EU sắp trừng phạt 11 quan chức quân đội Myanmar
Các ngoại trưởng EU sẽ phê duyệt biện pháp trừng phạt 11 quan chức quân đội Myanmar vào 22/3 để phản ứng với cuộc đảo chính.
Động thái diễn ra sau khi 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tháng trước đồng ý nhắm mục tiêu trừng phạt vào quân đội Myanmar và các lợi ích kinh tế của họ. Một nhà ngoại giao cho biết 11 cá nhân bị đưa vào danh sách đen đóng băng tài sản và cấm thị thực là sĩ quan quân đội và cảnh sát.
Đợt trừng phạt đầu tiên không nhắm vào các doanh nghiệp liên quan quân đội, nhưng theo các nhà ngoại giao, một số doanh nghiệp có thể bị trừng phạt trong những tuần tới.
Người biểu tình Myanmar bỏ chạy khi đối đầu quân đội ở thành phố Yangon hôm 19/3. Ảnh: AFP .
Myanmar rơi vào hỗn loạn sau khi quân đội đảo chính hôm 1/2, bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính quyền dân sự. Hàng trăm nghìn người Myanmar đã biểu tình kể từ đó để phản đối đảo chính, yêu cầu thả bà Suu Kyi cùng các quan chức và kêu gọi quân đội tôn trọng kết quả bầu cử tháng 11.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, hơn 220 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình và hơn 2.000 người bị bắt giam.
Quân đội Myanmar đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng. Mỹ và Anh đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với quan chức chính quyền quân sự.
Quân đội Myanmar có lợi ích trong các lĩnh vực kinh tế của đất nước, từ khai thác mỏ, ngân hàng đến dầu khí và du lịch. EU trước đó đã ban hành lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar và đưa 14 quan chức quân đội, biên phòng hàng đầu vào danh sách đen vì vấn đề người Hồi giáo thiểu số Rohingya.
Myanmar khó thoát 'ác mộng'
Khi làn sóng biểu tình chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giới chuyên gia nhận định Myanmar không thể sớm thoát khỏi cơn ác mộng bất ổn hậu đảo chính.
Một tháng sau đảo chính, làn sóng biểu tình vẫn sục sôi khắp đất nước Myanmar để phản đối chính quyền quân sự và đòi thả cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính phủ dân sự.
Tiến sĩ Ted Gover, chuyên gia về chính sách đối ngoại và là giám đốc Chương trình Quản trị cho người Mỹ bản địa thuộc Đại học Claremont Graduate ở California, cho rằng quân đội Myanmar tới nay vẫn cố hạn chế sử dụng bạo lực trừ trong một số trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, ông cảnh báo sự kiềm chế này có thể sẽ không tiếp tục trong thời gian tới và nguy cơ về một "cuộc đàn áp bạo lực" khó có thể loại trừ.
"Chúng ta biết quân đội Myanmar có khả năng này nếu nhìn lại khoảng 3.000 người bị chết trong cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1988 và hàng chục người khác trong cuộc Cách mạng Nghệ tây năm 2007", ông Ted Gover chia sẻ với VnExpress . "Nếu biểu tình biến thành bạo lực hoặc diễn ra dưới hình thức bạo loạn, quân đội sẽ có thể sử dụng vũ lực để duy trì ổn định".
Người biểu tình che chắn khi đụng độ với cảnh sát ở Yangon, Myanmar, ngày 28/2. Ảnh: Reuters
Cuối tuần qua, quân đội Myanmar đã tăng cường các biện pháp trấn áp biểu tình. Myanmar đã được mô tả "giống như chiến trường" sau khi cảnh sát sử đụng dạn thật, lựu đạn choáng và hơi cay tại một số thành phố, thị trấn. Theo văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc, ít nhất 18 người thiệt mạng và 30 người bị thương sau các cuộc trấn áp của lực lượng an ninh. Những trường hợp tử vong được cho là do trúng đạn thật khi cảnh sát bắn vào đám đông ở Yangon, Dawei, Mandalay, Myeik, Bago và Pokokku.
Cộng đồng quốc tế đã lên án đảo chính và áp trừng phạt nhắm vào quân đội Myanmar với hy vọng chấm dứt tình trạng bất ổn ở quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định các giải pháp này mang lại hiệu quả hạn chế.
"Dù Mỹ đã trừng phạt các tướng lĩnh quân đội Myanmar, các biện pháp này có hiệu quả hạn chế. Một số quốc gia khác như Nhật Bản cũng đang cân nhắc biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt quốc tế thường liên quan tới việc rút đầu tư từ quốc gia này, có thể khiến người dân địa phương mất việc. Ngoài, ra các biện pháp trừng phạt cần có thời gian để cho thấy hiệu quả", Gover cho hay.
Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương tại Philippines, có chung nhận định này khi cho rằng lệnh trừng phạt đang đẩy Myanmar vào cảnh khó khăn hơn.
"Các lệnh trừng phạt nhắm vào Tatmadaw (quân đội Myanmar) và cộng sự đang được triển khai và có thể mở rộng. Các nhà đầu tư nước nào dưới áp lực từ chính phủ của họ và xã hội dân sự có thể rút hoặc giảm phạm vi hoạt động", Pitlo III nói.
Giới quan sát nhận định cuộc đảo chính hôm 1/2 có thể xô đổ những thành quả từ quá trình đổi mới, cải cách kinh tế, chính trị trong thập kỷ qua của Myanmar. Quốc gia 54 triệu dân bắt đầu mở cửa biên giới cho nhà đầu tư nước ngoài vào năm 2011. Kể từ đó, nền kinh tế tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm, giúp tỷ lệ nghèo đói giảm gần một nửa, từ 48% năm 2005 xuống 25% năm 2017, theo Ngân hàng Thế giới (WB).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng mạnh từ 1,4 tỷ USD giai đoạn 2012-2013 đến mức đỉnh điểm 9,5 tỷ USD giai đoạn 2015-2016, theo Tổng cục Đầu tư và Quản lý Doanh nghiệp Myanmar. Trong năm tài khóa trước, tổng đầu tư nước ngoài vào Myanmar là 5,5 tỷ USD. Nhưng giới doanh nghiệp đánh giá cuộc đảo chính sẽ khiến hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài vào Myanmar "bốc hơi".
Những số liệu gần đây nhất từ Ngân hàng Thế giới cho thấy nền kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn 2% trong năm tài khóa này, trong khi tỷ lệ nghèo đói được dự báo tăng từ 22,4% vào cuối năm 2019 lên 27%.
"Nó sẽ khiến Myanmar thụt lùi hơn nữa so với các nước láng giềng, nhất là khi nhiều quốc gia trong khu vực đang dồn lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19", chuyên gia Pitlo III nhận định.
Hàng nghìn người biểu tình ở thành phố Yangon hôm 18/2. Ảnh: NYTimes.
Tiến sĩ Gover cho rằng quân đội Myanmar có một số cách để "né" hậu quả từ lệnh trừng phạt quốc tế. Do nắm nhiều phân khúc khác khác nhau của nền kinh tế, quân đội Myanmar có thể khai thác và "tuồn" tài nguyên sang nước ngoài, thường là Trung Quốc, để đổi lấy tiền mặt.
Một yếu tố khác khiến các lệnh trừng phạt quốc tế giảm hiệu quả là Myanmar nhận được hỗ trợ từ Trung Quốc, theo Gover. "Nhiều thông tin cho biết trong tuần qua, nhiều chuyến bay không đăng ký vận chuyển hàng hóa và người đã qua lại giữa Côn Minh, Trung Quốc và Yangon", Gover cho hay.
Tin đồn Bắc Kinh "ủng hộ hoặc ngầm bật đèn xanh" cho vụ đảo chính Myanmar dấy lên sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến thủ đô Naypyidaw tháng 1/2021. Trong chuyến thăm theo kế hoạch này, ông Vương gặp nhiều quan chức Myanmar, trong đó có Thống tướng Min Aung Hlaing, người đang nắm quyền hậu đảo chính.
Ngoài ra, cách Trung Quốc phản ứng với việc quân đội Myanmar bắt bà Suu Kyi hôm 1/2 cũng được cho khác biệt rõ rệt so với phương Tây. Trong khi Mỹ và nhiều nước châu Âu coi đây là hành động bất hợp pháp, thậm chí áp lệnh trừng phạt, Bắc Kinh gọi cuộc chính biến là "sự xáo trộn nội các nghiêm trọng", đồng thời chặn tuyên bố chung lên án sự việc tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
"Với những gì chúng ta thấy cho tới nay, một trong những kịch bản hậu đảo chính có thể xảy ra là Trung Quốc tái khẳng định ảnh hưởng ở Myanmar, một trong những điều đã mất sau khi quốc gia Đông Nam Á mở cửa với thế giới bên ngoài năm 2010", Gover nhận định.
Người biểu tình đối đầu với lực lượng cảnh sát Myanmar tại Mandalay hôm 20/2. Ảnh: AP.
Ông thêm rằng khi Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng, Mỹ, Anh, châu Âu và Nhật Bản có thể sẽ mất ảnh hưởng với Myanmar trong các lĩnh vực như chính trị, thương mại hay an ninh. "Điều này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế và vị thế địa chính trị của Myanmar", Gover cảnh báo.
Tiến sĩ Gover cho rằng để có thể chấm dứt tình trạng bất ổn hiện nay của Myanmar, một là làn sóng biểu tình tự chấm dứt hoặc quân đội sẽ đàm phán một thỏa thuận nào đó với người biểu tình. Nhưng ở giai đoạn này, Gover nói cả hai khả năng "đều khó có thể xảy ra".
Cảnh sát đụng độ người biểu tình Myanmar hôm 28/2. Video: Guardian .
Trong khi đó, chuyên gia Philippines Pitlo III hy vọng cộng đồng quốc tế tiếp tục duy trì những lời kêu gọi kiềm chế xung đột và tránh bạo lực. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có tầm ảnh hưởng đối với Naypyidaw, nên sử dụng biện pháp ngoại giao và đòn bẩy để tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị đối với cuộc khủng hoảng này. Chuyên gia này thêm rằng ASEAN cũng nên tích cực và thể hiện vai trò của khối để hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng của quốc gia thành viên.
Gover cũng hy vọng các thành viên ASEAN có thể sử dụng ngoại giao khéo léo để thuyết phục chính quyền quân sự Myanmar kiềm chế trấn áp bạo lực và giữ lời hứa về tổ chức các cuộc bầu cử công bằng, như cách Indonesia đang làm.
"Rất có thể Myanmar sẽ tôn trọng các yêu cầu từ một nước thành viên của ASEAN, như Indonesia, hơn các quốc gia phương Tây", Gover nói.
YouTube xóa 5 kênh của quân đội Myanmar YouTube xóa 5 kênh của mạng truyền hình do quân đội Myanmar điều hành khỏi nền tảng, trong bối cảnh chính biến tại nước này ngày càng căng thẳng. "Chúng tôi đã chấm dứt một số kênh và xóa vài video trên YouTube theo nguyên tắc cộng đồng và luật hiện hành", phát ngôn viên của YouTube hôm nay cho biết trong một...