EU muốn gia tăng ảnh hưởng ở Biển Đông, đối trọng lại TQ
Giữa lúc căng thẳng gia tăng tại khu vực, các nước lớn châu Âu như Anh, Pháp và Đức muốn cho thấy họ có vai trò quan trọng hơn là các đối tác thương mại không có tiếng nói.
Các nước lớn châu Âu đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại châu Á – Thái Bình Dương, với các hoạt động tự do hàng hải và quan ngại về căng thẳng gia tăng trên Biển Đông cho thấy ý định duy trì ảnh hưởng tại khu vực của các nước này, theo giới phân tích.
“Cách đây vài năm, các nước châu Âu vẫn không muốn can dự vào an ninh khu vực ở Đông Á, nhưng trong bối c ảnh hiện tại, việc can dự là nhu cầu cấp bách mới”, Frans-Paul van der Putten, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Clingendael ở Hà Lan, nói với South China Morning Post.
“Việc đưa tàu chiến đến Biển Đông có thể tạo ra đòn bẩy cho các chính phủ châu Âu khi họ đối mặt với Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề địa chính trị gần sân nhà mình”, ông nói.
Thế tiến thoái lưỡng nan mới
Vị chuyên gia cũng cho rằng châu Âu từ lâu đã quen với việc ở giữa hai nước lớn là Mỹ và Nga, nhưng càng ngày thì quan hệ Mỹ – Trung mới là thứ xác định vị thế địa chính trị của châu Âu.
“Điều này tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan mới cho các nước châu Âu, vốn đang chịu sức ép ngày càng lớn trong việc chọn phe”, ông van der Putten nhận định.
Cuối tháng trước, ba nước Anh, Pháp và Đức cho hay trong một tuyên bố rằng họ “quan ngại tình hình ở Biển Đông có thể dẫn đến sự bất an và căng thẳng tại khu vực” sau những diễn biến ngoài đây trên biển khi tàu Trung Quốc liên tục quấy rối, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia và Philippines.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh. Ảnh: AFP.
Đối trọng Trung Quốc ngày càng hung hăng
Ba nước cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông “có các bước đi và biện pháp giảm thiểu căng thẳng, góp phần vào việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn tại khu vực”.
Video đang HOT
Tranh chấp trên Biển Đông liên quan đến Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan. Mỹ không phải là bên tranh chấp nhưng nước này xem vùng biển là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm kiềm chế sự bành trướng quân sự của Trung Quốc tại khu vực.
Trong động thái được xem là biểu dương sức mạnh và sự đoàn kết, Mỹ và Anh đã tiến hành tập trận hải quân chung ở Biển Đông hồi tháng 2, trong khi Pháp đã cho tàu tấn công Dixmude và tàu hộ vệ đi qua khu vực gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi năm ngoái.
Anh cũng tỏ ra quan tâm đến vấn đề tự do hàng hải tại vùng biển và cùng với Mỹ và Australia lên tiếng bảo vệ các hoạt động này trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Năm ngoái, Anh cho hay họ có kế hoạch đưa tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho lần triển khai hoạt động đầu tiên, dự kiến diễn ra vào năm 2021.
Phát biểu tại London tuần trước, tướng Su Guanghui, tùy viên quốc phòng của Trung Quốc tại Anh, nói: “Nếu Mỹ và Anh bắt tay thách thức hay xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đó sẽ là hành động thù địch”.
Tàu USS McCampbell của Mỹ và tàu HMS Argyll của Anh trong cuộc tập trận chung trên Biển Đông hồi đầu năm. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Kế hoạch hành động 10 điểm chống Trung Quốc
EU cũng đang vướng vào tranh cãi gay gắt với Trung Quốc về điều mà họ xem là đối xử bất công với các doanh nghiệp EU tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo South China Morning Post.
Trong một văn bản đầu năm nay, Ủy ban châu Âu kêu gọi các nhà lãnh đạo EU phê duyệt kế hoạch hành động 10 điểm, trong đó gọi Trung Quốc là “đối thủ kinh tế” và “địch thủ mang tính hệ thống, cổ xúy các mô hình quản trị khác”.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Berlin leo thang trong tuần qua sau khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas gặp nhà hoạt động chính trị Hong Kong Joshua Wong tại thủ đô Đức hôm 9/9. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này “vô cùng không hài lòng” về cuộc gặp.
Sarah Raine, chuyên gia làm việc tại Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược ở London, nói việc EU muốn can dự vào tranh chấp Biển Đông và mở rộng ảnh hưởng tại khu vực không phải là điều bất ngờ.
“Đây là hệ quả tự nhiên của thực tế rằng ở châu Á, EU đã chán với việc được đối xử chỉ nhỉnh hơn một đối tác thương mại một chút, còn lại thì bị xem là không liên quan đến các vấn đề chiến lược lớn tại châu lục, dù họ nghiêm túc quan tâm đến chúng”, bà nói.
“Để can dự sâu hơn vào các diễn biến ở Biển Đông, các nước thành viên hàng đầu của EU đang hợp tác với nhau để hỗ trợ các giải pháp đa phương cho các vấn đề đa phương thông qua các đối tác đa phương – chẳng hạn như ASEAN – tất cả phải trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”.
Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự trên Biển Đông. Ảnh: Reuters.
Theo Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp của Chương trình Chuyển giao Vũ khí và Chi tiêu Quân sự SIPRI ở Thụy Điển, EU đang cố gắng gia tăng lợi thế so với Mỹ và Trung Quốc bằng cách thể hiện rằng họ cũng là một đối tác lớn tại vùng biển tranh chấp.
“EU không phải là Trung Quốc và chắc chắn không phải là nước Mỹ của ông Trump. Họ muốn cho thấy họ vẫn ở đó và vẫn có vai trò quan trọng”, ông nói.
“Ba bên trong tuyên bố chung (Anh, Pháp và Đức) đặc biệt quan tâm mạnh mẽ đến khu vực… Họ có lợi ích thương mại… Nếu có sự vụ trên Biển Đông, những ngành kinh tế tương ứng của châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng”.
Theo Zing.vn
Anh lên kế hoạch tuần tra Biển Đông: Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng
Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định an ninh, tự do hàng không và hàng hải trong khu vực và trên thế giới.
Liên quan tới kế hoạch điều tàu sân bay tới Biển Đông của Anh và các tuyên bố quan ngại về tình hình Biển Đông của các quốc gia châu Âu gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong buổi họp báo thường kỳ chiều 12/9 cho biết:
"Quan điểm của Việt Nam về tự do hàng hải và hàng không trên biển là rõ ràng và đã được thể hiện nhiều lần. Theo đó, các hoạt động trên biển cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, cũng như quy định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Việc nhiều quốc gia, tổ chức, cá nhân vừa qua bày tỏ lập trường về các diễn biến nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông phản ánh sự quan tâm và quan ngại của cộng đồng quốc tế trước những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đe dọa hòa bình ổn định, an ninh và sự phát triển của khu vực".
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh. (Ảnh: BBC)
Theo bà Hằng, Biển Đông có ý nghĩa quan trọng với các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn tự do hàng không và hàng hải. Duy trì hòa bình, ổn định an ninh, trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở khu vực Biển Đông được xác lập tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 là mục tiêu, lợi ích của và trách nhiệm, nguyện vọng của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.
"Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu này vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển giữa tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới", người phát ngôn cho biết thêm.
Trước đó, trong thông cáo chung giữa 3 nước Anh, Pháp, Đức công bố hôm 29/8, 3 quốc gia châu Âu bày tỏ quan ngại về tình hình trên Biển Đông, kêu gọi giải quyết các bất đồng trong khu vực này thông qua đàm phán.
"Chúng tôi lo ngại tình hình ở Biển Đông có thể dẫn đến tình trạng mất an toàn và ổn định trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia ven biển trong khu vực thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng và góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn trong khu vực, bao gồm quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển của họ, quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông", thông cáo nhấn mạnh.
Mới đây, Bộ Quốc phòng Anh thông báo về kế hoạch triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tối tân nhất của mình tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2021 để đảm bảo quyền tự do hàng hải trong khu vực.
Theo Telegraph, các máy bay tàng hình F-35 từ lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ xuất hiện trên con tàu 65.000 tấn HMS Queen Elizabeth, tàu sân bay mới của Anh đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lần triển khai hoạt động đầu tiên, dự kiến diễn ra năm 2021.
"Anh duy trì các lợi ích ở khu vực và cam kết duy trì an ninh khu vực. Sự hiện diện của hải quân quốc tế ở Biển Đông là bình thường và của Hải quân Hoàng gia Anh cũng không phải ngoại lệ", một phát ngôn viên của chính phủ Anh cho hay.
SONG HY
Theo VTC
Tin tức thế giới 10/9: Bộ trưởng Môi trường Nhật đề xuất xả nước nhiễm xạ ra Thái Bình Dương Bộ trưởng Môi trường Nhật đề xuất xả nước nhiễm xạ ra Thái Bình Dương; Trung Quốc cảnh báo Anh đưa tàu sân bay tới Biển Đông là "hành động thù địch"; Đa số người Nhật Bản ủng hộ chính phủ loại Hàn Quốc khỏi "Danh sách Trắng"... là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 10/9. Các bể chứa nước...