Em luôn nỗ lực giữa cuộc sống đầy bon chen
Em là người con xứ Huế, đang làm việc tại TP HCM, cao 1m56 và nặng 48 kg. Em trải qua 2 mối tình thất bại, nhận ra gia đình luôn yêu em vô điều kiện.
Gia đình nghĩ em rất giỏi giang, bạn bè cho rằng em thông minh và sâu sắc, đồng nghiệp bảo em vừa khùng vừa hung dữ. Sự thật thì em không giỏi giang, không thông minh cũng chẳng sâu sắc, chỉ là em luôn cố gắng học hỏi và nỗ lực. Em tự thấy mình hiện tại là một quả đào đang chín, thơm vỏ đỏ lòng; cũng tự thấy mình hiền lành và dịu dàng nữa.
Bên cạnh em có những người bạn đáng trân trọng, rằng phải yêu thương bản thân trước khi muốn ai đó yêu thương mình. Em thích nấu ăn, đọc sách, đi du lịch; cực kỳ thích cây cỏ. Em thích cảm giác hạnh phúc khi nấu ăn cho những người thân thương. Em mong anh là một người đàn ông trưởng thành. Trưởng thành đủ để biết rằng khiêm tốn không có nghĩa là hạ thấp bản thân. Khiêm tốn nghĩa là không cần phải luôn tự chứng tỏ mình. Lúa chín cúi đầu, sông sâu tĩnh lặng, đó là hình ảnh người đàn ông đẹp nhất trong lòng em. Em mong anh sẽ là người đồng hành trong cuộc sống, chia sẻ và thấu hiểu nhau.
Em mong là anh cũng sẽ thích ăn đồ ăn em nấu. Nói một cách chân thật thì em là một người bình thường, luôn nỗ lực giữa cuộc sống đầy bon chen này. Nếu anh cũng bình thường như em, có những ưu điểm cực kỳ bình thường như: độc thân, không hút thuốc, sống ở miền Nam, công việc ổn định thì em rất vui khi nhận được thư của anh ạ.
Video đang HOT
Em đăng bài lên đây, một phần vì lòng ngưỡng mộ các anh chị độc giả. Các lời bình luận của mọi người dù trêu chọc hay tình cảm nhẹ nhàng, hoặc xéo xắt sâu cay đều thể hiện quan điểm từ nhiều khía cạnh, đọc rất thú vị, giống như bóc ra được một bài viết hoàn toàn khác vậy. Em thật sự học hỏi được rất nhiều. Em sẽ tiếp thu nghiêm túc mọi lời góp ý của mọi người. Em muốn hoàn thiện bản thân trên con đường đi tìm hạnh phúc. Chúc mọi người bình an.
Theo vnexpress.net
Nhà là nơi để trở về
Ngày đầu tiên của năm mới dương lịch, chuông điện thoại của bà Thông đổ từng hồi dài. Bà lập cập mở máy điện thoại.
Từ nửa vòng trái đất, tiếng con trai của bà vui vẻ: "Mẹ à, con đây, Tuấn đây. Con gọi về chúc mừng năm mới gia đình mình. Tối qua con vẫn phải làm đến tận gần giao thừa, nhiều việc quá. Sáng nay ngủ dậy, con gọi cho mẹ luôn. Mẹ có khỏe không?". Bà Thông cười rạng rỡ, trả lời: "Mẹ đây con". Và rồi câu chuyện của hai mẹ con cứ thế rôm rả, cảm giác thật gần gũi, thân thương. Vậy mà, đã có lúc, bà nghĩ tình cảm mẹ con không còn được như xưa nữa vì "xa mặt cách lòng".
Con trai bà Thông đi du học xa nhà cách đây hàng chục năm. Sau khi học xong, cậu xin phép bố mẹ ở lại nơi đó để làm việc, hẹn chỉ sau vài năm sẽ quay về. Nhưng sau đó, đã có khá nhiều biến cố xảy đến với con trai của bà nên cậu chưa thể về thăm nhà. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Noel hoặc lễ Tết, bà lại chạnh nhớ người con xa xứ. Tết đến, bà vẫn thường nấu những món cổ truyền của Hà Nội mà con trai yêu thích. Bữa cơm đầu năm mới, bao giờ bà cũng gọi điện thoại cho con, hỏi han xem bên đó có chuẩn bị được cỗ Tết đầy đủ không?
Đã nhiều lần, ông bà thuyết phục con trai trở về quê hương nhưng anh ngại ngần vì nhiều lẽ. Có năm, khi gọi về trong dịp Tết âm lịch, anh nghẹn ngào: "Con ngại không muốn về vì nặng mặc cảm. Bao năm xa nhà, giờ về tay trắng, lại sống dựa vào cha mẹ già, như vậy coi sao được".
Năm tháng trôi, ông bà dần già đi, đã có những lần con trai ông bà đành bất lực khi nghe tin bố mẹ ốm, phải nhập viện. Mọi việc anh phó thác hết cho vợ chồng cô em gái ở quê nhà. Anh bị cuốn vào vòng xoáy mưu sinh nơi đất khách quê người với mong ước "đổi đời". Khi bố mẹ, anh chị em bạn bè giục giã, khuyên nên trở về, anh tỏ thái độ phản ứng khi nghĩ: "Không ai thấu hiểu được tâm trạng của mình".
Chồng bà Thông ốm một trận thập tử nhất sinh. Bà gọi điện cho con trai: "Bố ốm lần này nặng con ạ. Sang năm nay, sức khỏe của bố yếu đi trông thấy. Con thu xếp về chăm bố một chút". Cậu con trai ngần ngừ rồi nói: "Vâng, để con thu xếp". Nhưng rồi con trai bà không về. Sau lần đó, bà Thông quyết định không liên lạc với con trai nữa. Cậu con trai gọi về, bà cũng không nói chuyện.
Ngày sinh nhật bà Thông, cậu con trai nhờ người bạn dùng số máy khác gọi và anh đã thành thật xin lỗi mẹ vì những suy nghĩ, hành xử sai lệch thời gian trước đó. Kết thúc cuộc nói chuyện, con trai của bà thổ lộ: "Tết này, con sẽ thu xếp để trở về với bố mẹ. Bao năm lăn lộn bên xứ người, chưa có cái Tết nào con được bình yên. Con luôn nhớ hương vị những món ăn mẹ nấu".
Tết năm đó, anh về thăm bố mẹ sau nhiều năm xa cách. Cả gia đình anh vui sướng trong niềm vui đoàn tụ. Bữa cơm đầu năm mới, anh trầm ngâm nói: "Con đã hiểu, dù đi nhiều nơi, nhưng cơm mẹ nấu vẫn là ngon nhất, không khí sum vầy đầu năm bên nhau vẫn là đáng quý nhất. Giàu nghèo có số rồi mẹ ạ".
Giờ đây, công việc của anh dần ổn định và hầu như Tết nào anh cũng thu xếp để trở về quê hương đón xuân mới bên gia đình, bố mẹ và người thân. Anh đã hiểu, nhà chính là nơi bình yên để ta trở về.
Vy Anh
Theo phapluatxahoi.vn
Sau 2 năm ly hôn và nuôi con nhỏ, anh nhận ra cần có em Anh muốn có một gia đình đầm ấm giống như những người khác, muốn có em luôn đồng cảm và sẻ chia với anh. Ảnh minh họa Anh 38 tuổi, cái tuổi mà đáng lẽ ra phải ổn định và có một gia đình hạnh phúc, nhưng số phận và cuộc đời không cho anh được như vậy. Anh đã ly hôn được...