EU ra tuyên bố chung về chiến lược tương lai
Ngày 6/10, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh không chính thức kéo dài 1 ngày tại thành phố Granada, Tây Ban Nha, thảo luận về chiến lược tương lai và khả năng mở rộng liên minh, thông qua Tuyên bố Granada.
Các nhà lãnh đạo EU chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị ở Granada, Tây Ban Nha, ngày 6/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố chung có đoạn nêu rõ hội nghị các nhà lãnh đạo EU tại thành phố miền Nam Tây Ban Nha là sự kiện đánh dấu bước khởi đầu của quá trình đề ra những định hướng chính trị chung của EU và ưu tiên trong những năm tới, vạch ra một đường lối hành động chiến lược định hình tương lai chung có lợi cho tất cả. Phát biểu họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết việc thông qua tuyên bố chung là một bước khởi đầu quan trọng cho những công việc trong tương lai nhằm xây dựng Chương trình Nghị sự Chiến lược EU giai đoạn 2024-2029. Hội nghị thượng đỉnh Granada đánh dấu lần đầu tiên các nhà lãnh đạo EU thảo luận về các ưu tiên trong tương lai cho chương trình nghị sự sẽ được thông qua vào tháng 6/2024.
Về vấn đề mở rộng liên minh, tuyên bố nêu rõ cả các nước hiện là thành viên và đăng ký gia nhập EU đều cần chuẩn bị sẵn sàng. Theo đó, các nước muốn gia nhập cần nỗ lực cải cách trong khi EU cũng cần vạch ra những cải cách và cơ sở nội bộ cần thiết. Các quan chức Brussels cho rằng liên minh sẽ phải cải cách quy trình ra quyết định và các quy định ngân sách để tiếp nhận các thành viên mới
Video đang HOT
Phát biểu sau hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định quá trình xem xét gia nhập EU sẽ được thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện và không “đốt cháy” giai đoạn. Theo giới quan sát, điều này đồng nghĩa rằng tiến trình gia nhập EU của Ukraine cũng sẽ diễn ra theo trình tự thông thường, không có ngoại lệ. Gia nhập EU yêu cầu các nước phải đáp ứng nhiều yêu cầu về các điều kiện chính trị và kinh tế. Hiện có 8 nước, trong đó có một số nước Tây Balkan, đã được cấp quy chế ứng cử viên nhưng mỗi nước lại thực hiện một quy trình riêng.
Ngoài ra, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU cũng đã thảo luận về chính sách nhập cư. Tuy nhiên, vấn đề này không được đưa vào tuyên bố chung do còn nhiều chia rẽ giữa các nước thành viên. Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, do Ba Lan và Hungary tiếp tục phản đối hiệp ước chung toàn khối về di cư và tị nạn nên nội dung này không được đưa vào tuyên bố cuối cùng. Thay vào đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã thông qua tuyên bố chủ tịch về di cư và tị nạn.
Cuộc tranh luận về di cư ở Granada diễn ra sau khi ngày 5/10 vừa qua, 22 trong số 27 nước EU đạt được thỏa thuận về Quy định khủng hoảng, trong đó thiết lập các quy tắc phải tuân theo trong các trường hợp khẩn cấp như dòng người di cư ồ ạt. Đây là một trong những phần quan trọng của Hiệp ước Di cư và Tị nạn châu Âu và cũng là phần cuối cùng của hiệp ước chưa được các quốc gia nhất trí. Ba Lan và Hungary đã bỏ phiếu chống và chỉ trích rằng các quyết định về di cư giữa các nước EU được đưa ra bởi quy tắc đa số đủ điều kiện chứ không phải nguyên tắc đồng thuận.
Thời gian qua, số người di cư tìm cách tiếp cận bờ biển các nước EU không ngừng tăng. Tính từ đầu năm đến nay, EU ghi nhận hơn 250.000 người di cư bất hợp pháp vào lãnh thổ.
Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về khí hậu thúc đẩy các kế hoạch cụ thể
Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc (LHQ) về khí hậu vào ngày 20/9 theo giờ địa phương, dự kiến sẽ có 41 diễn giả phát biểu.
Tổng Thư ký LHQ phát biểu tại lễ khai mạc Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ Khóa 78 tại New York, Mỹ ngày 19/9/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Trong thông báo hồi tháng 12/2022 về kế hoạch tổ chức "Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu", Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh hội nghị này chỉ bao gồm lãnh đạo của các nước đã đề ra kế hoạch cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Trong số các nước được mời tham dự hội nghị này có Brazil, Canada, Pháp. Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại New York xác nhận Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ phát biểu tại hội nghị.
Trong danh sách diễn giả phát biểu tại hội nghị không có đại diện của Trung Quốc và Mỹ, hai nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden cử đặc phái viên về khí hậu, ông John Kerry tham dự hội nghị. Ngoài ra, Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom cũng tham dự.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông John Kerry đã gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng) ngày 19/9 bên lề Khóa họp lần thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Tại cuộc gặp, Đặc phái viên Mỹ nhấn mạnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần nỗ lực đẩy nhanh quá trình trung hòa carbon và giảm phát thải khí methane.
Theo ước tính, hiện Mỹ và Trung Quốc mỗi năm phát thải tới 40% lượng khí nhà kính toàn cầu. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt mục tiêu cắt giảm phát thải của Mỹ, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hồi tháng 8/2022, Tổng thống Biden đã ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát, trong đó bao gồm gói hỗ trợ trị giá 369 tỷ USD cho các dự án khí hậu và năng lượng sạch của Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu được tổ chức sau khi LHQ công bố một báo cáo cho thấy các nước không thực hiện được những cam kết đưa ra 8 năm trước đây tại Paris nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Phát biểu ngày 19/9 tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Các Mục tiêu phát triển bền vững, Tổng thư ký LHQ Guterres đã bày tỏ quan ngại về những tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra, nhấn mạnh rằng các nước luôn "lỡ hẹn" với cam kết cắt giảm phát thải không nên chờ đợi các nước khác hành động trước.
Quan chức ECB để ngỏ khả năng duy trì lãi suất ở mức cao Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giữ nguyên mức lãi suất 4% trong thời gian đủ dài nhằm kiềm chế lạm phát. Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN Tuyên bố trên được ông Francois Villeroy de Galhau, Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp, kiêm thành viên Hội đồng Thống đốc...