Em cứ làm hư anh
Câu cửa miệng của anh luôn là: “Cái gì, em giả tiền rồi ấy hả? Chết thật, em cứ làm hư anh!”
Năm nay em 34. Như người ta vẫn bảo, ở tuổi này, em không còn nhiều quyền “kén canh chọn cá” nữa. Bố mẹ em cũng suốt ngày van vỉ: “ Thôi 9 bỏ làm 10, phiên phiến thôi con ạ! Không thì già mất!”. Dù trường hợp của em, theo kết luận của “cơ quan liên bộ”, là… ế một cách oan uổng.
Chính vì vậy mà khi anh ta xuất hiện, cả nhà em mừng như bắt được vàng. Anh trai em trêu: “Hay nó bị… SIDA giai đoạn cuối?”. Còn mẹ em thì thiếu nước ngửa mặt kêu giời: “Không ngờ giờ này vẫn còn được giời thương!”. Cũng chính vì sợ giời… đổi ý, và quan trọng là cả nhà mình sẽ “giết” mình, nếu mình để vuột mất cơ hội vàng này, nên em vội vàng nhận lời yêu. Dù trong linh cảm, ngay từ đầu, không biết sao đã có những bất an.
Và chỉ cần một thời gian ngắn sau đó, thì em mới hiểu thế nào là được “giời thương”. Khi không phải ngẫu nhiên mà một anh trông “ngon lành cành đào” như thế lại bỗng dưng… rơi vào tay gái ế.
Vì chao ôi là anh ta ky bo một cách bệnh hoạn! Vâng, nếu như có thể nói một cách thẳng thừng như thế! Đi uống nước với em, trong thời gian đầu tìm hiểu, thì trăm bữa như một, kịch bản của anh ấy luôn là (mà phải mấy lần sau em mới dám kết luận): Tàn cuộc, kêu người tính tiền, rồi trong lúc đợi hóa đơn, anh ta ngay lập tức chuồn vào… WC cố thủ (không biết sao đến giờ vẫn chưa bị viêm đường hô hấp mãn tính), cho đến lúc áng chừng mọi sự đã được thu xếp ổn thỏa. Ngay cả hôm đó là mồng 8/3. Thế rồi, câu cửa miệng của anh ấy luôn là: “ Cái gì, em giả tiền rồi ấy hả? Chết thật, em cứ làm hư anh!” (và bài này cũng được tái diễn ở cây xăng, cùng động tác móc ví và đóng nắp bình xăng lâu chưa từng có trong lịch sử).
Nói thật, nhiều lúc, em cũng định thi gan cho bõ tức. Nhưng rồi nghĩ thi gan với người này chắc không lại, mà cũng thấy tủi, nên thôi thì mấy đồng bạc lẻ, trả cho rồi! Và đấy mới chỉ là tiền uống, chứ đừng nói là tiền ăn, dù chỉ là ăn một cốc kem ly. Mà nào có phải anh ta nghèo túng gì cho cam! Du học về, làm công ty nước ngoài hẳn hoi, lại không vướng bận gì vì nhà anh ấy nhìn chung cũng thuộc hàng khá giả. Chưa kể, em lại còn thuộc hàng ý tứ khi kêu thực đơn nữa, để chưa bao giờ gây nên những con số gây khó xử.
Ở gần nhà anh giai (đã lập gia đình), nên anh ấy đóng tiền cho bà chị dâu để ăn chung. Trong câu chuyện hàng ngày, vì thấy anh ấy rất hay kể chuyện… tối qua ăn gì, và không quên ca cẩm: Bằng ấy tiền mà bà ấy chỉ cho ăn chừng ấy, cứ như thực đơn ký túc xá. Em hỏi anh đóng bao nhiêu, và anh ấy đưa ra một con số (bằng một chất giọng hùng hồn) khiến em tá hỏa, nghĩ sao trên đời lại có một bà chị dâu “dễ bảo” như thế bao giờ. Thế nhưng, chưa hết, một lần tết ra, em thấy anh ấy mang một vẻ mặt rất tức tối, bảo: “ Bà chị dâu anh, buồn cười cực nhá! Tết vừa rồi, anh về quê những 7 ngày, vậy mà bà ấy không hề hoàn lại tiền ăn cho anh. Kiểu này phải bắt bà ấy cộng dồn qua tháng sau mới được!”.
Trường hợp của em, theo kết luận của “cơ quan liên bộ”, là… ế một cách oan uổng (Ảnh minh họa)
Chở em về nhà qua cầu vượt, đang lúc vội, em bảo sao anh không đi trên cầu cho đỡ phải dừng đèn đỏ, thì anh ấy âu yếm bảo: Ngốc ạ! Đi trên cầu làm gì cho… tốn xăng! Một lần khác, đang đi thì có điện thoại của đứa em họ (mà anh ấy cho ở nhờ để trông cái văn phòng riêng của anh ấy), báo có khách đến hỏi việc gì đó. Thế là thay vì hỏi xem người khách đó là ai, cần gì, anh ấy gào lên: “Anh đã dặn em bao nhiêu lần là dù với bất cứ lý do gì cũng không được lấy máy bàn của công ty gọi cho anh kia mà!”.
Nhưng phải đến chuyện này thì em mới tột cùng xấu hổ, vì bị coi là “tòng phạm”. Đó là khi bà hàng xóm trên tầng làm rơi mấy cái rổ xuống sân nhà em, đúng lúc anh ấy đang quét sân hộ em, còn em thì đang mải làm đồ ăn trong bếp. Thế là anh ấy ngay lập tức tha ngay “chiến lợi phẩm” đó vào chỗ em, mặt hoan hỉ: “ Này, lộc giời cho đấy!”. Em chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo thế nào thì đã thấy bà hàng xóm chạy vào, hỏi: “C háu có cất hộ cô mấy cái rổ cô vừa làm rơi xuống sân nhà cháu không?”.Hiểu ra chuyện, em điếng cả người, chưa biết nói sao cho người yêu đừng mất mặt thì đã thấy anh ấy nhanh nhẩu đáp: “ Chịu! Bọn cháu đứng trong bếp nãy giờ, sao biết “đĩa bay” nhà cô bay đi đâu!”. Của đáng tội, người mất oan “đĩa bay” cũng chả vừa vặn gì, thế là vừa đi lên nhà, bà ấy vừa chửi váng cả lên theo “trường phái mất gà”: “Đẹp mặt nhỉ! Mặt mũi tướng tá thì trông có đến nỗi nào đâu mà có cái rổ nhựa của bà già cũng ăn cắp được!” làm bao người xúm vào hỏi chuyện, khiến em chỉ thiếu nước độn thổ.
Lại một lần khác, tuy không bị chửi nhưng với em, thì em lại thấy còn đau hơn bị chửi. Đó là lần cùng anh ấy vào công viên chơi. Quay đi quay lại bỗng thấy anh ấy đứng… cãi nhau với một bà làm nghề cân đo. Hóa ra là bà ấy bắt anh ấy phải trả 5.000 đồng (cả tiền cân nặng lẫn đo chiều cao), còn anh ấy thì khăng khăng chỉ trả một nửa tiền vì chỉ có nhu cầu cân nặng, còn “ đo chiều cao là bác tự ý khuyến mại, chứ cháu có yêu cầu đâu, sao giờ lại đòi cháu?”. Để cho êm chuyện và đỡ mất mặt trước đám đông, em đành kéo anh ấy qua chỗ khác và trả đủ 5.000 đồng cho người ta. Bất ngờ, bác hàng cân ấy nói một câu làm em chết nghẹn: “ Đó là người yêu cháu hả? Sao trông cháu thế này mà lại đi yêu một người bủn xỉn như thế hả cháu! Rồi thì khổ chết thôi, con ạ!”.
Về nhà, buồn quá, em khóc òa, trút hết mọi uất ức lên mẹ em. Mẹ em thở dài, bảo: “ Thôi thì tùy con vậy! Nếu cảm thấy không thể cố được nữa thì thôi con ạ!”. Còn bố em thì mắng cho em một trận: “ Mày tuổi nào rồi mà còn đi yêu mấy sự hoa lá cành? Phải là cái thằng chi ly chi tiết như thế thì về sau nó mới đúng là thằng đàn ông của gia đình, chứ bằng không, đã thành người của thiên hạ!”
Mà cũng không biết tự bao giờ, trong điện thoại của em, cái tên “My love” đã được thay bằng một từ khác, có tên là… “Nhặt Rổ”, như một cách tự nhắc mình: Dù thế nào, cũng đừng nhặt vớ nhặt vẩn, chỉ vì tưởng đấy là “lộc giời”…
Theo 24h
Video đang HOT
Gái tuổi băm thành đạt trốn ế
Nhiều phụ nữ không có ý định lập gia đình dù đã ở tuổi ngoài 30 và thành đạt. Hiện nay, rất nhiều phụ nữ chưa có người yêu, thậm chí không có ý định lập gia đình dù đã ở tuổi ngoài 30 và thành đạt trong công việc. Mối lo về sự chưa chồng không quá lớn khi họ tự chủ trong lựa chọn của mình. Sự căng thẳng chỉ ập đến khi họ phải đối diện với gia đình, họ hàng, nghe những câu hỏi, hay những lời trách móc, ép uổng từ phía bố mẹ. Cũng bởi vậy, không ít người đã phải "trốn" quê hoặc tìm cách đối phó khi phải về quê "trình diện" cha mẹ.
Trốn quê, gửi "tâm thư" cho bố mẹ bằng phim tài liệu
Tôi hẹn gặp Hương Trà (31 tuổi, Nam Định) tại quán café nhỏ trên đường Hồ Tùng Mậu. Vừa ngồi xuống, chưa kịp bắt đầu câu chuyện thì Trà có điện thoại. Trà bảo: " Mẹ chị gọi". Sau vài phút nói chuyện, Trà trở lại bàn nước. Và câu chuyện bức tâm thư đặc biệt gửi cho bố mẹ về việc lấy chồngmuộn của Hương Trà dần được hé lộ.
Trà đã học tập và làm việc tại đất Thủ đô được 13 năm. Là người năng động, lại nhiệt tình trong công việc nên ngay sau khi ra trường, Trà nhận được một công việc khá ưng ý, phù hợp với chuyên ngành tiếng Trung của mình. Không những thế, khi công việc dần vào ổn định, Trà tiếp tục theo học các khóa ngắn hạn để bổ sung, hoàn thiện thêm kỹ năng, kiến thức của mình. Ngoài ra, Trà cũng tìm thêm các công việc làm tại nhà để có thêm thu nhập. Chính vì thế, gần như thời gian biểu của Trà dành hết cho công việc và học tập.
Trà cười nói, chẳng biết người khác thế nào chứ hồi mới ra trường, lúc nào cô cũng thấy "hừng hực" khí thế học và làm. Sau nhiều năm phấn đấu, làm việc không mệt mỏi, ở tuổi 31 cô, đang đảm nhận chức trưởng phòng nội vụ của một công ty truyền thông tương đối lớn tại Hà Nội. Thế nhưng, đối nghịch với thành công trong công việc, chuyện tình cảm riêng tư của cô lại không được trọn vẹn.
Công việc bận rộn, thường xuyên phải làm thêm giờ hoặc đi công tác xa nên cô ít có thời gian dành cho chuyện tình cảm riêng tư. Và sự "muộn chồng" ở tuổi ngoài 30 của cô khiến cho bố mẹ ở quê đứng ngồi không yên, còn bản thân cô cũng mệt mỏi khi phải "đối mặt" với những lời trách cứ của mọi người.
Trà nói rằng, không phải cô không có người theo đuổi. Ngược lại, bản tính năng động, tự nhiên, sôi nổi của cô đã "đốn ngã" rất nhiều chàng trai, dù cho ngoại hình của cô không phải là một lợi thế. Vậy nhưng, những mối tình đều có "tuổi thọ" rất ngắn mà nguyên nhân sâu xa đều xuất phát từ công việc của cô. Trà chia sẻ rằng, cô từng có mối tình kéo dài hơn 2 năm với người con trai bằng tuổi mình. Cả hai đều nghĩ cuộc tình của mình sẽ kết thúc đẹp bằng đám cưới.
Bản thân cô cũng cảm nhận thấy anh là người đàn ông tốt, biết động viên, chia sẻ với cô những lo âu, bận rộn trong công việc. Nhiều lần, vì có việc đột xuất, Trà không thể đến cuộc hẹn, nhưng anh không hề giận. Thậm chí, anh còn gọi điện, hỏi han, khuyên cô nên bình tĩnh mà giải quyết công việc. Trà hạnh phúc lắm vì nghĩ mình đã tìm được người mà cô cho là tình yêu lớn của đời mình. Không ít lần, cô nói rằng, số phận đã ưu ái khi dành cho Trà một người đàn ông tốt đến như vậy.
Thế nhưng, sự thật được phơi bày khi cô quyết định tham gia vào một khóa học điện ảnh. Trà kể rằng, vốn có niềm đam mê phim điện ảnh từ nhỏ nên khi biết có một khóa học miễn phí một năm, cô đã không ngần ngại đăng ký tham dự cuộc thi. Cô còn quyết định nghỉ công việc được coi là rất tốt để theo đuổi niềm đam mê từ bé của mình. Do thời gian học là cả ngày nên cô tìm một công việc làm thêm khác vào buổi tối để có tiền trang trải cuộc sống. Người yêu Trà rất ủng hộ quyết định của cô.
Học tập tại dự án, cô tích cực tham gia vào các nhóm làm phim ngắn, phóng sự... Ban ngày thì bận rộn với bài tập của lớp, buổi tối lại phải làm thêm nên Trà không có thời gian dành cho người yêu. Mặc dù vậy, anh vẫn không hề trách Trà. Chỉ đến khi, trong một lần đi quay phim buổi tối tại công viên, được tận mắt nhìn thấy cảnh người yêu mình đang quấn quýt với người con gái khác, Trà mới hiểu lý do tại sao anh ta lại "ủng hộ" mình bận rộn đến vậy. Hóa ra, từ lâu, Trà chỉ là "phương án dự phòng" của anh ta mà thôi.
Sau lần chia tay đó, Trà còn trải qua thêm một vài chuyện tình nữa, nhưng tất cả đều không có kết quả tốt đẹp. Vậy là mọi nỗi buồn trong tình cảm Trà đều nén xuống, biến nó thành nghị lực để làm việc. Trà nói, nếu nói rằng cô không buồn về những cuộc tình dang dở của mình thì hoàn toàn không đúng, bởi là con gái dù mạnh mẽ đến đâu cũng có phút yếu lòng.
Có nhiều khi, Trà cũng thấy mình cô đơn, lẻ loi, nhất là trong những ngày lễ tết. Song để phải buồn rầu, đau khổ, hoặc cắt đứt niềm đam mê công việc của mình nhằm có người yêu thì đó không phải là cô. Trà không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ từ bỏ mọi công việc để tìm kiếm một người đàn ông làm chỗ dựa. Vì trong quan niệm của cô, phụ nữ hiện đại cần được đứng trên chính đôi chân của mình. Vì vậy, Trà cảm thấy khá lạc quan khi không người yêu ở tuổi 31.
Trà nghĩ, trong cuộc sống hiện đại, những người phụ nữ có tự chủ, có sự độc lập riêng của mình và không nhất định phải dựa dẫm vào một người đàn ông.
Mặc dù tự tin vào cuộc sống không đàn ông là như vậy, nhưng Trà cũng nói rằng sự dũng cảm của cô biến mất khi phải đối diện với ba mẹ và người thân ở quê. Trà nói, trên Hà Nội trong vòng xoay không ngừng nghỉ của công việc, giữa cuộc sống của không ít người như mình, việc muộn chồng không là cái gì đó đặc biệt hay ghê gớm. Thế nhưng, ở quê, chuyện chưa chồng ở tuổi 31 lại là một chuyện lớn. Ở quê, trước bố mẹ và ông bà, cô không thể trình bày những lý lẽ kiểu "tự chủ, độc lập" ấy được.
Nhà Trà có 2 anh em. Anh trai cô đã lập gia đình khá lâu, 2 đứa cháu, 1 đứa học lớp 6, một đứa thì học lớp 3. Giờ chỉ còn một mình cô nên bố mẹ cũng mong Trà nhanh chóng yên bề gia thất. Hơn nữa, ở quê, tuổi 31 mà chưa chồng thì đích thị có nguy cơ trở thành "bà cô". Bạn bè cùng lứa ở nhà với Trà đứa nào cũng 2 mặt con rồi.
Vậy nên, mỗi lần về quê nhà là Trà lại bị bố mẹ chất vấn về chuyện lấy chồng. Rồi hàng xóm cũng hỏi ra, hỏi vào. Gần như mỗi lần ra đường, ra ngõ, gặp hàng xóm thì câu hỏi mà Trà nhận được đều có dạng na ná nhau kiểu: " Bao giờ lấy chồng/ Bao giờ thì cho bác ăn kẹo/ Lấy chồng đi thôi chứ".Trà nói, có những lúc cô đứng tiếp chuyện, "giải trình" về việc chưa chồng đến "bã cả bọt mép". Thành ra, nhiều lần về quê, Trà tìm cách ở yên trong nhà.
Bố mẹ cô thì như ngồi trên đống lửa, tìm mọi cách để "kiếm chồng" cho con. Trà nói, trong quan điểm của bố mẹ cô thì con gái không cần học rộng, học cao và thành đạt quá. Lý do mà con gái mà thành đạt quá thì con trai sẽ không dám lấy về vì sợ sẽ "đè đầu cưỡi cổ" hay "dạy dỗ" chồng. Cái cốt yếu là phải lấy được một tấm chồng, lập gia đình yên ổn.
Vì thế, mỗi khi cô nói rằng để con ổn định công việc một vài năm nữa thì bố cáu và to tiếng luôn. Thậm chí, có lần, bố cô ra điều kiện rằng, trong vòng 2 tháng mà không dẫn được ai về ra mắt thì phải nghe theo sự sắp đặt của ông. Cũng bởi thế, trong những dịp lễ tết được nghỉ, dù rất muốn về nhà song cô lại ngại việc bố mẹ thúc ép, hàng xóm hỏi han chuyện chồng con nên đành ở lại thành phố. Nếu bố mẹ có gọi điện lên bảo về thì cô cũng kiếm cớ rằng công việc bận rộn, chưa hoàn thành xong nên phải ở lại làm tiếp.
Trà nói, biết rằng, con cái ở xa, bố mẹ mong về, rồi bản thân mình cũng nhớ nhà chứ, nhưng nghĩ đến chuyện phải nghỉ lễ trong những lời hỏi han chồng con thì cô lại quyết định ở lại Hà Nội.
Căng thẳng nhất là bố Trà kiên quyết làm mối cho cô anh hàng xóm đang làm việc trên Hà Nội. Chiều lòng bố, cô cũng đi gặp và nói chuyện với anh. Tuy nhiên, do cảm thấy không hợp nhau nên dù cố gắng nhưng cô vẫn không có cảm tình và không thể phát triển mối quan hệ. Dù sau đó cô đã có lời "nhờ cậy" anh hàng xóm lựa lời mà nói với bố mẹ cô nhưng không hiểu thế nào, bố cô biết chuyện liền triệu ngay Trà về nhà với lý do có việc khẩn cấp.
Trà vội vã bỏ việc tại công ty, xin phép giám đốc nghỉ, về quê ngay trong ngày. Vừa về đến nơi, cô đã thấy bố đang ngồi ở bàn nước, vẻ mặt rất tức giận. Trong cuộc nói chuyện hôm đó, Trà và bố đã cãi nhau to. Bố cho rằng Trà "kén cá chọn canh", không để ý đến công sức của bố mẹ. Bố Trà nói rằng ở cái tuổi của Trà, thấy "được được" thì đồng ý lấy chứ nếu cứ mãi thế này thì đến bao giờ mới lấy được chồng. Rồi bố lại nói cô phải lấy chồng để bố mẹ còn ngẩng mặt được với hàng xóm, láng giềng.
Do phải bỏ dở công việc để về quê, nên khi bị bố nói thế, Trà cảm thấy rất tức giận. Cô nghĩ, tại sao bố lại nghĩ con gái mình là một đứa kém cỏi, phải cố gắng lấy một người không hợp chỉ vì cần chồng. Trà giận vì việc bố chỉ nghĩ cho danh dự của bố với hàng xóm làng giềng mà không coi trọng hạnh phúc của con gái mình. Chính vì thế, Trà không giữ được bình tĩnh mà cãi lại bố. Trà nói rằng, nếu bố cứ ép cô lấy chồng như vậy thì tức là lấy cho bố chứ không phải lấy cho cô. Mà lấy nhau không có hạnh phúc thì cô thà ở vậy còn hơn.
May năm nay là năm cô "kim lâu" nên vẫn có thời gian để "hoãn binh", cũng là có thêm thời gian để tìm kiếm một người bạn đời (Ảnh minh họa)
Sau buổi cãi nhau hôm đó, Trà và bố không nói chuyện với nhau. Bố Trà tuyên bố là nếu cô không lấy chồng thì cô đừng có nhìn mặt bố. Trà cũng buồn lòng vì điều đó. Thấy khó có thể nói chuyện với bố để bố có thể hiểu hết được mình ngay lập tức, nhân lúc làm bài tập của dự án điện ảnh, Trà đã quyết định quay một bộ phim tài liệu để kể về câu chuyện muộn chồng của mình.
Trong bộ phim, Trà kể lại những tình huống thực sự xảy ra với bản thân mình. Đó là chuyện mẹ Trà dẫn cô đi cầu duyên, chuyện những lần to tiếng cãi vã giữa Trà và bố về chuyện lấy chồng của mình... Cuối bộ phim là ý nghĩ cũng như mong muốn của Trà trong việc lựa chọn cuộc sống của riêng mình. Đĩa phim đã được gửi về cho bố mẹ xem. Trà nói rằng, sau thời gian đó, bố không còn làm căng với cô về chuyện chồng con nữa.
Có lần, Trà còn được nghe bố trả lời người hàng xóm rằng: " Nó còn muốn làm lên đến chức giám đốc thì mới lo tới chuyện lấy chồng. Bạn bè nó đều thế cả đấy. Kệ nó thôi". Trà hiểu bố đã thông cảm hơn cho mình và rất mừng về điều đó. Tuy nhiên, Trà cũng nói rằng, cứ để bố mẹ lo lắng mãi cô cũng không đành lòng. Vì thế, Trà đang nghĩ đến việc sẽ hạn chế bớt công việc, dành thời gian cho các mối quan hệ cá nhân để tìm thấy một người thích hợp, làm bến đỗ cho cuộc đời mình, cũng là để cho bố mẹ an lòng.
Cô nói, may năm nay là năm cô "kim lâu" nên vẫn có thời gian để "hoãn binh", cũng là có thêm thời gian để tìm kiếm một người bạn đời...
Chọn làm mẹ đơn thân, chấp nhận xa quê
Thu Hòa (36 tuổi, Thanh Hóa) là trường hợp "sợ quê" vì không chồng ở tuổi ngoài 30 khác. Hòa hiện là trưởng ban của một tờ báo điện tử lớn. Cô cũng được xem là hình mẫu của một người phụ nữ thành đạt của thời hiện đại. Tuy nhiên, thành đạt bao nhiêu trong cuộc sống xã hội, trong công việc, thì trong gia đình mình, Hòa lại trở thành đứa con bất hiếu bấy nhiêu vì chuyện "không chồng mà chửa" ở tuổi 36 của mình.
Sau khi ra trường, sau vài năm lăn lộn, 25 tuổi, Hòa trở thành một cây bút nổi tiếng của một tờ báo. Tuy nhiên, Hòa vẫn chưa có một tình yêu thực sự để đi đến hôn nhân. Công việc bận rộn cộng với sự mạnh mẽ trong tính cách khiến Hòa khó dung hợp được với những người con trai. Vậy nên, khi bạn bè đều có đôi có lứa, Hòa vẫn lẻ bóng. Thời điểm Hòa 25 tuổi cũng là lúc bạn bè của cô lần lượt đi lấy chồng.
Mỗi lần đi dự đám cưới của bạn là một lần cô được hỏi là bao giờ mình sẽ lập gia đình. Đáp lại sự hỏi han của các bạn, Hòa vẫn cố vô tư đáp "sắp rồi" dù trong lòng cô cũng có chút lo lắng, tủi thân. Có những người bạn tốt còn giới thiệu cho cô người này, người kia. Hòa cũng cố gặp gỡ để chiều lòng bạn bè song những người đàn ông được giới thiệu đều không khiến cô cảm thấy rung động hay cảm mến.
Những người con trai bằng tuổi thì cô thấy quá trẻ con, thiếu sự trưởng thành, cứ "nhàn nhạt". Còn những người lớn tuổi hơn thì đa phần đều chỉ có ý muốn tìm một người phụ nữ đã ổn định về làm vợ, làm mẹ mà không cần biết đến tình yêu. Sự tính toán của những người đàn ông đó khiến cho cô cảm thấy sợ. Hòa nói những cuộc hôn nhân như thế cũng khó bền bởi dù có tính toán như thế nào đi chăng nữa, trong một mối quan hệ vợ chồng cũng cần phải có tình yêu gắn kết.
Cũng có lần, Hòa thử nhắm mắt đưa chân, nhận lời yêu một người hơn mình 2 tuổi. Thế nhưng, chỉ yêu nhau chưa đầy nửa năm, anh ta đã đòi hỏi cô quá nhiều. Cảm thấy không hợp nên Hòa đã nói lời chia tay. Cô kể, hôm đó, cô hẹn anh ta ra nói chuyện. Cô nói rằng mình cảm thấy chưa sẵn sàng cho chuyện tình của hai người bởi cô và anh ta khác nhau quá nhiều. Vì thế, cô mong anh ta cho cô thời gian để suy nghĩ.
Trong thâm tâm của Hòa, thực sự cô muốn kết thúc chuyện tình cảm theo cách êm ái nhất có thể để không làm tổn thương hai bên, nhất là khi người đàn ông là do bạn của Hòa mai mối. Thế nhưng, những điều anh ta nói đã làm Hòa vô cùng sốc. Sau khi nghe Hòa nói xong, anh ta nhìn cô một cách đầy soi xét rồi buông ra một câu: "Em đã nói vậy thì anh cũng chịu. Anh đi mò mẫm ở nơi khác vậy".
Hòa chia sẻ, thực sự lúc đó cô đã cầu mong là cô nghe nhầm nhưng không phải. Bởi vẫn giữ thái độ đó, anh ta nói thêm rằng: "Mong em sớm kiếm được một anh khác khá hơn". Sau buổi nói chuyện hôm đó, Hòa đã mất cân bằng trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, Hòa bảo cũng may là mình chấm dứt sớm, chứ nếu cứ chấp nhận mà lấy bừa thì có lẽ bây giờ cuộc sống đã khổ.
Sau mối tình ngắn ngủi đó, Hòa quyết định không nhận lời mai mối nào nữa. Cô nghĩ rằng, chuyện tình cảm, có duyên thì sẽ đến với mình, còn nếu không có duyên, cứ cố đi tìm thì cũng chẳng tìm được. Vậy nên, cô quyết định không tìm kiếm cho mình một người chồng vội vã nữa. Khi quyết định như vậy, Hòa cảm thấy thanh thản hơn với chuyện tình duyên của mình. Bản thân việc đó cũng phù hợp với tính cách, lối sống có phần độc lập, ưa tự do của cô.
Song, cái khó của cô lại đến từ chính gia đình mình. Nhà Hòa ở quê có 4 người con gái. Hòa là con thứ 3 trong gia đình. Các chị em khác đều đã lập gia đình nên bố mẹ Hòa vô cùng sốt ruột. Mỗi lần về quê, Hòa lại nhận được vô số lời hỏi han, thúc giục từ các chị em, bố mẹ, người thân... Những lời thúc giục đó khiến cho Hòa trở nên căng thẳng, mệt mỏi hơn rất nhiều.
Không thể cứ đáp suông mãi được, Hòa đành trốn tránh tìm cách không phải về quê. Cô nói: " Cũng nhớ nhà nhưng lại ngại bố mẹ nhắc tới chuyện cưới xin nên lại thôi". Hòa tâm sự rằng ở quê không giống như ở Hà Nội, con gái học xong, có việc thì phải nghĩ đến lấy chồng. Nếu không thì bố mẹ sốt ruột, hàng xóm lại cũng sẽ đồn đoán, dị nghị, nhiều việc phức tạp, đau đầu lắm...
Hơn nữa, hoàn cảnh gia đình Hòa cũng khá đặc biệt. Trong họ, nhánh trên của nhà Hòa có một người cô không lấy chồng giờ đã hơn 50 tuổi. Không rõ có phải vì cô không lấy chồng hay không mà tính khí cô rất nóng nảy, cáu bẳn. Lúc bình thường, cô cũng làm mọi công việc đồng áng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn tược. Thế nhưng, nhiều khi cô cứ chửi ầm ĩ vô cớ rồi cáu bẳn đập đồ. Nhiều lúc cô lại bảo mình được bề trên gọi, nhập đồng rồi đòi lập điện thờ...
Gia đình cũng đưa cô đi khám chữa nhưng không tìm ra nguyên nhân. Thành ra, người ta cứ bảo rằng do cô không có chồng nên mới thế. Nay, đến lượt Hòa mãi vẫn chưa lấy được chồng nên hàng xóm lại càng được thể bảo rằng họ nhà cô có cái "mả" không chồng. Bố mẹ cô mỗi lần nghe thấy thế thì càng thúc giục con lấy chồng. Rồi còn nhiều những tin đồn đoán buồn cười xung quanh việc Hòa chưa lấy chồng ở tuổi 36.
Hòa kể, có một lần, không rõ đọc báo hay nghe ai nói về chuyện đồng tính mà trong dịp nghỉ lễ 30/4, khi cô về nhà, mẹ lại hỏi cô về chuyện đó. Mẹ cô không dám hỏi thẳng mà cứ nói gợi ý rằng sao vẫn chưa có ai thích, ai lấy. Mẹ cô nói rằng có phải cô không thích con trai không. Lúc ấy, không hiểu nhiều ý định của mẹ muốn ám chỉ nên Hòa cũng bảo rằng mình không thích con trai, không tìm được người ưng ý. Vậy là mẹ cô hốt hoảng hỏi dồn.
Một lúc sau, khi nói chuyện ra, Hòa mới vỡ lẽ ra việc mẹ lo sợ cô bị "lét lót" gì như thiên hạ nói. Rồi mẹ cô lại khóc. Hòa nói, điều cô sợ phải đối mặt ở quê không phải là những lời mắng của bố mà là nước mắt của mẹ. Mỗi lần mẹ khóc là cô không chịu được. Lúc đó, cô nghĩ, cô sẽ lấy chồng để mẹ yên lòng. Vậy nhưng, tìm mãi không được, nên cô đành chọn cách hạn chế về quê. Cô gọi điện hỏi han, gửi tiền và đồ đạc cho bố mẹ mỗi khi có dịp. Chỉ vào những dịp tết, cô mới về nhà để tránh khỏi những chuyện chưa chồng của mình.
Đến nay, khi đã 36 tuổi, Hòa nói, cô hiểu rằng mình không nhất thiết phải có một cuộc hôn nhân khi biết không có hạnh phúc. Vì thế, cô đã quyết định làm mẹ đơn thân. Cô đã có bầu được 6 tháng và chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện cần thiết để sinh con. Tuy nhiên, điều khiến Hòa đau buồn nhiều nhất chính là vì muốn tránh điều tiếng cho bố mẹ đã tuổi già sức yếu ở quê, cô không thể về nhà trong thời gian này.
Hòa nói rằng, cô sẽ tìm mọi cách để giải thích cho bố mẹ hiểu hoàn cảnh cũng như quyết định của mình. Bởi cô tin rằng, sự lựa chọn làm mẹ đơn thân với hạnh phúc rất riêng ấy của mình là hoàn toàn đúng đắn.
Theo 24h
Giữ gìn trinh tiết dễ hài lòng về hôn nhân hơn Bạn trẻ giữ gìn trinh tiết thường hạnh phúc hơn trong hôn nhân, sex quá sớm khó hài lòng về cuộc sống gia đình. Ảnh minh họa Tiến sỹ Paige Harden, ĐH bang Texas ở Austin (Mỹ) đã sử dụng dữ liệu để so sánh độ tuổi lần đầu tiên quan hệ tình dục, và sự hài lòng về mối quan hệ (cũng...