“Em út” cuộc thi Sao Mai ăn chay, tụng kinh để hát về đạo Phật
Phan Ngọc Ánh ăn chay, tụng kinh như một Phật tử để hát ca khúc “ Tây Thiên huyền thoại”.
Phan Ngọc Ánh sinh năm 1996, là thí sinh trẻ nhất cuộc thi Sao Mai, đại diện cho phong cách dân gian. Sở hữu vẻ đẹp hiện đại, ngọt ngào, Ngọc Ánh còn được đánh giá cao bởi giọng hát dân ca ngọt ngào.
Cô gái đến từ xứ Nghệ trước đây gây “sốt” cộng đồng mạng với clip hát ví dặm ngọt ngào, duyên dáng thay cho lời từ chối uống rượu. Clip đạt hơn 2 triệu view khi được chia sẻ trên mạng.
Ngọc Ánh gây chú ý trên mạng xã hội trước khi tham gia Sao Mai.
Đó là động lực mạnh mẽ để Phan Ngọc Ánh quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc, bắt đầu bằng việc trau dồi kỹ thuật thanh nhạc tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và mới đây nhất, cô thi đỗ vào khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Đến với cuộc thi Sao Mai, lần đầu tiên “ra mắt” công chúng, Ngọc Ánh liên tục cho thấy sự biến hóa, thử thách với nhiều thể loại dân ca khác nhau. Và với sự nỗ lực của bản thân, cô gái 21 tuổi đã giành giải nhì Sao Mai 2017 – phong cách Dân gian.
Trong đêm chung kết, cô đã gây ấn tượng với hình ảnh một ả đào thành Thăng Long ngọt ngào, duyên dáng và mới đây nhất là màn “hóa thân” trong đêm xếp hạng tối 7.10 qua ca khúc Tây Thiên huyền thoại, một sáng tác mang âm hưởng Phật giáo mới toanh của nhạc sĩ Huỳnh Tú.
Video đang HOT
Người đẹp 21 tuổi lên chùa tụng kinh, ăn chay để có cảm xúc hát về đạo Phật.
Ngọc Ánh chia sẻ để chuẩn bị cho màn “hóa thân” này, cô đã dành thời gian lên chùa ăn chay, niệm Phật, trò chuyện với các nhà sư hay có những buổi chỉ đơn giản ngồi trong chùa, cảm nhận không khí linh thiêng giữa mùi hương trầm sâu lắng.
Vượt lên khỏi mục đích thấm nhuần tư tưởng trong ca khúc Tây Thiên huyền thoại, Ngọc Ánh cho biết cô thấy mình gần như “thoát tục”, thấy tâm hồn mình lắng đọng, hướng thiện hơn với từng lời răn, triết lý đạo Phật.
“Một nén nhang thơm thấu cửu trùng/ Một tiếng chuông ngân giữa trùng không/ Một trời thiên thu thả hồn vi vu nơi đất Phật…”, từng ca từ đầy triết lý ấy được truyền tải qua tiếng hát của một giọng ca còn trẻ, được phối khí cầu kỳ.
Nhận xét về phần trình diễn của Phan Ngọc Ánh, ca sĩ Phương Nga – Phó Trưởng khoa Thanh nhạc – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, thành viên Ban giám khảo cuộc thi Sao Mai – cho hay: “Phan Ngọc Ánh là thí sinh trẻ nhất cuộc thi. Với gương mặt khả ái và kỹ thuật điêu luyện, Ngọc Ánh đã hòa mình vào bản phối vô cùng ấn tượng của nhạc sĩ Huỳnh Tú”.
Cô gái xứ Nghệ muốn phát triển hơn sau giải nhì.
Bên cạnh đó, Phan Ngọc Ánh còn được đánh giá cao ở tinh thần sáng tạo, luôn tìm tòi, thử thách bản thân với những thể loại khác nhau trong dòng nhạc dân gian.
Không chịu “an phận” với lựa chọn an toàn là những điệu ví câu hò nơi quê hương xứ Nghệ, Phan Ngọc Ánh đã chứng tỏ niềm đam mê bất tận với dân ca và khát khao phát triển trong dòng nhạc này.
Theo Danviet
Cô gái Kinh Bắc Mai Thương - Ứng viên sáng giá quán quân Sao Mai 2017
Sở hữu giọng hát ngọt ngào đậm chất dân ca, Mai Thương - cô gái đến từ vùng đất Kinh Bắc đang nổi lên là một trong những ứng viên sáng giá cho ngôi vị quán quân dòng nhạc dân gian cuộc thi Sao Mai 2017.
Giải thưởng không phải là tất cả
Từng đoạt giải nhất cuộc thi Sao Mai tỉnh Bắc Ninh với ca khúc "Đào" (Cẩm Thạch - Hồ Thi Ca), Mai Thương đã gây ấn tượng cho ban giám khảo cũng như khán giả khi tại vòng loại Sao Mai khu vực phía Bắc cũng với ca khúc này và lọt vào chung kết miền Bắc.
Giọng hát ngọt ngào, kỹ thuật khá tốt và vẫn giữ được cái sự mộc mạc, dân giã của đồng quê, Mai Thương tiếp tục chinh phục Ban giám khảo khi cô hát ca khúc "Ký ức dòng Lam" - một sáng tác mới của nhạc sỹ Tuấn Phương. Với điểm số khá cao, cô được lọt vào chung kết toàn quốc dòng nhạc dân gian. Mai Thương là một trong những thí sinh được Ban giám khảo đánh giá là có "màu dân ca" rõ nhất, và đương nhiên, cô cũng chính là 1 trong 4 thí sinh có phần trình diễn trọn vẹn nhất và cùng 3 thí sinh khác là Ngọc Ánh, Sèn Hoàng Mỹ Lam, Lương Mỹ Anh bước vào đêm chung kết xếp hạng sẽ diễn ra tối 7.10 tới đây.
Mai Thương tâm sự, trong đêm chung kết tới đây, cô sẽ chọn cho mình ca khúc "Đàn cầm" (Nguyễn Cường) - đây là một bài hát đậm chất dân gian, mang âm hưởng ca trù mà cô rất yêu mến. Cô muốn mình tập luyện và có được màn biểu diễn trọn vẹn cảm xúc cũng như sự thăng hoa gửi tới Ban giám khảo cùng khán giả trên khắp cả nước. Theo Mai Thương đó là những điều cô muốn tri ân tới những khán giả đã yêu mến mình. Còn chuyện có giành giải thưởng hay không giành được giải thưởng với cô không quá quan trọng.
Mai Thương bảo, cô vào đến vòng xếp hạng là thành công quá lớn của cô, bởi đêm thi chung kết dòng nhạc dân gian, cả 11 thí sinh đều hát hay và có nhiều kinh nghiệm.
"Mai Thương nghĩ, giải thưởng trong một cuộc thi là điều thí sinh nào cũng mong muốn và khao khát nhận được. Tuy nhiên, Mai Thương cho rằng, điều quan trọng nhất là sau khi kết thúc cuộc thi, mình có thực sự toả sáng được hay không, có nhận được sự yêu thương của khán giả hay không, đó mới là điều quan trọng. Vì thế, tôi đã lên kế hoạch cho riêng mình sau khi kết thúc cuộc thi, cho dù bất luận kết quả có như thế nào đi chăng nữa, đó là một CD đầu tay như một sự đánh dấu bước đường ca hát chuyên nghiệp của mình. Tôi rất mong nhận được sự cổ vũ và đón nhận cũng như yêu thương của khán giả và giới chuyên môn".
Tình yêu âm nhạc được chắt chiu từ cây lúa, củ khoai
Mai Thương là cô gái được sinh ra và lớn lên ở một làng quê vùng đất Kinh Bắc văn hiến, được nghe những điệu Quan họ "vang, rền, nền, nảy" cùng những sự tinh tế, dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ vùng đồng bằng Bắc Bộ, nên dù trong gia đình không ai làm nghệ thuật. Nhưng Mai Thương từ nhỏ đã say mê hát, đồng thời cô sở hữu giọng hát ngọt ngào, được chắt chiu từ tình yêu của cha mẹ, cũng như sự chất phác của cây lúa, củ khoai. Vì thế, khi cô cất lên tiếng hát, người nghe sẽ cảm nhận được hình ảnh cánh đồng, luỹ tre, dòng sông, con đò,... những thứ thân thuộc gắn với mỗi người dân quê, làm nên hồn cốt của những con người nông dân chất phác mà vẫn rất "tình".
Lớn lên, rời làng quê yên bình, Mai Thương thi đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia và theo học. Suốt quá trình ấy, cô ít khi tham gia các cuộc thi mà chỉ chú tâm vào việc học. Cô giáo dạy Mai Thương suốt 8 năm chính là ca sỹ Lan Anh - người có giọng hát trong vắt, đẹp như giọt sương mai. Cách hát tinh tế, bay bổng của Lan Anh đã truyền sang cô học trò chịu thương chịu khó, vì thế, những cách luyến láy dân ca của Mai Thương vừa có độ mộc mạc của dân gian, lại vừa có sự tinh tế, học thuật của thính phòng.
Khi được hỏi, Mai Thương nghĩ như thế nào về 4 giọng ca trong đêm chung kết xếp hạng Sao Mai 2017 tới đây. Liệu Mai Thương có bị áp lực không? Mai Thương vui vẻ cho biết, cô không bị áp lực mà hoàn toàn tự tin vào giọng hát của mình. Bởi bản thân Mai Thương cũng đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả khi cô sở hữu chất giọng ngọt ngào và đậm chất "e" dân gian trong con người cô.
Nếu như Mỹ Lam sở trường là màu sắc dân gian Tây Bắc, Ngọc Ánh là sự dũng cảm lựa chọn cái mới, trẻ trung, Mỹ Anh là giọng hát khá mộc mạc, duyên dáng thì Mai Thương là người có những sáng tạo và sự "biến ảo" trong giọng hát đậm đặc chất dân ca nhất. NSND Thanh Hoa từng chia sẻ: Hát dân gian cần 2 thứ quan trọng nhất, đó là: Hát vùng miền nào thì phải "ra chất" vùng miền đó, thứ 2 là phải hát "ngọt" và "tình".
Và ở Mai Thương, cô hoàn toàn đáp ứng được 2 tiêu chí này. Đó là một giọng hát mộc mạc, ngọt ngào và khá "tình". Tất nhiên, chưa có nhiều kinh nghiệm trên sân khấu nên Mai Thương đôi khi còn vụng về và chưa giỏi trong khoản giao lưu. Những điều này sẽ được bồi đắp theo thời gian, khi cô bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp sắp tới.
Theo Danviet
Hồ Quỳnh Hương lộng lẫy trên thảm đỏ Gala 20 năm Sao Mai Nữ ca sĩ gốc Quảng Ninh đẹp lấn át đàn em khi tham dự đêm nhạc kỷ niệm 20 năm tổ chức cuộc thi Sao Mai. Hồ Quỳnh Hương diện đầm đuôi cá bó sát, khoe vóc dáng nuột nà tại Gala kỷ niệm 20 năm Sao Mai mang tên 'Bản hòa nhạc tương phùng'. Nữ ca sĩ gốc Quảng Ninh là một...