EU quá tải vì hai cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông
Các nhà lãnh đạo EU khẳng định họ có thể giải quyết hai cuộc khủng hoảng cùng một lúc – nhưng trên thực tế điều đó dường như đang khiến họ quá tải.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) thảo luận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ ngày 27/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo bình luận của tờ Politico (Mỹ) mới đây, cuộc xung đột Nga – Ukraine đầu năm 2022 là bước ngoặt lịch sử đối với chính sách đối ngoại và an ninh châu Âu. Nhưng mặc dù xung đột ở Trung Đông vừa bùng phát có những hậu quả sâu rộng tương tự, các nước EU vẫn chưa thể hiện được sự đoàn kết.
Khi các nhà lãnh đạo EU gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh vào tuần trước, họ khẳng định có thể xử lý cả cuộc chiến ở Ukraine và ở Trung Đông cùng một lúc – đồng thời vẫn chú ý đến căng thẳng giữa Kosovo và Serbia, cũng như giữa Armenia và Azerbaijan.
Nhưng tuyên bố trên dường như chỉ là trên lý thuyết. Càng ngày, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas càng đẩy Ukraine ra khỏi tâm điểm chính trị. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thừa nhận: “Rõ ràng là cuộc xung đột ở Trung Đông đang phủ bóng lên những gì đang diễn ra ở Ukraine”.
Bất chấp tham vọng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhằm biến EU thành một nhân tố “địa chính trị” trên trường quốc tế, hai cuộc xung đột đang thử thách giới hạn chính sách đối ngoại của EU, đặc biệt là khi các nhà lãnh đạo châu Âu đang gặp khó khăn trong việc điều chỉnh lập trường đối với Israel.
Ngay cả câu hỏi tưởng chừng như đơn giản về kêu gọi tạm dừng xung đột để cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza cũng đã gây ra tranh cãi ngoại giao phức tạp. Trong khi quyền Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez và một số nhà lãnh đạo thành viên EU ủng hộ việc ngừng bắn vì nhân đạo, Đức và các quốc gia khác vẫn tỏ ra dè dặt trước lời kêu gọi đình chiến, vốn có thể được coi là đi ngược lại “quyền đáp trả” của Israel nhằm vào Hamas.
Nhìn lại, cuộc xung đột Nga – Ukraine đầu năm 2022 là bước ngoặt lịch sử đối với chính sách đối ngoại và an ninh của EU. Cú sốc của cuộc khủng hoảng này ở châu Âu đã dẫn đến tình đoàn kết chưa từng có với Ukraine. Nhưng mặc dù cuộc xung đột ở Trung Đông có những hậu quả sâu rộng tương tự, các nước EU vẫn chưa thể hiện sự thống nhất như trước, khi nhiều nhà lãnh đạo EU lo ngại sự chia rẽ chính trị giữa các phe ủng hộ Israel và ủng hộ Palestine, cũng như những hậu quả khác do các cuộc tấn công bạo lực và biểu tình trên đường phố lan rộng ở châu Âu.
Một quan chức EU phát biểu trong điều kiện giấu tên cho biết: “Đây là một cuộc tranh luận công khai, ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội châu Âu và gây ra tình trạng bất ổn ở một số thành phố của EU. Do đó, cuộc khủng hoảng này đang chi phối tâm trí của các nhà lãnh đạo EU”.
Các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Pháp và Bỉ đã tăng thêm cảm giác lo ngại đó. Bạo lực gia tăng càng gây tâm lý bất an trước cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6 năm sau. Ở Bỉ, nơi tổ chức cuộc bầu cử quốc gia cùng ngày với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, đảng cực hữu Vlaams Belang hiện được coi là đảng lớn nhất và đang tận dụng tình trạng mất an ninh của Bỉ trước vụ tấn công khủng bố khiến hai cổ động viên bóng đá Thụy Điển thiệt mạng.
Ukraine bị lãng quên?
Video đang HOT
Ông Luigi Scazzieri thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu, một tổ chức nghiên cứu cho rằng việc quản lý cả hai cuộc xung đột sẽ là một nỗ lực khó khăn đối với châu Âu: “EU sẽ phải phân chia nguồn lực tài chính và sự chú ý giữa Ukraine và Gaza. Do đó, vấn đề Ukraine sẽ bị lu mờ dần và EU khó có khả năng hỗ trợ kinh tế và quân sự lớn cho Kiev trong tương lai”.
Dường như lo ngại về sự phân tâm trong bối cảnh bất ổn ở Trung Đông, Ukraine đang tăng cường kêu gọi không chỉ viện trợ và vũ khí mà còn kêu gọi các nước phương Tây tăng mạnh đầu tư vào thiết bị quân sự, đặc biệt là đạn dược và phòng không.
Chiến sự ở Trung Đông đang thu hút sự chú ý của quốc tế khỏi Ukraine. Ảnh: AFP
Trong khi đó, những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của Ukraine ở EU là Ba Lan và các nước vùng Baltic đang cảnh báo các đối tác Tây Âu không nên “lãng quên” cuộc xung đột đang diễn ra ở phía Đông của EU.
Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nói với các phóng viên rằng cuộc xung đột ở Israel đang “làm mất tập trung” khi tại một cuộc họp cấp ngoại trưởng EU vào tuần trước, lần đầu tiên vấn đề Israel đã loại vấn đề Ukraine ra khỏi chương trình nghị sự hàng đầu. Ông Landsbergis kêu gọi: “Khi nói đến các ưu tiên, chắc chắn Ukraine nên là ưu tiên hàng đầu, đó là cuộc xung đột chính, nó nằm ở sát biên giới của chúng ta”.
Không chỉ riêng Litva, một số quốc gia EU khác cũng cảnh báo rằng Brussels không thể chuyển hướng chú ý “khỏi cuộc xung đột đang diễn ra ở châu Âu và ngay cạnh biên giới vài thành viên của họ”.
Tuy nhiên, cách xử lý của EU đối với cuộc xung đột Israel – Hamas đã phần nào làm suy yếu các thỏa thuận của EU với Ukraine. Ngoài ra, ảnh hưởng của Brussels ở thế giới Hồi giáo đang suy giảm nhanh chóng vì những gì được coi là lập trường “quá thân thiện” với Israel của Ủy ban châu Âu. Đó là những điều chứng tỏ rằng khối này đang quá tải vì các cuộc khủng hoảng.
Chuyên gia Scazzieri nêu quan điểm: “Quan điểm về tiêu chuẩn kép của EU sẽ ngày càng được khẳng định khi số lượng dân thường thiệt mạng ở Gaza tăng lên. Điều đó sẽ khiến việc đạt được sự đồng thuận cho Ukraine trên các diễn đàn quốc tế trở nên khó khăn hơn”.
EU cũng làm thất bại các tham vọng chính sách đối ngoại thông qua phản ứng và bất đồng về cách xử lý cuộc chiến Israel – Hamas.
Nhà phân tích James Moran thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu nói: “Cách xử lý ban đầu của EU không hề hữu ích chút nào, đặc biệt là những tranh cãi và bất đồng quan điểm chung về lời kêu gọi tạm dừng giao tranh để cung cấp viện trợ nhân đạo. Những điều đó không giúp ích gì cho hình ảnh của EU, đó là điều chắc chắn”.
Trước hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra từ ngày 26-27/10 vừa qua, ngay cả ngôn từ chính xác về việc tiếp cận viện trợ nhân đạo cho người Palestine trong kết luận của hội nghị cũng là một cuộc tranh cãi gay gắt giữa các nước EU vì tính nhạy cảm lịch sử liên quan đến cuộc xung đột. Trong khi Tây Ban Nha và các nước khác ủng hộ từ “ngừng bắn”, thì các quốc gia khác, trong đó có Đức, đã bác bỏ điều đó và ủng hộ từ ngữ nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như “tạm dừng giao tranh vì nhân đạo”. Vì di sản của Thế chiến thứ hai, Berlin không muốn bày tỏ hạn chế “quyền tự vệ” của Israel.
Một quan chức EU khác giải thích rằng “từ ngữ rất quan trọng” và các cuộc đàm phán như vậy giúp thúc đẩy sự thỏa hiệp giữa các quốc gia. Nhưng nhìn từ bên ngoài, cuộc tranh luận về ngôn từ có nguy cơ làm bộc lộ sự chia rẽ trên khắp lục địa. Một nhà ngoại giao EU kết luận: “Chúng tôi phải thừa nhận rằng cuộc xung đột Israel – Palestine là vấn đề gây chia rẽ nhất trên thế giới – kể cả trong EU”.
Toan tính của Tổng thống Biden trước cuộc bầu cử 2024
Những động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể giúp ông giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử năm 2024.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái, phía trước) đón Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải, phía trước) tại sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv ngày 18/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo bình luận của kênh CNN (Mỹ) ngày 21/10, các tổng thống Mỹ gần đây của đảng Dân chủ đã tìm cách tái tranh cử bằng cách hạn chế vận động tranh cử công khai và thay vào đó đảm bảo rằng họ sẽ tập trung vào những điều cốt lõi trong công việc của mình. Tổng thống Bill Clinton, trong nỗ lực tái tranh cử thành công năm 1996, đã dành những tháng cuối cùng của chiến dịch tranh cử để đàm phán các thỏa thuận lập pháp với Quốc hội vốn chiếm đa số bởi Đảng Cộng hòa.
Với Tổng thống Barack Obama, vào cuối tháng 10/2012, đã tạm dừng hoạt động tranh cử và nỗ lực chỉ đạo các lực lượng liên bang ứng phó với cơn bão Sandy ở vùng Đông Bắc, do đó đã góp phần vào chiến thắng của ông.
Dù còn hơn 1 năm nữa mới đến "Ngày bầu cử năm 2024", Tổng thống Joe Biden dường như đang thực hiện cách tiếp cận tương tự, trước các cuộc khủng hoảng và xung đột quốc tế. Bằng cách thực hiện chuyến thăm chớp nhoáng tới Tel Aviv vào tuần trước sau chuyến thăm tương tự tới Ukraine vài tháng trước đó, đồng thời đưa ra lời kêu gọi vào "khung giờ vàng" hôm 19/10 tới cử tri Mỹ rằng hãy ủng hộ cả Israel và Ukraine, ông Biden đang thu được một số lợi ích chính trị.
Những nỗ lực của ông Biden dường như nổi bật hơn vì đối thủ cạnh tranh tiềm tàng thuộc đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, đã vụng về và kém hiệu quả khi tìm cách thể hiện mình trong những sự kiện trên, như khi ông ca ngợi Hezbollah, nhóm vũ trang ở Liban, sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel. Đồng thời, Đảng Cộng hòa đang rơi vào tình trạng hỗn loạn với cuộc đua tranh giành chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ vốn đã làm tê liệt Đồi Capitol.
Ngược lại, ông Biden đang tỏ ra có năng lực và kiên định. Trong 20 tháng qua, ông là người ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Trong 2 tuần gần đây, ông Biden cũng thể hiện sự ủng hộ tương tự với Israel sau vụ tấn công của Hamas ngày 7/10 khiến khoảng 1.400 người thiệt mạng, trong đó có 32 người Mỹ. Ông lưu ý trong bài phát biểu trên truyền hình rằng chuyến thăm chớp nhoáng tới Israel là chuyến đi đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới quốc gia Trung Đông này trong thời chiến, trong khi chuyến thăm tới Ukraine vào tháng 2 năm nay là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đến vùng chiến sự không do Mỹ kiểm soát.
Dù các chuyến thăm có ảnh hưởng thế nào đến mặt trận ngoại giao, thì cùng với bài phát biểu trên truyền hình vào khung giờ vàng tối 19/10, các hoạt động đó đang có lợi cho nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Biden vào thời điểm này, đặc biệt nếu ông phải đối đầu với cựu Tổng thống Trump. Các sự kiện đều nhằm thể hiện ông Biden là một vị "Tổng tư lệnh" đầy tự tin, giàu kinh nghiệm và kiến thức sâu sắc về lịch sử.
Với dư luận quốc tế, Tổng thống Biden đã thực hiện một cuộc hành trình dài bất chấp những lời chỉ trích rằng ông đã nghiêng quá xa về phía Israel và gây bất lợi cho người Palestine. Trong bối cảnh đó, các đồng minh Arab mà ông Biden lên kế hoạch gặp gỡ đã từ chối và những người biểu tình Hồi giáo đã xuống đường ở các thành phố trên khắp thế giới để phản đối Israel và những người Mỹ ủng hộ nước này.
Nhiều nhà quan sát cũng cho rằng Tổng thống Biden không đạt được nhiều thành tựu. Nhưng trong chuyến thăm Israel kéo dài khoảng 7 tiếng rưỡi đến Israel hôm 18/10, ông Biden đã đảm bảo cho hai mục tiêu chính: trấn an công chúng Israel rằng Washington đang sát cánh cùng họ, cũng như không gian để yêu cầu nhượng bộ nếu cần. Thứ hai, ông cũng vạch ra một kế hoạch để đưa viện trợ nhân đạo từ Ai Cập vào Gaza cho những thường dân bị mắc kẹt, hy vọng kế hoạch này sẽ đóng vai trò là khuôn mẫu cho nhiều chương trình sắp tới.
Tuy nhiên, đối tượng chính của Tổng thống Biden là công chúng ở trong nước: Ông muốn thuyết phục công chúng Mỹ và đặc biệt là cộng đồng thân Israel. Đó là lý do tại sao hình ảnh Tổng thống Biden ôm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại có sức ảnh hưởng lớn về mặt chính trị. Chuyến đi Trung Đông của Tổng thống Biden, người sẽ bước sang tuổi 81 vào ngày 20/11, cũng đưa ra câu trả lời trước những lời chỉ trích không hề tế nhị của Đảng Cộng hòa rằng ông đã quá già để có thể đảm nhiệm nhiệm kỳ thứ hai.
Một số đảng viên Cộng hòa thậm chí còn đưa ra lời khen ngợi bất ngờ cho chuyến thăm Israel của ông Biden. Chuyến công du ngoại giao khẩn cấp của ông trái ngược hoàn toàn với cuộc cạnh tranh nội bộ của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, nơi chưa thể chọn Chủ tịch Hạ viện có nghĩa là cơ quan này không thể thực hiện bất kỳ bước nào để giúp đỡ Israel. Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tim Burchett thậm chí còn gọi chuyến thăm của ông Biden là một "bước đi dũng cảm và táo bạo".
Tổng thống Joe Biden phát biểu với toàn dân Mỹ qua truyền hình. Ảnh: Reuters
Ông Biden cũng thu hút được một số lời khen ngợi sau bài phát biểu trên truyền hình của mình, trong đó trực tiếp kêu gọi người Mỹ ủng hộ Israel và Ukraine, bao gồm gói viện trợ 100 tỷ USD mà ông dự định sẽ sớm chuyển tới Quốc hội. Ông cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với vai trò lãnh đạo của mình trên thế giới và các giá trị mà nước này đã thúc đẩy trong lịch sử.
"Nó có thể được nhớ đến như một trong những bài phát biểu hay nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden. Ông ấy thể hiện sự cứng rắn, dứt khoát và mạnh mẽ", nhà phân tích chính trị Brit Hume của Fox News đưa ra những lời khen ngợi hiếm hoi.
Tất nhiên, nhiều người bảo thủ nổi tiếng ở Mỹ vẫn tìm ra cơ sở để chỉ trích tổng thống của đảng Dân chủ. Chuyến thăm Israel của ông Biden đã bị các ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2024 như Thống đốc Florida Ron DeSantis và Thượng nghị sĩ Nam Carolina Tim Scott phê phán. Ông Biden cũng không tránh khỏi những lời chỉ trích từ một số đảng viên Đảng Dân chủ. Các thành viên thuộc phe cực tả của đảng này đã đổ lỗi cho Israel về các cuộc không kích nhằm vào Hamas ở Gaza gây ra thương vong lớn. Theo Gallup, sự ủng hộ của đảng Dân chủ dành cho Israel đã giảm sút trong nhiều năm. Một cuộc thăm dò mới đây của CBS News đã chỉ ra đa số đảng viên Đảng Dân chủ không ủng hộ việc gửi thêm vũ khí và trang thiết bị quân sự tới Israel vào thời điểm này.
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, ông Biden đang tận dụng nền tảng rằng đại đa số cử tri ủng hộ việc gửi viện trợ nhân đạo đến Israel. Một cuộc thăm dò do Đại học Quinnipiac công bố hôm 16/10 cho thấy, khoảng 61% số người được hỏi cho biết họ có thiện cảm với Israel.
Vì vậy, xét về mặt cân bằng, sự ủng hộ kiên quyết của ông Biden đối với Israel có thể sẽ có lợi nhiều hơn là có hại, đặc biệt là khi nó củng cố uy tín của ông và những cử tri dao động là những người mà ông Biden thực sự cần thuyết phục để giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử năm 2024.
Những động thái về chính sách đối ngoại của ông Biden có thể đặc biệt giúp ích cho cử tri ở các bang dao động. Đó là một công thức chính trị được các tổng thống tiền nhiệm của Đảng Dân chủ như Tổng thống Clinton và Obama thực hiện trong chiến dịch tái tranh cử của họ: Ông Clinton đã đồng ý thỏa hiệp với Quốc hội do Đảng Cộng hòa chiếm đa số về cải cách phúc lợi, Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân và một loạt vấn đề khác. Trong khi đó, tại một số thời điểm trong chiến dịch tranh cử năm 2012, ông Obama đã khuyến khích thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu, giảm thâm hụt ngân sách và gia hạn cắt giảm thuế thời Tổng thống George W. Bush.
Các cử tri hiện đang dành cho Tổng thống Biden những đánh giá khá tốt về cách ông xử lý xung đột ở cả Israel và Ukraine. Tất nhiên, ông Biden vẫn còn một năm để nỗ lực thể hiện - một nhiệm vụ đầy thách thức vì hầu hết các cuộc bầu cử tổng thống kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đều được quyết định bởi các vấn đề trong nước, thay vì các vấn đề đối ngoại. Hơn nữa, tình hình rất bất ổn và ông Biden có thể gặp tình trạng tồi tệ nếu thương vong ở Gaza gia tăng, cuộc chiến lan rộng, lực lượng Mỹ thiệt mạng, xuất hiện các cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ hoặc bất kỳ tình huống tiêu cực nào khác xảy ra.
EU muốn 'đồng bộ hóa' thông điệp về cuộc xung đột Israel - Hamas Các nhà lãnh đạo EU đã phải chật vật giải quyết những khác biệt của họ khi sự hỗn tạp về quan điểm đã làm hỏng phản ứng của khối đối với cuộc xung đột Israel-Hamas. Một số khác biệt vẫn còn khi các nhà lãnh đạo EU tìm kiếm sự gắn kết liên quan đến cuộc xung đột Israel - Hamas. Ảnh:...