Ecuador tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên
Chính phủ Ecuador ngày 20/1 thông báo đã tiếp nhận 8.000 liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của hãng Pfizer và sẽ triển khai ngay chương trình tiêm chủng một ngày sau đó.
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer- BioNtech. Ảnh: AFP/TTXVN
Các bác sĩ, nhân viên bệnh viện cùng nhóm những người sống và làm việc trong các trung tâm lão khoa sẽ là những đối tượng được chủng ngừa trước tiên.
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, phát biểu tại sân bay quốc tế Quito trong lễ tiếp nhận lô vaccine trên, Phó Tổng thống María Alejandra Muoz nhấn mạnh đối với Ecuador đây là một khởi đầu đầy hy vọng của năm 2021 với việc đảm bảo phòng ngừa cho những đối tượng dễ bị tổn thương đầu tiên.
Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Juan Carlos Zevallos cho hay một phần của lô vaccine trên sẽ được chuyển tới thành phố cảng Guyaquil, một trong những vùng chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này. Ông cũng cho biết thêm vào cuối tháng 2 tới, Ecuador sẽ nhận thêm 86.000 liều, từ tháng 3 trở đi các lô vaccine tiếp theo sẽ được tiếp tục chuyển tới nước này và được phân phối theo thứ tự, trước tiên là các thành viên của quân đội, cảnh sát, các ngành chiến lược, sau đó là cho tất cả những người dân Ecuador quyết định tự nguyện tiêm phòng.
Video đang HOT
Trước đó, Ecuador đã đàm phán mua 18 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của 3 hãng dược Pfizer, AstraZeneca và Covaxx với trị giá khoảng 200 triệu USD nhằm chủng ngừa cho 60% dân số nước này. Chương trình tiêm phòng đại trà của Ecuador dự kiến bắt đầu từ tháng 3 cho tới tháng 10 năm nay.
Hiện dịch COVID-19 đã khiến 234.000 người tại Ecuador mắc bệnh, trong đó 14.437 người tử vong.
* Tại Mỹ, cơ quan y tế bang California ngày 20/1 xác nhận lô vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna an toàn và có thể nối lại chương trình tiêm chủng bằng vaccine này. Chương trình đã phải tạm dừng vào ngày 17/1 do một số người được chủng ngừa có thể đã xuất hiện các triệu chứng phản ứng với thuốc.
Hãng dược Moderna ngày 19/1 cho biết đã nhận được thông báo từ cơ quan y tế California rằng một số người sau khi tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 của hãng ở một trung tâm tiêm chủng tại San Diego đã phải xử lý các triệu chứng phản ứng thuốc. Sau khi thảo luận với các cơ quan chức năng khác của Mỹ, trong đó có Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, Cơ quan y tế bang California cho rằng không có cơ sở khoa học nào để tiếp tục ngừng chương trình tiêm chủng tại bang này.
Moderna cho biết vaccine của hãng sẽ tiếp tục được phân phối tại California. Theo Moderna, hãng này cũng không nhận được báo cáo về các trường hợp tương tự ở các trung tâm tiêm chủng khác cũng sử dụng cùng lô vaccine như ở San Diego hoặc lô khác.
Nhật Bản mua thêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech
Ngày 20/1, Chính phủ Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận với công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ về việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng này nhằm đảm bảo có đủ vaccine cho 72 triệu người trong năm nay.
Kiểm tra thân nhiệt hành khách nhằm phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 tại cảng Daikoku ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, năm ngoái, nước này cũng đã đạt thỏa thuận với Pfizer về việc mua vaccine ngừa COVID-19 cho 60 triệu người (gần một nửa trong số 126 triệu dân). Với thỏa thuận mới đạt được trên, Nhật Bản sẽ có thêm vaccine cho 12 triệu người, nâng tổng số người sẽ được chủng ngừa lên 72 triệu.
Vaccine của Pfizer/BioNTech là loại vaccine ngừa COVID-19 duy nhất đến nay được bộ trên xem xét và còn chờ được chính phủ nước này phê chuẩn. Thủ tướng Suga Yoshihide từng tuyên bố Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 2 tới.
Theo kế hoạch, nhân viên y tế sẽ là nhóm người được tiêm chủng đầu tiên, sau đó đến những người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên được tiêm vào cuối tháng 3 và tiếp theo là những đối tượng khác.
Sau khi chứng kiến số ca mắc mới bệnh COVID-19 tăng vọt, ngày 7/1, Thủ tướng Suga đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng đối với thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, sau đó mở rộng ra 7 tỉnh, thành khác.
* Tại Israel, ngày 20/1, một quan chức y tế cấp cao cho biết nước này đã đưa phụ nữ mang thai vào đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vì không thấy có nguy cơ rủi ro cho họ và thai nhi.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Modiin, Israel. Ảnh: THX/TTXVN
Quyết định này được đưa ra sau khi một số thai phụ phải nhập viện trong tuần này do xuất hiện những biến chứng của bệnh COVID-19. Theo truyền thông Israel, ít nhất 1 thai phụ phải dùng máy thở và sinh con bằng phương pháp sinh mổ. Theo đó, giới chức Israel khuyến cáo các thai phụ, chủ yếu là những người có nguy cơ mắc bệnh cao, đi tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Israel đã bắt đầu tiến hành chương trình tiêm chủng từ ngày 19/12/2020, trong đó ưu tiên người cao tuổi và một số nhân viên thực hiện những công việc khẩn cấp. Hiện hơn 1/4 người dân Israel đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech.
Người phát ngôn công ty dược Pfizer cho biết việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho phụ nữ mang thai phụ thuộc vào quyết định của cơ quan y tế sở tại. Trong khi đó, cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu hồi tháng trước cho rằng việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho thai phụ cần phải được cân nhắc với từng trường hợp cụ thể.
* Cùng ngày, Vatican bắt đầu chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 miễn phí cho người vô gia cư ở Rome. Trong ngày đầu tiên, 25 người đã được chủng ngừa. Công tác tiêm chủng sẽ tiếp tục diễn ra vào những ngày tới. Tuần trước, Giáo hoàng Francis, 84 tuổi, và cựu Giáo hoàng Benedict, 93 tuổi, đã được tiêm mũi đầu tiên.
Pfizer chậm bàn giao vaccine, Italy cảnh báo hành động pháp lý Ngày 19/1, ủy viên đặc biệt phụ trách ứng phó với COVID-19 của Italy Domenico Arcuricho cảnh báo nước này sẽ có hành động pháp lý nhằm vào hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ liên quan đến việc chậm bàn giao vaccine ngừa COVID-19. Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN Theo ông Arcuricho, việc bảo vệ sức khỏe người dân Italy không...