EU hướng đến các quốc gia châu Phi để ngăn chặn người nhập cư
Ngày 18/10, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý tiếp tục theo đuổi hợp tác với các quốc gia ở Bắc Phi và tăng cường biên giới bên ngoài của khối để ngăn chặn một số lượng lớn người nhập cư vào châu Âu.
Tàu chở người di cư vừa được cứu ở ngoài khơi Libya, trên Địa Trung Hải. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với các quốc gia quê hương của người di cư hoặc nơi họ đi qua. EU sẽ tăng cường hợp tác với các nước này để điều tra, bắt giữ và truy tố những kẻ buôn lậu và buôn người, đưa người tị nạn và người di cư kinh tế vào những hành trình nguy hiểm qua đường bộ và đường biển.
Năm 2015, hơn 1 triệu người di cư đến châu Âu, hầu hết trong đó là người Syria và Iraq chạy trốn các cuộc xung đột trên quê hương mình. Số người đi cư giảm đáng kể từ sau khi EU đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn làn sóng này. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được viện trợ 3 tỷ euro (3,4 tỷ USD) để đổi lấy nỗ lực ngăn chặn người di cư vào châu Âu.
Các nhà lãnh đạo EU cũng kêu gọi cải thiện giám sát biên giới bên ngoài, tuy nhiên không đi vào chi tiết. Một nguyên nhân để EU tìm kiếm những giải pháp bên ngoài là do một số nước thành viên từ chối chấp nhận hạn ngạch phân bổ người tị nạn hoặc chia sẻ công việc tiếp đón những người mới đến, phần lớn trong số họ đến qua một số quốc gia Nam Âu.
Các nước Địa Trung Hải như Hy Lạp, Italy và gần đây là Tây Ban Nha đã phàn nàn họ bị “bỏ rơi” và phải tự quản lý làn sóng người di cư. Căng thẳng trong cách quản lý người di cư đến châu Âu đã tạo thuận lợi cho các đảng cực hữu tại châu Âu.
EU đang nhắm đến Ai Cập cho một giải pháp hướng đến châu Phi. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi và ca ngợi nước này đã ngăn chặn những người rời khỏi bờ biển Ai Cập để sang châu Âu.
Video đang HOT
Mục đích là để lính biên phòng Ai Cập tuần tra bảo vệ ngoài khơi Libya – điểm bắt đầu cho các cuộc di cư qua biển Địa Trung Hải để đến được Italy và để gửi trả lại người di cư về quê hương họ.
Kim Chung
Theo TTXVN
Bên trong trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép ở Mỹ
Phóng viên Báo Guardian (Người bảo vệ) của Anh đã cung cấp một cái nhìn hiếm hoi bên trong trung tâm giam giữ người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ, qua đó cho thấy sự đau khổ của các gia đình bị giam giữ vô thời hạn.
Nhiều cặp cha con bị giam giữ vô thời hạn, không biết bao giờ mới được ra ngoài
Giam giữ vô thời hạn
Jorge Jr, 8 tuổi thu mình lại. Cậu không buồn ngẩng đầu lên khỏi chiếc bàn trong phần lớn thời gian chuyến thăm kéo dài một giờ tại trung tâm giam giữ người nhập cư. "Nó sụt mất 1,8kg kể từ khi chúng tôi đến đây. Chuyên gia tâm lý hỏi tôi có muốn cho con trai uống thuốc không. Tôi nói với họ rằng thuốc tốt nhất là sự tự do. Tất cả những gì chúng tôi cần là tự do", ông Jorge, cha của cậu bé Jorge Jr, chia sẻ.
Sau khi vượt biên trái phép qua Rio Grande vào phía nam bang Texas, hai cha con Jorge bị Lực lượng Tuần tra biên giới Mỹ bắt giữ và cách ly. Trong khi Jorge Jr bị đưa tới một nơi ở tạm trong 1 tháng thì cha cậu đối mặt với truy tố hình sự vì nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ. Mặc dù bây giờ cha con họ đã đoàn tụ, nhưng cũng giống như hàng nghìn người khác, họ phải đối mặt với ác mộng mới: giam giữ vô thời hạn.
Phóng viên Báo Guardian đã gặp gỡ 3 cặp cha con tại Trung tâm giam giữ Karnes, cách San Antonio khoảng 1 giờ xe chạy về phía đông nam, hồi đầu tháng 9. Họ bao gồm cha con Jorge và Jorge Jr; cha con Franklin và Franklin Jr, đều là người Honduras, cũng như Elmer và con trai Heyler người Guatemala. Họ nằm trong số 800 "cư dân" tại trung tâm này, nơi hầu hết trẻ em bị giam giữ lâu hơn nhiều so với thời gian luật pháp cho phép là 20 ngày.
"Tất cả chúng tôi đều bị bắt giữ cùng với các con trai và không biết khi nào chúng tôi được ra ngoài. Tôi đã ở đây với Franklin Jr trong 53 ngày. Tôi đếm từng ngày", ông Franklin nói. Cả ba gia đình này đều trốn chạy khỏi quê nhà vì sợ hãi và xin tị nạn chính trị khi họ bị đưa vào trại giam dành cho người nhập cư bất hợp pháp.
Trong thời gian bị cách ly khỏi con trai, các ông bố này đã không vượt qua được cuộc phỏng vấn cần thiết để xin tị nạn tại Mỹ. "Bán ma túy hoặc bị giết, vì vậy tôi quyết định rời khỏi Honduras", Franklin kể, đề cập đến các mối đe dọa đối với con trai ông từ các băng đảng tội phạm gần Thủ đô Tegucigalpa.
Trong khi đó, Jorge rời khỏi khu vực Olancho của Honduras cũng với những lý do tương tự. Còn Elmer thì cho biết, ông bị một băng đảng ở Guatemala tống tiền và đe dọa sát hại. Băng đảng này đã giết chết em rể ông tại thị trấn quê nhà El Chal ở vùng Petén của Guatemala.
Theo Elmer, trong 1 tháng kể từ khi bị Lực lượng Tuần tra biên giới Mỹ bắt giữ, ông không trò chuyện với con trai, thậm chí không biết con trai bị đưa đi đâu.
"Chúng tôi sẽ chết vì buồn chán ở đây"
Bây giờ cha con họ đã được đoàn tụ, nhưng những đứa trẻ lại phải đối mặt với sự gò bó trong trung tâm giam giữ. Franklin Jr muốn được ra bên ngoài chơi với ngựa. Ở Honduras, cậu thường xem cha mình huấn luyện ngựa cho các cuộc thi. Heyler mô tả "trường học" trong trung tâm giam giữ chỉ là chơi hoặc xem tivi.
"Chúng cháu không học được gì cả", cậu bé nói. Tiếp đến là vấn đề khó ngủ. Mặc dù mỗi gia đình đều có phòng riêng, nhưng các ông bố nói rằng các quản giáo kiểm tra giường mỗi 30 phút vào ban đêm, gõ cửa và đánh thức họ dậy. Việc sụt cân của Jorge Jr đã thu hút sự chú ý của nhân viên Karnes và khiến cha cậu bé lo lắng. "Nếu con trai không ăn họ cáo buộc tôi là người cha tồi và đe dọa sẽ cách ly khỏi tôi", Jorge nói.
Những tưởng các thành viên trong gia đình sẽ không bị cách ly nữa, nhưng ngày 15-8 vừa qua, Elmer và Jorge lại bị cú sốc tinh thần khi các nhân viên Lực lượng Tuần tra biên giới Mỹ cách ly họ và 14 ông bố khác khỏi các con trai, đưa họ tới một cơ sở giam giữ cách Karnes khoảng 2 giờ xe chạy. "Nó xảy ra vào lúc 14h chiều, trong khi con trai tôi ở trường. Chúng tôi đã bị giam cầm và tất cả chúng tôi đều khóc", Jorge chia sẻ. Sau 28 giờ, những ông bố này được đưa trở lại Karnes và đoàn tụ với con trai của họ.
Một phát ngôn viên Lực lượng Tuần tra biên giới Mỹ nói rằng, hành động này nhằm phản ứng trước "sự gây rối" liên quan đến khoảng 40 người đàn ông, không ai bị thương trong vụ việc. "Bọn trẻ buồn vì chúng không nghĩ rằng sẽ được gặp lại chúng tôi. Chúng tôi cũng buồn, vì lý do tương tự", Jorge nói.
Bây giờ, nếu những người đàn ông bị phát hiện nói chuyện trong nhóm từ 3 người trở lên, các quản ngục sẽ tách họ ra. Sau nhiều tháng sau song sắt, những người cha này đang mất dần hy vọng. Họ vẫn muốn được ở lại Mỹ, nhưng hy vọng được trả tự do. "Chúng tôi không muốn ở đây thêm nữa. Chúng tôi sẽ chết vì buồn chán ở đây", Jorge nói, và không biết rằng liệu mình sẽ được tị nạn hay bị trục xuất về nước.
"Tất cả chúng tôi đều bị bắt giữ cùng với các con trai và không biết khi nào chúng tôi được ra ngoài. Tôi đã ở đây với Franklin Jr trong 53 ngày. Tôi đếm từng ngày".
Ông Franklin (cha của Franklin Jr)
Theo anninhthudo
Số người chết vì vụ lật xe chở người di cư ở Thổ Nhĩ Kỳ tăng lên 19 Hãng tin chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ít nhất 19 người di cư đã thiệt mạng trong một tai nạn giao thông, trong đó có trẻ em. Hãng tin Anadolu cho biết vụ tai nạn xảy ra khi một chiếc xe tải chở người di cư đi trên đường cao tốc bị mất lái đâm vào dải phân cách và...