EU nhất trí giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ trong mùa đông
Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí với kế hoạch giảm lượng tiêu thụ khí đốt, coi đây như một hành động đoàn kết với Đức nhằm phản ứng việc Nga sử dụng nguồn cung như một “vũ khí” kinh tế.
Hệ thống đường ống của Trạm trung chuyển khí đốt OGE ở Werne, miền Tây Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, mặc dù Hungary là quốc gia duy nhất phản đối, nhưng kế hoạch trên vẫn được các Bộ trưởng Năng lượng EU thông qua với đa số phiếu. Hội đồng EU đã hoan nghênh kế hoạch này như sự đoàn kết thống nhất của EU.
Trong tuyên bố, Hội đồng EU viết: “Trong nỗ lực nhằm tăng cường an ninh nguồn cung năng lượng nội khối, các nước thành viên đã thông qua một thỏa thuận mang tính chính trị về việc tự nguyện giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong mùa đông này”.
Video đang HOT
Tuyên bố nêu rõ: “Hội đồng EU cũng dự báo khả năng kích hoạt ‘cảnh báo của EU’ về an ninh nguồn cung, trong trường hợp việc giảm nhu cầu khí đốt sẽ trở thành quy định bắt buộc”.
Theo EU, mục đích của việc giảm nhu cầu khí đốt là để tiết kiệm trước mùa đông nhằm chuẩn bị cho việc nguồn cung khí đốt có thể bị gián đoạn từ Nga, quốc gia đang liên tục sử dụng nguồn cung năng lượng như “vũ khí”.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận nền kinh tế lớn nhất EU, vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga trong nhiều năm qua, hiện đang phải tìm các nguồn thay thế.
Trong khi đó, Pháp cho biết việc thể hiện tình đoàn kết với Đức sẽ giúp bảo vệ toàn bộ châu Âu, mặc dù Đức chiếm thị phần chính trong 40% lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào EU trong năm 2021.
Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi năng lượng của Pháp, Agnes Pannier-Runacher, cho biết: “Các chuỗi công nghiệp của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc lẫn nhau. Nếu ngành công nghiệp hóa chất ở Đức gặp vấn đề, toàn bộ ngành công nghiệp châu Âu có thể dừng hoạt động”.
Theo kế hoạch vừa thông qua, các quốc gia thành viên tự nguyện giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ, dựa trên mức trung bình 5 năm trong các tháng mùa đông, thường bắt đầu từ tháng 9 cho tới tháng 3 năm sau.
Bộ trưởng Công nghiệp Séc Jozef Sikela, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho biết kế hoạch này cũng chính là “câu trả lời mạnh mẽ” trước quyết định của Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cắt giảm lượng khí đốt đến châu Âu.
Kể từ ngày 27/7, Gazprom thông báo sẽ giảm việc lưu lượng khí đốt hàng ngày xuống còn khoảng 20% công suất với lý do họ đang tạm dừng hoạt động của một trong hai tua bin cuối cùng do tình trạng kỹ thuật động cơ.
Trước đó, nhằm đối phó với tình trạng thiếu khí đốt và năng lượng có thể xảy ra trong mùa Thu và mùa Đông tới, Chính phủ liên bang Đức đã công bố gói biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng mới, trong đó quy định rõ việc tăng mức tích trữ đối với các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức. Cụ thể, các kho dự trữ khí đốt phải được lấp đầy 75% vào ngày 1/9, tăng lên 85% vào ngày 1/10 và lên 95% vào ngày 1/11. Mức quy định lấp đầy cho tới nay chỉ là 80% tới ngày 1/10 và 90% tới ngày 1/11.
Ngoài nguồn dự trữ than cứng cho các nhà máy điện than đã được kích hoạt, việc dự trữ than non cũng sẽ được kích hoạt trở lại kể từ ngày 1/10. Việc vận chuyển than và dầu sẽ được ưu tiên trong ngành vận tải đường sắt, và sẽ được quy định cụ thể.
Đức cảnh báo về việc sử dụng trở lại nhiên liệu hóa thạch
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 18/7 đã cảnh báo về "sự phục hưng trên toàn cầu của nhiên liệu hóa thạch và đặc biệt là than đá" do tình trạng thiếu khí đốt bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga -Ukraine.
Khai thác than đá cứng phục vụ nhà máy điện than ở Duisburg, miền Tây Đức ngày 5/4/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu tại Đối thoại Khí hậu Petersberg ở Berlin do Đức và Ai Cập đồng chủ trì, ông Scholz nhấn mạnh: "Không ai có thể hài lòng với thực tế là hoạt động sản xuất điện sử dụng nhiên liệu than đang gia tăng trở lại ở Đức".
Để ngăn chặn tình trạng thiếu khí đốt trong mùa năm nay, Đức gần đây đã có các động thái mở đường đưa thêm các nhà máy nhiệt điện than vào hoạt động thay thế các nhà máy điện hoạt động bằng khí đốt. Theo ông Scholz, đây là một biện pháp khẩn cấp ngắn hạn không gây tổn hại các mục tiêu khí hậu của nước này. Ông nêu rõ: "Tất cả những gì chúng tôi làm ngày nay là để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt phù hợp với mục tiêu trung hòa khí carbon ở Đức và trên toàn thế giới trong tương lai". Theo đó, người đứng đầu chính phủ Đức nhấn mạnh không được tạo ra sự phụ thuộc lâu dài nào vào các nguồn năng lượng hóa thạch.
Đầu tháng này, Thượng viện Đức đã phê chuẩn một loạt dự luật nhằm đẩy nhanh việc phát triển năng lượng tái tạo ở nước này. Theo chính quyền Đức, để tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo từ 50% lên 80% vào năm 2030, nước này sẽ phải dành 2% diện tích bề mặt cho hoạt động của các tuabin gió trên đất liền.
EC đề phòng khả năng ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga Ngày 6/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần lên kế hoạch khẩn cấp để chuẩn bị cho tình huống cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga. Hệ thống đường ống của Trạm trung chuyển khí đốt OGE ở Werne, miền Tây Đức. Ảnh: AFP/TTXVN Phát biểu trước...