EU chỉ trích chiến dịch trấn áp sau đảo chính của Thổ Nhĩ Kỳ
Liên minh châu Âu (EU) cho rằng các biện pháp của Thổ Nhĩ Kỳ vào hệ thống giáo dục, tư pháp và truyền thông sau cuộc đảo chính bất thành tuần trước là “không thể chấp nhận được”.
Một xe cảnh sát đi qua quảng trường Kizilay tại thủ đô Ankara với hình ảnh Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ở đằng sau hôm qua. Ảnh: AP
Trong một thông cáo đưa ra hôm nay, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh – đối ngoại Federica Mogherini và ủy viên Johannes Hahn của EU cho hay họ “quan ngại” về quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo BBC, hai quan chức hàng đầu EU đề nghị Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tôn trọng luật pháp, quyền và tự do.
Họ cũng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ quanh quyết định tạm ngừng tham gia Công ước Nhân quyền châu Âu, cho rằng động thái này phải tuân thủ các điều kiện kèm theo.
Trước đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng thích hợp với âm mưu đảo chính.
Video đang HOT
Hàng nghìn quân nhân, trong đó có các tướng lĩnh cấp cao, và các quan chức tư pháp đã bị bắt giữ sau cuộc đảo chính thất bại ngày 15/7. Hơn 50.000 nhân viên nhà nước cũng bị sa thải hoặc đình chỉ công việc, 600 trường học bị đóng cửa.
Các học giả bị cấm ra nước ngoài và hiệu trưởng các trường đại học bị buộc từ chức. Chính phủ cũng thu hồi 34 thẻ nhà báo.
Tổng thống Erdogan cáo buộc giáo sĩ Hồi giáo tại Mỹ Fethullah Gulen đứng sau âm mưu đảo chính. Ông Gulen được cho là nhận được nhiều sự ủng hộ từ quân đội và các tổ chức nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông bác bỏ cáo buộc này.
Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách dẫn độ giáo sĩ này nhưng Mỹ cho rằng Ankara cần cung cấp bằng chứng thuyết phục cho thấy sự dính líu của ông tới nỗ lực đảo chính.
Anh Ngọc
Theo VNE
Hy Lạp tuyên án tù các sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ bỏ trốn trong đảo chính
Một tòa án Hy Lạp hôm nay tuyên hai tháng tù treo cho 8 sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ trốn trong cuộc đảo chính bất thành tuần trước.
Cảnh sát áp giải các sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi tòa án ở Alexandroupolis, Hy Lạp hôm 18/7. Ảnh: Xinhua
Mức án hai tháng tù treo được tòa án thành phố Alexandroupoli công bố dựa trên tội danh nhập cảnh trái phép, AFP cho hay.
Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nhóm sĩ quan phải về nước để tòa án quân đội xét xử. Tuy nhiên, họ đã xin tị nạn tại Hy Lạp và sẽ bị cảnh sát giam giữ cho đến khi cơ quan chức năng ra quyết định về đề nghị của họ vào đầu tháng 8 tới.
8 sĩ quan đến Hy Lạp bằng trực thăng quân đội vào hôm 16/7 nhờ phát tín hiệu cấp cứu giả để được hạ cánh khẩn cấp. Theo luật sư, họ lo sợ cho sự an nguy của bản thân và gia đình sau khi âm mưu lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan một ngày trước đó thất bại.
Một sĩ quan khai với tòa rằng ông không muốn quay về Thổ Nhĩ Kỳ do lo ngại các vụ bắt giữ "bừa bãi" của Ankara.
"Tôi tự hào là một quân nhân. Tôi sẽ không rời Thổ Nhĩ Kỳ nếu vợ tôi không gặp nguy hiểm", một người khác nói.
Vụ việc đang đe dọa làm rạn nứt quan hệ giữa hai đồng minh trong NATO khi Ankara tuyên bố 8 sĩ quan trên là "khủng bố".
Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Hy Lạp cảnh báo việc Athens không trao trả nhóm người này "sẽ không giúp ích gì" cho quan hệ hai nước.
Hai cựu thù trong lịch sử trở thành thành viên của NATO vào năm 1952. Quan hệ song phương đã được cải thiện nhanh chóng trong những năm gần đây dù vẫn còn những bất đồng như tranh chấp biên giới trên không và trên biển.
Năm ngoái, Hy Lạp cũng đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ vì cho phép hàng nghìn người di cư và tị nạn vượt biển sang nước này, trước khi một thỏa thuận của EU ngăn chặn cuộc khủng hoảng đi vào hiệu lực hồi tháng 3.
Anh Ngọc
Theo VNE
Số phận kho vũ khí hạt nhân Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính Sự an toàn của số bom hạt nhân B-61 Mỹ tại căn cứ không quân Incirlik có thể bị đe dọa khi tình hình an ninh ở Thổ Nhĩ Kỳ có biến động bất ngờ. Một máy bay chiến đấu F-15E Mỹ chuẩn bị rời căn cứ Lakenheath của Không quân Hoàng gia Anh để tới căn cứ Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ, hồi...