EU chính thức ‘bật đèn xanh’ đối với cải cách thị trường carbon
Ngày 25/4, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua lần cuối các biện pháp cải cách lớn nhất đối với thị trường carbon của châu lục.
Một nhà máy điện than tại Garzweiler, Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo quy định của thị trường carbon châu Âu, các nhà máy điện và nhà máy công nghiệp phải mua giấy phép phát thải CO2. Kể từ năm 2005, các lĩnh vực này đã giảm được 43% lượng khí thải, nhưng dự kiến sẽ phải thực hiện chương trình cải cách để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đầy tham vọng của EU về chống biến đổi khí hậu.
Các nước thành viên EU đã thông qua thỏa thuận mà Nghị viện châu Âu (EP) và các nhà đàm phán của các quốc gia thành viên nhất trí vào năm ngoái, nhằm cải cách thị trường carbon để đến năm 2030, lượng khí thải CO2 sẽ giảm 62% so với mức của năm 2005. Sau gần 2 năm đàm phán, EP đã thông qua thỏa thuận này vào tuần trước. Trong số 27 nước thành viên EU, có 24 nước ủng hộ cải cách, trong khi phía Ba Lan cho rằng các chính sách khí hậu của EU đang đặt ra các mục tiêu không thực tế.
Video đang HOT
Theo quy định mới, đến năm 2034, các nhà máy sẽ không được cấp giấy phép phát thải CO2 miễn phí như hiện nay, trong khi biện pháp này áp dụng với các hãng hàng hàng không từ năm 2026. Khí thải của ngành vận tải biển sẽ được bổ sung vào thị trường CO2 từ năm 2024.
Bên cạnh đó, các nước EU cũng thông qua việc áp đặt thuế nhập khẩu các hàng hóa có khí thải carbon cao từ năm 2026 gồm thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và hydro. Loại thuế lần đầu tiên được áp đặt trên thế giới này nhằm bảo vệ ngành công nghiệp của EU trước sự cạnh tranh của những công ty nước ngoài gây ô nhiễm hơn, cũng như hạn chế các công ty EU chuyển đến những khu vực có quy định môi trường lỏng lẻo.
Ngoài ra, các nước EU cũng ủng hộ kế hoạch ra mắt thị trường carbon mới có tính đến khí thải từ nhiên liệu được sử dụng trong ô tô và các tòa nhà vào năm 2027, cùng với một quỹ của EU có trị giá 86,7 tỷ euro (95,6 tỷ USD) để hỗ trợ người tiêu dùng bị ảnh hưởng do chi phí tăng.
Những năm gần đây, giá giấy phép phát thải carbon của EU đã tăng vọt trước khả năng EU sẽ tiến hành nhiều cải cách. Điều này khiến những công ty gây ô nhiễm phải trả chi phí nhiều hơn, nhưng giúp huy động hàng tỷ euro cho chính phủ các nước EU để đầu tư vào các biện pháp chống biến đổi khí hậu. Ngày 25/4, giấy phép phát thải carbon của EU được giao dịch ở mức khoảng 88 euro/tấn (97 USD/tấn), tăng gần gấp 3 lần về giá trị kể từ đầu năm 2020.
EU đạt thỏa thuận quan trọng về thị trường carbon
Các nhà đàm phán Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/12 đã đạt được thỏa thuận về việc cải cách thị trường carbon của khối, vốn là công cụ chính sách chủ chốt của EU trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Một nhà máy điện than tại Garzweiler, Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố, Bộ trưởng Môi trường CH Séc (nước đang là Chủ tịch luân phiên EU), ông Marian Jurecka nhấn mạnh thỏa thuận sẽ cho phép EU đáp ứng các mục tiêu về khí hậu trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, đồng thời đảm bảo hỗ trợ hiệu quả cho người lao động và doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương nhất.
EU đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 55% lượng khí thải so mức ghi nhận năm 1990, đóng góp đáng kể cho nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu này, thị trường carbon của EU cần được cải cách để cắt giảm khí thải nhanh hơn, yêu cầu khoảng 10.000 nhà máy điện và nhà máy công nghiệp mua giấy phép phát thải CO2.
Các nhà đàm phán bất đồng về thời điểm chấm dứt cấp giấy phép phát thải CO2 miễn phí mà EU dành cho các ngành công nghiệp của khối để bảo vệ họ trước sự cạnh tranh của các nước ngoài khối. Số lượng những giấy phép này sẽ giảm xuống khi EU áp thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu - biện pháp được đưa ra để bảo vệ các công ty của EU trước các đối thủ ngoài khối.
Trong một thông báo, Hội đồng châu Âu cho biết sau 30 giờ đàm phán, bắt đầu từ ngày 16/12, các nhà đàm phán đã nhất trí nâng mục tiêu cắt giảm khí thải ở các ngành trong Hệ thống Thương mại khí thải châu Âu lên tổng cộng 62% vào năm 2030. Họ cũng quyết định điều chỉnh tổng mức trần phát thải trong 2 năm tới lần lượt là 90 và 27 triệu tín chỉ carbon, đồng thời mức trần này giảm 4,3%/năm từ năm 2024 - 2027 và 4,4% từ năm 2028 - 2030. Một quỹ xã hội vì khí hậu sẽ được lập để hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và những người lái xe dễ bị tổn thương nhất đối phó với tác động của thị trường mua bán phát thải của EU.
Thỏa thuận trên vẫn cần được Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu chính thức thông qua.
EU huy động thêm 20 tỷ euro cho kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga Theo một thỏa thuận chính trị đạt được ngày 14/12, Liên minh châu Âu (EU) sẽ huy động thêm 20 tỷ euro (khoảng 21 tỷ USD) từ thị trường carbon để giúp tài trợ cho kế hoạch sớm chấm dứt sự phụ thuộc của khối này vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Nhân viên kỹ thuật làm việc tại trạm bơm khí...