thắng Tràng An sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của hai nhà máy, Cty DH và Cty HD có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan cũng như UBND tỉnh Ninh Bình. Trước tình hình đó, ngày 18.10, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến tại văn bản số 8300/VPCP-KTN chỉ đạo, giao Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra và báo cáo những vấn đề liên quan đến quy hoạch phát triển công nghiệp ximăng và quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm ximăng.
Tiếp đó, ngày 6.11, Bộ Xây dựng có công văn số 1951/BXD-VLXD đề nghị, UBND tỉnh Ninh Bình cung cấp hồ sơ và báo cáo về quy hoạch quần thể khu danh thắng Tràng An trình UNESCO đề cử di sản thế giới có liên quan đến vùng quy hoạch nguyên liệu cho nhà máy DH, HD. UBND tỉnh đã báo cáo theo yêu cầu của bộ và đang phối hợp cùng bộ này, các bộ ngành liên quan làm rõ vùng đệm của di sản theo hướng vừa đảm bảo vùng nguyên liệu cho các nhà máy ximăng, làng nghề sản xuất ổn định; vừa đảm bảo thuyết phục các chuyên gia trình UNESCO công nhận quần thể khu danh thắng Tràng An là di sản thế giới.
Cụ thể thì vùng nguyên liệu đá được quy hoạch mỏ cấp cho hai DN nêu trên có bị chồng lấn với quy hoạch của quần thể danh thắng Tràng An không, thưa ông?
- Việc khoanh vùng đệm quần thể danh thắng Tràng An đang làm và đưa ra nhiều phương án, mới chỉ là tham vấn. Trong đó có phương án có thể vùng đệm quy hoạch quần thể danh thắng Tràng An bị chồng lấn với vùng nguyên liệu đá sản xuất ximăng. Đây là các phương án của chuyên gia UNESCO đưa ra. Chúng tôi chưa có văn bản nào chỉ đạo về việc này. Tỉnh đang làm rõ ưu, nhược điểm của từng phương án trước khi báo cáo Bộ VHTTDL, Uỷ ban UNESCO Việt Nam thẩm định để trình Thủ tướng. Trên tinh thần làm sao để hai nhà máy này có vùng nguyên liệu ổn định sản xuất. Có thể quy hoạch cho mỗi DN gần 100ha hoặc 70ha, song tỉnh sẽ không cấp cả ngay một lần mà dự định cấp một số ít, làm hết sẽ cấp tiếp. Tỉnh có trách nhiệm về việc này, chúng tôi cũng lo ảnh hưởng đến giá trị sản xuất, việc làm của người lao động chứ.
Thưa ông, tỉnh Ninh Bình sẽ thực hiện trách nhiệm như thế nào đối với hai DN này?
- Về lý, Cty HD và Cty DH đến Ninh Bình đầu tư vào trước, họ không có gì sai nên mình phải đảm bảo điều kiện cho họ hoạt động. Cái gì đã quy hoạch trước rồi thì mình phải tôn trọng nó. Chúng tôi đã trình bày tất cả các phương án, trong đó có phương án của tư vấn UNESCO. Nhưng phương án gì đi nữa thì cũng phải đảm bảo sản xuất cho hai đơn vị này.
Chúng tôi đáp ứng mọi yêu cầu của UNESCO vì sự tôn trọng đối với di sản. Nhưng trước mắt, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện cho hai nhà máy này sản xuất bình thường. Nếu khoanh vùng nguyên liệu vào vùng đệm, ảnh hưởng đến sản xuất, không có công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động thì rất gay và tôi nghĩ cũng không ai làm như thế. Thực ra, nếu có di sản mà mất sản xuất hoặc ngược lại đều không phải là mục tiêu của tỉnh, nên cần có một động thái nào đó để giải quyết vấn đề hài hòa.
- Xin cảm ơn ông!
Theo laodong
Xây trường công lập chậm: Quận, huyện có lỗi với giáo dục Trong năm học 2012 - 2013, TP.Hà Nội cho biết sẽ xây mới 19 trường, trong đó có 9 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 3 trường THCS và 2 trường THPT. Tuy nhiên, tiến độ các dự án đều chậm. Việc thiếu các trường mầm non, khiến các phụ huynh quá vất vả khi đăng ký học cho con em mình....