ECsẽ sớm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam?
Ngày 31.10, đoàn công tác của Ủy ban Nghề cá Nghị viện châu Âu gồm 22 người (trong đó có 8 nghị sĩ) đã đến Bình Định để làm việc về tình hình thực hiện giải pháp, nhiệm vụ chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Tại đây, đoàn Nghị viện đã ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng của tỉnh Bình Định và hy vọng những nỗ lực này sẽ đưa đến kết quả EC sớm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
Xử lý nghiêm vi phạm IUU
Ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh này có đội tàu gồm 6.128 chiếc (trong đó: 2.923 tàu đánh bắt xa bờ, còn lại là vùng lộng và ven bờ) với khoảng 44.350 người tham gia khai thác, sản lượng thủy sản khai thác được năm 2017 là 223.000 tấn.
Theo ông Hổ, để triển khai việc chống khai thác IUU và các khuyến nghị của EC, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành 13 văn bản, Sở NNPTNT ban hành 16 văn bản tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC. Đặc biệt, UBND tỉnh đã tổ chức 6 cuộc họp chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt các hoạt động liên quan đến chống khai thác IUU.
“Chúng tôi thu hồi giấy phép khai thác thủy sản, xóa đăng ký tàu cá, công bố danh sách tàu cá vi phạm khai thác IUU lên trang thông tin điện tử của Bộ NNPTNT. Tổ chức kiểm điểm và công bố danh sách tàu cá, chủ tàu, thuyền viên vi phạm trên đài phát thanh địa phương. Đồng thời, chuyển hồ sơ tàu cá vi phạm cho cơ quan chức năng để thu thập chứng cứ và xử lý hành vi vi phạm của chủ tàu, thuyền trưởng”- ông Hổ nói.
Đoàn công tác của Ủy ban Nghề cá Nghị viện châu Âu trò chuyện vui vẻ cùng ngư dân Bình Định. Ảnh: D.T
Cũng theo ông Hổ, tỉnh Bình Định đã kiểm điểm trách nhiệm 7 lãnh đạo UBND xã và 2 huyện để tàu cá xảy ra vi phạm. Cùng với đó là tăng cường nâng cấp hệ thống giám sát hành trình trên biển, nâng cao năng lực quản lý tại các cảng cá, kiểm tra kiểm soát tàu cá xuất nhập bến tại các cảng cá, tăng cường công tác tuần tra trên biển về chống khai thác IUU và trong 9 tháng đầu năm 2018 đã xử lý 69 tàu cá vi phạm.
Ông Nguyễn Anh Dũng- Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá Quy Nhơn khẳng định, quy trình kiểm soát tàu cá và xác nhận nguồn gốc thủy sản tại cảng được diễn ra rất chặt chẽ.
“Nhân viên kiểm soát luôn theo dõi 100% tàu cập cảng, kiểm tra sản lượng và thông báo ngay cho phòng đăng ký. Tiến hành làm thủ tục đăng ký cập cầu cho tàu, thu nhận nhật ký khai thác và báo cáo sản lượng từ thuyền trưởng, chủ tàu cá. Bên cạnh đó, tổ chuyên trách sẽ kiểm tra sản lượng để kiểm soát sản lượng, chủng loại thủy sản thực tế lên cảng,đối chiếu với số lượng trong nhật ký khai thác và khai thác số lượng. Lập biên bản xử lý nghiêm các tàu cá không tuân thủ quy định về chống khai thác IUU”- ông Dũng cho hay.
Lời khen từ nghị sĩ EC và quyết tâm của BìnhĐịnh
Video đang HOT
Ông Mato Gabriel – Trưởng đoàn Nghị viện châu Âu đã đánh giá cao những cố gắng của tỉnh Bình Định và hy vọng những nỗ lực này sẽ giúp đưa đến kết quả là EC sớm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
“Bình Định đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ thẻ vàng của EC, tôi muốn hiểu rõ hơn về việc thực thi những văn bản này như thế nào? Đặc biệt, khi thực hiện Luật Thủy sản mới thì việc phối hợp giữa các cơ quan và liệu ngư dân có nhận thức rõ luật, họ có chấp nhận và sẵn sàng tham gia chống đánh bắt IUU hay không? Bởi vì cuộc chiến chống đánh bắt IUU phải có sự tham gia của tất cả các bên và tỉnh đã đủ nguồn lực, tài chính để kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền hay chưa”- ông Mato Gabriel chất vấn.
Ông Serrão Santos Ricardo – Nghị sĩ Nghị viện châu Âu cho rằng, hiện nay người tiêu dùng châu Âu rất thích ăn thủy sản và chế độ ăn uống đang dịch chuyển dần sang ăn thủy sản nhiều hơn. Vì vậy, Liên minh châu Âu rất quan tâm đến tồn tại nguồn lợi thủy sản, làm sao để còn lại cho thế hệ tương lai và coi việc đánh bắt trái phép, không báo cáo là vấn đề chung của toàn cầu.
“Hiệp định thương mại tự do đang đàm phán giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam phải gắn kết về tính bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và ngăn chặn khai thác gỗ trái phép. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống khai thác IUU và tôi rất hài lòng khi nhận thấy Việt Nam đã gia nhập và coi việc chống khai thác IUU là vấn đề đáng quan tâm. Thực tế, Việt Nam đã thông qua các khuôn khổ pháp lý và tiến hành thực thi kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền chống đánh bắt IUU” – ông Serrão Santos Ricardo nói.
Ông Marinho E. Pinto Antonio – Nghị sĩ Nghị viện châu Âu đã dành lời khen khi cho rằng tỉnh Bình Định đã rất kỹ lưỡng trong việc cung cấp thông tin khai thác thủy sản.
“Cuộc chiến chống đánh bắt IUU có thể sẽ đạt thành công lớn, cũng có thể gặp những điều không mong muốn nhưng điều quan trọng nhất là ý chí quyết tâm, thể hiện ý chí chính trị, tôi thấy được hệ thống chính trị Việt Nam đã tham gia và đưa ra biện pháp thực thi chống đánh bắt IUU”, ông Marinho nói.
“Cá nhân tôi rất cảm ơn những thông tin, giải thích từ phía Việt Nam trong các cuộc họp và tôi hoàn toàn bị thuyết phục, tin tưởng Việt Nam thẳng thắn, trung thực và quyết tâm cao trong việc chống đánh bắt IUU”, Nghị sĩ Marinho E. Pinto Antonio.
Trả lời các câu hỏi của đoàn Nghị viện châu Âu, ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định chính ông là người ký quyết định ban hành những văn bản, yêu cầu các cơ quan chức năng và ngư dân phải vào cuộc quyết liệt để chống đánh bắt IUU.
“Chúng tôi đã chỉ đạo phải chứng nhận được nguồn gốc thủy sản đã khai thác tại các cảng cá ở Bình Định. Các ngư dân phải khai báo ngư trường đánh bắt, số lượng để tổ nghiệp vụ kiểm tra, chứng nhận rồi mới được mang bán. Chủ tàu phải mở máy thiết bị Movimar để 4 trạm bờ giám sát tự động. Để an toàn, các tàu trước khi xuống bến phải được kiểm định chất lượng, cấp giấy phép hành nghề 1 năm, nếu quá thời hạn này tàu không đăng ký lại thì không cho hoạt động”- ông Châu cho hay.
Theo ông Châu, 2 năm gần đây, các Chủ tịch huyện phải chịu kiểm điểm trước Chủ tịch tỉnh về vấn đề địa phương có ngư dân khai thác thủy sản trái phép. Ngư dân phải cam kết với chính quyền không được khai thác trái phép, những tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ sau khi về nước, tỉnh cũng đã xử lý nghiêm.
ÔngChâu thông tin, tỉnh có đội tàu đánh bắt xa bờ với hơn 2.000 chiếc, chủ yếu hành nghề câu và lưới vây.
“Một số tàu hành nghề lưới kéo, giã cào thì chúng tôi không cho hoạt động nữa. Bên cạnh đó, thời gian tới tỉnh sẽ mở rộng nuôi trồng thủy sản trong bờ, mỗi năm tổ chức 3 lần thả cá xuống biển. Chúng tôi nhận thấy việc chống khai thác IUU là vấn đề rất quan trọng, tỉnh đã tạo mọi điều kiện để kiểm tra, giúp ngư dân hành nghề đúng chuẩn mực. Việc ngăn chặn khai thác gỗ và đánh bắt thủy sản trái phép, chúng tôi quyết tâm bằng mọi cách phải làm cho bằng được”- ông Châu khẳng định.
Ông Marinho E Pinto Antonio: Tôi sẽ kiến nghị sớm gỡ bỏ “thẻ vàng”
“Sau khi quay về nước, tôi sẽ về tuyên truyền giúp Việt Nam trong nhóm Đảng chính trị của tôi tại Nghị viện châu Âu cũng như trong Ủy ban Nghề cá Nghị viện châu Âu về việc đồng ý sớm gỡ bỏ thẻ vàng cho thủy sản cho Việt Nam. Cá nhân tôi sẽ tuyên truyền thông tin cho các nghị sĩ khác trong Nghị viện châu Âu để họ có thể ủng hộ việc ký kết phê chuẩn hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam”.
Ông Trần Châu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Nỗ lực và hy vọng
“Sau khi EC phạt thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam, tỉnh Bình Định đã có nhiều nỗ lực để thực hiện các khuyến nghị của EC, chống đánh bắt IUU. Chúng tôi hy vọng với chuyến kiểm tra và giám sát này, đoàn EC sẽ thấy được những kết quả nỗ lực của tỉnh. Chúng tôi hy vọng đến 1.1.2019, EC sẽ gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam”.
Ông Nguyễn Anh Dũng – Phó GĐ BQL cảng cá Quy Nhơn: Cấm tàu xuất bến khi thiếu an toàn
“Trước khi tàu rời cảng, thuyền trưởng phải thông báo ít nhất trước 1 giờ cho BQL cảng cá để kiểm tra. Tàu cá không được xuất bến trong các trường hợp: Không đảm bảo an toàn cho người và tàu, có hành vi vi phạm pháp luật thuộc trường hợp bị tạm giữ phương tiện, có lệnh bắt giữ, tạm giữ tàu cá theo quyết định của tòa án. Sau khi kiểm tra, phó giám đốc phụ trách trực tiếp cảng sẽ ký giấy xuất bến đi khai thác thủy sản”.
Dũ Tuấn (ghi)
Theo Danviet
Nông nghiệp 9 tháng: Xuất khẩu thủy sản tăng kỷ lục 6,35 tỷ USD
Kết quả sản xuất ngành nông nghiệp tháng 9 và 9 tháng qua cho thấy bức tranh khả quan về tình hình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng ngành. Trong đó, nổi bật là các "ngôi sao": thủy sản, lâm nghiệp..
Mặc dù phải đối mặt với 14 loại hình thiên tai với những tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông lâm thủy sản (Tổng thiệt hại vê kinh tê ước tính trên 12.356 tỷ đồng), nhưng nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành vẫn đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ, cơ bản đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Theo số liệu ước tính sơ bộ, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng ước tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó: Nông nghiệp tăng 2,81% (trồng trọt tăng 3,0%, chăn nuôi tăng 2,41%); lâm nghiệp tăng 6,0%; thuỷ sản tăng 6,46%. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm đạt 3,65%.
Thủy sản dẫn đầu toàn ngành với mức tăng trưởng 6,46% so với cùng kỳ năm 2017. Ảnh: IT
Đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn ngành, có vai trò nổi bật của các lĩnh vực thuỷ sản (giá trị sản xuất tăng 6,46%), lâm nghiệp (tăng 6%), trồng trọt (tăng 3%), và chăn nuôi (tăng 2,41%); những sản phẩm tăng mạnh về giá trị và sản lượng là lúa gạo, rau quả, thịt gia cầm xuất khẩu, cá tra, gỗ và sản phẩm của gỗ.
Như mặt hàng lúa gạo, tính đến hết tháng 9, cả nước đã gieo cấy được 7.262,4 nghìn ha lúa, giảm so với cùng kỳ; thu hoạch được 5.157 nghìn ha. Mặc dù diện tích gieo cấy giảm (160,6 nghìn ha) nhưng năng suất bình quân ước đạt 61,6 tạ/ha, tăng khoảng 2,7 tạ/ha nên sản lượng lúa tăng ước đạt 31,7 triệu tấn, tăng 1,2 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2017; riêng Vụ Đông xuân, năng suất ước đạt 66,4 tạ/ha, tăng 4,1 tạ/ha, sản lượng lúa ước đạt 20,6 triệu tấn, tăng 1,2 triệu tấn (5,8%) so với vụ Đông xuân năm trước.
Xuất khẩu lâm nghiệp về đích thứ 2 với mức tăng 6% trong tháng 9. Ảnh: IT
Chín tháng đầu năm, dịch bệnh trên vật nuôi được khống chế tốt, tính đến ngày 24/9, không có địa phương nào có dịch tai xanh, lở mồm long móng và cúm gia cầm. Trong tháng 9, thị trường tiêu thụ và giá các sản phẩm thịt bò, thịt gia cầm ổn định; giá thịt lợn duy trì mức giá cao (thịt lợn hơi khoảng 50.000 - 55.000 đồng/kg), người chăn nuôi có lãi, bên cạnh đó các cơ sở chăn nuôi đang chuẩn bị nguồn hàng, phục vụ cho dịp lễ, tết cuối năm 2018 nên tổng đàn lợn cả nước đã tăng nhanh hơn so với thời gian trước. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 9 tháng ước đạt 405 triệu USD, tăng 5,2%.
Với ngành lâm nghiệp, thời tiết tương đối thuận lợi cho công tác trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng; khai thác gỗ đạt khá do thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ mở rộng. Luỹ kế đến ngày 25/9, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 161,2 nghìn ha, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; rừng trồng được chăm sóc đạt 433,7 nghìn ha, giảm 13,1%; giao khoán bảo vệ rừng đạt 5.872,1 nghìn ha, tăng 10,7%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 9,1 triệu m3, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2017. Đến nay, cả nước đã thu được 1.798 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 77,2% kế hoạch năm, tăng 76% (781 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2017; đã chi tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2018 là 434,4 tỷ đồng.
Chín tháng đầu năm cũng là giai đoạn nước rút thực hiện các khuyến nghị của EC nên việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác được triển khai rộng khắp.
Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để xây dựng khung pháp lý chặt chẽ quản lý khai thác hải sản để giảm thiểu khai thác tận diệt, hướng tới khai thác ổn định, bền vững. Lũy kế 9 tháng, sản lượng ước đạt 5,5 triệu tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 2,58 triệu tấn ( 5,1%), nuôi trồng ước đạt 2,93 triệu tấn ( 6,6%). Trong đó, sản lượng thuỷ sản tháng 9 ước đạt 669 nghìn tấn, tăng 6,0% so với tháng 9/2017.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng ngành trong quý IV, từng tháng phải phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, theo đó: Trong tháng 10, sản xuất trồng trọt: Sản lượng lúa thu hoạch phải đạt tối thiểu 4,2 triệu tấn, ngô: 505.000 tấn, chè: 44.900 tấn, cà phê: 517.000 tấn, cao su: 115.100 tấn; chăn nuôi lợn đạt sản lượng thịt từ 325.000 tấn, gia cầm đạt từ 95.000 tấn trở lên.
Lâm nghiệp: Sản lượng gỗ khai thác phải đạt trên 1.298 nghìn m3 gỗ. Thủy sản: Sản lượng phải đạt trên 736.000 tấn, trong đó khai thác: khoảng 295.000 tấn; nuôi trồng: khoảng 440.000 tấn. Xuất khẩu đạt trên 3,80 tỷ USD. Phấn đấu có thêm 30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tập trung nâng cao chất lượng từng tiêu chí nông thôn mới.
Tháng 9, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản ước đạt 3,37 tỷ USD tăng 9,93% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 9 tháng ước đạt 29,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 73% kế hoạch năm và vượt 1,3% mục tiêu Quý đã đề ra, trong đó một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng mạnh và vượt mục tiêu như gạo, tăng 23,1% (2,48/2,02 tỷ USD); lâm sản chính tăng 3,1% (6,62/6,55 tỷ USD) và rau quả vượt 1,0% (3,034/3,004 tỷ USD).
Theo Danviet
Tôm, cá sẽ "gánh" 9 tỉ USD cho ngành thủy sản năm 2018 Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành thủy sản diễn ra sáng (16/1), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, ngành sẽ tiếp tục phát huy lợi thế các đối tượng nuôi là tôm và cá tra, trong đó ưu tiên các mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao để hướng tới mục tiêu 9 tỉ...