EU mua 110.000 liều vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/6 sẽ ký thỏa thuận với một nhà sản xuất chưa được tiết lộ danh tính để cung cấp khoảng 110.000 liều vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ dự kiến chuyển giao từ cuối tháng 6.
Đây là thông báo của Ủy viên châu Âu phụ trách y tế, bà Stella Kyriakides bên lề cuộc họp bộ trưởng y tế các nước EU tại Luxembourg.
Bàn tay một bệnh nhi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters/TTXVN
Bà Kyriakides cho biết số vaccine này sẽ được mua bằng ngân quỹ EU và chuyển giao cho các nước thành viên EU.
Giới chức Ủy ban châu Âu cho biết tên của nhà sản xuất vaccine sẽ sớm được công bố.
Hồi đầu tháng 6, cơ quan quản lý dược phẩm của EU cho biết đang đàm phán với công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch về dữ liệu thử nghiệm có thể làm cơ sở để mở rộng việc cấp phép sử dụng vaccine Imvanex, còn có tên là Jynneos ở Mỹ, từ ngăn ngừa bệnh đậu mùa sang cả đậu mùa khỉ.
Video đang HOT
Trước đó, cơ quan quản lý dược phẩm của Mỹ đã chấp thuận cho sử dụng vaccine ngừa bệnh đậu mùa của Bavarian Nordic để ngừa bệnh đậu mùa khỉ.
Một số quốc gia EU, gồm Đức và Tây Ban Nha, cũng đã đặt mua vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ.
Cho đến nay, EU đã ghi nhận khoảng 900 ca bệnh đậu mùa khỉ.
Lo ngại khó phát hiện các ca mắc đậu mùa khỉ không có triệu chứng đặc trưng
Ngày 10/6, các chuyên gia y tế Mỹ cho biết trong số những ca bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện đến nay, nhiều ca không có biểu hiện bệnh đặc trưng, gây khó khăn trong quá trình chẩn đoán bệnh.
Hình ảnh virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi điện tử. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, việc phát hiện kịp thời các ca bệnh là điều kiện tiên quyết trong ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky cho biết có những ca mắc đậu mùa khỉ với triệu chứng rất nhẹ, đôi khi chỉ xuất hiện các nốt phát ban ở một số điểm trên cơ thể. Đây là những điều khác thường so với biểu hiện bệnh được ghi nhận ở các quốc gia Tây và Trung Phi mà đậu mùa khỉ đã trở thành bệnh đặc hữu.
Theo bà Walensky, điều này làm dấy lên lo ngại rằng có người đã mắc bệnh mà không phát hiện ra hoặc không được chẩn đoán đúng. Bà kêu gọi các nhân viên y tế và cộng đồng nâng cao cảnh giác trước dịch bệnh.
CDC Mỹ lưu ý không phải toàn bộ những ca mắc bệnh được phát hiện cho đến nay đều có biểu hiện như sốt, đau người và sưng hạch bạch huyết trước khi phát ban. Bên cạnh đó, có những ca bệnh chỉ xuất hiện nốt phát ban ở một số điểm trên cơ thể thay vì xuất hiện trên toàn thân như thông thường.
Bà Walensky nhấn mạnh rằng điều quan trọng là người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể có những triệu chứng như mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như bệnh mụn rộp (herpes) do đó rất dễ bị chẩn đoán sai bệnh.
Hiện Mỹ ghi nhận 45 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, cao gấp đôi tuần trước, và chưa ghi nhận ca tử vong nào vì bệnh này. Tính đến ngày 9/6, thế giới đã phát hiện khoảng 1.300 ca đậu mùa khỉ (không tính những nước coi đây là bệnh đặc hữu). Bệnh lây truyền qua tiếp xúc gần trong thời gian dài.
Mỹ đang cân nhắc tiêm phòng cho những người có tiếp xúc với ca bệnh để ngăn chặn bùng phát thành dịch. Hiện Mỹ có khoảng 100 triệu liều vaccine ACAM2000 nhưng cũng đang xúc tiến mua thêm các vaccine thế hệ mới như Jyneos. Theo Bộ Y tế Mỹ, vào cuối tháng 5, nước này có khoảng 1.000 liều vaccine thế hệ mới và đến nay đã có 72.000 liều. Khoảng 300.000 liều Jynneos sẽ được bàn giao đến Mỹ trong những tuần tới.
* Trong diễn biến liên quan, một quân nhân Mỹ đóng ở thành phố Stuttgart (Đức) được xác nhận là trường hợp quân nhân Mỹ đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Truyền thông địa phương dẫn lời phát ngôn Bộ Chỉ huy các lực lượng Mỹ ở châu Âu William Speaks xác nhận người lính mới đây có kết quả xét nghiệm dương tính với (virus) đậu mùa khỉ, đã được điều trị tại bệnh viện quân đội ở Stuttgart và hiện đang được cách ly tại một cơ sở ngoài căn cứ quân sự.
Người phát ngôn cũng cho biết giới chức y tế đánh giá rủi ro đối với người dân ở mức rất thấp. Để đề phòng, các nhân viên bệnh viện từng tiếp xúc với người lính cũng sẽ được kiểm tra. Trường hợp bệnh nhân ở Stuttgart nêu trên mắc virus thuộc chủng Tây Phi, nói chung ở thể nhẹ và khả năng lây truyền từ người sang người rất hạn chế.
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn thông báo của Viện Robert Koch (RKI) cho biết virus đậu mùa khỉ xuất hiện ở nước này vào tháng 5 và cho tới nay đã ghi nhận 131 trường hợp mắc bệnh ở 10 bang. Virus này thường chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ như sốt, nhức đầu, đau cơ và phát ban trên da. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong.
Trước đó ngày 9/6, Ủy ban Tiêm chủng thường trực của Đức (STIKO) đã khuyến nghị tiến hành tiêm chủng vaccine đậu mùa Imvanex (đã được cấp phép sử dụng ở châu Âu) cho các nhóm có nguy cơ. Hai nhóm có nguy cơ được STIKO khuyến nghị tiêm chủng gồm những trường hợp tiếp xúc với người nhiễm đậu mùa khỉ, chẳng hạn như qua tiếp xúc thân thể gần gũi, tiếp xúc trực tiếp kéo dài (trò chuyện) hoặc qua tiếp xúc với vật bị nhiễm bệnh (lĩnh vực y tế).
Nhóm thứ nhất này nên tiêm phòng trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh. Nhóm thứ hai là nhóm có nguy cơ phơi nhiễm cao, đó là những người đàn ông có quan hệ đồng tính với các đối tác khác nhau hoặc nhân viên trong các phòng thí nghiệm đặc biệt.
Do lượng vaccine còn hạn chế, giới chức y tế khuyến nghị nên tiêm chủ yếu cho những người thuộc đối tượng phải điều trị dự phòng sau khi phơi nhiễm (PEP). Về liều lượng, cần tiêm 2 liều cách nhau 28 ngày, trong khi những người đã tiêm phòng đậu mùa trước đây chỉ cần tiêm thêm một liều.
Thêm quốc gia châu Âu ghi nhận ca đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ Ngày 8/6, Cơ quan Y tế quốc gia Hy Lạp thông báo nước này đã ghi nhận ca đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở một du khách. Người này vừa trở về từ Bồ Đào Nha và hiện đang được điều trị tại bệnh viện. Bàn tay người mắc bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận tại các nước. Ảnh: Reuters/TTXVN Thông...