EU kêu gọi cần thận trọng hơn khi dỡ bỏ các hạn chế
Trong bối cảnh làn sóng thứ hai của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh cần thận trọng hơn trong việc dỡ bỏ các hạn chế.
Nhân viên phục vụ thực khách tại một nhà hàng ở Paris, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị trực tuyến của các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 19/11, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói: “Chúng ta phải nhìn nhận những bài học trong quá khứ và thận trọng khi dỡ bỏ các hạn chế”, đồng thời nhấn mạnh việc dỡ bỏ cần được tiến hành “dần từng bước một”
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Việc vội vàng dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa đã tác động xấu tới tình hình dịch tễ trong mùa hè và mùa thu. Chúng tôi sẽ đưa ra đề xuất về cách tiếp cận từng bước và có sự phối hợp để dỡ bỏ các biện pháp hạn chế”. Bà Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh điều quan trọng là phải tránh một làn sóng lây nhiễm mới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết chính phủ nước này có thể sẽ nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để cho phép các gia đình sum họp vào dịp Giáng sinh bởi hiện có những dấu hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh ổn định nhờ các biện pháp phòng bệnh đang được áp dụng. Ông Hancock cũng nói rằng ông đang làm việc với chính quyền các vùng Scotland, Wales và Bắc Ireland để vạch ra các nguyên tắc phòng dịch trên toàn quốc trong dịp Giáng sinh.
Lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt đang được áp đặt tại England trong 2 tuần, đến ngày 2/12 tới, nhưng giới chức Anh không loại trừ khả năng sẽ gia hạn các biện pháp này.
Video đang HOT
Hành khách tại sân bay Heathrow ở London, Anh. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Cùng ngày 20/11, chính quyền vùng Bắc Ireland của Anh cho biết các cửa hàng, quán rượu và nhà hàng tại đây sẽ tiếp tục đóng cửa trong 2 tuần đến ngày 11/12 tới để cắt đứt chuỗi lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Các cơ sở kinh doanh này lẽ ra được phép mở cửa trở lại vào ngày 20/11 khi các biện pháp hạn chế được áp đặt tại khu vực này hết hiệu lực sau 5 tuần. Các quán cà phê, tiệm cắt tóc và thẩm mỹ viện cũng được phép nối lại hoạt động cùng ngày, song sẽ phải đóng cửa trở lại từ ngày 27/11 tới. Bên cạnh đó, các cửa hàng bán lẻ mặt hàng không thiết yếu cũng sẽ tạm dừng hoạt động.
Người dân được khuyến cáo nên ở nhà hoặc làm việc tại nhà nếu có thể. Trong khi đó, các trường học trên toàn Bắc Ireland sẽ vẫn mở lại theo kế hoạch đã được chính quyền Belfast nhất trí vào tối 19/11.
Từ tối 20/11, các khu vực phía Tây và Trung Scotland sẽ bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế có hiệu lực trong 3 tuần đề phòng dịch. Theo đó, từ 18h GMT cùng ngày (1h giờ Việt Nam ngày 21/11), các cửa hàng không thiết yếu, khách sạn, phòng tập thể dục, thẩm mỹ viện, sẽ đóng cửa trong khi các trường học sẽ duy trì hoạt động.
Tại Phần Lan, Thị trưởng thủ đô Helsinki Jan Vapaavuori thông báo sẽ cấm các cuộc hội họp công cộng từ 20 người trở lên tại vùng Helsinki nhằm đối phó với số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng. Quyết định này sẽ có hiệu lực trong 3 tuần, bắt đầu từ ngày 23/11 tới.
Ông Vapaavuori cho biết thêm các bể bơi, phòng tập thể dục và nhiều địa điểm tập thể thao khác tại vùng thủ đô Helsinki sẽ duy trì mở cửa, nhưng vẫn cần áp dụng các quy định giãn cách xã hội. Trong khi đó, các môn thể thao tiếp xúc và môn thể thao đồng đội sẽ bị hạn chế.
Tỷ lệ mắc COVID-19 trên 100.000 dân trung bình trong 14 ngày tại Phần Lan hiện là 58 ca, mức thấp nhất ở châu Âu. Tuy nhiên, cơ quan y tế công cộng cho biết tỷ lệ này cao gần gấp đôi tại khu vực thủ đô, do đó nhà chức trách cần áp dụng những biện pháp hạn chế mới để phòng dịch.
AFP: Châu Âu trở thành tâm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19
Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp) dựa trên số liệu của các cơ quan y tế, châu Âu đã trở thành tâm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi ghi nhận số ca mắc bệnh cao nhất trên thế giới.
Tính đến 11h GMT (tức 18h giờ Việt Nam) ngày 5/11, tổng cộng 52 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Âu có 11,6 triệu ca mắc, trong đó có hơn 293.000 ca tử vong. Như vậy, châu Âu đã vượt cả khu vực Mỹ Latinh và Caribe với 11,4 triệu ca mắc, trong đó có 407.000 ca tử vong.
Cửa hàng tại Paris, Pháp, đóng cửa ngày 30/10/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN
Số ca mắc tại châu Âu tăng vọt trong những tuần gần đây sau khi dịch bệnh tạm lắng vào mùa Hè ở Bắc bán cầu. Kể từ đầu tháng 10, khu vực này ghi nhận số ca mắc mới hằng ngày cao nhất thế giới. Tuần trước, "lục địa già" công bố 277.000 ca mắc mới trong một ngày, chiếm hơn 50% tổng số 517.000 ca mắc/ngày trên toàn cầu. Tỷ lệ lây nhiễm tuần trước tại châu Âu cũng tăng hơn 20% so với tuần trước đó.
Những nước trong khu vực có số ca mắc mới cao nhất trong 7 ngày qua là Pháp (trung bình 44.000 ca/ngày, tăng 11% so với tuần trước đó), Italy (28.600 ca, tăng 43%), Anh (22.400 ca, tăng 2%), Tây Ban Nha (21.100 ca, tăng 13%) và Ba Lan (20.000 ca, tăng 46%). Xét về số ca tử vong, tình hình dịch bệnh tại châu Âu còn nghiêm trọng hơn. Số ca tử vong của khu vực này trong tuần qua tăng lên 21.500 ca từ 14.403 ca tuần trước đó, tức là tăng gần 50%.
Trả lời cuộc phỏng vấn của hãng AFP cùng ngày, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge cho biết số ca mắc COVID-19 tại châu Âu đang gia tăng với tốc độ nhanh khi chỉ mất vài ngày toàn châu lục đã ghi nhận thêm 1 triệu ca mắc. Bên cạnh đó, ông Kluge cảnh báo số ca tử vong do COVID-19 cũng đang tăng dần.
Cùng ngày 5/11, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 mới tính theo ngày tại Đức đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát hồi tháng 3 năm nay.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức ngày 30/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, các số liệu do viện RKI công bố cho thấy trong 24 giờ qua, cả nước Đức đã ghi nhận 19.990 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 596.583 người. Bên cạnh đó, số ca tử vong cũng tăng thêm 118 người sau 24 giờ lên 10.930 ca. Đây cũng là ngày thứ ba liên tiếp viện RKI ghi nhận hơn 100 ca tử vong do COVID-19 tại Đức.
Trong khi đó, Văn phòng thống kê liên bang cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cùng với việc Đức tái áp đặt biện pháp phong tỏa từng phần, bắt đầu có hiệu lực từ hôm 2/11, đã khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với một số mặt hàng vệ sinh và thực phẩm tăng cao trong nửa cuối tháng 10 vừa qua.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua nước khử trùng của người dân cũng tăng liên tục trong những tuần gần đây. Cụ thể trong tuần cuối cùng của tháng 10, doanh số bán nước khử trùng tại Đức đã tăng 104% so với mức trước khủng hoảng dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn nhiều so với đợt phong tỏa đầu tiên khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 3 với doanh số có lúc tăng gần 8 lần so với trước khủng hoảng. Ngoài ra, người dân Đức cũng đang có xu hướng tích trữ nhiều nguyên liệu làm bánh khi doanh số bán bột mì, men và đường tăng lần lượt 101%, 74% và 63% so với mức trước khi dịch bệnh bùng phát.
Trong khi đó, giới chức y tế Hà Lan cho biết số ca mắc mới trong ngày tại nước này đã giảm xuống dưới 7.000 ca cùng ngày 5/11. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ ngày 12/10. Cụ thể, Hà Lan ghi nhận thêm 6.965 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 390.488 ca với 7.769 ca tử vong. Số ca nhiễm mới tại quốc gia Tây Bắc châu Âu đang giảm kể từ khi đạt đỉnh hơn 11.000 ca vào cuối tuần qua.
Nga dọa đáp trả EU do lệnh trừng phạt về vụ Navalny Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chizhov cảnh báo Moskva sẽ đáp trả xứng đáng lệnh trừng phạt của châu Âu về vụ Navalny và có thể nhắm vào Đức, Pháp. "Không nghi ngờ gì nữa, các biện pháp đáp trả tương ứng sẽ được thực hiện. Vì các lệnh trừng phạt được đưa ra mang tính cá nhân, nên phản ứng đáp...