EVN: Giảm được 86% báo cáo giấy nhờ ứng dụng công nghệ thông tin
Nhờ việc quán triệt thực hiện việc sử dụng văn bản điện tử theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã và đang tạo bước đột phá trong công tác cải cách hành chính và đã đạt được kết quả tích cực.
EVN ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính
Mục tiêu của EVN là hướng tới xây dựng văn phòng điện tử, doanh nghiệp số thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản trị doanh nghiệp, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin, trao đổi và xử lý công việc qua môi trường mạng, ứng dụng chữ ký số….
Giảm tới 86% báo cáo giấy
Một trong những bước đột phá trong cải cách hành chính của EVN, đó là từ tháng 4/2018, Tập đoàn đưa vào sử dụng rộng rãi tại cơ quan EVN và các đơn vị thành viên hệ thống phần mềm văn phòng điện tử E-Office, được tích hợp chữ ký số và triển khai văn bản trên máy tính và thiết bị di động. Ngoại trừ những văn bản tài liệu bắt buộc phải quản lý theo chế độ văn bản mật, hầu hết công văn đến đều được số hóa, chuyển vào hệ thống văn phòng điện tử và giải quyết theo quy trình, tạo thuận lợi cho công tác tìm kiếm, lưu trữ văn bản dưới dạng file điện tử.
Sau hơn một năm triển khai rộng rãi, hệ thống E-Office đã góp phần làm thay đổi thói quen trong xử lý văn bản hành chính của Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc. Các văn bản đi/đến đã được xử lý trên môi trường mạng, từ đó giảm thời gian lưu chuyển văn bản, công văn giữa các ban EVN cũng như giữa EVN với các đơn vị trực thuộc; đồng thời xóa bỏ các giới hạn về không gian, vị trí địa lý. Việc giải quyết công văn đi, công văn đến trên hệ thống E-Office cũng đã giúp Tập đoàn tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm và chi phí vận chuyển tài liệu so với trước đây. Hiện nay công tác lập hồ sơ công việc đã được thực hiện đồng bộ và toàn diện trên môi trường mạng. Tính đến hết năm 2018, Tập đoàn đã giảm được 86% số lượng báo cáo giấy – từ 129 báo cáo giảm xuống chỉ còn 18 báo cáo.
Đặc biệt, từ ngày 01/01/2019, EVN đã đưa vào vận hành phần mềm dùng chung – cổng thông tin EVNPortal để gửi/nhận báo cáo từ các đơn vị với 83 loại báo cáo; trong đó có 48 báo cáo đính kèm file, còn lại là báo cáo bằng cách nhập bảng biểu và các phần mềm dùng chung. Với tinh thần tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa công tác báo cáo, đến nay chỉ còn 26 báo cáo bằng hình thức đính kèm file thực hiện trên EVNPortal.
Video đang HOT
Công tác cải cách hành chính cũng đã được triển khai rộng khắp đến các đơn vị trực thuộc. Nhiều đơn vị đã có các ý tưởng sáng tạo, phát huy hiệu quả cao. Điển hình, tại Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, hiện chỉ còn 137 loại báo cáo, trong đó có đến 82 loại qua cổng Portal. EVNHCMC cũng đã xây dựng được 1.432 lưu đồ giải quyết công việc, đảm bảo sự hiệu quả, chính xác, nhanh chóng. Tổng công ty Điện lực miền Trung đã giảm tối thiểu 20% thời lượng và các cuộc họp không cần thiết; triệt để áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, sử dụng chữ ký số…
Điện tử hóa các dịch vụ điện
Không chỉ giảm thiểu số lượng thủ tục trong các giao dịch nội bộ doanh nghiệp, EVN và các đơn vị trực thuộc cũng đặc biệt chú trọng tới công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, giúp thuận tiện hơn cho khách hàng khi tiếp cận các dịch vụ điện năng. Từ năm 2013 đến nay, EVN đã không ngừng nghiên cứu, sửa đổi các quy trình cung cấp dịch vụ điện theo phương châm 3 dễ: “Dễ tiếp cận, dễ tham gia, dễ giám sát” và thực hiện theo “cơ chế một cửa”.
Tháng 12/2018, EVN chính thức cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến tương đương dịch vụ công cấp độ 4 (cấp độ cao nhất trong dịch vụ công trực tuyến). Đến tháng 9/2019, EVN đã cung cấp dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử. Mọi công đoạn đều thực hiện qua môi trường mạng, từ khâu yêu cầu dịch vụ tới ký hợp đồng (theo phương thức nhận mã OTP qua tin nhắn điện thoại, thay vì kí giấy như trước đây). Người dân không cần phải đến trụ sở điện lực mà chỉ cần truy cập máy vi tính hoặc thiết bị smartphone có kết nối internet. Toàn bộ hồ sơ giao dịch sẽ được lập dưới dạng điện tử, giúp khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin, giám sát các thỏa thuận cung cấp dịch vụ giữa khách hàng và Điện lực. Tính bảo mật trong giao dịch được EVN chú trọng, chỉ có khách hàng mới được quyền truy cập và sử dụng hợp đồng điện tử của mình.
Với dịch vụ điện điện tử, các thủ tục hành chính được giản lược tối đa, đồng thời giảm chi phí, thời gian cho cả khách hàng và ngành Điện. Đây cũng là định hướng của EVN trong hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng thông qua việc ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp 4.0, bao gồm công nghệ thông tin, hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử,… tích cực hưởng ứng thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh việc xây dựng nền kinh tế số và thanh toán không dùng tiền mặt.
Những thay đổi, cải cách của EVN đã được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao. Theo công bố của Nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực Asean – nằm trong nhóm ASEAN-4, đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế. Trong đó, về số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành Điện, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong khu vực ASEAN. Đây là một nỗ lực rất lớn của EVN trong việc cải cách hành chính, giảm thiểu các thủ tục, tạo thuận lợi cho khách hàng sử dụng điện
Thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào công tác quản trị doanh nghiệp cũng như nhiều hoạt động sản xuất – kinh doanh, tạo đà để EVN phấn đấu xây dựng thành công văn phòng điện tử, tiến tới xây dựng doanh nghiệp số trong tương lai không xa…
Theo Công Thương
Ngành điện Hải Phòng: Hướng tới không dùng tiền mặt khi thanh toán tiền điện!
Ngành điện Hải Phòng phấn đấu đến hết năm 2019, khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian đạt 70% và đến 2025 sẽ đạt 100%
Ông Nguyễn Hữu Hưởng - Phó giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng cho biết, thực hiện Nghị quyết 02 ngày 1/1/2019 của Chính phủ về đẩy mạnh thu tiền điện không dùng tiền mặt, chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về phương thức thu tiền điện không dùng tiền mặt, Công ty Điện lực Hải Phòng đã thuận tiện hơn trong thu tiền điện, nhất là giảm được hàng trăm nhân viên thu ngân.
Phía các tổ chức trung gian thanh toán cũng đạt nhiều lợi ích khi phát triển dịch vụ.
Về phía khách hàng, đó là sự nhanh chóng, tiện lợi, thanh toán linh hoạt, mọi lúc, mọi nơi, không phải chờ đợi để trả tiền điện như trước.
Tuy nhiên theo ông Hưởng, cái khó khăn lớn nhất là một bộ phận người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt.
Cùng với đó, một số khách hàng tuổi cao không quen sử dụng các thiết bị công nghệ như: điện thoại Smartphone, máy tính... để vào các trang thanh toán điện tử; một số khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa tiếp cận được các phương thức giao dịch hiện đại như internet banking, mobile banking...
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của các ngân hàng, tổ chức trung gian hiện nay chủ yếu tập trung ở nội thành và các khu đông dân cư dẫn đến việc phát triển khách hàng ở khu vực ngoại thành còn hạn chế.
Dần dần sẽ xóa sổ không dùng tiền mặt khi thanh toán tiền điện
Đến nay, điện lực Hải Phòng đã hợp tác với 9 ngân hàng và 4 tổ chức trung gian thực hiện thu hộ tiền điện với các loại hình dịch vụ như: thu tiền điện tại quầy giao dịch; qua ATM; qua internet Banking, Mobile Banking và trích nợ tự động...
Đến hết tháng 6/2019, toàn công ty có 231.563/478.320 hóa đơn thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian, đạt tỷ lệ 48,41%, (tăng 8,4% so với tháng 12- 2018). Số tiền thanh toán qua ngân hàng, tổ chức trung gian là 1.010/1.194 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 84,19% số thu tiền điện toàn công ty.
Một điểm thu tiền điện tại điện lực Kiến An - Hải Phòng
Bà Vũ Thị Thành Hiền - một khách hàng thuộc quận Hải An chia sẻ: "Một trong những lợi ích của việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt đó là tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, khi nhận được thông báo tôi chỉ cần thao tác trên điện thoại vài bước là xong mà không phải lưu lại những chứng từ hóa đơn".
Ông Bùi Ngọc Hiếu - khách hàng Lạch Tray Hải Phòng cũng cho rằng: "Việc không sửa dụng tiền mặt sẽ không phải lo ngại tình trạng giả mạo nhân viên thu tiền, lừa gạt người sử dụng. Khi nhân viên điện lực không còn tới nhà thu tiền cũng giúp ngăn chặn được hiện tượng giả danh vào nhà khách hàng để lừa gạt như đã từng xảy ra. Đồng thời, thông tin của khách hàng và dữ liệu của ngành điện cũng sẽ được bảo mật tốt hơn. Hơn nữa, khách hàng luôn nhận được thông báo của ngành điện về điện năng sử dụng, số tiền phải trả cụ thể, rõ ràng trước khi thanh toán".
Được biết, theo kế hoạch của ngành điện Hải Phòng sẽ phấn đấu đến hết năm 2019, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian đạt 70%; đến năm 2020 là 85% và đến năm 2025 đạt 100%.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Trò kinh doanh thả săn sắt bắt cá rô của app giải nén WinRAR Rất nhiều người dùng đã không cần mua bản quyền WinRAR mà vẫn có thể tiếp tục sử dụng phần mềm này sau khi hết hạn. WinRAR là một phần mềm nén/giải nén tập tin và dữ liệu. Nó được trình làng vào năm 1993. Từ đó, nó được biết đến và phổ biến rộng rãi bởi sự tiện lợi và đa dụng....