EU tìm kiếm các công cụ mới chống lại tác động của Đạo luật Giảm lạm phát Mỹ
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Chủ tịch Nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) Paschal Donohoe cho rằng Liên minh châu Âu (EU) nên thảo luận về các công cụ chung mới để chống lại tác động của gói ngân sách khổng lồ cho công nghệ sạch của Mỹ và tăng cường khả năng cạnh tranh của liên minh này.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 16/1, ông Donohoe nêu rõ: “Cần phải có cuộc thảo luận và đánh giá các công cụ như vậy”.
Theo kế hoạch, các bộ trưởng tài chính EU dự kiến sẽ thảo luận về gói ngân sách trị giá 369 tỷ USD của Mỹ để chống lạm phát, trong đó có hỗ trợ triển khai xe điện và các ngành công nghệ sạch khác, với những ưu đãi nhằm vào sản xuất ở Mỹ. EU cũng đang xem xét một số thay đổi đối với các quy tắc hỗ trợ nhà nước để chống lại việc di dời đầu tư và việc làm, đồng thời đang nghiên cứu nguồn tài trợ chung để giúp các quốc gia thành viên có ít không gian tài chính hơn.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết: “Chúng ta phải hành động nhanh chóng để bảo vệ lợi ích và bảo vệ doanh nghiệp của mình. Đây cũng là cơ hội để củng cố khả năng cạnh tranh ở châu Âu của chúng ta trong tương lai”.
Tháng 8/2022, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), một kế hoạch chi tiêu trị giá 369 tỷ USD bao gồm các khoản giảm thuế lớn cho năng lượng sạch, bao gồm cả năng lượng Mặt Trời. IRA được coi là thỏa thuận lịch sử về khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch của Mỹ năm 2022.
Đây là khoản đầu tư tích cực nhất cho khí hậu mà Quốc hội Mỹ từng thực hiện và dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 40% lượng khí thải trong thập kỷ này, đưa nước Mỹ tới nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2050. Mặc dù vậy, các đối tác thương mại của Mỹ ở châu Âu và châu Á đang lo ngại đạo luật này sẽ khiến các ngành cần nhiều vốn đầu tư của họ lâm vào cảnh khó khăn.
Ấn Độ lên kế hoạch tổ chức vòng đàm phán IPEF tiếp theo
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ ngày 20/12 cho biết nước này sẽ đăng cai vòng đàm phán đặc biệt tiếp theo về 3 trong số 4 trụ cột của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) từ ngày 8-11/2/2023.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (từ trái sang) tại lễ công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/5/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Cụ thể, vòng đàm phán tới đây sẽ tập trung vào 3 trụ cột là chuỗi cung ứng, nền kinh tế công bằng (gồm các vấn đề về thuế, chống tham nhũng) và năng lượng sạch. Trụ cột cuối cùng là chính sách thương mại dự kiến không được đề cập trong vòng đàm phán này. Đây là trụ cột duy nhất mà Ấn Độ không tham gia vì muốn chờ thêm các cam kết rõ ràng.
Cùng ngày, Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Piyush Goyal đã tham gia cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng về các lợi ích kinh tế của IPEF. Tại cuộc họp này, ông Goyal thông báo "trong vòng đàm phán gần đây tại Brisbane, Australia, dường như có sự đồng thuận giữa các thành viên (IPEF) về việc thành lập một diễn đàn đầu tư bao gồm các bên liên quan thuộc khu vực tư nhân và khu vực công nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch". Bên cạnh đó, ông Goyal cũng cho biết Ấn Độ có thể đóng góp vào khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực như dược phẩm, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ các bên tham gia đàm phán IPEF trong các lĩnh vực chất bán dẫn, khoáng chất quan trọng và công nghệ sạch.
Kinh tế Eurozone có dấu hiệu cải thiện nhẹ trong tháng 11 Hoạt động kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 11 tiếp tục giảm nhưng tốc độ giảm đã chậm lại. Đồng euro. Ảnh: AFP/TTXVN Theo dữ liệu mới được S&P Global công bố ngày 23/11, Chỉ số quản lý nhà mua hàng (PMI) của Eurozone tăng từ mức 47,3 trong tháng 10 lên 47,8 trong tháng 11....