EU sẽ tiếp tục đàm phán với Anh cho đến khi đạt thỏa thuận
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục cho dù tất cả các thời hạn chót của “ thỏa thuận ly hôn” đều đã kết thúc.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu trong một cuộc họp báo tại thủ đô Berlin. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục đàm phán với Anh về một thỏa thuận thương mại cho giai đoạn hậu Brexit (Anh rời khỏi EU) cho đến khi hai bên có thể đạt được một thỏa thuận.
Đây là tuyên bố của Đức, nước đang đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU, khi đề cập đến thời hạn chót 13/12 kết thúc đàm phàn.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định: “Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục cho dù tất cả các thời hạn chót của ‘thỏa thuận ly hôn’ đều đã kết thúc và chúng tôi cho rằng đây là điều đúng đắn các bên cần thực hiện.”
Trong khi đó, cùng ngày, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cũng cho biết việc ký kết thỏa thuận thương mại mới với Anh vẫn có thể xảy ra và hai bên vẫn đang đàm phán giải quyết những bất đồng về khả năng tiếp cận ngư trường của Anh cũng các quy định về sân chơi công bằng cho các công ty.
Mặc dù thừa nhận cơ hội đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh là “một khe cửa hẹp” khi mà một số vấn đề mấu chốt vẫn không thể được giải quyết sau khi cả hai bên đều bỏ lỡ thời hạn chót được cho là cơ hội cuối cùng, phát biểu với báo giới, ông Barnier nói: “Chúng tôi chỉ mới đàm phán được 9 tháng và cần ít nhất 5 năm cho tất cả các thỏa thuận trước đó. Chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt được thỏa thuận này… vẫn có khả năng đạt được thỏa thuận giữa hai bên… Một thỏa thuận tốt, cân bằng. Đó là hai điều kiện chúng tôi vẫn chưa đạt được. Cạnh tranh tự do và công bằng… chúng tôi chưa tìm được tiếng nói chung với người Anh về hai vấn đề sân chơi bình đẳng và quyền đánh bắt cá. Vì vậy, chúng tôi cần tiếp tục làm việc.”
Video đang HOT
Một quan chức ngoại giao cấp cao EU khác cho biết hai bên vẫn đang kiên nhẫn, nhưng tất cả phụ thuộc vào đàm phán.
Trước đó, trong tuyên bố chung đưa ra sau khi giới chức Anh và EU ngày 13/12 nhất trí sẽ “đi xa hơn” và tiếp tục các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại giai đoạn hậu Brexit, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các phái đoàn đàm phán của hai bên làm việc xuyên đêm trong những ngày qua.
Bất chấp thực tế các cuộc thương lượng dai dẳng trong gần một năm qua không đạt được nhiều tiến triển và nhiều thời hạn chót đã bị bỏ lỡ, Anh và EU vẫn cho rằng cần có thêm thời gian.
Tuyên bố nêu rõ Anh và EU đã yêu cầu các nhà đàm phán của hai bên tiếp tục làm việc để xem liệu có thể đạt được thỏa thuận sau thời hạn chót 13/12 vừa bị bỏ qua không.
Anh cũng bày tỏ hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với EU.
Ngày 14/12, phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson khẳng định rằng: “Chúng tôi vẫn hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận… Kịch bản không thỏa thuận là một khả năng được tính đến… Song chúng tôi có lập trường rõ ràng rằng chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại.”
27 nước thành viên EU đã hoan nghênh việc Anh và EU tiếp tục đàm phán sau thời hạn chót 13/12 đối với các cuộc đàm phán thương mại với Anh và cam kết có “những bước đi cần thiết” để triển khai càng sớm càng tốt bất kỳ thỏa thuận nào đạt được.
Sau khi chính thức rời khỏi EU vào ngày 31/1 năm nay, Anh bắt đầu quá trình chuyển tiếp kéo dài đến ngày 31/12 tới để thảo luận với EU về thỏa thuận thương mại mới cho mối quan hệ có kim ngạch trao đổi song phương trị giá gần 1.000 tỷ USD/năm này.
Hiện hai bên vẫn bất đồng về 3 nội dung cốt lõi về quyền đánh bắt cá, sân chơi bình đẳng và giải quyết tranh chấp.
Trong dự thảo mới nhất đưa ra ngày 10/12, EU muốn hai bên tiếp tục vào đánh bắt cá trong vùng biển của nhau trong 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2021, và duy trì dịch vụ đường không, đường bộ, vận chuyển hàng hóa trong vòng 6 tháng cũng từ thời hạn trên. Tuy nhiên, phía Anh không chấp nhận./.
Phương Hoa
EU nhất trí trừng phạt Nga vì vụ Navalny
Các nước EU thống nhất đề xuất được Pháp và Đức đưa ra, trong đó kêu gọi trừng phạt Nga vì vụ đầu độc lãnh đạo đối lập Navalny.
Ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất về mặt nguyên tắc với các đề xuất cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm trong vụ đầu độc lãnh đạo đối lập Alexei Navalny, ba nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết sau cuộc họp của EU tại Luxembourg hôm nay.
Tốc độ thúc đẩy lệnh trừng phạt này cho thấy EU đang tỏ ra cứng rắn hơn với Moskva. Tổ chức này từng mất gần một năm để thống nhất những biện pháp cấm vận nhằm vào Nga sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal tại Anh hồi năm 2018.
Navalny trong buổi phỏng vấn tại Berlin, Đức, hôm 6/10. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng vụ đầu độc Navalny "không thể không có hậu quả". "Pháp và Đức đề xuất áp đặt trừng phạt với một số người khiến chúng tôi chú ý trong vấn đề này", ông nói nhưng không cho biết chi tiết. Một số nhà ngoại giao cho biết các ngoại trưởng EU thống nhất với biện pháp đóng băng tài sản và cấm đi lại với nhiều quan chức Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU).
Bộ Ngoại giao Nga chưa bình luận về thông tin này. Nghị sĩ Nga Vladimir Dzhabarov hôm 12/10 cảnh báo Moskva có thể đáp trả tương xứng với những lệnh trừng phạt của EU, khẳng định "không có bằng chứng rõ ràng phía sau các cáo buộc".
Các biện pháp cấm vận sẽ không được thông qua ngay do giới chức EU cần soạn thảo văn bản pháp lý và chờ phê duyệt bởi chuyên gia tại 27 nước thành viên.
Navalny, lãnh đạo 44 tuổi của đảng Liên minh Nhân dân Nga đối lập, bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva hôm 20/8, sau đó được đưa tới Berlin để điều trị theo nguyện vọng của gia đình. Bệnh viện Charite ở Berlin hôm 23/9 thông báo Navalny được xuất viện, nói thêm ông này có thể phục hồi hoàn toàn, nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá những tác động lâu dài có thể xảy ra.
Anh và Đức tuyên bố Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok, hai phòng thí nghiệm độc lập tại Thụy Điển và Pháp sau đó cũng kết luận tương tự. Tuy nhiên, Nga liên tục khẳng định đây là cáo buộc "vô căn cứ".
Tổng thống Putin còn cho rằng Navalny "có thể đã tự đầu độc" trong một âm mưu được lên kế hoạch kỹ lưỡng nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Nga. Ông cũng gọi Navalny là "kẻ gây rối trên Internet từng giả bệnh trong quá khứ".
Đức phản đối Trump mời Nga quay lại G7 Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết nước này bác bỏ đề xuất Trump đưa ra tháng trước về việc mời Nga trở lại G7. Trả lời phỏng vấn trên tờ Rheinische Post, Đức, hôm nay, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Berlin không chấp nhận đề xuất hồi tháng 6 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đề cập đến khả năng...