EU dự kiến nhận đủ sự ủng hộ để áp thuế xe điện Trung Quốc
Các nguồn thạo tin mới đây cho hay Pháp, Hy Lạp, Italy và Ba Lan ngày 4/10 sẽ bỏ phiếu ủng hộ mức thuế lên tới 45% đối với xe điện nhập khẩu (EV) được sản xuất tại Trung Quốc.
Sự ủng hộ này đủ để Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy những biện pháp thương mại cấp cao nhất, dù có thể đối mặt với các biện pháp thương mại đáp trả từ Trung Quốc.
Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 10/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành EU đã đưa đề xuất về mức thuế cuối cùng để 27 quốc gia thành viên dự kiến bỏ phiếu vào thứ Sáu tuần này.
Hiện vẫn chưa rõ Đức – nền kinh tế hàng đầu và là nhà sản xuất ô tô lớn của khu vực – sẽ bỏ phiếu ra sao.
Theo các quy định của EU, EC có thể áp thuế trong 5 năm tới trừ khi đa số hợp pháp trong 15 quốc gia đại diện cho 65% tổng dân số EU bỏ phiếu chống lại kế hoạch này.
Tổng cộng, Pháp, Hy Lạp, Italy và Ba Lan đại diện cho 39% dân số của khối. EC có thể thúc đẩy biện pháp thuế quan chỉ với sự hỗ trợ của bốn quốc gia trên. Tuy nhiên, cơ quan điều hành EU có thể đệ trình một đề xuất sửa đổi nếu muốn đảm bảo nhận được nhiều ủng hộ hơn.
EC cho biết họ sẵn sàng tiếp tục đàm phán một giải pháp thay thế cho biện pháp thuế và có thể xem xét lại cam kết bao gồm giá nhập khẩu tối thiểu và giới hạn nhập khẩu. Trước đó, cơ quan này đã từ chối các cam kết do các công ty Trung Quốc đưa ra.
Một nguồn tin thân cận cho biết một lựa chọn đang được đàm phán là xác định mức giá nhập khẩu tối thiểu dựa trên các tiêu chí như phạm vi hoạt động, hiệu suất pin và chiều dài của xe điện, cùng với việc xe đó là xe hai bánh hay bốn bánh. Giải pháp khác là các nhà sản xuất EV Trung Quốc cần cam kết đầu tư vào EU.
Nếu EU chính thức áp thuế, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ phải quyết định xem có nên chịu thuế hay tăng giá để trang trải hàng tỷ USD chi phí phát sinh khi nhập khẩu vào châu Âu giữa lúc nhu cầu trong nước đang giảm. Viễn cảnh về khả năng chịu thuế đã thúc đẩy một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tìm cách đầu tư vào các nhà máy ở châu Âu, mặc dù chi phí lao động và sản xuất cao hơn.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết EU cần tự bảo vệ mình trước làn sóng xe điện giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Bà chính là người đã khởi xướng cuộc điều tra từ một năm trước đối với những xe điện này dựa trên cáo buộc chúng được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp từ nhà nước.
EC cho biết số lượng xe điện do Trung Quốc sản xuất đăng ký tại thị trường châu Âu đã tăng từ 3,5% vào năm 2020 lên 27,2% vào quý II/2024. Ngày 1/10, EC cho biết năng lực sản xuất dự phòng của Trung Quốc là 3 triệu xe điện mỗi năm – gấp đôi quy mô thị trường EU.
Ngành công nghiệp ô tô EU nói chung phản đối việc áp thuế nêu trên. Đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô Đức, khi gần 1/3 doanh số bán của họ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trong những động thái được coi là đáp trả cuộc điều tra của Brussels về vấn đề thuế xe điện, phía Trung Quốc đã tự tiến hành các cuộc điều tra đối với việc nhập khẩu rượu mạnh, sữa và những sản phẩm từ thịt lợn của EU.
EU 'chia rẽ' về việc áp thuế xe điện Trung Quốc
Đến cuối tháng 10, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về cái mà nhiều nhà phân tích gọi là biện pháp thương mại lớn nhất đối với Trung Quốc trong hơn một thập kỷ.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô và quốc gia EU vẫn chưa thống nhất về việc có nên áp mức thuế lên đến 36,3% đối với xe điện Trung Quốc hay không.
Ô tô điện Voyah được sản xuất tại nhà máy ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Hiệp hội thương mại ô tô Đức cho rằng việc áp thuế sẽ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất ô tô Đức, những công ty có sự hiện diện đáng kể tại thị trường Trung Quốc. Đức hiện có thặng dư thương mại ô tô lớn với Trung Quốc. Trong khi đó, các hãng xe Italy và Pháp hầu như không có sự hiện diện tại quốc gia châu Á này.
Trung Quốc đã xuất khẩu ô tô sang nhiều quốc gia trên thế giới. Cả những người ủng hộ áp thuế lẫn các nhà phân tích thương mại đều chỉ ra rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với các nhà sản xuất trong nước là lý do để áp đặt thuế.
Theo nhà phân tích Felipe Muoz của công ty dữ liệu JATO Dynamics, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể sản xuất một chiếc xe với giá khoảng 5.500 USD, trong khi chi phí của các nhà sản xuất ô tô châu Âu lên tới gần 20.000 USD.
Ông Muoz cho rằng lợi thế về chi phí này một phần là nhờ các khoản trợ cấp từ chính phủ. Bên cạnh đó, quy mô kinh tế lớn hơn, với chi phí lao động thấp hơn cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất. Hơn nữa, đối với xe điện, Trung Quốc đã đảm bảo được chuỗi cung ứng pin, điều mà phần còn lại của thế giới chưa làm được.
Trung Quốc đã tái đề xuất đàm phán với Ủy ban châu Âu (EC) để giải quyết bất đồng về kinh tế và thương mại, nhằm giảm các mức thuế sắp tới Liên minh châu Âu (EU) áp dụng đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc.
Trong cuộc họp với quan chức cấp cao về thương mại của EC ngày 9/9, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Li Fei cho biết, Trung Quốc sẵn sàng tham gia đối thoại và tham vấn.
Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh vấn đề trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc khá "phức tạp" và đặt ra nhiều thách thức lớn để đạt được thỏa thuận. Theo Bộ này, Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với phía EU để đạt được một giải pháp phù hợp với lợi ích chung và tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và EU.
Các hãng xe điện Trung Quốc để mắt đến thị trường Đông Nam Á Chịu hạn chế bởi thuế quan ở châu Âu và Mỹ, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang sẵn sàng thâm nhập sâu hơn vào Đông Nam Á, nơi giá trị thị trường cho ô tô thân thiện môi trường đang lên tới 100 tỷ USD. Mẫu xe điện của BYD tại triển lãm ô tô ở tỉnh Quảng Đông, Trung...