‘Ép’ xe tải đi đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng
Hàng nghìn doanh nghiệp TP.Hải Phòng bức xúc trước văn bản của Bộ GT-VT đồng ý với đề xuất của TP quy định các phương tiện trên 15 tấn phải lưu thông trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trong thời gian sửa chữa QL5 cũ.
Nhiều doanh nghiệp vận tải bức xúc vì phải tăng chi phí khi qua đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Ảnh: Thành Trí
Ngày 1.12, Bộ GT-VT ra thông báo số 1005 quy định tất cả xe tải trên 15 tấn từ cảng Đình Vũ không đi vào QL5 cũ (đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh dài hơn 10 km), phải đi theo đường cao tốc mới Hà Nội – Hải Phòng. Lý do TP.Hải Phòng đưa ra được Bộ GT-VT đồng ý là Dự án sửa chữa QL5 cũ đang triển khai trong thời điểm lượng phương tiện lưu thông tăng cao, hay xảy ra ùn tắc; đã xảy ra 5 vụ tai nạn làm 5 người thiệt mạng. Quy định này áp dụng kể từ sau ngày thông xe đường cao tốc mới (5.12) cho đến thời điểm dự kiến sửa chữa xong QL5 cũ là ngày 25.2.2016.
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Vận tải Hải Phòng cho rằng quy định này “là duy ý chí” khi Bộ GT-VT chưa lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp đã ra quy định. Việc sửa chữa chỉ hơn 10 km QL5 cũ phải mất 3 tháng mới xong là quá lâu, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp và đi lại của người dân vào những tháng cuối năm. Trong khi hoạt động vận tải hàng hóa ở TP.Hải Phòng đang gặp nhiều khó khăn thì phí đường bộ tăng cao khiến doanh nghiệp “mệt mỏi”.
Từ ngày 1.12, phí đường bộ trên QL5 cũ tăng lên gấp đôi, mỗi lượt đi về qua 2 trạm thu phí từ 320.000 đồng tăng lên 640.000 đồng/xe container. Trong khi đó, khi đi qua trạm thu phí trên đường cao tốc mới, mỗi xe container chịu khoản phí cho mỗi lượt đi về là 1.680.000 đồng.
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty TNHH Lê Chân (có trụ sở trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.Hải An), Bộ GT-VT ra quy định chỉ trong vòng 4 ngày thì các công ty không thể trở tay kịp, lâm vào tình thế khó khăn chồng chất khi phải tăng đột biến chi phí vận tải với mức quá lớn. Thậm chí, điều này khiến nhiều doanh nghiệp có hệ thống kho bãi chứa hàng dọc đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm bị “tê liệt” hoạt động vì tuyến đường nối dài QL5 này bị cấm lưu thông xe như đã nêu.
“Công ty Lê Chân hiện có 50 xe đầu kéo. Nếu không cho xe đi vào bãi xe thì chúng tôi không biết sẽ gửi, sửa chữa xe ở đâu, rồi bao nhiêu khoản chi phí phát sinh nữa”, ông Châu bức xúc.
Liên quan đến thông báo 1005 nói trên của Bộ GT-VT, trước đó, tại cuộc họp giữa Tổng cục Đường bộ VN, Sở GT-VT Hải Phòng với đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Vận tải Hải Phòng, ông Mai Xuân Phương, Phó giám đốc Sở GT-VT cho biết sẽ đề nghị Bộ GT-VT xem xét việc để Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN (VIDIFI) giảm giá đoạn đường cao tốc từ cảng Đình Vũ đến nút giao QL10 để giảm gánh nặng phí lưu thông cho doanh nghiệp vận tải.
Thành Trí
Theo Thanhnien
Mức phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cao nhất là 840.000 đồng
Tuyến cao tốc 6 làn xe từ Hà Nội đi Hải Phòng dài 105 km có mức thu phí thấp nhất cho ôtô dưới 12 chỗ là 160.000 đồng, cao nhất là xe container 840.000 đồng mỗi lượt.
Ngày 5/12, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ thông xe toàn tuyến. Chủ đầu tư đã đưa ra mức phí toàn tuyến từ vành đai 3 Hà Nội đến cảng Đình Vũ (Hải Phòng) cho mỗi lượt xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 160.000 đồng; cao nhất là 840.000 đồng cho xe tải trên 18 tấn, xe container.
Cao tốc 6 làn xe và một làn dừng khẩn cấp. Ảnh: Giang Huy
Chặng từ Hà Nội đến nút giao đường tỉnh 353 để đi Đồ Sơn hoặc vào trung tâm Hải Phòng có mức phí thấp nhất là 145.000 đồng, cao nhất là 765.000 đồng.
Chặng Hà Nội đến nút giao quốc lộ 38B thuộc tỉnh Hải Dương có mức phí thấp nhất là 75.000 đồng, cao nhất là 100.000 đồng. Chặng Hà Nội đến nút giao quốc lộ 39 thuộc tỉnh Hưng Yên mức phí thấp nhất là 30.000 đồng, cao nhất là 170.000 đồng.
Phương tiện đi vào trạm thu phí sẽ dừng lại nhấn nút lấy thẻ trong máy phát tự động. Sau khi nhận thẻ, barrier sẽ tự động mở cửa cho xe đi qua. Theo dữ liệu trên thẻ, nhân viên thu phí tại cửa ra sẽ tính mức phí, thu tiền và in hóa đơn cho khách hàng. Nếu lái xe làm mất hoặc hỏng thẻ sẽ phải bồi thường 200.000 đồng.
Trạm thu phí kín có trang bị cân tải trọng xe cảm ứng. Ảnh: Giang Huy
Tuyến cao tốc được thiết kế 6 làn xe, tốc độ tối đa 120 km/h, tối thiểu 60 km/h, được các chuyên gia giao thông đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Tuyến đường được trang bị hơn 58 camera với cự ly 2 km/chiếc để theo dõi toàn bộ hoạt động phương tiện và có phương án cứu trợ khi bị tai nạn.
Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khởi công từ tháng 5/2008, đi qua 4 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với tổng chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).
Tuyến cao tốc này được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên quốc lộ 5, tuyến có mật độ lưu thông vận chuyển hàng hóa lớn nhất cả nước.
Đoàn Loan
Theo VNE
Ném đá, rải vãng mã trên cao tốc hiện đại nhất Việt Nam Ôtô đang chạy tốc độ 120 km/h bỗng bị đá ném thẳng vào kính, vàng mã bay ào ạt khiến lái xe khuất tầm nhìn... là thực trạng đang xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vừa được thông xe. Khi đang đi với tốc độ 120 km/h qua cầu vượt km89 (phường Hòa Nghĩa, Hải Phòng) vào ngày cuối...