Em bé sơ sinh trong khu cách ly ở Sài Gòn: Chiến sĩ thay nhau bế bồng, chăm sóc
Ngày đầu về Việt Nam, em bé nhớ hơi mẹ, thèm sữa mẹ nên khóc không ngớt. Các chiến sĩ, y bác sĩ ở khu cách ly phải thay phiên nhau bế, chăm sóc, đút từng muỗng sữa cho bé ăn.
Mẹ nhờ bạn đưa con 3 tháng tuổi từ Hàn Quốc về Việt Nam
Ngày 15/3, một chuyến bay khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sang Hàn Quốc đón những người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập ở đây về nước. Trên chuyến bay này có một hành khách đặc biệt là em bé 3 tháng tuổi được mẹ gửi bạn đưa về nước cho ông bà ngoại chăm giúp.
Sau khi máy bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, em bé và những hành khách trên chuyến bay được đưa về khu cách ly của Trường Quân sự Quân khu 7 để thực hiện việc cách ly 14 ngày. Đến nay, họ đã cách ly được 10 ngày.
Khu cách ly Trường Quân sự Quân khu 7. Ảnh: Trương Thanh Tùng
Đại tá Đặng Văn Cảnh, Phó chủ nhiệm Chính trị Trường Quân sự Quân khu 7, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở khu cách ly cho biết, hầu hết mọi người có sức khỏe bình thường, tuân thủ việc cách ly tại đơn vị. Riêng em bé 3 tháng tuổi đã được chuyển đến Trung tâm y tế Quận 12 để tiện chăm sóc. Hiện sức khỏe của bé ổn định, các xét nghiệm đều có kết quả âm tính với Covid-19.
Ông Cảnh thông tin, ba mẹ bé quê ở một tỉnh miền Tây, đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Nhận thấy dịch bệnh ở nước sở tại phức tạp, họ gửi con về cho ông bà ngoại trông giúp. ‘Mẹ cháu gửi con cho bạn mang về giúp. Vợ chồng họ ở lại tiếp tục làm việc’, ông Cảnh nói.
‘Lúc đầu, mẹ cháu nghĩ, gửi con về nước rồi người bạn sẽ đưa đến nhà cho bố mẹ. Nhưng theo quy định, những người trở về từ vùng dịch thì phải cách ly 14 ngày. Khi đến sân bay, em bé và toàn bộ hành khách trên chuyến bay được đưa đến khu cách ly’, Đại tá Cảnh nói thêm.
Theo quy định, những người trở về từ vùng dịch thì phải cách ly 14 ngày. Ảnh: Trương Thanh Tùng
Mấy ngày đầu ở khu cách ly, em bé nhớ hơi mẹ, thèm sữa mẹ nên khóc không ngớt. Các chiến sĩ, y bác sĩ ở khu cách ly phải thay phiên nhau bế, pha sữa, thay quần áo, dỗ cho bé ngủ, đút từng muỗng sữa cho bé ăn.
‘Một đứa trẻ mới sinh đã phải xa mẹ, nhất là khi phải ngắt sữa mẹ đột ngột, thương lắm. Chắc vì hoàn cảnh ba mẹ cháu mới đành đoạn xa con’, ông Cảnh nói.
Nghe tin cháu ngoại đang ở trong khu cách ly, bà ngoại bé đến xin đưa về nhà chăm sóc, hứa sẽ thực hiện việc cách ly cho bé tại nhà nhưng không được chấp nhận. Sau đó, gia đình xin cho bà ngoại đến để trực tiếp chăm cháu. ‘Bà ngoại bé đã lớn tuổi, nếu vào khu cách ly có chuyện gì sẽ càng khó khăn hơn’, Đại tá Cảnh nói.
Video đang HOT
Hằng ngày các chiến sĩ ngoài đưa cơm, dọn dẹp còn lắng nghe những tâm tư, chia sẻ của người đang cách ly.
Một cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo quân khu và Sở Y tế TP.HCM bàn về các phương án tốt nhất cho bé đã diễn ra ngay sau đó. Phương án đưa bé đến Trung tâm y tế Quận 12 để bé được chăm sóc tốt hơn đã được lựa chọn.
Đại tá Cảnh cho biết, 10 ngày được các y bác sĩ chăm sóc ở một phòng riêng, hiện sức khỏe bé ổn định, bú sữa tốt và tăng cân. Trong 4 ngày tới, nếu không có gì phức tạp em sẽ được về sống cùng ông bà.
Bé trai 2 tháng tuổi trong khu cách ly
Đại tá Cảnh cho biết, ngoài em bé 3 tháng tuổi, khu cách ly còn tiếp nhận bé trai 1 tháng 22 ngày tuổi và bé hơn 10 tháng tuổi.
Vợ chồng anh Linh và con trai anh gần 2 tháng tuổi tại khu cách ly. Ảnh: Trương Thanh Tùng
Hiện em bé 10 tháng tuổi đang ở cùng ông bà ngoại. Em bé kia đang ở cùng bố mẹ. Các bé đều trở về từ Hàn Quốc và được ở một phòng riêng, được cung cấp sữa, tã, bình thủy, nước uống… theo yêu cầu của người thân.
Trong căn phòng ở tầng trệt của khu cách ly, bé trai 1 tháng 22 ngày tuổi ngủ say trên chiếc xe nôi, miệng nhóp nhép như đang ti sữa mẹ. Tranh thủ con ngủ, vợ chồng anh Hoàng Văn Linh, quê Hà Tĩnh gấp quần áo, rửa bình sữa, lau chùi chỗ ở, sắp xếp lại chăn, chiếu.
Anh Linh cho biết, vợ chồng anh cưới được gần 10 năm, có hai con trai, bé lớn hơn 8 tuổi. 4 năm trước, vợ chồng anh cùng sang Hàn Quốc làm việc, để con trai lớn cho bố mẹ anh nuôi giúp.
Anh Linh cho biết, vợ chồng anh làm việc ở Hàn Quốc được hơn 4 năm. Ảnh: Trương Thanh Tùng
Khi dịch bệnh Covid-19 ở nơi làm việc diễn biến phức tạp, hai vợ chồng quyết định về nước. Ngày 15/3, vợ chồng anh về đến sân bay Tân Sơn Nhất. ‘Chúng tôi được đưa đi cách ly ngay.
Ở đây, chúng tôi được các chiến sĩ, y bác sĩ chăm sóc rất chu đáo, tận tình. Các bữa ăn đảm bảo chất lượng. Các y bác sĩ, chiến sĩ thường xuyên đến thăm hỏi, động viên. Chúng tôi rất biết ơn và xin lỗi vì đã làm nhiều người phải vất vả vì mình’, anh Linh nói bằng giọng biết ơn.
Ông bố hai con cũng cho biết, hết 14 ngày cách ly, hai vợ chồng sẽ về quê và không có ý định trở lại Hàn Quốc.
Tùng Anh Nga
Bị từ chối khi gửi bia, thuốc lá vào khu cách ly
Thay vì gửi những đồ dùng thật sự cần thiết, nhiều người mang thuốc lá, bia rượu tiếp tế cho thân nhân ở khu cách ly ở Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội). Tất cả đều bị từ chối.
Trong những ngày qua, hàng trăm người mang đồ tiếp tế đến khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội) cho thân nhân. Hiện, nơi đây đã đón hơn 1.800 người về cách ly tập trung.
Các cán bộ của Thành đoàn Hà Nội chỉ tiếp nhận các nhu yếu phẩm và từ chối rượu, bia, thuốc lá, dao kéo, đồ điện... Tuy nhiên, nhiều người không biết quy định nên vẫn mang đến. Một chủ hàng tạp hoá năn nỉ để được gửi túi bia, thuốc lá nhưng không được. Chị cho biết đã nhận tiền của người nhà, giờ không chuyển vào được và không biết xử lý thế nào.
Một người thợ lắp chiếc quạt điện để gửi vào cho người nhà là du học sinh từ Mỹ về. Nhưng sau khi lắp xong, không được tiếp nhận, anh lại phải tháo ra mang về.
Trước đó, phát biểu trong cuộc họp phòng chống Covid-19 của Bộ Quốc phòng, thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên (Cục trưởng Quân y) cho biết việc tiếp tế lương thực của các gia đình cho người đang cách ly là không cần thiết. Sau đó, đồ ăn được mọi người chia sẻ cho nhau, hoặc tụ tập ăn uống không đúng vị trí quy định tạo nguy cơ lây nhiễm chéo. Trong ảnh, người thân gửi 2 gói bánh gấu cho một du học sinh.
Chị Hiền gửi đồ cho em là du học sinh từ Anh về. Em chị cho biết điều kiện ăn ở rất đảm bảo. Phòng rộng mà mỗi phòng chỉ 4 người nên khá thông thoáng. Tuy nhiên, gia đình lo lắng về nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly nên gửi nước muối, khẩu trang, nước rửa tay và dặn em sử dụng thường xuyên để đảm bảo an toàn.
Về phía lực lượng làm nhiệm vụ, anh Phạm Văn Diện, cán bộ Thành đoàn Hà Nội, cho biết việc đeo găng tay cả ngày khá khó chịu vì gây tích tụ mồ hôi. Nhiều người còn bị lên mụn nước. Mặt khác, do việc sát khuẩn bằng cồn thường xuyên nên găng tay rất dễ rách.
Cán bộ thành đoàn còn phải ghi tên, vận chuyển hành lý của những người cách ly. Do đi từ nước ngoài về, nhiều người mang theo 4-5 kiện.
Hành lý của người cách ly sẽ được chuyển lên xe. Sau đó, chúng sẽ được khử trùng trước khi trao trả cho chủ nhân.
Mỗi ngày 2 lần, Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội cử xe đến lấy rác. Rác thải tại khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp sẽ được phun khử trùng và chở về nơi tập kết. Trước khi đưa vào lò đốt, số rác này sẽ được phun khử trùng một lần nữa để đảm bảo an toàn.
Toà nhà A1 khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp có quy mô 19 tầng nổi, một tầng hầm. Các tầng có 14 phòng ở và một phòng sinh hoạt chung, mỗi phòng có 8 giường. Công suất tiếp nhận tại toà nhà này khoảng 2.000 người. Nơi đây bắt đầu tiếp nhận người vào cách ly từ ngày 18/3 cho đến khi hết dịch.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội ngày 23/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định người cách ly đang được đảm bảo các điều kiện tốt tại các khu cách ly tập trung. Vì vậy, ông đề nghị người thân của họ không gửi đồ ăn vì rất có thể trong quá trình gửi đồ sẽ gây ra nguy hiểm do đồ ăn chưa được khử khuẩn.
"Các đơn vị quản lý không nhận đồ ăn, đồ dùng mà người nhà gửi cho người đang thực hiện cách ly", ông Chung đề nghị.
Bình Định dừng các hoạt động karaoke, vũ trường, massage... vì lo ngại dịch Covid -19 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu dừng tất cả các hoạt động karaoke, vũ trường, massage... để phòng dịch Covid-19. Phun thuốc tiêu độc, khử trùng phòng dịch bệnh Covid-19 tại sân bay Phù Cát (Bình Định) Ảnh: Hoàng Trọng Chiều 25.3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo tình hình...