EU xem xét ‘cấm cửa’ người Mỹ
EU đang xem xét không cho người Mỹ vào khối khi các nước thành viên khôi phục kinh tế và mở lại biên giới từ 1/7.
Theo một dự thảo của Liên minh châu Âu (EU) về danh sách công dân các nước được phép vào khối này sau khi mở cửa trở lại vào 1/7, người Mỹ, Brazil và Nga, có thể bị ngăn chặn vào khu vực do không kiểm soát được Covid-19. Mỹ hiện ghi nhận hơn 2, 3 triệu ca nhiễm, trong đó 120.000 người chết, là vùng dịch lớn nhất thế giới. Động thái có thể là một đòn giáng mạnh vào cách ứng phó Covid-19 của chính quyền Tổng thống Trump.
Các nước châu Âu đang thảo luận về hai danh sách tiềm năng có thể được chấp nhận vào khối này sau khi tái mở cửa kinh tế và biên giới, dựa trên cách các quốc gia ứng phó Covid-19. Cả hai danh sách đều gồm Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển như Uganda, Cuba và Việt Nam, song đều loại trừ Mỹ và các quốc gia được coi là nguy cơ rủi ro cao vì sự lây lan của virus. Khách du lịch Mỹ và phần còn lại của thế giới tạm thời bị cấm nhập cảnh vào EU, trừ các trường hợp hồi hương hoặc đi lại thiết yếu, kể từ giữa tháng 3.
Du khách tại sân bay Adolfo Suarez-Barajas, Madrid, Tây Ban Nha, ngày 21/6. Ảnh: AP.
Dự định cấm người Mỹ vào EU cũng phản ánh một phần diễn biến của dịch bệnh. Hồi tháng 3, khi châu Âu là tâm dịch, Tổng thống Trump đã khiến các nhà lãnh đạo khu vực này tức giận khi ông cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với hầu hết các quốc gia EU. Trump giải thích rằng đây là động thái cần thiết để bảo vệ nước Mỹ, ở thời điểm đó ghi nhận khoảng 1.1000 ca nhiễm nCoV và 38 ca tử vong.
Video đang HOT
Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, ông Trump cho biết châu Âu đang có những tiến bộ trong ứng phó Covid-19 và một số hạn chế có thể được dỡ bỏ, nhưng kể từ đó, chính quyền Trump vẫn chưa có động thái mới nào. Hiện châu Âu phần lớn đã kiềm chế được sự bùng phát dịch bệnh và nước Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới cũng ghi nhận số ca nhiễm ít hơn trong tuần qua.
Tuy nhiên, việc cấm du khách Mỹ tới EU có thể gây ảnh hưởng đáng kể về kinh tế, văn hóa và địa chính trị. Theo ước tính, hàng triệu khách du lịch Mỹ tới châu Âu vào mỗi mùa hè, chưa kể, lượng người đi công tác cũng rất phổ biến do quan hệ kinh tế khăng khít giữa Mỹ và EU. Song các quan chức châu Âu tham gia đàm phán về danh sách các công dân được nhập cảnh vào khối cho rằng rất khó có thể có ngoại lệ với Mỹ, bởi họ đã xây dựng danh sách dựa trên các yếu tố “khoa học và phi chính trị nhất có thể”.
Các quan chức EU cho biết thêm Mỹ vẫn có thể được thêm vào danh sách, được sửa đổi hai tuần một lần, dựa trên tỷ lệ nhiễm mới được cập nhật. Hiện chưa rõ các quan chức Mỹ đã biết thông tin trên hay chưa. Danh sách được các quan chức EU tham gia thảo luận chia sẻ với NYTimes và được xác nhận bởi một số quan chức khác tham gia đàm phán.
Đi lại và thương mại tự do giữa các thành viên EU là nguyên tắc cốt lõi của khối này, nhưng nguyên tắc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Một số biên giới nội bộ trên thực tế vẫn đóng cửa.
Sau khi các nhà ngoại giao EU thống nhất, danh sách cuối cùng sẽ được đưa ra trước ngày 1/7. Song các quan chức châu Âu cảnh báo bất kỳ thành viên nào trong số 27 nước không tuân thủ, có thể dẫn tới việc phải thảo luận lại.
Lý do được đưa ra là nếu biên giới nội bộ mở nhưng các quốc gia thành viên không tuân thủ các quy tắc, du khách từ những quốc gia không được chấp thuận vào khối vẫn có thể đến một quốc gia châu Âu, sau đó đi sang các nước EU khác mà không bị phát hiện. Quá trình thống nhất vấn đề này rất khó khăn, do đó, các nhà ngoại giao từ tất cả các quốc gia thành viên EU đã tham gia nhiều cuộc họp kéo dài nhiều giờ trong vài tuần qua.
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19 sau khi dịch khởi phát vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, khiến gần 9,4 triệu người nhiễm, gần 480.000 người tử vong.
Trung Quốc phản ứng với EU về Hong Kong
Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ các cảnh báo của Liên minh châu Âu về luật an ninh Hong Kong, khẳng định đây là "vấn đề nội bộ".
"Chúng tôi phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài vào vấn đề này", ông Vương Lỗ Đồng, lãnh đạo phụ trách các vấn đề châu Âu tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm nay cho hay tại họp báo ở Bắc Kinh, thêm rằng Bắc Kinh đã "tỏ rõ quan điểm" của mình trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến hôm 22/6, giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU).
Ông Vương Lỗ Đồng tại một sự kiện ở Trung Quốc năm 2017. Ảnh: Sina.
Tuyên bố trên được ông Vương đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hôm 22/6 kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hủy ban hành luật an ninh Hong Kong, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh sẽ phải chịu "hậu quả rất tiêu cực" nếu ban hành luật. Bà von der Leyen cho rằng "luật an ninh có nguy cơ làm suy yếu nguyên tắc 'một quốc gia, hai chế độ', song từ chối nêu cụ thể về các biện pháp mà EU sẽ thực hiện.
Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), tức quốc hội Trung Quốc cuối tháng 5 bỏ phiếu thông qua "Nghị quyết về Thiết lập, Cải thiện Hệ thống Pháp luật và Cơ chế thực thi cho Đặc khu hành chính Hong Kong để Bảo đảm An ninh". Nghị quyết này là tiền đề để Ủy ban Thường vụ NPC xây dựng luật an ninh cho đặc khu Hong Kong. Động thái của Bắc Kinh lập tức vấp phải làn sóng chỉ trích quốc tế, khi cho rằng nó làm xói mòn quyền tự trị của Hong Kong.
Truyền thông Trung Quốc cuối tuần qua hé lộ một số điều khoản của dự luật an ninh Hong Kong, gồm 66 điều và 6 chương. Theo dự luật, cơ quan được Trung Quốc đại lục thành lập có tên là Văn phòng Ủy viên An ninh Quốc gia Trung Quốc đại lục tại Đặc khu Hành chính Hong Kong, chịu trách nhiệm "theo dõi, giám sát, hợp tác và hỗ trợ" chính quyền đặc khu trong bảo vệ an ninh quốc gia, thu thập và phân tích thông tin tình báo liên quan đến an ninh quốc gia và xử lý các vụ án liên quan theo luật an ninh.
Cảnh sát chống bạo động đối đầu với người biểu tình Hong Kong, ngày 27/5. Ảnh: Reuters.
Cơ quan này và các "cơ quan nhà nước có liên quan" của đại lục cũng sẽ thực thi quyền tư pháp với một số vụ đe dọa an ninh quốc gia. Chính quyền Hong Kong cũng sẽ thành lập một "ủy ban bảo vệ an ninh quốc gia" do trưởng đặc khu đứng đầu, với ít nhất 10 ủy viên, trong đó có cảnh sát trưởng và quan chức đứng đầu ngành hải quan. Ủy ban an ninh này sẽ có một ủy viên là cố vấn chính quyền trung ương, trong khi trưởng đặc khu Hong Kong có quyền chỉ định các thẩm phán từ bộ máy tư pháp hiện nay để chủ trì các phiên tòa.
Luật an ninh nếu được thi hành sẽ có hiệu lực cao hơn bất cứ điều luật nào của Hong Kong mâu thuẫn với nó.
Dự luật làm dấy lên mối lo ngại về số phận chính sách "một quốc gia, hai chế độ", cam kết cho Hong Kong mức độ tự trị cao khi đặc khu được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Biểu tình đã xảy ra trên đường phố Hong Kong và cảnh sát bạo động được triển khai để giải tán đám đông, gợi lên ký ức về các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở đặc khu năm ngoái.
Carrie Lam nói người chống luật an ninh là 'kẻ thù' Lý do Trung Quốc sẵn sàng 'đánh đổi' Hong Kong Cách Trung Quốc có thể thi hành luật an ninh Hong Kong Những điều luật định đoạt tương lai Hong Kong
Tràn ngập rác thải nhựa do gọi đồ ăn mùa dịch Hộp thức ăn, dao nĩa, túi nhựa chất đống, lấp đầy kênh rạch, sông ngòi và bãi rác khi người dân kẹt trong nhà vì phong tỏa. Wijarn Simachaya, chủ tịch Viện môi trường Thái Lan, cho hay lượng rác thải đô thị đã tăng gần gấp đôi từ tháng 1 tới tháng 3 so với năm ngoái. Riêng ở Bangkok, lượng rác...