EU nhất trí siết chặt quy định quản lý ngân hàng
Ngày 27/6, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận về việc thực hiện các biện pháp cải cách ngân hàng theo chuẩn quốc tế để tránh lặp lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Ủy ban châu Âu lần đầu tiên đề xuất thực thi luật ngân hàng vào tháng 10/2021. Tuy nhiên, gần đây, các đề xuất cải cách tập trung nhiều hơn vào các ngân hàng sau sự sụp đổ của các tổ chức cho vay ở Mỹ gây chao đảo thị trường vào đầu năm nay.
Dự luật ngân hàng của EU dựa trên các biện pháp cải cách Basel III tiêu chuẩn quốc tế về cách các ngân hàng đánh giá rủi ro tín dụng và rủi ro thị trường. Dự luật bao gồm các điều khoản quy định các ngân hàng phải có đủ vốn và thanh khoản. Dự luật cũng yêu cầu các ngân hàng báo cáo về tài sản kỹ thuật số, trong đó có tiền kỹ thuật số như bitcoin và ethereum, cũng như các hoạt động có thể gây rủi ro đến tăng trưởng bền vững như tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch.
Các quy tắc sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2025, chậm 2 năm so với thời hạn 2023 đưa ra trước đó.
Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Elisabeth Svantesson nhận định việc Hội đồng EU – đại diện 27 quốc gia thành viên, và Nghị viện châu Âu (EP) đạt được nhất trí về các quy tắc quản lý đối với lĩnh vực ngân hàng là “bước tiến quan trọng giúp đảm bảo các ngân hàng châu Âu có thể tiếp tục hoạt động trước những cú sốc, các cuộc khủng hoảng hoặc các thảm họa xảy ra bên ngoài khối”.
Ủy viên EU phụ trách các dịch vụ tài chính, bà Mairead McGuinness, cũng hoan nghênh thỏa thuận trên, cho rằng các quy tắc sẽ đảm bảo “lĩnh vực ngân hàng của EU hoạt động phù hợp với xu hướng tương lai”.
Khả năng ECB chưa dừng chu kỳ tăng lãi suất
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm và để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất, nhằm kiềm chế lạm phát ngay cả khi kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu yếu đi.
Biểu tượng đồng euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Giới chuyên gia đưa ra nhận định này trước thềm cuộc họp báo về quyết định lãi suất của ECB trong ngày 15/6.
Nhận định được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng ở cả 20 quốc gia Eurozone đang trong trạng thái đình trệ và lạm phát đã giảm tốc trong vài tháng qua nhờ giá năng lượng giảm và lãi suất tăng mạnh nhất trong 25 năm qua. Hơn nữa, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất với quyết định giữ nguyên lãi suất đưa ra ngày 14/6.
Đây được cho là dấu hiện rõ rệt khiến các nhà đầu tư toàn cầu cho rằng chu kỳ siết chặt tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển chuẩn bị kết thúc, cho dù Mỹ vẫn có thể thực hiện một vài đợt tăng lãi suất nữa.
Tuy nhiên, lạm phát tại khu vực Eurozone vẫn ở mức cao 6,1% - gấp 3 lần mức mục tiêu 2% mà ECB muốn duy trì. Trong khi đó, mức tăng giá cả - không gồm thực phẩm và năng lượng- chỉ mới bắt đầu chậm lại. Những yếu tố trên dự kiến sẽ khiến ECB tiếp tục lộ trình siết chặt tiền tệ.
Giới quan sát dự báo trong ngày 15/6 ECB sẽ thông báo tăng lãi suất tiền gửi áp dụng với các ngân hàng lần thứ 8 liên tiếp, theo đó tăng 25 điểm cơ bản lên 3,5%, mức cao nhất từ năm 2021. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát mới của Reuters cũng dự báo ECB sẽ có đợt tăng lãi suất tương đương vào tháng 7 tới, trước khi tạm dừng tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2023. Tuy nhiên, nhóm nhà kinh tế học từ ngân hàng Deutsche của Đức cho rằng Chủ tịch ECB Christine Lagarde trong cuộc họp báo ngày 15/6 sẽ để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một đợt nữa vào tháng 9 tới.
Lạm phát của Eurozone hạ nhiệt Lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng giá thực phẩm và đồ dùng thiết yếu trong thời gian tới được dự đoán vẫn tiếp tục đè nặng lên người tiêu dùng. Biểu tượng đồng euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN Theo...