EU điều chỉnh chiến lược tiêm phòng sau sự cố với vaccine Johnson & Johnson
Ngày 14/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ thúc đẩy việc bàn giao vaccine của Pfizer/ BioNtech để bù vào lượng vaccine của Johnson & Johnson (J&J) bị hoãn bàn giao.
Động thái này cũng nhằm đảm bảo những nhu cầu vaccine trong dài hạn nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 đang có nhiều biến thể.
Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong thông báo mới trên truyền hình, bà von der Leyen cho biết BioNTech/Pfizer đang đẩy nhanh việc bàn giao 50 triệu liều vaccine cho EU trong quý II/2021, bắt đầu từ tháng 4 này, thay vì vào quý IV năm nay như kế hoạch ban đầu.
Video đang HOT
Như vậy, tổng số liều vaccine của BioNTech/Pfizer được bàn giao cho châu Âu trong tháng 4, 5 và 6 sẽ là 250 triệu liều, đáp ứng hơn 50% tổng số liều dự kiến tiêm trong quý này. EU cũng đang đàm phán với BioNTech/Pfizer để mua 1,8 tỷ liều vaccine mRNA thế hệ 2, bàn giao trong năm 2022 và 2023.
Về sự cố với vaccine của J&J, chủ tịch EC cho biết dựa trên thông báo của J&J thì còn rất nhiều yếu tố có thể cản trở các kế hoạch bàn giao vaccine của hãng này. Một ngày trước đó, J&J thông báo quyết định hoãn bàn giao vaccine tới châu Âu trong khi chờ giới chức Mỹ điều tra các trường hợp mắc chứng đông máu nghi liên quan vaccine của hãng này. Qua đó, bà von der Leyen cho rằng cần phải hành động nhanh chóng, dự báo và điều chỉnh chiến lược bất kỳ lúc nào có thể.
Tới nay, EU đã tiêm được 100 triệu liều vaccine, với 27 triệu người được tiêm đủ 2 mũi. Tốc độ triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 của EU trong quý I bị cho là quá chậm chạp, chủ yếu do thiếu nguồn cung, đặc biệt là hãng AstraZeneca mới chỉ bàn giao chưa đến 25% trong tổng số 120 triệu liều cam kết trong quý I.
Quyết định mới của J&J tiếp tục gây ra thách thức mới cho chương trình tiêm phòng COVID-19 tại EU, vốn coi vaccine của AstraZeneca và J&J là những công cụ chính vì có giá thành rẻ và điều kiện bảo quản không quá khắt khe.
Giới chức Mỹ quyết định tạm dừng tiêm vaccine của J&J trong vài ngày sau khi ghi nhận 6 ca đông máu sau tiêm vaccine của hãng này, đều là phụ nữ dưới 50 tuổi. Vaccine của J&J đã được bàn giao cho một số nước châu Âu và các nước hiện cũng có những cách xử lý khác nhau. Trong khi Bỉ và Pháp cho biết vẫn sẽ triển khai tiêm vaccine của J&J theo dự kiến thì Hy Lạp, Italy và Thụy Điển lại tạm hoãn sử dụng vaccine J&J trong thời gian chờ đợi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ra hướng dẫn về việc tiêm vaccine này.
Trong thông báo mới nhất của mình ngày 14/4, EMA cho biết cơ quan này sẽ đưa ra khuyến nghị về việc sử dụng vaccine của J&J trong tuần tới. Tuy nhiên, EMA nhấn mạnh tin tưởng rằng những lợi ích mà vaccine của J&J mang lại vượt trội so với những tác dụng phụ. EMA cũng cho biết J&J đang liên hệ với giới chức các quốc gia đã tiếp nhận vaccine của hãng để hướng dẫn bảo quản trong thời gian chờ đợi ủy ban an toàn đưa ra những khuyến nghị mới. Công ty phân tích Airfinity cho rằng việc hoãn bàn giao J&J có thể khiến kế hoạch thực hiện mục tiêu tiêm phòng cho hầu hết người dân EU bị chậm lại 2 tháng, tức là kéo dài tới tháng 12/2021.
Hồi đầu tháng này, EMA cũng cho biết đã phát hiện vaccine của AstraZeneca có khả năng liên quan chứng đông máu hiếm gặp. Dù EMA vẫn tin tưởng vaccine của AstraZeneca mang lại lợi ích vượt trội so với tác dụng phụ nhưng một số quốc gia thành viên đã giới hạn việc sử dụng vaccine này trong một số nhóm tuổi nhất định. Mới nhất, ngày 14/4, Đan Mạch trở thành nước thành viên EU đầu tiên tuyên bố ngừng sử dụng loại vaccine này. Cơ quan Y tế Đan Mạch dẫn các điều tra mà cơ quan này thực hiện chỉ ra tỷ lệ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca là 1/40.000.
Australia có thể không đạt mục tiêm chủng ngừa vào tháng 10 tới
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 11/4 thừa nhận có thể không đạt được mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho tất cả người dân vào tháng 10 tới mà chính phủ đặt ra do các chậm trễ trong việc nhập khẩu và những lo ngại mới về tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Hãng Pfizer/BioNTech tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, ông Morrison khẳng định mong muốn của chính phủ là hoàn thành việc tiêm chủng liều đầu tiên cho tất cả người dân trước cuối năm nay, nhưng sẽ không đặt ra mốc thời gian cụ thể do còn có nhiều yếu tố không chắc chắn.
Trước đó, ngày 9/4, giới chức Australia đã khuyến cáo chưa nên tiêm vaccine AstraZeneca cho những người dưới 50 tuổi, trong bối cảnh trên thế giới đã xuất hiện một số trường hợp bị chứng đông máu sau khi tiêm chủng.
Ngày 12/4, Chủ tịch Hội đồng Y tế Australia, Giáo sư Paul Kelly cho biết khuyến cáo trên khiến chính phủ phải điều chỉnh lại cách thức triển khai tiêm chủng, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng đến lịch trình tiêm chủng các nhóm đối tượng ưu tiên, trừ những người dưới 50 tuổi là các nhân viên y tế và chăm sóc người cao tuổi.
Ông Kelly khẳng định Australia đã bảo đảm được nguồn cung vaccine của hãng Pfizer và AstraZeneca, với tổng số 170 triệu liều, không chỉ đủ cho tất cả người dân trong nước mà còn cho cả các nước láng giềng Thái Bình Dương. Về 20 triệu liều vaccine của Pfizer vừa được đặt mua bổ sung, ông Kelly cho biết dù nguồn cung từ nước ngoài luôn không chắc chắn, ông hy vọng Australia sẽ nhận được lượng vaccine này vào cuối năm nay.
Thế giới ghi nhận 135,4 triệu ca mắc, 2,9 triệu ca tử vong do COVID-19 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 10/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 135.469.762 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.931.870 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 109.006.457 người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 574.840 ca tử vong trong tổng...