EVN lại “đòi” tăng giá điện?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang kêu giá điện có áp lực tăng do phải chạy dầu để phát điện cung ứng cho mùa khô. Trong khi Bộ Công Thương trấn an vẫn đủ điện thì các chuyên gia nói nguyên nhân giá tăng có phần từ việc EVN lười sản xuất điện…
EVN kêu thiếu, Bộ Công Thương bảo yên tâm
Theo EVN, trong tháng 3, dự kiến phụ tải toàn hệ thống điện có thể đạt tới 355 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất dao động từ 17.700-17.900 MW. Hiện tại, mực nước nhiều hồ thủy điện lớn vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Một lãnh đạo EVN cho biết, dù đã chủ động tích nước các hồ từ sớm, song vẫn xảy ra tình trạng tổng lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường vào khoảng 5,297 tỷ m3(trong đó, miền Bắc hụt khoảng 1,9 tỷ m3; miền Trung thiếu hụt khoảng 2,623 tỷ m3).
Theo lãnh đạo EVN, tình hình cung cấp điện cho miền Nam căng thẳng do năm 2013 không có nguồn phát điện mới đưa vào vận hành. Chính vì thế, dự kiến, EVN sẽ phải huy động khoảng 1,113 tỷ kWh bằng nguồn điện dầu FO và DO cho mùa khô 2013 với chi phí giá thành cao hơn gấp nhiều lần so với nhiệt điện than, khí.
Trong tháng 3 này, mục tiêu vận hành hệ thống điện của EVN là khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và tua-bin khí, các nguồn thủy điện khai thác theo kế hoạch điều tiết nước cho mùa khô.
Sản xuất điện của EVN đang có xu hướng giảm mạnh
Theo ông Đặng Huy Cường – Cục trưởng Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), nhằm cung cấp điện cho mùa khô năm 2013, ngay từ tháng 12/2012, Bộ Công Thương đã có quyết định về kế hoạch cung ứng điện năm 2013.
Video đang HOT
Theo kế hoạch này, trong năm 2013, dự kiến điện sản xuất toàn hệ thống tăng 11% so với năm 2012. Dự kiến điện tiêu thụ trong mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 6) là 64,1 tỷ kWh, tăng khoảng 10,58%.
Ông Cường cho biết, về cung cấp điện cho các tháng còn lại của mùa khô (3-4-5-6) của hệ thống điện cũng như miền Trung và miền Nam; Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN cập nhật lại tình hình thiếu điện của khu vực miền Nam.
“Trừ những sự cố đột biến về sản xuất điện trong các tháng sắp tới; về cơ bản, có thể cung cấp đủ điện cho các tháng mùa khô”- ông Cường nói. Tuy nhiên, ông Cường cũng thừa nhận, nếu hạn hán quá nặng, việc cung cấp điện cho mùa khô sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Dự phòng cung ứng điện sẽ giảm do sản xuất điện suy giảm. EVN phải tăng sản lượng bằng cách chạy dầu FO và DO có giá thành cao từ 4 đến 5 nghìn đồng/kWh so với nhiệt điện than, khí nên ảnh hưởng đáng kể đến việc tăng giá thành sản xuất điện”- ông Cường nói.
“Lười” sản xuất và điệp khúc tăng giá
Trao đổi với PV, một chuyên gia kinh tế cho biết, trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 thường là giai đoạn nắng nóng ở miền Nam và miền Bắc nên nhu cầu điện tăng rất cao.
Trước tình hình sản xuất điện phục vụ mùa khô khó khăn như hiện nay, EVN sẽ đề xuất tăng giá điện. Theo vị chuyên gia này, phân tích số liệu cho thấy, EVN đang rất lười sản xuất điện. “Sản lượng điện do EVN sản xuất đang có xu hướng giảm mạnh, đồng nghĩa với việc điện mua ngoài tăng nhanh” – vị chuyên gia nói.
Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia, hiện giá than bán cho điện chỉ chiếm khoảng 70% giá thành. Mỗi năm, TKV phải bù lỗ cho điện gần 7.000 tỷ đồng nên xu hướng tăng giá than theo giá thị trường có thể sẽ xảy ra vì không thể để ngành than bù lỗ cho điện mãi được.
“Điện sản xuất đang có xu hướng giảm, trong khi giá than đầu vào tăng bằng giá thành sản xuất, chắc chắn, thời gian tới, EVN lại tiếp tục điệp khúc đề xuất tăng giá điện để bù lỗ” – vị chuyên gia khẳng định.
Liên quan đến giá bán điện, ông Đặng Huy Cường cho hay: Hiện Thủ tướng đang giao cho Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan xem xét giá than bán cho điện một cách thích hợp nhất (trên nguyên tắc giá than bán cho điện sẽ tiến gần tới giá thành sản xuất than); cũng như lộ trình để giá than và giá điện theo cơ chế thị trường.
Nếu Thủ tướng đồng ý giá than bán cho điện tăng bằng giá thành sản xuất, lúc đó giá than sẽ tăng thêm 30%, điều này khiến giá điện có nguy cơ tăng cao.
Theo 24h
2015, người dân, DN khó gánh nổi giá điện
Tăng giá điện 5%, Tập đoàn điện lực mới thu thêm được khoảng hơn 3.000 tỷ (sau khi trừ chi phí). Từ nay đến 2015, EVN được Thủ tướng cho tăng giá để bù lỗ khoảng 26.600 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá còn đang treo. Như vậy, đến hết 2015, giá điện Việt Nam phải tăng khoảng 40% so với hiện nay mới bù hết lỗ. Doanh nghiệp và người dân có chịu nổi mức tăng này?
Sẽ tăng giá 40% đến 2015?
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, đợt tăng giá 5% từ ngày 22-12-2012, dự kiến EVN thu được hơn 7.000 tỷ đồng. Số tiền này trước hết sẽ dùng để bù chi phí giá than tăng gần 900 tỷ đồng, 3.800 tỷ đồng cho khoản "vượt bao tiêu khí" và 3.000 tỷ đồng để bù chênh lệch tỉ giá.
Số tiền bù cho chênh lệch tỷ giá trên là rất nhỏ, trên tổng số 26.600 tỷ đồng mà Thủ tướng đã cho EVN bù dần để đến năm 2015 giải quyết hết số lỗ trên.
Như vậy, tính bài toán cộng đơn giản, để giải quyết chỉ riêng số lỗ do tỷ giá còn 23.600 tỷ (sau khi đã trừ 3.000 tỷ), thì giá điện đến hết 2015 phải 8 lần tăng (mỗi lần 5%), với mức tăng cộng dồn khoảng 40% nữa mới đủ để bù hết số tiền chênh lệch tỷ giá trên.
Giá điện mà EVN dự kiến sẽ cao chót vót có đè nặng lên lưng người tiêu dùng (ảnh chụp trước tòa nhà EVN). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Đó là chưa kể, nếu EVN lợi dụng "té nước theo mưa" để tranh thủ gửi giá bù lỗ cho việc mua điện giá cao, bán giá thấp... khoảng hơn chục ngàn tỷ nữa (hiện cũng đang treo), thì giá điện sẽ còn tăng mạnh hơn mức trên.
Chưa kể, ứng với từng năm giá điện cao hay thấp còn phụ thuộc vào thời tiết (mưa nhiều hay ít). Như năm 2013, ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN dự báo, do nguồn cung điện miền Nam trong năm 2013 sẽ rất căng thẳng nên dự kiến EVN phải mua dầu phát điện cho miền Nam trong mùa khô.
Với việc phát điện chạy dầu khoảng hơn 2 tỷ kWh để cung cấp điện cho miền Nam, EVN sẽ lỗ khoảng 6.000 tỷ đồng trong 2013.
Còn ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết, trong năm 2013, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề nghị tăng giá bán than cho ngành điện để bằng giá thành sản xuất than.
Do vậy, tiền chênh lệch trả cho giá than của EVN trong năm 2013 sẽ tăng khoảng trên 6.000 tỷ đồng, năm 2014 sẽ tăng khoảng 16.000 tỷ đồng và năm 2015 sẽ tăng khoảng 21.000 tỷ đồng.
Đương nhiên, theo quy định những khoản chi phí đầu vào sản xuất điện sẽ được EVN hạch toán vào giá điện. Như vậy, rất khó có thể tính toán giá điện của Việt Nam sẽ tăng lên bao nhiêu, đến năm 2015.
"Tỷ lệ thất thoát điện năng của Việt Nam tới 9%, là rất lãng phí. Đây là trách nhiệm của EVN. Nên EVN lấy lý do bù lỗ để tăng giá điện, rồi bắt người dân phải è cổ gánh là không được"
Một chuyên gia về giá bình luận
Trả lời về lộ trình tăng giá điện năm 2013 cũng như những năm sau đó, ông Phạm Lê Thanh nói: "Điều chỉnh giá thế nào thì phải phù hợp với nền kinh tế, và trong tất cả lần điều chỉnh tăng giá điện đều phải được các cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Nên bây giờ hỏi rằng tăng giá điện vào thời điểm nào và như thế nào thì chúng tôi không thể trả lời được".
Còn Chủ tịch EVN Hoàng Quốc Vượng, thì khẳng định, trong năm 2013, EVN vẫn tiếp tục đặt mục tiêu phải có lãi. Nên sắp tới, giá điện Việt Nam sẽ còn tăng nữa.
Người dân, DN khó gánh nổi giá điện
Doanh nghiệp sẽ nặng gánh chi phí, nếu EVN chỉ tăng, không giảm giá điện. đến 2015. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Sau khi tăng 5% hồi cuối năm 2012, hiện giá điện bán lẻ bình quân là 1.506 đồng/kWh (đã bao gồm VAT), tương đương với 7,2 cent/kWh.
Tại hội nghị tổng kết năm 2012 của EVN mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, người từng là lãnh đạo EVN nhiều năm cũng phải thừa nhận, tuy giá trên thấp hơn một số quốc gia trong khu vực, nhưng không còn rẻ nữa. Vì không rẻ nữa nên đi kèm với giá, EVN phải làm sao nâng chất lượng cung ứng điện lên.
Một chuyên gia kinh tế bình luận: "Giá điện hiện nay đâu có thấp, nhất là so với đời sống của người dân Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chưa kể, đó mới là giá điện bình quân. Còn giá điện sinh hoạt tính theo bậc thang, càng dùng nhiều, càng phải trả giá cao, thì giá bán bình quân thực sự cho dân còn cao hơn nữa. Có gia đình, tính ra còn phải trả tới 4.000-5.000 đồng/kWh".
Trao đổi với PV , ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, thực ra trong năm 2012, khi EVN tăng giá điện, doanh nghiệp toàn ngành thép đã khó khăn rồi. Đầu ra của ngành thép đang rất khó khăn.
"Hiện, một tấn sản phẩm thép cán tiêu tốn 100kWh và phôi là 500-600kWh. Vì giá điện tăng nên giá thành thép cũng tăng theo, khoảng 5-6% trong tỷ suất giá thành khi sản xuất đối với sản xuất phôi và 0,8% đối với sản xuất cán. Năm 2013, nếu EVN tiếp tục tăng giá điện, thì giá thành thép sẽ tăng, thép Việt Nam khó mà cạnh tranh so với các nước trong khu vực"- ông Nghi nói.
Trao đổi với PV, một chuyên gia kinh tế cho rằng: "Đã là thị trường, phải có lúc tăng giá, lúc giảm giá, nhưng từ trước đến nay EVN chưa bao giờ giảm giá mà chỉ tăng giá, nên ở Việt Nam chưa có thị trường điện thực sự".
Đồng quan điểm trên, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, cần nhanh chóng tái cấu trúc lại thị trường điện để có sự cạnh tranh thực sự.
Theo ông Ngãi, thị trường phát điện cạnh tranh đã vận hành, nhưng cho tới bây giờ vẫn chưa có thị trường điện. Thực tế, vẫn là một người vừa mua vừa bán đó chính là EVN.
Các tổng công ty mua bán điện, tổng công ty truyền tải điện, ba tổng công ty phát điện độc lập cũng như 62 công ty điện lực ở các tỉnh, thành phố đều trực thuộc EVN. Do đó, EVN đang độc quyền quản lý toàn bộ thị trường điện Việt Nam.
Ông Ngãi cho rằng, để có thị trường thực sự, phải tách tất cả các tổng công ty trên ra khỏi EVN. Trong mô hình mới, chức năng của EVN là quản lý thị trường bán lẻ.
EVN chỉ nên quản lý các nhà máy điện đa mục tiêu, nhà máy điện hạt nhân; còn các nhà máy điện khác nên để hoạt động độc lập, cạnh tranh bình đẳng với các nhà đầu tư khác. Có như vậy, mới có thị trường bán buôn độc lập, như thế giá điện đầu vào mới có giá cạnh tranh, giá rẻ.
Theo 24h
Giá điện Việt Nam sẽ cao chót vót? Tăng giá điện 5%, Tập đoàn điện lực mới thu thêm được khoảng hơn 3.000 tỷ (sau khi trừ chi phí). Từ nay đến 2015, EVN được Thủ tướng cho tăng giá để bù lỗ khoảng 26.600 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá còn đang treo. Như vậy, đến hết 2015, giá điện Việt Nam phải tăng khoảng 40% so với hiện...