EU và Trung Quốc có tìm được cách tiếp cận chung về cuộc xung đột ở Ukraine?
Mỹ đã nhanh chóng từ chối công nhận kế hoạch hòa bình của Trung Quốc nhằm ngăn cản Tổng thống Zelensky có thể phản ứng tích cực với đề xuất của Bắc Kinh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở Paris năm 2019. Ảnh: EPA
Theo báo Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 2/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã kêu gọi châu Âu tăng cường hợp tác cùng có lợi và duy trì con đường độc lập, nghĩa là không bị ảnh hưởng trước sức ép của Mỹ.
EU rất quan tâm đến việc mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng với lập trường của Washington, buộc phải kêu gọi Bắc Kinh không ủng hộ Moskva liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Mặc dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tới Trung Quốc sau chuyến thăm của Thủ tướng Tây Ban Nha, nhưng dường như có rất ít cơ hội đạt được thỏa thuận về vấn đề Ukraine.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã và đang đưa tin tích cực về chuyến thăm của ông Sanchez và chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Macron tới Bắc Kinh cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Ví dụ, tờ Thời báo Hoàn cầu chỉ ra trong một bài bình luận rằng quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Tây Ban Nha đã được thiết lập cách đây 50 năm. Hai bên đánh giá cao sự phát triển trong quan hệ song phương. Chuyến đi của ông Sanchez và các chuyến thăm sắp tới của các nhà lãnh đạo châu Âu khác cho thấy Trung Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với châu Âu. Tờ báo này cũng cho rằng EU nên đi theo hướng mà Trung Quốc đang đi.
Nhưng hướng đi này là gì? Sun Keqin, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, đã làm sáng tỏ vấn đề trên. Đề cập đến những lời của ông Tập Cận Bình với nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, chuyên gia Sun nói rằng châu Âu cần quan tâm đến lợi ích của chính mình chứ không phải lợi ích của Mỹ.
Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Sanchez, Tổng thống Macron và bà Leyen đều cho rằng các cuộc đàm phán với Trung Quốc sẽ chủ yếu tập trung vào vấn đề Ukraine. Điều này có nghĩa là họ sẽ bị theo dõi chặt chẽ ở cả Moskva và Kiev. Nhưng có rất ít hy vọng rằng một thỏa hiệp sẽ đạt được về cuộc xung đột Ukraine.
Ông Sanchez đã kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và tìm hiểu trực tiếp về công thức hòa bình của Kiev, hãng tin Reuters đưa tin. Nhưng công thức này quy định việc đưa Ukraine trở lại biên giới năm 1991, điều không thể chấp nhận được đối với Moskva. Liệu có thể tìm ra lối thoát cho bế tắc trên?
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi trên, Zhou Xiaoming, thành viên cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa nhắc lại trong một bài viết cho South China Morning Post rằng kế hoạch hòa bình của Trung Quốc tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia và bác bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương. Nó cũng cung cấp một lệnh ngừng bắn và quay trở lại đàm phán.
Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc cũng đã gây xôn xao dư luận. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã chỉ trích Mỹ không muốn hòa bình. Ông Silva nói, thế giới này cần thêm những bên môi giới hòa bình như Trung Quốc. Đánh giá này là điển hình cho quan điểm của các quốc gia thuộc “Nam bán cầu”. Họ muốn Trung Quốc giúp chấm dứt giao tranh.
Ở châu Âu, nơi các mục tiêu của Trung Quốc đang bị nghi ngờ, một số nhà lãnh đạo cũng thấy sáng kiến của Bắc Kinh là hữu ích. Nhưng lời kêu gọi đình chiến của Trung Quốc đã vấp phải sự bác bỏ quyết liệt từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Đúng là Trung Quốc và Nga có mối quan hệ chặt chẽ, chuyên gia Zhou nhắc nhở. Nhưng Trung Quốc đã không ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Trái ngược với quan niệm sai lầm ở phương Tây, Trung Quốc cho rằng Crimea là một phần của Ukraine. Trên bản đồ của Trung Quốc, Donetsk và ba khu vực khác ở miền Đông Ukraine đã bỏ phiếu gia nhập Nga được đánh dấu là của Ukraine.
Về phần mình, Nhà Trắng cho biết họ lo ngại rằng Nga sẽ “câu giờ” trong một lệnh ngừng bắn. Nhưng Mỹ mới là bên tận dụng điều này này tốt nhất. Như cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận, NATO đã sử dụng các thỏa thuận Minsk để chuẩn bị cho Ukraine một cuộc chiến với Nga. Vì vậy, Mỹ đã nhanh chóng từ chối công nhận kế hoạch hòa bình của Trung Quốc nhằm ngăn cản Tổng thống Zelensky có thể phản ứng tích cực với đề xuất của Bắc Kinh.
Trong một cuộc phỏng vấn, Alexander Lukin, Giám đốc khoa học của Viện Trung Quốc và châu Á hiện đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lưu ý: “Điều quan trọng nhất trong quan hệ giữa Trung Quốc và EU là quan hệ thương mại và kinh tế. Và ở Ukraine, cả Bắc Kinh và Brussels đều không phải là bên tham gia cuộc xung đột. Có lẽ họ sẽ tìm thấy một tiếng nói chung. Nhưng nó không có khả năng ảnh hưởng đến các bên tham chiến. Xét cho cùng, EU không có nhiều ảnh hưởng đối với Ukraine và Trung Quốc cũng không thể trực tiếp đưa ra lời khuyên cho Nga. Do đó, các cuộc gặp ở Bắc Kinh sẽ không mang lại kết quả”.
Nguyên nhân nhiều nước Nam bán cầu không ủng hộ phương Tây về xung đột ở Ukraine
Trong khi phương Tây phần lớn ủng hộ Ukraine, cam kết làm bất cứ điều gì cần thiết để giúp Kiev trong cuộc đối đầu với Moskva, thì nhiều người ở Nam bán cầu lại có quan điểm khá khác.
Nga khai hỏa pháo "Hyacinth-S". Ảnh: RIA Novosti
Nam bán cầu là một khu vực rộng lớn và thái độ của họ đối với cuộc xung đột hiện đang ở tháng thứ 14 là khác nhau đáng kể trên khắp Mỹ Latinh, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận ở những nơi như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy mong muốn xung đột kết thúc ngay bây giờ.
Paul Rogers, Giáo sư An ninh Quốc tế tại Đại học Bradford cho biết: "Nếu bạn nhìn vào bức tranh toàn cầu, thì sự ủng hộ cho Ukraine và phương Tây không hoàn toàn vững chắc - xét về tầm nhìn dài hạn".
Chủ nghĩa chống Mỹ?
Đặc biệt là ở Trung Đông, Giáo sư Rogers cho rằng các cuộc can thiệp quân sự trong quá khứ của Mỹ và đồng minh đã tạo ra tâm lý hoài nghi đối với các hành động của phương Tây ở Ukraine.
Tuy nhiên, thay vì chuyển thành sự ủng hộ dành cho Nga, ông Rogers nói rằng một số nước được coi là "không chọn phe".
Ông Rogers nêu rõ: "Có những câu hỏi rằng (cuộc tấn công của Nga vào Ukraine) có khác với những gì các nước phương Tây đã làm hay không".
Hơn 929.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh sau ngày 11/9 trên khắp Afghanistan, Iraq, Syria và những nơi khác, những nơi mà quân đội phương Tây đã đóng một vai trò quan trọng liên quan đến bạo lực thảm khốc.
Ký ức về chủ nghĩa thực dân
Sâu xa hơn, các vấn đề lịch sử cũng tác động đến cách những người ở các khu vực này nhìn nhận cuộc xung đột ở Ukraine.
Giáo sư Rogers giải thích: "Ở phần lớn Nam bán cầu, đặc biệt là ở châu Phi cận Sahara, Nga không phải là một trong những cường quốc thực dân đã kiểm soát họ trong nhiều thế kỷ, không giống như các cường quốc châu Âu khác".
Theo ông Rogers, mặc dù di sản thuộc địa không tạo ra tình cảm thân Nga, nhưng điều đó có nghĩa là "họ có ít thiện cảm hơn đối với quan điểm của phương Tây".
Cho đến nay, di sản của chủ nghĩa thực dân vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Các nhà phê bình chỉ ra những hành động tàn bạo, phân biệt chủng tộc và bóc lột của tư bản phương Tây trên khắp thế giới, trong khi những người bảo vệ cho rằng nó mang lại sự phát triển kinh tế và chính trị.
Nhưng Nam bán cầu không chỉ suy nghĩ bằng trái tim mà còn sử dụng khối óc. Mặc dù không mạnh bằng các quốc gia như Trung Quốc, nhưng Nga đã tạo dựng được các liên kết kinh tế mạnh mẽ và quan hệ đối tác chiến lược trên khắp thế giới trong những thập kỷ gần đây.
Ivan Kyszcz, một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Nga, nhận định: "Mối quan hệ thương mại rất quan trọng. Các quốc gia như Brazil và Ấn Độ đang đầu tư vào mối quan hệ tốt đẹp với Nga vì họ tin rằng điều đó sẽ giúp ích cho các chương trình nghị sự quốc tế của chính họ".
Bên cạnh đó, dư luận toàn cầu đang rất chia rẽ khi nói đến các lệnh trừng phạt đối với Nga. Theo một cuộc thăm dò của IPSOS, trung bình có 45% ủng hộ ý tưởng rằng đất nước họ nên áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt nhất đối với Nga, trong khi 25% phản đối.
Ngoài ra, nhiều quốc gia đã bỏ phiếu trắng trước các nghị quyết của Liên hợp quốc về cuộc xung đột Nga - Ukraine, thay vào đó kêu gọi đàm phán.
Chuyên gia Kyszcz lưu ý: "Nam bán cầu được thúc đẩy bởi nhu cầu cấp bách phải chấm dứt chiến sự để ngừng giao tranh và nối lại thương mại như trước. Xung đột đã đi ngược lại lợi ích của các quốc gia này và đó là một thực tế đáng tiếc. Họ đang quan tâm đến an ninh của chính mình".
Hiện nhiều người ở châu Phi và Trung Đông đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá lương thực tăng cao, đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022 do xung đột ở Ukraine và hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra. Tác động của cuộc xung đột cũng đã lan rộng ra khắp thế giới, nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, đẩy hàng triệu người đến bờ vực của nạn đói.
Saudi Arabia xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu trị giá 10 tỷ USD tại Trung Quốc Thỏa thuận này cũng làm nổi bật sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Saudi Arabia và Nga trong việc cung cấp dầu thô cho Trung Quốc. Logo của Saudi Aramco tại cơ sở dầu mỏ ở Abqaiq, Saudi Arabia ngày 12/10/2019. Ảnh: REUTERS Theo trang tin Oilprice.com ngày 27/3, Saudi Aramco, công ty dầu mỏ và khí đốt quốc gia của Saudi...