EVN gập ghềnh thoái vốn
Nhiều đầu mối cơ quan chức năng cùng tham gia cho ý kiến, với nhiều cách hiểu khác nhau về các văn bản quy phạm pháp luật, thiếu nhất quán, là một trong những nguyên nhân chính khiến tiến trình thoái vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rơi vào cảnh “gập ghềnh”.
Chồng chéo luật, không thống nhất
Trong nội dung báo cáo về tình hình triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp và thoái vốn gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (CMSC) trong quý II-2019, EVN cho rằng tiến trình thoái vốn của đơn vị đang gặp nhiều khó khăn.
Cơ chế phối thuộc giữa các cơ quan chức năng về chỉ đạo CPH hiện nay rất lỏng lẻo. Không chỉ khó về thoái vốn, việc chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể thực hiện, cách hiểu văn bản của mỗi cơ quan mỗi khác khiến thu hút nhà đầu tư khó khăn.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế
Một trong những vướng mắc lớn nhất là có nhiều đầu mối tham gia và cho ý kiến, như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tư pháp, CMSC.
Trong khi đó, cách hiểu giữa các cơ quan chức năng lại khác nhau về các văn bản quy phạm pháp luật và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đã dẫn đến chồng chéo, không thống nhất. Theo EVN, việc nghiên cứu, giải quyết của các bộ, ngành và CMSC mất nhiều thời gian.
Đơn cử, quá trình cổ phần hóa (CPH) Tổng công ty Phát điện 2 ( Evngenco 2) có nguy cơ chậm tiến độ do chưa được CMSC thông qua kế hoạch, phê duyệt dự toán chi phí CPH, đặc biệt chưa lựa chọn tư vấn xác định giá trị DN.
Nếu không có các công văn, quyết định phê duyệt, chỉ đạo theo thẩm quyền, trước mắt việc công bố giá trị Evngenco 2 rất khó đáp ứng được thời gian theo yêu cầu. Bên cạnh đó, việc CPH Evngenco 1 và hồ sơ quyết toán CPH Evngenco 3 đang chờ ý kiến của CMSC và Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Ngày 23-8 đã có 16,25 triệu cổ phần trong tổng số 18,75 triệu cổ phần của EVNFinance do EVN sở hữu đã được đấu giá thành công, với mức giá 13.480 đồng/cổ phần, EVN đã thu về 219,05 tỷ đồng. Như vậy, hiện EVN chỉ còn nắm giữ 2,5 triệu cổ phần tại EVNFinance, tương đương 1% vốn điều lệ tại công ty này.
Hiện EVN cũng đang gặp khó khăn khi chuyển giao Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 sang Evngenco 1. Ảnh: LONG THANH
Tuy nhiên, những phiên đấu giá được cho “xuôi chèo mát mái” như EVNFinance thực tế không nhiều. “Thông thường cần hơn 1 tháng để có ý kiến, nhưng có phương án thoái vốn gần 5 tháng chưa có ý kiến chỉ đạo, dẫn đến EVN mất cơ hội khi thị trường chứng khoán khởi sắc, mất thêm thời gian, chi phí định giá cổ phần” – báo cáo của EVN viết.
Video đang HOT
Hiện EVN đã có kiến nghị gửi CMSC với nội dung xem xét, có ý kiến chỉ đạo EVN về quyết toán CPH Evngenco 3, đồng thời báo cáo Chính phủ phê duyệt việc điều chỉnh thời điểm xác định giá trị DN và CPH công ty mẹ là Evngenco 1 (dự kiến đầu tháng 1-2020); phê duyệt việc chuyển giao chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng từ EVN sang Evngenco 1, sau khi dự án hoàn thành, vận hành thương mại.
EVN cũng kiến nghị xem xét, phê duyệt kế hoạch tiến độ CPH Evngenco 2, để sớm có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước về việc đăng ký kế hoạch kiểm toán kết quả xác định giá trị DN để CPH Evngenco 2. Tuy nhiên, kết quả vẫn phải chờ cơ quan chức năng.
Cần cơ chế phối thuộc
EVN là một trong những “ông lớn” được nhà đầu tư nội và ngoại chú ý đặc biệt trong thương vụ M&A. Theo kế hoạch, trong năm nay EVN tiếp tục thoái vốn và CPH tại nhiều DN. Với các DN đã CPH, EVN sẽ tiến hành các bước để niêm yết trên sàn HOSE. Cụ thể, với Tổng công ty phát điện 1 ( Genco 1), EVN đang xây dựng phương án và tổ chức thoái một phần hoặc toàn bộ vốn của Genco 1 tại các CTCP, như Thủy điện Đa Nhim, Hàm Thuận, Đa Mi, Công ty Phát triển điện lực Việt Nam, Nhiệt điện Quảng Ninh. Dự kiến, Genco 1 sẽ thoái toàn bộ vốn tại các CTCP trong năm 2019.
EVN cũng sẽ chuyển nhượng vốn tại Công ty Tài chính cổ phần điện lực, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh và CTCP Phong điện Thuận Bình. Đơn vị này cũng chuyển nhượng vốn tại CTCP Tư vấn xây dựng điện 3, CTCP Tư vấn xây dựng điện 4 và hoàn thành trong năm nay.
Cũng trong năm 2019, với Genco 3 đã hoàn thành CPH từ 2018, EVN sẽ giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu xuống 3 lần. DN cũng hoàn thành công tác quyết toán chi phí và bàn giao vốn, tài sản sang CTCP. Từ đó chuẩn bị để Genco 3 được niêm yết trên sàn HOSE trong năm nay.
Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN, đơn vị đang tích cực triển khai thoái vốn tại các DN còn lại, với mục tiêu cơ bản hoàn thành công tác thoái vốn trong năm 2019. Bên cạnh đó, tất cả DN thành viên, DN liên kết trong tập đoàn đáp ứng đủ điều kiện đều đã đăng ký niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán, có vốn hóa thị trường cao hơn nhiều so với giá trị vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Tuy vậy, quá trình thực hiện thoái vốn và CPH của EVN đã không “thuận buồm xuôi gió”. Đến nay, dù sắp kết thúc quý III-2019, song khối lượng công việc nằm trong kế hoạch vẫn còn nhiều nội dung chưa hoàn thành, do vướng mắc về phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định tài sản loại ra, xử lý tài chính, công bố giá trị DN, lựa chọn tư vấn… Trong đó, sự chồng chéo giữa cách hiểu và thiếu thống nhất trong chỉ đạo điều hành của các cơ quan chức năng đang là lực cản cho quá trình thoái vốn và CPH.
Về vấn đề này, theo nhiều chuyên gia, cần xây dựng cơ chế phối thuộc để thống nhất về cách hiểu văn bản cũng như ra chủ trương chỉ đạo thực hiện đối với DN.
Lưu Thủy
Theo saigondautu.com.vn
'Ảm đạm' tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành điện nửa đầu năm
Tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp ngành điện đã được hé lộ ngay đầu mùa công bố báo cáo tài chính quý II/2019. Kết quả không mấy khả quan khi đa số các doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm trong nửa đầu năm 2019.
Lợi nhuận NT2 giảm tới 23% trong nửa đầu năm 2019. Ảnh: Nhà máy điện của NT2
Đầu tiên phải kể đến Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC). Nửa đầu năm, công ty này ghi nhận 3.950 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp còn lại là 597 tỷ đồng, giảm 2,5%.
Trong kỳ, Nhiệt điện Phả Lại ghi nhận 164 tỷ đồng doanh thu tài chính; song song, ghi nhận gần 11,5 tỷ đồng chi phí tài chính và 39,4 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp.
Kết thúc nửa đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Nhiệt điện Phả Lại ở mức 706 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2018.
Tương tự, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (HoSE: BTP) cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 7,2% xuống còn 732 tỷ đồng.
Do giá vốn tăng rất mạnh nên lợi nhuận gộp của công ty này chỉ còn 48,8 tỷ đồng, giảm tới 47%.
Trong kỳ, Nhiệt điện Bà Rịa ghi nhận 40,7 tỷ đồng doanh thu tài chính, giảm 16%. Các chi phí phát sinh không đáng kể.
Kết thúc nửa đầu năm, lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 76,7 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2018.
Một "ông lớn" ngành điện cũng vừa báo doanh thu và lợi nhuận giảm là Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2).
Theo báo cáo tài chính quý II/2019, NT2 ghi nhận 4.014 tỷ đồng doanh thu thuần trong nửa đầu năm, giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giống như các doanh nghiệp khác, việc giá vốn tăng đáng kể đã khiến lợi nhuận gộp của NT2 giảm tới 20%.
Bên cạnh đó, doanh thu tài chính của NT2 cũng giảm mạnh 83% xuống chỉ còn 9,2 tỷ đồng. Bù lại, công ty này ghi nhận khoản lợi nhuận khác lên đến 30,5 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ 371 triệu đồng)
Về chi phí, chi phí tài chính tăng không đáng kể lên 93,1 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 27% xuống còn 39,8 tỷ đồng.
Chốt lại nửa đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của NT2 ở mức 407 tỷ đồng, giảm tới 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ nhiệt điện, điện khí, doanh nghiệp thủy điện cũng không tránh được xu hướng suy giảm doanh thu và lợi nhuận trong nửa đầu năm nay.
Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (UPCoM: DNH) - doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lên đến trên 11.000 tỷ đồng - ghi nhận doanh thu 891 tỷ đồng nửa đầu năm, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp giảm tới 23,5% xuống còn 538 tỷ đồng.
Trong kỳ, DNH ghi nhận 54,1 tỷ đồng doanh thu tài chính, giảm 40%. Trong khi đó, chi phí tài chính ở mức 75,8 tỷ đồng, giảm 2,3%; chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 29,2 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%.
Những diễn biến trên khiến nửa đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của DNH giảm tới 30% xuống còn 487 tỷ đồng.
Bên cạnh DNH, các doanh nghiệp thủy điện khác cũng trong tình cảnh tương tự, như Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà ghi nhận doanh thu nửa đầu năm giảm 6,4%, lợi nhuận trước thuế giảm 3,9%; Công ty Cổ phần Thủy điện Geruco Sông Côn ghi nhận doanh thu giảm 29%, lợi nhuận trước thuế giảm 88%. Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn thậm chí còn lỗ 15,4 tỷ đồng.
Thanh Long
Theo vietnamfinance.vn
Không chịu khoản lỗ tỷ giá, Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DNH) báo lãi trước thuế 386 tỷ đồng trong quý 1/2019 Năm 2019 Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đặt mục tiêu đạt hơn 687 tỷ đồng tổng lợi nhuận. CTCP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (mã chứng khoán DNH) công bố báo cáo tài chính quý 1/2019 với doanh thu thuần đạt 565 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ. Trong quý, doanh...