EU thông qua các biện pháp trừng phạt Nga
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 22/2 thông báo 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí thông qua gói biện pháp trừng phạt mới đối với Nga sau khi Moskva chính thức công nhận nền độc lập của 2 nước cộng hòa Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) tự xưng ở Donbass, miền Đông Ukraine.
Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga tại Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo ông Borrell, toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí với các biện pháp trên tại một cuộc họp không chính thức ở Paris (Pháp) bên lề của một diễn đàn quốc tế. Nội dung trừng phạt bao gồm lệnh phong tỏa tài sản và cấm thị thực.
Hãng tin Sputnik (Nga) dẫn phát biểu của ông Borrell sau cuộc họp không chính thức của các Ngoại trưởng EU nêu rõ: “Ngày 22/2, chúng tôi đã nhất trí rằng 351 thành viên của Hạ viện (Duma Quốc gia) Nga đã bỏ phiếu ủng hộ những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine sẽ nằm trong danh sách trừng phạt của chúng tôi”, cùng với 27 cá nhân và pháp nhân. Ngoài ra, ông Borrell cũng tiết lộ về việc EU sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu xung đột tiếp tục leo thang.
Video đang HOT
Theo quan chức EU, các biện pháp trừng phạt sẽ nhằm vào những ngân hàng đang cung cấp tài chính cho giới hoạch định chính sách của Nga và các hoạt động khác ở Donbass. Ông khẳng định EU sẽ nhằm vào các mối quan hệ kinh tế của DPR và LPR. Tuy vậy, các biện pháp trừng phạt sẽ không được áp dụng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngoài ra, ông Borrell cũng nhấn mạnh EU sẵn sàng đối thoại với Nga, song không phải trong tình huống xảy ra “đe dọa quân sự”.
Hôm 21/2, Tổng thống Nga đã ra lệnh triển khai quân đội đến LPR và DPR, sau khi tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng này. Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã chỉ thị Bộ Quốc phòng Nga điều động binh sĩ tới hai khu vực trên “làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình” tại đây.
Trước đó, Điện Kremlin cho biết quyết định công nhận nền độc lập của LPR và DPR thể theo đề nghị của lãnh đạo hai khu vực này. Quyết định cũng đã được Tổng thống Putin thông báo trong các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo của Đức và Pháp trước đó.
Phát biểu tại cuộc họp bất thường Hội đồng An ninh Nga, Tổng thống Putin cho biết Moskva đang phải đối mặt với “mối đe dọa rất lớn” liên quan đến Ukraine. Ông nêu rõ: “Việc (các nước khác) sử dụng Ukraine như một công cụ để đối đầu với Nga đang đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nga”.
Tổng thống Putin nhấn mạnh mối đe dọa đối với Nga sẽ gia tăng đáng kể nếu Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời khẳng định rằng ưu tiên của Moskva là “không đối đầu, nhưng phải đảm bảo an ninh”.
Iran và Mỹ đánh giá đàm phán hạt nhân đang ở 'những giai đoạn cuối cùng'
Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Ali Bagheri ngày 16/2 nhận định các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đang "tiến gần hơn bao giờ hết đến một thỏa thuận".
Toàn cảnh vòng đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo, ngày 14/2/2022. Ảnh: IRNA/TTXVN
Tuy nhiên, ông Bagheri cho rằng các bên tham gia vẫn chưa đạt được đồng thuận khi chưa thống nhất được tất cả các nội dung đàm phán. Ông kêu gọi các bên cần phải thực tế, tránh nóng vội và lưu ý rút ra kinh nghiệm từ các bài học trong 4 năm qua. Theo ông, đây là lúc để đưa ra "những quyết định nghiêm túc".
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng đánh giá Washington đang ở trong "những giai đoạn cuối cùng" của các cuộc đàm phán gián tiếp với Tehran nhằm khôi phục JCPOA. Phát biểu với báo giới, ông Price cho biết: "Đây thực sự là giai đoạn quyết định, trong đó chúng tôi sẽ có thể xác định liệu việc cùng quay trở lại tuân thủ JCPOA có sắp sửa được tiến hành hay không".
JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5 1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức). Theo thỏa thuận, Iran hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận với lý do còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Về phần mình, Tehran cũng thu hẹp dần các cam kết trong thỏa thuận này sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu không thu được kết quả.
Từ tháng 4/2021, Iran và các nước còn lại đã nối lại đàm phán tại Vienna để tìm cách khôi phục thỏa thuận, trong khi Mỹ không tham gia trực tiếp mà thông qua vai trò trung gian của Liên minh châu Âu (EU). Trong cuộc điện đàm với Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, Josep Borrell ngày 14/2, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho rằng các nước phương Tây thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện mục tiêu đạt được một thỏa thuận tốt và đáng tin cậy tại Vienna. Điều này khiến các cuộc thảo luận kéo dài một cách không cần thiết.
Libya cảnh báo không giúp EU giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt Bộ trưởng Dầu khí Libya Aoun cho biết Tripoli không thể giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt của EU. Hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) ngày 10/2 dẫn lời Bộ trưởng Dầu khí Libya Muhammad Aoun cho biết nước này không có khả năng tăng sản lượng khí đốt tự nhiên để xuất khẩu trong trường hợp xảy ra khủng hoảng năng...