Em bé ngơ ngác khi mẹ chết ở ga tàu
Video một em bé cố đánh thức người mẹ qua đời ở ga tàu bang Bihar gây phẫn nộ về cuộc khủng hoảng nhân đạo giữa Covid-19.
Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy thi thể của người phụ nữ 23 tuổi nằm trên sân ga Muzaffarpur, bang Bihar, phía đông Ấn Độ, hôm 25/5. Cậu con trai nhỏ của cô dường như ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra, vẫn loay hoay kéo tấm vải phủ trên người mẹ.
“Đứa bé đang tìm cách lay mẹ dậy, người đã chết vì đói khát trên chuyến tàu từ Gujarat tới Bihar. Đây là những cái chết vô nghĩa, Bộ trưởng Đường sắt và Thương mại Piyush Goyal cùng chính phủ của ông là những người có lỗi. Các ông thật đáng hổ thẹn”, nhà hoạt động chính trị Ấn Độ Gaurav Pandhi viết khi đăng video lên Twitter.
Người phụ nữ chết ở ga tàu Muzaffarpur, bang Bihar, phía đông Ấn Độ, hôm 25/5. Video: Twitter/ GauravPandhi
Giới chức địa phương cho biết nạn nhân tử vong ít phút trước đó trên một chuyến tàu đặc biệt của chính phủ Ấn Độ nhằm giải cứu hàng trăm nghìn lao động nhập cư nghèo đang mắc kẹt ở các thành phố lớn do lệnh phong tỏa ngăn Covid-19.
Người phụ nữ bắt chuyến tàu từ thành phố Ahmedabad, bang Gujarat, hôm 23/5 để cùng hai con, em gái và em rể, về quê ở Katihar, bang Bihar. Tuy nhiên, cô đã chết vì “ nóng, đói và mất nước” khi tàu tới ga Muzaffarpur, nơi còn cách quê nhà hơn 320 km, truyền thông Ấn Độ dẫn lời gia đình nạn nhân cho hay.
Phát ngôn viên Bộ Đường sắt Ấn Độ xác nhận cái chết của người phụ nữ, nhưng nói rằng cô đã không được khỏe từ trước khi lên tàu. Bộ này cũng bác bỏ cáo buộc rằng chuyến tàu đặc biệt không cung cấp đủ đồ ăn, thức uống cho hành khách, gọi đây là “tin giả”.
Sự việc phần nào phản ánh cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra ở Ấn Độ, khi hàng trăm nghìn lao động nghèo rơi vào cảnh bế tắc do chính phủ áp lệnh phong tỏa để kiềm chế Covid-19 từ hôm 25/3.
Mất việc làm, không còn tiền, họ tìm cách trở về quê nhà cách xa hàng trăm km trong tuyệt vọng bằng xe đạp hay thậm chí đi bộ. Hơn 100 người đã chết trong những hành trình này, một số người bị tàu hỏa đâm hoặc thiệt mạng do tai nạn trên đường cao tốc. Số khác chết vì đói và khát.
Những thông tin về tình cảnh của lao động nhập cư và áp lực từ các đảng đối lập đã buộc chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi phải tổ chức các chuyến tàu đặc biệt đưa họ về quê. Tuy nhiên, các lao động phải hoàn thành các thủ tục giấy tờ theo quy định, sàng lọc Covid-19 và xếp hàng dài chờ đợi giữa trời nắng nóng.
Ấn Độ hiện ghi nhận hơn 150.000 ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 4.300 ca tử vong. Với lệnh phong tỏa đã được nới lỏng ở một số khu vực, số ca nhiễm mới hàng ngày bắt đầu có xu hướng tăng mạnh.
Cậu bé phải ngủ ở công viên mùa dịch đoàn tụ bố mẹ nhờ dân mạng
Bố mẹ mắc kẹt ở thành phố khác do dịch, bản thân bị họ hàng đuổi ra khỏi nhà, cậu bé ở Ấn Độ được đoàn tụ với gia đình nhờ sức mạnh của cộng đồng mạng.
Do Ấn Độ thực hiện phong tỏa toàn quốc để chống dịch Covid-19, nhiều người dân, nhất là các lao động nghèo tại thành phố lớn bị mắc kẹt, không thể về quê nhà.
Trong số này có bố mẹ của một cậu bé 12 tuổi. Trước khi phong tỏa, cặp vợ chồng rời khỏi nhà đến bang Bihar để kiếm việc làm, để con trai cho người chú ở bang Delhi chăm sóc. Tuy nhiên sau một cuộc cãi vã trong gia đình, người chú này đuổi cậu bé ra ngoài giữa bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Bố mẹ đang bị mắc kẹt, bản thân không còn nơi nào để đi, cậu bé phải sống lang thang, ngủ tạm ở một công viên tại thành phố Dwarka, Delhi.
Một người dân sống gần công viên thường ra chăm sóc những chú chó hoang đã phát hiện cậu bé đang ở cùng đàn chó. Người này cho em thức ăn và nước uống để cầm cự đồng thời hỗ trợ cậu tìm cha mẹ, theo Gulfnews.
Cậu bé 12 tuổi ngủ cùng chó hoang trong công viên tại Ấn Độ.
Ngày 23/5, tình hình có tiến triển khi cảnh sát Arun Bothra biết được hoàn cảnh của cậu bé và quyết định đăng tải câu chuyện lên mạng, kêu gọi mọi người cùng chia sẻ để em tìm lại được cha mẹ.
Một nhà hoạt động vì động vật sau đó phát hiện cha mẹ cậu bé bị mắc kẹt ở quận Samastipur, bang Bihar.
Nhờ sự lan tỏa của dân mạng, chính quyền địa phương nhanh chóng hành động, giúp cậu bé 12 tuổi. Sau khi bố mẹ em được hỗ trợ sắp xếp lên một chuyến xe từ Bihar về Delhi, gia đình 3 người hiện đã đoàn tụ.
"Một hành trình ngắn nhưng đầy đau đớn của cậu bé. Cảm ơn các nhà chức trách đã hành động nhanh chóng. Nhờ những nỗ lực và sự ủng hộ của các trái tim nhân hậu, cả gia đình đã có một cái kết đẹp", @NannuK7 bày tỏ.
Cậu bé được đoàn tụ cùng bố mẹ nhờ sự lan tỏa của cộng đồng mạng.
Tài khoản @harmony1960 bày tỏ sự bức xúc trước hành động của người họ hàng: "Thật vô nhân tính khi ném một đứa trẻ như vậy ra ngoài đường khi không có ai bên cạnh, dù là trong thời gian dịch bệnh hay không. Những người họ hàng đó thật đáng xấu hổ và họ nên tự xem lại bản thân mình".
Lệnh phong tỏa trên diện rộng tại Ấn Độ được kéo dài đến 31/5 như một nỗ lực để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên chính sách này đồng thời đẩy hàng triệu người vốn chật vật kiếm ăn từng ngày đến bờ vực nghèo đói.
Sau nhiều tuần vấp phải chỉ trích và nhiều câu chuyện đau lòng về người lao động trong mùa dịch được đăng tải, chính phủ nước này đang dần nới lỏng các quy định, tổ chức tàu lửa và xe buýt hỗ trợ người lao động di dân trở về quê nhà.
Không đủ tiền đi xe khách, cô gái đạp xe chở bố hơn 1.200 km về quê Thấy chân bố bị thương, Jyoti Kumari (15 tuổi, Ấn Độ) dùng xe đạp chở ông đi hơn 1.200 km về quê do cả hai không đủ tiền đi xe khách. Nữ sinh Jyoti Kumari (15 tuổi) mới đây được truyền thông Ấn Độ ca ngợi về lòng dũng cảm khi đạp xe chở bố về quê tránh dịch. Cụ thể, hai bố...