EU đòi AstraZeneca bồi thường hàng tỷ euro vi phạm hợp đồng
Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu AstraZeneca bồi thường thiệt hại lên tới hàng tỷ euro nếu công ty này không tăng lượng cung vaccine ngừa COVID-19 vào tháng tới.
Trụ sở hãng dược AstraZeneca tại Macclesfield, Cheshire, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Luật sư của EU, ông Rafael Jafferali, ngày 26/5 tuyên bố tại một tòa án ở Brussels rằng Ủy ban châu Âu (EC) muốn AstraZeneca phải trả mức phạt 10 euro/liều/ngày nếu hãng này không cung cấp cho EU 20 triệu liều vaccine bổ sung vào cuối tháng 6. Ngoài ra, AstraZeneca phải bồi thường thêm ít nhất 10 triệu euro mỗi lần vi phạm hợp đồng. Ông nhấn mạnh công ty “thậm chí không cố gắng tôn trọng hợp đồng” với EU.
Yêu cầu bồi thường này là một phần trong vụ kiện của EC nhằm buộc AstraZeneca phải cung cấp 90 triệu liều vaccine trong quý 2 năm nay thay vì 70 triệu liều theo kế hoạch hiện tại. Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến giữa EU và AstraZeneca xung quanh việc chậm thực hiện hợp đồng cung cấp 300 triệu liều vaccine giữa hai bên.
Trong đơn kiện, EU cho biết AstraZeneca phải giao thêm 90 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trước tháng 7, song hãng dược phẩm này không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng, khi chỉ giao 1/4 tổng số liều đã cam kết chuyển giao trong quý đầu tiên của năm 2021. EU đặt thời hạn chót việc thực hiện hợp đồng này là vào giữa tháng 6 và nếu không đáp ứng được thời hạn trên, AstraZeneca sẽ phải đối mặt với các án phạt tài chính
Video đang HOT
EU cũng cho rằng AstraZeneca lẽ ra phải bù đắp việc thiếu nguồn cung bằng cách sử dụng 50 triệu liều vaccine từ các cơ sở sản xuất khác. Gần 40 triệu liều vaccine cúa AstraZeneca hiện được sản xuất tại Anh và phần lớn phần còn lại được sản xuất tại Mỹ.
EU cũng tỏ ra không hài lòng vì AstraZeneca có thể thực hiện tốt hợp đồng với Anh, song giám đốc điều hành AstraZeneca Pascal Soriot nói rằng hợp đồng ban đầu giữa chính phủ Anh và đại học Oxford- trước khi AstraZeneca trở thành đối tác, bao gồm quyền tiếp cận ưu tiên đối với vaccine được sản xuất tại các cơ sở tại Anh. AstraZeneca cũng khẳng định đã làm mọi cách để mở rộng quy mô sản xuất và nỗ lực hết sức để hoàn thành tiến độ giao hàng cho EU theo hợp đồng.
Việc có thêm 20 triệu liều bổ sung từ AstraZeneca sẽ không tạo ra nhiều khác biệt trong chương trình tiêm chủng đang tăng tốc của EU, song sẽ là bước đệm để khối này hoàn thành mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số trưởng thành (khoảng 255 triệu người) vào tháng 7. Các quan chức EU cho rằng các liều vaccine AstraZeneca bổ sung có thể đến từ Mỹ, nơi vaccine này vẫn chưa được chấp thuận sử dụng, hoặc từ một địa điểm sản xuất quốc tế khác như Trung Quốc.
Tòa án Bỉ dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện vào tháng tới.
AstraZeneca hiện vẫn là nhà cung cấp vaccine lớn thứ hai của EU sau BioNTech/Pfizer. Không giống các công ty đối thủ, AstraZeneca cung cấp vaccine trên cơ sở phi lợi nhuận trong suốt thời gian diễn ra đại dịch.
Indonesia tiếp nhận thêm 8 triệu liều vaccine Sinovac
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 25/5, Indonesia đã tiếp nhận thêm 8 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 dưới dạng nguyên liệu thô của hãng Sinovac (Trung Quốc).
Đây là lô vaccine ngừa COVID-19 thứ 13 mà quốc gia này nhận được từ các nhà cung cấp nước ngoài.
Vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac. Ảnh: AFP/TTXVN
Lô vaccine này được chuyển từ Trung Quốc đến Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta bằng máy bay của hãng hàng không quốc gia Garuda, trước khi được vận chuyển đến nhà kho của công ty Bio Farma ở huyện Bandung.
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế kiêm Chủ tịch Ủy ban Xử lý COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia của Indonesia (KPC-PEN) Airlangga Hartarto cho biết tính đến nay Indonesia đã tiếp nhận 83,9 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 76 triệu liều vaccine Sinovac, 6,41 triệu liều vaccine AstraZeneca và 1 triệu liều vaccine Sinopharm.
Trước đó, ngày 20/5, hãng dược quốc doanh PT Bio Farma cho biết đang đàm phán với công ty dược phẩm Sinovac để mua thêm 120 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Theo Bio Farma, cơ quan duy nhất được Chính phủ Indonesia cấp phép nhập khẩu và phân phối vaccine ngừa COVID-19, số vaccine nói trên nằm ngoài hợp đồng mua 140 triệu liều mà hai bên đã thống nhất. Bio Farma cũng sẽ mua 50 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ hãng dược CanSino của Trung Quốc cho chương trình tiêm chủng tư nhân mang tên "Gotong Royong (Hợp tác cùng nhau)". Theo kế hoạch, lô vaccine đầu tiên với 3 triệu liều sẽ được chuyển tới Indonesia trong khoảng thời gian từ tháng 7-9, và thêm 2 triệu liều vào quý IV năm nay. Ngoài Sinovac và CanSino, Bio Farma cũng đã mua 7,5 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc cho chương trình tiêm chủng Gotong Royong. Trong số đó, khoảng 500.000 liều sẽ được bàn giao vào tháng 6 tới.
Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 181,5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 dân số vào tháng 3/2022. Sau khi triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí vào ngày 13/1, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đã khởi động chương trình tiêm chủng Gotong Royong vào ngày 18/5 vừa qua với mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người vào tháng 8 hoặc tháng 9 tới.
* Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ đề nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm (Trung Quốc) cho các công dân Trung Quốc đang ở khu vực Trung Đông.
Đầu tuần này, hãng thông tấn WAM của UAE cho biết công dân Trung Quốc từ 16 tuổi trở lên có visa ngắn hạn có thể được tiêm 2 mũi vaccine Sinopharm ở Dubai theo thỏa thuận giữa hai nước về triển khai các điểm tiêm phòng COVID-19 cho công dân Trung Quốc trong khu vực.
UAE đã bắt đầu sản xuất vaccine Sinopharm theo một liên doanh giữa doanh nghiệp Group 42 của UAE và CNBG - công ty con của hãng Sinopharm. UAE đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 73% dân số của nước này. Ngày 24/5, UAE ghi nhận thêm 1.512 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 557.610 ca, trong đó có 1.654 ca tử vong.
Các nhà lãnh đạo EU hoan nghênh chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 25/5 ở Brussels (Bỉ), các đại biểu tham dự đã hoan nghênh sự ra đời và ứng dụng chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 trong toàn khối, đồng thời cho rằng kế hoạch này sẽ giúp phục hồi ngành du lịch ngay trong mùa hè...